| Hotline: 0983.970.780

Người nuôi tôm Đất Cảng gặp khó

Thứ Hai 14/03/2022 , 11:08 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Tôm nuôi bị chết hoặc còi cọc còi cọc, giá trị thấp khiến nhiều người nuôi tôm ở Hải Phòng trắng tay sau nhiều vụ, buộc phải tạm nghỉ hoặc chỉ nuôi cầm chừng.

Bán hết nhà cửa vì tôm

Những năm gần đây, nhiều đầm nuôi thủy sản nước lợ với đối tượng nuôi là tôm thẻ chân trắng thường bị thiệt hại khi tôm đã lớn bằng đầu đũa, nhất là tại các vùng nuôi tôm tập trung của quận Đồ Sơn, Dương Kinh và huyện Tiên Lãng.

Khu vực nuôi tôm ở phường Tân Thành, quận Dương Kinh. Ảnh: Đinh Mười.

Khu vực nuôi tôm ở phường Tân Thành, quận Dương Kinh. Ảnh: Đinh Mười.

Ghi nhận tại phường Tân Thành, quận Dương Kinh, một trong những nơi có diện tích nuôi tôm lớn của TP Hải Phòng với tổng diện tích nuôi gần 200ha, dù đã chuẩn bị vào vụ mới nhưng không khí tại các đầm khá ảm đảm, chưa thấy có sự chuẩn bị từ người dân.

Chỉ tay ra khu vực 3 cái ao lớn xác xơ, anh Nguyễn Văn Mạnh, người nuôi tôm tại tổ dân phố Tân Lập, phường Tân Thành chậm rãi cho biết, do năm 2021 bị thiệt hại nhiều, thêm thời tiết đang lạnh nên năm nay gia đình anh quyết định chỉ nuôi một ít vào dịp cuối năm.

“Tôi nuôi 3 ao lớn và 1 ao có nhà bạt nhưng năm vừa rồi thiệt hại cũng nhiều, riêng nuôi tôm mùa đông thì hòa vốn, giờ nuôi khó lắm không như trước đây”, anh Mạnh bộc bạch.

Cách đầm gia đình anh Mạnh không xa, hộ ông Cao Văn Hóa được xem là gia đình có sự đầu tư lớn với số tiền lên đến hàng tỷ đồng và nuôi tôm lâu năm nhất phường Tân Thành, không khí cũng vắng vẻ, ảm đạm.

Hỏi ra thì biết, gia đình ông Hóa đã bán hết nhà cửa, tài sản để đầu tư cho việc nuôi tôm, năm 2022, do việc nuôi tôm gặp nhiều khó khăn, lại thêm sức khỏe già yếu nên ông Hóa quyết định tạm nghỉ.

Đã chuẩn bị vào vụ mới nhưng ao nuôi tôm của gia đình ông Hóa vẫn im lìm, xơ xác. Ảnh: Đinh Mười.

Đã chuẩn bị vào vụ mới nhưng ao nuôi tôm của gia đình ông Hóa vẫn im lìm, xơ xác. Ảnh: Đinh Mười.

“Tổng đầu tư để nuôi tôm gia đình tôi là 3 tỷ đồng, các công nghệ tốt chúng tôi cũng đã đầu tư nhưng những năm gần đây được ít hơn là mất, nhà cửa chúng tôi giờ đã ra đầm hết rồi”, ông Hóa cho hay.

Tiếp tục tìm hiểu thì được biết, việc nuôi tôm gặp khó khăn không chỉ xảy ra tại quận Dương Kinh mà tại các vùng nuôi tôm khác của Hải Phòng như Đồ Sơn, Cát Hải, Tiên Lãng,… cũng gặp hoàn cảnh tương tự.

Đơn cử như tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, địa phương này hiện tại có khoảng 450ha nuôi tôm quảng canh và 50 ha nuôi tôm công nghiệp, là nơi đầu nguồn nước, môi trường khá đảm bảo nhưng dịch bệnh cũng thường xuyên xảy ra khiến người dân thất thu.

Ông Phạm Minh Hải – Chủ tịch UBND xã Vinh Quang cho hay, những năm gần đây, việc nuôi tôm không đạt hiệu quả cao như trước đây, nhiều hộ dân chán nản chỉ duy trì mỗi năm thả vài vạn giống rồi phó mặc cho thiên nhiên để đi làm việc khác.

“Trong nuôi quảng canh, người dân không áp dụng các kỹ thuật nhiều, người dân chỉ thả giống rồi chờ thu hoạch nên hiệu quả và năng suất không cao. Nếu không thu thêm các nguồn lợi thủy sản khác thì chắc chắn tiền thu về không đủ để trang trải”, ông Hải thông tin.

Anh Nguyễn Văn Mạnh quyết định thu dọn máy móc, để cuối năm mới nuôi một mẻ tôm. Ảnh: Đinh Mười.

Anh Nguyễn Văn Mạnh quyết định thu dọn máy móc, để cuối năm mới nuôi một mẻ tôm. Ảnh: Đinh Mười.

Giống, kỹ thuật, nguồn nước chưa đảm bảo

Tiếp tục tìm hiểu thì được biết, việc nuôi tôm gặp khó khăn không chỉ xảy ra với các hộ nuôi tôm quảng canh mà nhiều hộ nuôi tôm công nghiệp cũng điêu đứng do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Tại phường Tân Thành, quận Dương Kinh, trước đây có 10 hộ dân nuôi tôm công nghệ cao nhưng do thua lỗ triền miên nên đến nay có đến 7 hộ đã chuyển sang nuôi quảng canh cải tiến nhưng tỷ lệ thắng – bại vẫn là 50/50.

Ông Nguyễn Văn Quang, hộ nuôi tôm phường Tân Lập cho biết, tôi lấy tôm giống của Công ty Nam Hải ở tỉnh Ninh Thuận, năm vừa rồi gần như mất trắng do giống không tốt. Họ đã đền cho 2 lần và đang định đền lần thứ 3 nhưng tôi quyết định sẽ đổi sang lấy giống của đơn vị khác.

Tại Đồ Sơn, Tiên Lãng, các hộ nuôi tôm công nghiệp sau nhiều vụ thắng đậm, khoảng 2 năm trở lại đây, tỷ lệ các hộ nuôi đạt năng suất giảm dần, tùy theo vụ nhưng số lượng các hộ mất trắng tăng lên trông thấy.

Hệ thống thủy lợi tưới, tiêu phục vụ nuôi trồng thủy sản và hệ thống tiêu nước sinh hoạt vẫn chung nhau, khiến môi trường ô nhiễm nặng. Ảnh: Đinh Mười.

Hệ thống thủy lợi tưới, tiêu phục vụ nuôi trồng thủy sản và hệ thống tiêu nước sinh hoạt vẫn chung nhau, khiến môi trường ô nhiễm nặng. Ảnh: Đinh Mười.

Về vấn đề này, theo tìm hiểu, do một số hộ dân ham rẻ, mua nguồn giống không đảm bảo nên hậu quả lãnh đủ.

Mặt khác, với các cơ sở cung cấp giống tôm tại các địa phương, khi người dân phản ánh, lực lượng chức năng đi kiểm tra lấy mẫu nhưng không thể có kết quả ngay, sau vài hôm khi đã xác định được chất lượng thì lúc đó giống tôm đã được chủ cơ sở tẩu tán.

Ông Vũ Kim Quang – Chủ tịch UBND phường Tân Thành, quận Dương Kinh cho biết, những năm gần đây, người nuôi tôm trên địa bàn bị thất thu, như năm 2021 có đến 90% hộ nuôi tôm không đạt năng suất, nhiều hộ thua lỗ và thậm chí mất trắng.

Nguyên nhân một phần do nguồn nước đã bị ô nhiễm, một phần do con giống trôi nổi, không đạt chất lượng, không được kiểm dịch.

Một hộ dân ở Tân Thành buồn bã  khi có tôm bị chết khi sắp đến ngày thu hoạch. Ảnh: Dinh Mười.

