| Hotline: 0983.970.780

Người Việt chế tạo tàu ngầm: ...Đến “Trường Sa 1"

Thứ Ba 11/03/2014 , 10:27 (GMT+7)

“Trường Sa 1” là tên chiếc tàu ngầm thứ hai được SX ở Việt Nam, đã hoàn thiện và vận hành thử thành công trong bể nước vào đầu năm 2014 này.

Tác giả của "Trường Sa 1" là kỹ sư Nguyễn Quốc Hòa, Giám đốc Cty Cơ khí Quốc Hòa (có trụ sở tại TP. Thái Bình, tỉnh Thái Bình).

Biết ông đang lảng tránh báo chí từ khi thử nghiệm thành công con tàu ngầm của mình do bị “quây” khá nhiều, tôi đã nhờ ông Lương Ngọc Phi, Giám đốc Cty TNHH Thanh Phong, bạn của ông, dẫn đến. Vừa qua cuộc thử nghiệm, "Trường Sa 1" vẫn còn nằm trong bể xi măng trong khuôn viên Cty.

So với "Yết Kiêu 1" của kỹ sư Phan Bội Trân, thì "Trường Sa 1" có kích thước lớn hơn nhiều: Dài 8,8 m, nặng 9.050 kg. Ông Hòa bảo theo thiết kế ban đầu thì tàu nặng tròn 9 tấn, nhưng sau đội lên 50kg, do phải thêm một số chi tiết nữa. Vỏ của "Trường Sa 1" bằng thép chứ không phải bằng composit như vỏ của "Yết Kiêu 1".

Theo tính toán của ông Hòa thì "Trường Sa 1" có thể lặn sâu 50 m, hoạt động độc lập trên biển 15 ngày. Khi lặn xuống có thể đạt tốc độ tối đa từ 22 đến 25 hải lý/giờ. Câu đầu tiên tôi hỏi ông Hòa là:

- Cơ chế lặn xuống, nổi lên của tàu ngầm thế nào? Có phải giống như cái ụ nổi của Dương Chí Dũng không? Nghĩa là bơm nước vào thì nó lặn xuống và hút nước ra thì nó lại nổi lên?

- Việc làm cho cái tàu ngầm có thể lặn xuống, nổi lên được, là một việc làm cực dễ.

- Tàu được vận hành bằng động cơ gì?

- Về nguyên tắc, bất cứ một động cơ nào có thể làm quay chân vịt được thì đều có thể làm cho một con tàu chạy được. Nhưng đối với tàu ngầm thì khác. Khi tàu lặn xuống, nắp tàu sẽ phải đóng lại. Khi đó không khí trong tàu sẽ hết và máy sẽ chết. Vì vậy phải dùng một công nghệ khác, nếu không muốn sử dụng động cơ điện.

Công nghệ mà ông Hòa nói ở đây chính là công nghệ AIP, để tạo ra một hệ thống không khí tuần hoàn, mà điều khó nhất để tạo ra hệ thống không khí tuần hoàn là ở bộ lọc tái tạo khí. Với tàu ngầm sử dụng công nghệ này, AIP tương tự với việc tạo ra một bầu khí quyển ngay trong tàu.

Khi biết ông Nguyễn Quốc Hòa chế tạo tàu ngầm sử dụng công nghệ AIP, kỹ sư Phan Bội Trân, tác giả "Yết Kiêu 1" đã cho các nhà báo biết, ông thường xuyên theo dõi công việc của ông Hòa, và hai ông đã có nhiều cuộc trao đổi với nhau:

- Thực ra, tàu ngầm mini chạy bằng ắc quy như tôi chế tạo, thì nhiều nước trên thế giới đã làm. Họ làm đẹp và hiện đại, dùng để phục vụ mục đích du lịch và dân sự. Ở Trung Quốc cũng đã có một người nông dân chế tạo được con tàu như vậy. Còn chế tạo tàu ngầm mini sử dụng AIP như anh Hòa thì có lẽ xung quanh Việt Nam chưa có quốc gia nào chế tạo hoặc chế tạo thành công…

Muốn biết sức chở của "Trường Sa 1", chúng tôi hỏi tiếp tác giả của nó:

- Tàu ngầm nhỏ thế, chắc chỉ chứa được một người?

- Không đâu. Cả 4 chúng ta (tôi, ông Hòa, ông Phi và nhà thơ Lại Tây Dương) có thể ngồi ăn trưa thoải mái trong tàu.

Ngoài 50 tuổi, tóc muối tiêu, râu ngạnh trê dầy và đốm bạc, cứng như chổi xể, gương mặt ánh lên vẻ thông minh nhưng nhuốm đầy chất phong trần. Vẻ phong trần ấy là dấu ấn của một cuộc đời từng trải qua không ít gian truân.

Nguyễn Quốc Hòa là con cả trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Thân mẫu ông, cụ Nguyễn Thị Định từng làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, người đã sát cánh bên Bí thư Tỉnh ủy Ngô Duy Đông trong việc làm thủy lợi và cải tạo đồng đất Thái Bình để viết lên “Bài ca 5 tấn” của tỉnh lúa.
Thân sinh ông nguyên là đại tá, từng chiến đấu trong cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Người em kế ông từ một kỹ sư xây dựng trở thành Chủ tịch, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thái Bình và hiện nay là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Ông Hòa tốt nghiệp Đại học Bách khoa, sang Cộng hòa Dân chủ Đức học tập, nghiên cứu từ năm 1976. Về nước rồi lại sang đó kinh doanh, vỡ nợ đến 3 lần. Lại về, mở xưởng SX giấy nhưng không thành, mất hết cả nhà xưởng, phải bán cả nhà riêng, mang máy hàn và đồ nghề ra vỉa hè để “khởi nghiệp” lại với nghề cơ khí.

Từ cái “xưởng cơ khí” vỉa hè đó, đến nay ông đã trở thành chủ nhân của Cty cơ khí Quốc Hòa với một đội ngũ kỹ sư và công nhân rất giỏi. Những chiếc máy in do Cty ông SX trở nên rất nổi tiếng và đã có mặt ở khắp nơi. Đơn đặt hàng bay đến tới tấp…

Việc chế tạo chiếc tàu ngầm “Trường Sa 1" đến với ông một cách rất ngẫu nhiên, khi ông đọc trên báo thấy thông tin về việc Chính phủ ta đặt mua tàu ngầm lớp Kilo của Nga. Khi biết được giá tiền khổng lồ của mỗi chiếc tàu ngầm hiện đại đó, ông nảy ý định chế tạo một chiếc tàu ngầm mini thử xem sao. Nghĩ là làm.

Càng đọc tài liệu và nghiên cứu, ông càng thấy việc chế tạo một chiếc tàu ngầm không đến nỗi quá khó như người đời vẫn nói. Động cơ mua của nước ngoài, còn những thiết bị khác cho tàu thì hầu hết đã có trong nước…

Ngày vận hành thử trong bể nước xây ngay trong khuôn viên của Cty, người đến xem rất đông. Khi nắp tàu đóng lại và con tàu từ từ lặn xuống ở độ sâu gần 5 m, nét mặt ai nấy đều vô cùng căng thẳng. Thời gian cứ nhích đi từng giây một. Chỉ đến khi con tàu từ từ trồi lên. Nắp tàu bật mở, người điều khiển con tàu là kỹ sư Nguyễn Quốc Hòa từ trong tàu nhô lên với nụ cười tươi rói trên môi, tất cả mới thở phào.

Thử nghiệm thành công trong bể nước rồi. Vấn đề bây giờ là đưa nó ra biển để tiếp tục thử nghiệm, và nếu thành công thì vận hành, khai thác luôn…

"Trường Sa 1" trước khi thử nghiệm

Việc đưa con tàu ra biển rất dễ. Chỉ dùng cẩu nhấc nó lên một chiếc xe tải, và đến nơi lại nhấc nó thả xuống là xong. Nhưng vấn đề là nó có được phép xuống biển hay không lại là chuyện hoàn toàn khác.

Cách đây mấy năm, dư luận cả nước đã xôn xao trước tin hai chàng “Hai Lúa” ở một tỉnh miền Nam bắt tay chế tạo máy bay trực thăng. Làm xong tàu bay rồi, nhưng muốn được bay thử thì phải được cơ quan quản lý bầu trời cho phép mới được. Mặt biển cũng vậy. Theo quy định, mọi phương tiện thủy có động cơ muốn được hoạt động trên biển thì phải qua đăng kiểm. Nhưng phương tiện thủy là tàu ngầm thì hiện ở ta chưa có, vì vậy những tiêu chuẩn kỹ thuật để đăng kiểm cho loại phương tiện này cũng chưa được xây dựng.

Thế thì đăng kiểm thế nào? Và nhiều câu hỏi khác cũng được các cơ quan chức năng đặt ra, như con tàu này sẽ hoạt động trên biển với mục đích gì? Nó là tàu quân sự (dù chỉ là một chiếc tàu mini) hay tàu dân sự? Có vị phụ trách ngành chức năng trong tỉnh còn tuyên bố rằng hễ "Trường Sa 1" ra đến biển là sẽ bắt giữ. Chưa rõ tới đây những vướng mắc ấy sẽ được tháo gỡ như thế nào?

Nhưng hiện tại, việc hiện diện của con tàu "Trường Sa 1" rõ ràng đã trở thành một đốm lửa thắp sáng lên khát vọng sáng tạo của những ai dám nghĩ, dám làm. (Hết)

Xem thêm
Sắp xếp những cơ quan, tổ chức đã có phương án

Ban Chấp hành Trung ương Đảng giao Bộ Chính trị quyết định sắp xếp theo thẩm quyền đối với những cơ quan, tổ chức đã có phương án sắp xếp, chuẩn bị kỹ lưỡng.

Khánh thành nhà máy chiếu xạ hiện đại tại tỉnh Hậu Giang

Ngày 24/11, Công ty Cổ phần Hạnh Nguyên Logistics (đặt tại Cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A, huyện Châu Thành) chính thức khánh thành nhà máy chiếu xạ công suất 1.000 tấn/ngày đêm.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 4] Bài học xương máu ở 'vựa' nuôi tôm hùm

Cơn bão số 12 (năm 2017) khiến hàng trăm hộ nuôi tôm hùm ở Nam Trung bộ bỗng chốc trở nên trắng tay, đây là bài học ‘nhớ đời’ của những người nuôi biển hiện nay.