| Hotline: 0983.970.780

Người tiên phong giã từ phân, thuốc hóa học ở vựa rau Quảng Ngãi

Thứ Hai 04/03/2024 , 06:00 (GMT+7)

Phương thức canh tác hữu cơ, an toàn đang trở thành xu thế của của ngành nông nghiệp. Những sản phẩm tạo ra luôn giữ được giá trị bền vững giữa thị trường ‘vạn biến’.

Dã từ lối canh tác dựa vào phân, thuốc hóa học

Xã Nghĩa Hà (TP Quảng Ngãi) được thiên nhiên ưu ái ban tặng đất đai màu mỡ, tạo thuận lợi cho bà con nơi đây sản xuất nông nghiệp. Nhiều năm qua, địa phương này luôn được biết đến là vựa rau, hoa lớn nhất nhì tỉnh Quảng Ngãi. Chạy dọc theo các tuyến đường làng, ngõ xóm, từ những khu vườn nhỏ quanh nhà cho đến cánh đồng xa tít tắp, đâu đâu cũng thấy bạt ngàn màu xanh của đủ loại rau, củ, quả.

Ông Tiêu Văn Cầm là người tiên phong trồng rau theo hướng hữu cơ, an toàn ở làng rau Nghĩa Hà (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi). Ảnh: L.K.

Ông Tiêu Văn Cầm là người tiên phong trồng rau theo hướng hữu cơ, an toàn ở làng rau Nghĩa Hà (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi). Ảnh: L.K.

Nghề trồng rau ở xã Nghĩa Hà không ai nhớ rõ có từ bao giờ, chỉ áng chừng cách đây khoảng vài chục năm trước. Cũng như những địa phương khác trên cả nước, khi phân bón, thuốc BVTV vẫn chưa còn thịnh hành, những luống rau cứ thế vươn mầm xanh tốt nhờ nguồn dinh dưỡng từ các phụ phẩm nông nghiệp hoặc chất thải gia súc, gia cầm được ủ hoai sẵn có ở làng quê thuần nông này.

Theo thời gian, từ việc canh tác nhỏ lẻ, chủ yếu phục vụ nhu cầu thực phẩm hàng ngày của các hộ gia đình, nghề trồng rau ở Nghĩa Hà bắt đầu phát triển mạnh mẽ. Đến nay, nơi đây đã hình thành những vùng trồng chuyên canh rau lớn. Toàn xã có hơn 700ha với hàng trăm hộ dân gắn bó với nghề này. Ở đây, mỗi mùa mỗi loại, rau được trồng quanh năm và trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều hộ gia đình.

Với xu thế chung, cùng với kỳ vọng về năng suất, sản lượng, những loại phân bón vô cơ từng bước được người dân đưa vào sử dụng ngày càng nhiều trong sản xuất. Bên cạnh đó, nhiều loại sâu bệnh hại ngày càng phát triển buộc các hộ gia đình phải sử dụng thêm những loại thuốc BVTV. Kéo theo đó, những phương cách canh tác truyền thống trước đây đã dần biến đổi.

Và rồi, việc lạm dụng phân bón hóa học, thuốc BVTV đã bộc lộ những mặt hạn chế. Đó là sự cạnh tranh của thị trường, giá cả luôn bấp bênh với điệp khúc “được mùa, mất giá”. Có những thời điểm, nguồn thu từ cây rau quá thấp, không đủ bù chi phí, nông dân chấp nhận bỏ ruộng, bỏ vườn. Hơn thế nữa, khi con người càng quan tâm sức khỏe thì họ luôn hướng đến tìm kiếm những loại thực phẩm sạch, an toàn hơn.

Dinh dưỡng cung cấp cho rau được ông Cầm ngâm ủ từ các phụ phẩm nông nghiệp, tạo thành dung dịch để bơm tưới, hoàn toàn không sử dụng phân bón hóa học. Ảnh: L.K.

