| Hotline: 0983.970.780

Tân Lạc có mô hình nông nghiệp công nghệ cao

Thứ Tư 20/12/2023 , 12:04 (GMT+7)

HÒA BÌNH HTX Rau hữu cơ V.organic của huyện Tân Lạc là điểm sáng cho nhà nông trên địa bàn đến tham quan, học tập công nghệ sản xuất xanh, sạch, giá trị thu nhập cao.

Nhà kính trồng rau của HTX Sản xuất rau hữu cơ V.organic ở xã Quyết Chiến (Tân Lạc) để xuất khẩu sang Hàn Quốc.

Nhà kính trồng rau của HTX Sản xuất rau hữu cơ V.organic ở xã Quyết Chiến (Tân Lạc) để xuất khẩu sang Hàn Quốc.

Trở lại thăm HTX Sản xuất rau hữu cơ V.organic của chị Cấn Thị Quỳnh Trang ở hẻm núi xóm Khao, xã Quyết Chiến, Tân lạc (Hoà Bình), chúng tôi thấy nơi đây không còn bụi rậm, cỏ cây và đá hộc nhấp nhô như cách nay gần một năm. Toàn bộ gần 30ha của thung lũng này đều đã được bao phủ bởi một màu xanh tươi tốt của các loại rau ăn lá, rau ăn củ của HTX và các hộ dân trên địa bàn.

Đặc biệt, HTX còn hình thành được hệ thống nhà màng, nhà lưới rộng trên 1ha, có hệ thống bể lọc nước tưới phun mưa hoặc nhỏ giọt tự động tới từng đối tượng cây trồng. Cơ cấu chủng loại rau màu cũng khá phong phú. Bên cạnh việc sản xuất khoai tây ngoài tự nhiên, HTX còn gieo trồng trong nhà lưới nhiều giống cà chua và xà lách mới, đáp ứng nhu cầu thu mua chế biến, ăn tươi hoặc xuất khẩu.

Giám đốc HTX, chị Cấn Thị Quỳnh Trang cho biết, khí hậu ở vùng cao Tân Lạc luôn mát mẻ, cho phép gieo trồng các loại rau ưa lạnh quanh năm. Khai thác triệt để lợi thế này, HTX chỉ sản xuất các loại rau được coi là trái vụ dưới đồng bằng để gia tăng chất lượng và hiệu quả sản xuất. Ví dụ, cây khoai tây thường trồng từ tháng 8 đến 12, cà chua trồng tháng 7 đến tháng 2 năm sau, xà lách trồng tháng 6 đến 12... Năng suất các loại rau trồng tại HTX luôn cao hơn vượt trội so với cùng loại rau, cùng thời vụ sản xuất ở các tỉnh Đồng bằng sông Hồng. Đồng thời lúc nào cũng bán được giá cao.

Ruộng canh tác trong khe núi rất nhiều mùn, giàu dinh dưỡng vì hàng năm được bồi dục bởi các chất khoáng và mùn bã hữu cơ từ rừng và đất đá rửa trôi trên núi xuống nên cây trồng sinh trưởng, phát triển khá thuận lợi, ít phải bón phân, nhất là các loại phân hoá học.

Vườn xà lách Mỹ của HTX Sản xuất rau hữu cơ V.organic trồng để xuất khẩu.

Vườn xà lách Mỹ của HTX Sản xuất rau hữu cơ V.organic trồng để xuất khẩu.

Tuy nhiên, do thung lũng hẹp nên độ ẩm không khí rất cao, dễ phát sinh nấm bệnh hại rau. Đây là một trong những lý do chị Trang ưu tiên kinh phí cho đầu tư nhà màng, nhà lưới, giúp giảm thiểu sâu bệnh hại, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Nhằm giảm sâu bệnh hại cây rau, HTX không luân canh các cây rau cùng họ trên cùng chân ruộng trong 2 hoặc 3 vụ sản xuất kế tiếp; không luân canh cây cà chua với cây khoai tây, cây cải bắp với cải thảo, súp lơ, su hào, cải canh, cải bẹ, cải mèo...

Nhằm tận dụng tốt độ phì nhiêu của đất, HTX luôn trồng xà lách trực tiếp trên đất để tăng chất lượng, giảm chi phí đầu tư. Theo chị Trang, rau trồng trên đất ăn đậm hơn, ngon hơn rau trồng thuỷ canh. Do vậy HTX thường xuất khẩu xà lách được 0,6 USD/kg (hơn 14.500 đồng/kg).

Bằng những giải pháp kỹ thuật nêu trên, từ đầu năm đến nay, HTX đã sản xuất được 250 tấn rau các loại, doanh thu ước đạt trên 3 tỷ đồng. Trong đó có 100 tấn rau xà lách, 18 tấn củ khoai tây, 50 tấn cà chua, còn lại là rau khác. Toàn bộ sản phẩm đều được xuất khẩu hoặc đưa vào nhà máy chế biến và chuỗi cửa hàng nông sản sạch trên địa bàn Hà Nội. Nhờ vậy, HTX đã giúp cho 25 - 30 lao động tại chỗ có việc làm thường xuyên, thu nhập 180.000 - 250.000 đồng/người/ngày (tuỳ công việc).

Đáng chú ý, những người tham gia lao động tại HTX đều được hướng dẫn kỹ thuật sản xuất theo phương pháp "cầm tay chỉ việc". Qua đó, HTX còn góp phần cùng Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Tân Lạc đào tạo nghề cho nông dân.

Cách làm của HTX phù hợp với định hướng của nhà nước về phát triển nông nghiệp bền vững, giá trị cao và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nên luôn được các cấp chính quyền địa phương trong tỉnh nhiệt tình ủng hộ và tạo mọi thuận lợi thúc đẩy sản xuất, tạo mô hình lan toả ra cộng đồng. Cụ thể, UBND xã Quyết Chiến đã đầu tư xây dựng đường giao thông kiên cố tại trục chính trên cánh đồng, liên thông với mạng lưới giao thông trên địa bàn, thuận lợi cho nhiều phương tiện cơ giới đi lại vận hành sản xuất và bao tiêu nông sản của HTX.

Thu hoạch khoai tây trồng tại HTX Sản xuất rau hữu cơ V.organic để xuất bán cho các công ty chế biến thực phẩm ở Hà Nội.

Thu hoạch khoai tây trồng tại HTX Sản xuất rau hữu cơ V.organic để xuất bán cho các công ty chế biến thực phẩm ở Hà Nội.

Chị Trang tiết lộ, nước giếng khoan ở đây có rất nhiều ion canxi (Ca2+) và magiê (Mg2+), thường gọi là nước cứng. Sau bơm tưới, cây rau sẽ bị giảm khả năng sinh trưởng. Vì vậy để sản xuất các loại rau hữu cơ, VietGAP, yêu cầu nhà đầu tư phải có hệ thống bể lọc, xử lý nước trước khi dẫn tưới cho vườn rau, đồng thời không gây tắc nghẽn ống tưới và vòi phun mưa.

"HTX V.organic là điển hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại địa phương, ngoài giúp giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho nhiều nông hộ, HTX còn tích cực ủng hộ các quỹ, ngày vì người nghèo, nạn nhân chất độc da cam, trẻ em nghèo vượt khó... Qua đó, HTX có góp phần cùng chính quyền địa phương đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn", ông Đinh Công Khoa, Chủ tịch UBND xã Quyết Chiến đánh giá.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm