| Hotline: 0983.970.780

Người Thái và hoài niệm...

Thứ Ba 01/02/2022 , 09:10 (GMT+7)

Suốt một ngày rong ruổi cùng bầy trâu và những người Thái trong khu rừng khộp, không ít những câu chuyện cảm động tôi đã được nghe, được thấy đầy thú vị.

Năm 2004, công trình hồ thủy lợi Cửa Đạt khởi công, người Thái ở xã Xuân Khao, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa nhường đất cho công trình, theo diện kinh tế mới vào định cư ở xã Ia Lốp, huyện Ea Súp, tỉnh Đăk Lăk. Đến nay đã đúng mười tám năm, họ làm cư dân trên vùng đất mới này.

Gác bếp của người Thái ở xã Ia Lốp. Ảnh: Đăng Lâm.

Gác bếp của người Thái ở xã Ia Lốp. Ảnh: Đăng Lâm.

“Cơm nắm - tắm tiên”

Cơm nắm, tắm tiên - với Vy Thị Thường, Vy Thị Hà và bao cô gái Thái khác ở xã Ia Lốp, giờ chỉ còn là… ký ức. Với Vy Thị Thường, nói “cô gái” là nói mười tám năm về trước. Hồi đó, Thường còn là cô gái vừa tròn tuổi hai mươi. Gương mặt đẹp, vóc dáng chuẩn, tính cách dịu dàng đã làm không biết bao nhiêu trai bản muốn “chọc sàn” mỗi đêm. Vậy rồi, Thường cũng lấy chồng, đẻ một đứa con gái, rồi cùng chồng con và cả xã vào lập nghiệp trên vùng đất mới.

“Lúc mới vào đây, cái gì cũng lạ, nên mọi người ai cũng cảm thấy bỡ ngỡ”, Thường nói. Theo Thường thì cái “lạ” trước tiên là khí hậu, rồi đến tập tục canh tác, rồi đời sống văn hóa - tinh thần…

“Vào đây chủ yếu là làm ruộng nước, trồng lúa, trồng sắn, trồng mía… đất đai bằng phẳng nên đi làm đồng toàn bằng xe máy, không được đeo gùi để lội suối trèo đồi lên nương như ở quê”, Thường nói. “Đi làm bằng xe máy thì nhanh và khỏe hơn chứ?”, tôi “giả vờ” thắc mắc. Thường thật thà: “Ừ thì nhanh và khỏe hơn, nhưng không vui hơn. Đi bộ còn được trò chuyện, được cùng nhau hát, lại còn được… tán tỉnh nhau, rồi thì được ăn cơm nắm, chiều về xuống suối tắm tiên nữa!”.

Lại nói về chuyện “cơm nắm - tắm tiên”. Vy Thị Thường, Vy Thị Hà cũng như bao cô gái khác ở đây còn nhớ mãi, cứ mỗi chiều trên nương về, các cô lại hòa mình vào dòng suối mát lạnh, thỏa thuê nô đùa, thỏa thuê chiêm ngưỡng vẻ đẹp của chính cơ thể mình trong dòng nước trong xanh đến tận đáy. “Bây giờ, chiều đi làm về vẫn xuống suối tắm tiên được chứ”, tôi lại thắc mắc. “Không được đâu, vì suối ở đây có nhiều người qua lại. Hơn nữa nước đục và ngứa lắm”, Thường nói.

Bây giờ, Thường đã là người phụ nữ Thái ba mươi chín tuổi, là mẹ của bốn đứa con gái, con đầu đã mười tám tuổi, vừa học xong lớp mười hai. Chuyện “cơm nắm - tắm tiên”, chuyện đeo gùi trèo đèo lội suối lên nương, giờ chỉ còn là ký ức đẹp. Mười tám năm, về quê hai lần, nhưng cũng cho thỏa nỗi nhớ quê, chứ “ở quê bây giờ không còn dòng họ. Đến mồ mả ông bà cũng đưa hết vào trong này rồi”, Thường nói.

Bây giờ, cuộc sống của người Thái ở xã Ia Lốp đã đổi thay nhiều lắm với. Công trình thủy lợi Ia Mơ trên địa bàn xã Ia Mơ, huyện Chư Prông, Gia Lai đã vươn những tuyến kênh sang tận Ia Lốp với thiết kế tưới cho khoảng 4.000ha, sẽ giúp cho người dân vùng biên giới ở xã Ia Lốp có thêm đất canh tác. Tương lai đang mỗi ngày một sang lên với người Thái ở xã vùng biên này.

Tết quê trên xứ người

Tết này, bà Vy Thị Tưởng tròn năm mươi bảy tuổi. Sống ở quê ba mươi chín năm, không còn những tập tục gì ở quê là bà không biết. Tất nhiên, giờ bà vẫn còn nhớ như in trong đầu.

“Tết ở quê vui lắm. Cứ mỗi lần Tết đến lại được múa xòe, nhảy sạp, mà vui nhất vẫn là trò ném còn. Rồi là bao nhiêu thức ăn ngon của người Thái tự ngàn đời nữa…”, bà Tưởng hoài niệm.

Ông Lang Văn Từm đan dụng cụ bắt cá. Ảnh: Đăng Lâm.

