| Hotline: 0983.970.780

Người tự chế ra máy làm miến OCOP 5 sao

Thứ Tư 15/02/2023 , 09:04 (GMT+7)

Ông Nguyễn Văn Ba - Giám đốc HTX Miến Việt Cường đã sáng chế ra dây chuyền phơi miến bán tự động chạy bằng ròng rọc, tăng năng suất lên đến 1 tấn miến/ngày.

Mạnh dạn đổi mới, sáng tạo và đầu tư

Làng nghề miến Việt Cường, thuộc xã Hoá Thượng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên được hình thành từ khoảng năm 1970. Trước đây, nghề làm miến ở Việt Cường hoàn toàn được làm theo phương thức thủ công, quy mô nhỏ lẻ nên số lượng làm ra không nhiều. Mỗi năm thường chỉ tập trung sản xuất những tháng trước Tết để phục vụ người tiêu dùng.

Điểm nổi bật của sản phẩm miến ở làng nghề miến Việt Cường là sợi dai, hương thơm tự nhiên và chế biến được nhiều món ăn ngon. Hiện làng nghề còn có khoảng 35 hộ làm nghề sản xuất miến dong. Những năm gần đây, bà con đã không ngừng mở rộng sản xuất, đầu tư thiết bị máy móc để đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, khẳng định thương hiệu miến Việt Cường.

Đơn vị sản xuất nổi bật nhất hiện nay là Hợp tác xã (HTX) Miến Việt Cường, do ông Nguyễn Văn Ba làm giám đốc. Giống như phần lớn những HTX sản xuất nông nghiệp nói chung, HTX Miến Việt Cường khi mới đi vào hoạt động cũng gặp phải rất nhiều khó khăn, cơ bản sản xuất theo hướng thủ công truyền thống. Đây là hình thức sản xuất tốn rất nhiều nhân công mà hiệu quả thì không cao, giá trị sản phẩm phụ thuộc vào thời tiết.

Empty

Miến dong Việt Cường trên dây chuyền phơi miến bán tự động. Ảnh: TN.

Theo Giám đốc HTX Miến Việt Cường Nguyễn Văn Ba chia sẻ, nếu trước đây người làm miến chỉ biết đến những sợi miến dài trên phên tre, thì nay sợi miến của HTX Miến Việt Cường có thể dài “vô tận” tùy thuộc vào độ dài của dây chuyền.

Với diện tích giàn phơi tự động 5.000m2 của HTX vừa giảm bớt nhân công, chi phí sản xuất đến 70 - 80%, mà còn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhờ đó, sản phẩm miến của HTX khi xuất ra thị trường luôn được người tiêu dùng đánh giá cao, mang lại lợi nhuận cao cho các thành viên.

Thay đổi để mở cánh cửa thị trường

Ông Nguyễn Văn Ba cũng là một người con của làng nghề, nhưng do tính thời vụ của miến nên ban đầu khi kế thừa nghề truyền thống từ ông bà để lại, anh đã gặp rất nhiều khó khăn để phát triển. Nhưng với mong muốn đưa sản phẩm miến của quê hương đến với nhiều khách hàng và khẳng định giá trị miến Việt Cường, ông Ba đã không quản ngại khó khăn, tìm hiểu những cách làm hay, phương pháp sản xuất hiện đại và tìm kiếm nguồn vốn đầu tư.

Đến năm 2007, thông qua tìm hiểu, ông thấy mô hình HTX với nhiều người góp vốn, góp sức vào sản xuất là phù hợp nhất để mở rộng được cơ sở. Ông Nguyễn Văn Ba đã thành lập HTX Miến Việt Cường với 7 thành viên làm khâu dịch vụ tiêu thụ sản phẩm cho các bà con.

Vạn sự khởi đầu nan, 2 năm đầu đi vào hoạt động, HTX liên tục bị thua lỗ. Thất bại không làm Ban giám đốc HTX lùi bước, trái lại đây là động lực để họ tìm tòi ứng dụng các kỹ thuật mới vào sản xuất, nâng cao chất lượng, giảm sức lao động cho các thành viên. Cùng với đó đầu tư, nghiên cứu chế tạo 2 dây chuyền sấy khô sợi miến. Sản phẩm mới này có hình thức đẹp, bắt mắt.

Song song với việc tổ chức lại sản xuất, phân phối sản phẩm, họ còn nghiên cứu và chế tạo dây chuyền sản xuất miến tự động. Năm 2015, cho chạy thử nghiệm dây chuyền hong phơi tự động và đã thành công đưa vào sản xuất. Đến năm 2017, lại nghiên cứu, chế tạo thành công dây chuyền phơi miến bán tự động chạy bằng ròng rọc. Rồi đầu tư dây chuyền sản xuất miến mới, đưa năng suất lên 2 tấn/ngày, miến làm ra đến đâu khô đến đó và được đóng gói được ngay.

1 (2)

Ông Nguyễn Văn Ba (bên phải) là người góp phần quan trọng vào việc nâng tầm thương hiệu miến Việt Cường. Ảnh: TN.

Sau 15 năm hoạt động, điểm đặc biệt nhất của HTX Miến Việt Cường là mạnh dạn đổi mới phương thức sản xuất, đưa ra quy trình sản xuất hoàn thiện, giữ được chất lượng và mang lại năng suất cao. Thay bằng việc ép miến bằng tay như trước kia, nay đã có hệ thống máy ép thủy lực với công suất lên tới 2 tấn sản phẩm/ngày. Việc khuấy bột không còn bằng tay mà sử dụng máy khuấy bột, miến cũng được cắt bằng máy…

Không dừng lại ở đó, HTX còn chủ động đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu bao bì cho sản phẩm. Nhờ có chất lượng tốt kết hợp mẫu mã đẹp, thương hiệu Miến Việt Cường được người tiêu dùng cả nước biết tới và tin dùng.

Ông Nguyễn Xuân Lộc, Phó chủ tịch UBND xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ cho biết: “Dù hiện nay xã Hóa Thượng đã đạt đô thị loại V nhưng địa phương vẫn ưu tiên phát triển làng nghề, dịch vụ tiểu thủ công nghiệp, trong đó tập trung vào làng nghề miến Việt Cường, nơi có thế mạnh về sản xuất miến dong. Trong đó, anh Nguyễn Văn Ba là người đi đầu trong định hướng phát triển nông nghiệp quy mô lớn và Miến dong Việt Cường của HTX Miến Việt Cường là sản phẩm OCOP đạt chứng nhận 5 sao cấp Quốc gia. HTX thường xuyên tạo công ăn việc làm cho 30 - 50 người lao động, góp phần tăng thu nhập cho người dân và kinh tế chung của xã Hóa Thượng”.

1 (3)

Quy mô rộng lớn, hiện đại để sản xuất miến của HTX Miến Việt Cường. Ảnh: TN.

Sản phẩm OCOP 5 sao của tỉnh Thái Nguyên

Theo ông Nguyễn Văn Ba, Giám đốc HTX Miến Việt Cường, đến nay bình quân mỗi năm HTX cung cấp 400 tấn miến ra thị trường, với doanh thu trên 20 tỷ đồng. HTX có tất cả 4 sản phẩm chính là miến dong, miến khoai lang, miến sắn dây và miến tỏi đen đã được bày bán ở một số hệ thống siêu thị lớn trong cả nước. Một số sản phẩm miến cũng đã xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX Miến Việt Cường phát triển ổn định trong những năm qua. Năm 2018, HTX xuất bán trên 200 tấn miến với giá bán ổn định là 60.000 đồng/kg, lợi nhuận đạt trên 8 tỷ đồng/năm. Từ năm 2019 đến nay, giữ ổn định việc cung cấp ra thị trường hơn 300 tấn miến/năm. 4 sản phẩm chính của HTX, là: Miến dong, miến khoai lang, miến sắn dây và miến tỏi đen được bày bán ở hệ thống siêu thị lớn trong cả nước, như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương… và vươn ra  thị trường Thái Lan, Lào, châu Âu...

Năm 2020, cả 4 sản phẩm miến của HTX Miến Việt Cường đều vinh dự nhận chứng nhận OCOP từ 3 - 5 sao. Trong đó, miến dong đạt chứng nhận OCOP 5 sao cấp Quốc gia, miến sắn dây và miến tỏi đen đạt chuẩn OCOP 4 sao, miến khoai lang nhận chứng nhận OCOP 3 sao. Không chỉ vậy, năm 2021, với những đóng góp trong sự phát triển kinh tế của địa phương, anh Nguyễn Văn Ba vinh hạnh được Hội đồng chung khảo Trung ương bình chọn là 1 trong 63 “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021”, trở thành niềm tự hào của người nông dân Thái Nguyên.

1 (4)

HTX tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 30 lao động địa phương. Ảnh: TN.

Bà Nguyễn Thị Hà - Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đồng Hỷ cho biết: “HTX Miến Việt Cường vốn có nội lực lớn từ trước nên khi xây dựng sản phẩm OCOP có nhiều thuận lợi, sản phẩm đạt được thứ hạng cao trong các đợt chấm điểm OCOP. Anh Nguyễn Văn Ba là một trong những chủ thể OCOP đi đầu ở huyện để những người khác học hỏi, truyền cảm hứng cho người dân tích cực tìm tòi và phát triển từ chính các nguồn lực có sẵn tại địa phương”.

Sau hơn 3 năm triển khai Chương trình OCOP, với mục tiêu phát triển các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương, huyện Đồng Hỷ đang là địa phương dẫn đầu tỉnh Thái Nguyên với 31 sản phẩm được công nhận đạt từ 3 sao trở lên. Trong đó có 1 sản phẩm 5 sao cấp Quốc gia, 21 sản phẩm đạt 4 sao và 9 sản phẩm 3 sao. Việc phát triển các sản phẩm OCOP đã góp phần làm tăng giá trị sản phẩm trên 1ha đất nông nghiệp trồng trọt của huyện từ 110 triệu đồng năm 2020 lên 115,9 triệu đồng năm 2021.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Cao Bằng xóa gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2024, tỉnh Cao Bằng đã xóa được gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát, kinh tế của địa phương có bước tăng trưởng quan trọng.