Dinh dưỡng cung cấp cho rau được ông Cầm ngâm ủ từ các phụ phẩm nông nghiệp, tạo thành dung dịch để bơm tưới, hoàn toàn không sử dụng phân bón hóa học. Ảnh: L.K.

Lẽ dĩ nhiên, trong sản xuất, điều tất yếu là hướng đến nhu cầu của người tiêu dùng, đáp ứng được các yêu cầu của thị trường mới có thể tồn tại, phát triển. Lúc này, những sản phẩm canh tác theo phương pháp truyền thống dần lấy lại được vị thế vốn có. Mặc dù vậy, trong điều kiện mới, bài toán đặt ra là phải làm sao vừa giữ, nâng tầm được giá trị cũ, vừa đáp ứng được năng suất, sản lượng và mục đích cuối cùng là đảm bảo thu nhập cho người dân.

Nhận thấy được vấn đề này, một số hộ dân ở xã Nghĩa Hà đã lựa chọn con đường canh tác rau theo hướng hữu cơ, sử dụng những phụ phẩm nông nghiệp để ngâm ủ thành dung dịch phân bón kết hợp với các chế phẩm sinh học phòng trừ sinh vật gây hại. Những năm gần đây, cách làm này đã mang lại hiệu quả thiết thực khi những vườn rau, quả luôn phát triển xanh tốt, cho sản phẩm an toàn, hiệu quả kinh tế cao và ổn định, đồng thời môi trường trong sản xuất từng bước được cải thiện, trong lành hơn.

"Tiếng lành đồn xa", sản phẩm không đủ bán

Ông Tiêu Văn Cầm (trú thôn Sung Túc, xã Nghĩa Hà) được xem là người tiên phong trong phong trào trồng rau an toàn, rau hữu cơ ở xã Nghĩa Hà. Mấy chục năm bôn ba khắp nơi, làm đủ ngành nghề để kiếm sống, đến năm 2019, ông quyết định về quê để tiếp tục gắn bó với ruộng vườn, với nghề nông truyền thống của gia đình. Những ngày thơ ấu, theo cha, theo mẹ vác cuốc ra đồng, ông Cầm hiểu rõ được cách làm nông nghiệp của người xưa và biết ứng dụng, phát triển những kinh nghiệm đó vào thực tế hiện tại.

4 năm đã trôi qua kể từ thời điểm bắt đầu, thành quả mà người đàn ông trạc tuổi 50 này có được là một khu vườn rợp màu xanh của rau, hoa. Chỉ với diện tích khoảng 3.000m2 nhưng khu vườn này đã giúp gia đình ông vượt qua những ngày tháng khó khăn ban đầu, kinh tế ngày càng ổn định, vững vàng. “Thu nhập hàng năm từ các loại rau trong vườn nhà tôi dư sức nuôi 2 đứa con học đại học ở TP.HCM”, ông Cầm vui vẻ nói.

Không giống như rau ở các nhà vườn khác, dù thị trường có lên xuống như thế nào, sản phẩm có xuất xứ từ vườn rau của ông Cầm vẫn luôn giữ mức giá cố ổn định từ 10.000  - 15.000 đồng/kg nhờ tiêu chuẩn chất lượng. Rau an toàn càng thêm rộng đường tiêu thụ khi khách hàng tự tìm đến đặt mua. Đến nay, số lượng xuất bán vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Chính hiệu quả thiết thực này là động lực để ông Cầm kiên định với phương pháp canh tác rau hữu cơ suốt những năm qua.

Dung dịch được ngâm ủ khoảng 10 ngày sẽ có có mùi thơm như men rượu. Ảnh: L.K.

Dung dịch được ngâm ủ khoảng 10 ngày sẽ có có mùi thơm như men rượu. Ảnh: L.K.

Dạo quanh những luống rau đủ loại như xà lách, dưa leo, cải, rau muống, rau cải, dền, xanh ươm, ông Cầm chia sẻ: “Ngoài ủ hoai phân chuồng để bón lót như trước đây ông bà ta vẫn thường làm, tôi còn tạo ra dung dịch từ các phụ phẩm nông nghiệp để tưới cho rau. Loại dung dịch này dễ làm, bổ sung dinh dưỡng rất tốt mà chi phí cũng rẻ gấp mấy lần so với sử dụng phân bón hóa học. Với 1 sào rau, chỉ tốn khoảng 500.000 đồng nhưng có thể tưới được tới 3 lứa”.

Các thành phần tạo thành dung dịch này khá phổ biến và được phối trộn theo hàm lượng nhất định, bao gồm: 1 lít mật mía đường, thân và rễ cây chuối cắt lát, 3kg xác hạt đậu này, 3kg xác hạt lạc, 6 hũ sữa chua Yaourt và 10 lít nước. Sau 10 ngày ngâm ủ, hỗn hợp trên sẽ tạo ra dung dịch màu vàng cánh dán và có mùi thơm như men rượu là có thể sử dụng tưới trực tiếp hoặc dùng bình phun với chu kỳ 1 lần/tuần cho rau.

Với cách làm này, ông Cầm không chỉ thay thế được các loại phân, thuốc hóa học mà còn giúp bảo vệ môi trường, mang đến những sản phẩm rau xanh tốt cho sức khỏe. Để hạn chế côn trùng gây hại, ông Cầm còn đầu tư hệ thống nhà lưới, hệ thống tưới hiện đại bao trọn toàn bộ diện tích trồng rau. Ngoài ra, ông còn tạo ra dung dịch phòng trừ sâu bệnh từ ớt, tỏi, gừng và vôi bột để xử lý mầm bệnh từ trong đất.

“Tôi cũng chỉ là một nông dân bình thường, không phải là nhà khoa học nên cũng không dám khẳng định cách làm của mình là hữu cơ. Chỉ là áp dụng kinh nghiệm canh tác truyền thống trước đây rồi qua quá trình thực hiện mình rút ra được kinh nghiệm nhằm tăng hiệu quả. Toàn bộ quy trình thực hiện đều không sử dụng bất kỳ phân bón hóa học hay thuốc BVTV nào, đảm bảo sản phẩm hoàn toàn an toàn cho khách hàng. Mình làm vì kinh tế nhưng cũng phải có tâm nữa”, ông Cầm chia sẻ.

Trong tiết trời se lạnh những ngày cuối đông, những ngọn gió khẽ lướt qua những luống rau xanh mướt thoang thoảng một mùi hương dịu nhẹ. Những sợi nắng trải một màu vàng úa trên cỏ cây, hoa lá. Ông Cầm lại tiếp tục rảo bước quanh khu vườn nhỏ, tất bật với những công việc thường ngày. Với ông, nghề trồng rau không chỉ để mưu sinh mà còn để giữ gìn, phát huy những giá trị truyền thống ở làng rau hàng chục năm tuổi này.

Ông Trần Ngọc Xôn, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hà cho biết: “Mô hình trồng rau của gia đình ông Tiêu Văn Cầm là mô hình thí điểm theo phương pháp hữu cơ đầu tiên của xã Nghĩa Hà. Ông Cầm đã biết áp dụng kinh nghiệm sản xuất truyền thống kết hợp với khoa học, kỹ thuật nhằm mang lại hiệu quả thiết thực, đảm bảo an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và chính sức khỏe của người sản xuất.

Mô hình này nhiều năm qua không chỉ mang lại thu nhập cao mà còn trở thành nơi tham quan, trải nghiệm cho các em học sinh cũng như nhiều người dân ở các địa phương khác đến học hỏi kinh nghiệm. Do đó, địa phương đang khuyến khích, vận động người dân nhân rộng".

Xem thêm
Nuôi dê chủ yếu bằng trái cây

ĐẮK NÔNG Thức ăn của đàn dê chủ yếu là những thứ có sẵn trong vườn như mít, chuối, cỏ ngọt nên thịt dê đạt chất lượng cao, thương lái 'tranh nhau mua'.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.