Một hộ dân ở Tân Thành buồn bã  khi có tôm bị chết khi sắp đến ngày thu hoạch. Ảnh: Dinh Mười.

Do đó, về cơ bản, nhiều hộ dân dù đã đầu tư lớn nhưng đã không còn mặn mà trong nuôi tôm, nay chỉ nuôi cầm chừng, có hộ chỉ thả để giữ đầm, đợi khi có dự án, nhà nước thu hồi để được đền bù.

“Năm vừa rồi gia đình tôi có nuôi tôm và cũng mất như các hộ dân khác. Một phần do nguồn nước không còn được như trước, một phần có thể do người dân ham rẻ, mua nhiều nguồn giống không đảm bảo nên hậu quả lãnh đủ”, ông Quang chia sẻ.

Về vấn đề này, trao đổi với Nông nghiệp Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh, trưởng phòng chuyển giao kỹ thuật thủy sản, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng cho biết, tổng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng ở TP Cảng khoảng 400ha, diện tích nuôi quảng canh cải tiến khoảng 3.000ha.

Những năm gần đây, do ảnh hưởng nguồn nước nên phần nào việc nuôi tôm cũng gặp khó khăn, chủ yếu là những hộ nuôi quảng canh.

Rất khó kiểm soát chất lượng tôm giống tại các cơ sở như thế này. Ảnh: Đinh Mười.

Rất khó kiểm soát chất lượng tôm giống tại các cơ sở như thế này. Ảnh: Đinh Mười.

Theo bà Thanh, để giải quyết vấn đề này cần quy hoạch cụ thể về vùng nuôi và có hệ thống thủy lợi tưới, tiêu rạch ròi, đồng thời, người dân cũng cần đầu tư khoa học kỹ thuật cũng như cơ sở hạ tầng tại các khu vực nuôi để nâng cao năng suất.

“Hiện tại các vùng nuôi, hệ thống thủy lợi giữa cung cấp nước và tiêu nước vẫn chung nhau nên thường xảy ra hiện tượng những ao nuôi có tôm bị bệnh xả ra thì ao khác lại bơm vào, việc này dẫn đến nguồn nước dễ bị ô nhiễm, tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh”, bà Thanh khẳng định.

Theo cơ quan chuyên môn, kết kiểm tra cho thấy, nhiều mẫu nước tại các vùng nuôi có mật độ vi khuẩn gây hại vượt cao so với ngưỡng cho phép.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do trong quá trình nuôi người dân không chú ý giữ môi trường vùng nuôi, tận dụng bã thải trong quá trình chăn nuôi dể cho thủy sản ăn.

Tại các vùng nuôi tôm nước lợ, tôm được xác định nhiễm các bệnh: hoại tử cơ quan tạo máu và tế bào biểu mô, đốm trắng và bệnh hoại tử gan gan tụy cấp do vi rút, vi khuẩn gây ra.

Các bệnh này do vi rút gây ra, là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có khả năng lây truyền nhanh và gây thiệt hại lớn cho người nuôi thủy sản vì khi có biến động về môi trường nước, tỷ lệ tôm nhiễm bệnh bị chết tới 80 – 100%, môi trường nuôi ổn định thì tỷ lệ tôm nhiễm bệnh chết thấp hơn, nhưng đến thời kỳ thu hoạch 90% số tôm bị còi cọc, giá trị thấp.

Xem thêm
100 tấn cá chết ở hồ Sông Mây: 'Nước cạn đáy, mật độ nuôi quá dày nên thiếu oxy'

ĐỒNG NAI Nguyên nhân cá chết hàng loạt ở hồ Sông Mây là do nước hồ cạn đáy, mật độ cá nuôi quá dày nên thiếu oxy và đơn vị nuôi thủy sản còn chủ quan.

Cương quyết không để tàu cá vươn khơi khi chưa đủ điều kiện

Bà Rịa - Vũng Tàu Bộ đội biên phòng tỉnh đang tăng cường các biện pháp mạnh tay với những trường hợp tàu cá không đủ điều kiện vươn khơi, nhằm gỡ thẻ vàng IUU trước 'giờ G' sắp điểm.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.