Ông Lang Văn Từm đan dụng cụ bắt cá. Ảnh: Đăng Lâm.

Tết quê của người Thái ở Xuân Khao, bên cạnh những trò vui thì không thể thiếu những món ăn truyền thống như cá suối nướng, móc - món truyền thống của người Thái gồm cá, thịt, cây chuối, hạt mặc khén với các loại gia vị truyền thống, rồi chiềng, khua luống… Tuy nhiên có những món không thể thiếu, đó là cơm nắm, đồ xôi, bánh chưng, bánh ịt (bánh ịt được làm từ bột gạo nếp trộn với mật mía). “Mà những món này phải làm thật nhiều, với mục đích bước sang một năm mới làm ăn được dư giả”, bà Tưởng nói.

Năm 2004, cả xã Xuân Khao chuyển vào đây sinh sống theo diện kinh tế mới. Tên xã thì lấy theo tên ở đây - xã Ia Lốp, còn thôn thì vẫn giữ nguyên tên sáu thôn của xã Xuân Khao ở quê, gồm thôn Nàng, thôn Lầu, thôn Chiềng, thôn Đóng, thôn Đừng và thôn Nhạp.

Theo bà Tưởng, và theo những người Thái lớn tuổi ở đây thì ở quê không gọi là thôn, mà gọi là chòm, ví như chòm Nàng, chòm Nhạp, chòm Chiềng… Chính cái sự thay tên gọi từ chòm sang thôn, phần nào đã làm phai đi tính cộng đồng, sự quần tụ của con người, trong đó có người Thái nói riêng trước sự huyền bí, u minh của núi rừng. Thêm vào đó, chính sự thay đổi về kiến trúc đã kéo theo sự thay đổi không hề nhỏ về nếp sống, sinh hoạt, về tín ngưỡng của người Thái nơi đây.

Bữa trưa của chị em Tuyến và bạn chăn trâu. Ảnh: Đăng Lâm.

Bữa trưa của chị em Tuyến và bạn chăn trâu. Ảnh: Đăng Lâm.

Buổi chiều, Vy Thị Thường đưa tôi đi dạo một vòng quanh mấy thôn người Thái của xã Ia Lốp. Không phải là những căn nhà gỗ với mái nhà xòe ra rộng rãi, quần tụ quanh những quả đồi để thành một chòm.

Thay vào đó là những căn nhà xây ngăn nắp dọc hai bên đường bê tông; không còn những mái hiên - nơi để những nông cụ, ngư cụ hay những đồ vật thiết yếu dùng cho sinh hoạt hàng ngày. Những căn nhà xây ngăn nắp rộng không quá một trăm mét vuông với một phòng khách, hai phòng ngủ. May chăng chỉ còn cái bếp được bà con dùng gỗ tạp nới thêm rộng rãi.

Có lẽ chính căn bếp này là chút “linh hồn” còn lại của người Thái xa quê nơi đây. Ở đây, tuy không góc cạnh, khang trang như phần nhà xây, nhưng là nơi lưu giữ nét văn hóa độc đáo của tộc người này. Ở những căn bếp tuềnh toàng này là những bộ thổ cẩm truyền thống được xếp ngay ngắn, chỉ lấy ra dùng trong những dịp lễ Tết.

Ở đây vẫn còn những cái kiềng truyền thống với nồi cơm, siêu nước. Và ở đây, trên cái gác bếp ám đầy bồ hóng là những vật dụng đánh bắt cá truyền thống như cái toi, cái hom. “Những thứ này, lúc không dùng đến thì cho lên gác bếp, nhờ khói bếp xông lên cho nó thêm bền, thêm đẹp”, ông Lang Văn Từm, sinh năm 1964, là bố chồng của Vy Thị Thường, cho biết.

Thường đưa tôi đến thăm nhà bố chồng của cô. Ông Từm uống rượu từ sáng, đã say lắm, nhưng vẫn ngồi trong căn bếp, kiểm tra lại vài vật dụng để sáng mai ra suối Ia Lốp bắt cá.

Nói là Tết quê, nhưng ở xứ người nên dẫu có cố gắng đến đâu, cũng không thể bằng cái Tết trên chính quê hương mình được…

Những người đàn ông Thái mỗi chiều đến lại lướt khướt say. Những người phụ nữ Thái thì thi thoảng lại diện bộ váy áo truyền thống sặc sỡ, hoài niệm về một thời thiếu nữ tươi trẻ. Những cô gái Thái với hàm răng trắng đều chỉ nhìn thôi đã muốn… cắn. Và những đàn trâu đông đúc thì vẫn cứ thong dong gặm cỏ dưới tán rừng khộp, hay thảnh thơi ngâm mình dưới dòng suối cạn… Tất cả đã tạo nên một bức tranh rất đỗi thanh bình nơi cao nguyên mênh mang ở miền biên viễn này - nơi đã là quê hương thứ hai của họ.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Vụ học sinh Khánh Sơn ngộ độc: Phát hiện rong biển cơm cuộn có vi khuẩn

Cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa đã kết thúc điều tra, chỉ ra nguyên nhân 29 học sinh ở huyện Khánh Sơn bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn cơm cuộn.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm