| Hotline: 0983.970.780

Nguy cơ "đắp chiếu"

Thứ Sáu 30/11/2012 , 09:37 (GMT+7)

Người dân xã Quảng Văn, huyện Quảng Xương, Thanh Hoá đang ồ ạt “lên đời” máy công nghiệp để làm chiếu cói. Tuy nhiên, đầu ra cho sản phẩm vẫn là một bài toán khó.

Nghề dệt chiếu giải quyết được lao động địa phương

Người dân xã Quảng Văn, huyện Quảng Xương, Thanh Hoá đang ồ ạt “lên đời” máy công nghiệp để làm chiếu cói. Tuy nhiên, đầu ra cho sản phẩm vẫn là một bài toán khó.

>> Chiếu cói Chương Hòa
>> Mai một nghề ở Định Yên

Có một thời nghề chiếu cói xã Quảng Văn điêu đứng không kém các làng nghề ở nơi khác bởi hiệu quả kinh tế không cao, đầu ra không đảm bảo khiến nhiều hộ chỉ nghĩ đến việc bỏ nghề. Người dân ở đây cho biết, nếu dệt theo lối thủ công thì hai người làm khéo cũng chỉ được 2 đôi chiếu/ngày. Thu nhập không cao nên họ đã thờ ơ với cây cói. Có thời điểm người dân không sống được bằng nghề phải ồ ạt ra các thành phố lớn tìm kế mưu sinh.

Năm 2006, anh Hồ Trung Thiện, người đầu tiên trong làng đã mang về một cái máy dệt chiếu cói công nghiệp và làm ăn có lãi thì người dân Quảng Văn mới rục rịch vay mượn tiền sắm theo. Từ khi có máy, năng suất tăng gấp nhiều lần so với cách làm thủ công truyền thống.

Hàng hoá làm ra đến đâu được cánh lái buôn đến gom tới đó, thậm chí có những hôm cả xã không có hàng để nhập. Trung bình một máy dệt công nghiệp sử dụng hết 2 lao động thường xuyên với công suất đạt khoảng 30-40 đôi chiếu/ngày, lợi nhuận sau khi đã trừ mọi chi phí gia đình anh Thiện lãi gần 10.000 đ/đôi.

Đi vào hoạt động không lâu, xưởng chiếu cói của anh Thiện đã có thể hoàn trả hết số vốn đầu tư ban đầu, ngoài ra còn có của ăn của để. Nhận thấy cách làm ăn mới hiệu quả, nhiều gia đình trong làng cũng vay mượn tiền mua máy, như anh Hồng, Thuận, Cường, Mậu… Đến nay, toàn xã có tới 66 chiếc máy, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hơn 300 lao động, với mức thu nhập bình quân 2,5-3 triệu đồng/người/tháng.  

Anh Hồ Trọng Hồng, chủ cơ sở làm chiếu cói tâm sự: “Làng nghề đã được hồi sinh, phát triển nhờ có công nghệ máy móc hiện đại. Bây giờ, bà con đã có công ăn việc làm, thu nhập ổn định. Nhưng cái khó nhất của chúng tôi vẫn là đầu ra của sản phẩm. Từ khi trong xã có nhiều máy công nghiệp, sản phẩm làm ra rất nhiều. Bà con vui vì duy trì được việc làm, còn những chủ xưởng như nhà tôi thì điêu đứng; thiếu vốn quay vòng, sản phẩm dư thừa không bán được. Một số mối quan hệ từ trước, khi mua sản phẩm thì nợ tiền…".

Ông Hồ Công Hương, Chủ tịch UBND xã Quảng Văn phân trần, từ khi có máy dệt chiếu công nghiệp về, đêm nào đặt lưng xuống giường là ông lại trăn trở. Những năm qua, xã rất quan tâm chú trọng phát triển làng nghề. Tuy nhiên, việc SX hàng hoá vẫn do các cơ sở tư nhân tự tìm đầu ra, chưa có cơ quan nào đứng ra giúp  bao tiêu sản phẩm. Chiếu làm ra không bán được để ẩm mốc.

“Chúng tôi rất cần sự quan tâm của các cấp chính quyền, có chính sách hỗ trợ người dân về nguồn vốn, kỹ thuật, tìm đầu ra cho sản phẩm; tạo điều kiện để duy trì và phát triển nghề làm chiếu”, ông Hương chia sẻ.

Hơn nữa, giữa các hộ SXKD với các chủ thu mua sản phẩm không có sự ràng buộc pháp lý nào, tình trạng mua nợ đang diễn ra rất nhiều. Có cơ sở đang bị nợ tiền lên tới hàng trăm triệu. Đa số không bán được sản phẩm, có bán thì lại không lấy được tiền”.

Bản thân vị chủ tịch xã cũng bỏ tiền đầu tư mua một máy dệt chiếu. Ban đầu làm ăn còn có hiệu quả, nhưng rồi cả làng cùng làm nên sản phẩm ngày một nhiều, trong khi thị trường bị chia nhỏ, hàng hoá không bán được, có giai đoạn chiếu tồn kho ẩm, mốc người dân phải phơi kín cả cánh đồng.

Sau lần đó, ông Hương đã phải lặn lội vào Nam, ra Bắc tìm người bao tiêu sản phẩm nhưng không ai chịu nhận, nên đành phải bán máy. Số còn lại, cơ sở nào tìm kiếm được thị trường thì nghề chiếu cói cũng đủ để họ làm giàu.

Theo ông Hương, không chỉ riêng làng nghề chiếu cói Quảng Văn mà hầu hết cơ sở, làng nghề khác trên địa bàn huyện cũng đang rât khó khăn về nguồn vốn và đầu ra sản phẩm. Để đầu tư một máy dệt chiếu công nghiệp hết khoảng 100 triệu đồng, chưa kể nguồn vốn nhập nguyên liệu, thuê nhân công tốn cả trăm triệu đồng/tháng thì việc để làng nghề phát triển ổn định được là rất khó.

Xem thêm
Vùng thủy sản trù phú ở 'tọa độ lửa'

QUẢNG BÌNH Khi cầu Gianh nối liền hai bờ sông thay cho những chuyến phà, bà con xã Bắc Trạch tiến ra vùng 'tọa độ lửa' năm nào, biến những hố bom thành vùng nuôi thủy sản.

Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối nhiều ngày, ngư dân khốn đốn

Thiết bị giám sát hành trình mất kết nối khiến ngư dân như ngồi trên đống lửa. Nhiều chủ tàu cập cảng tại Quảng Trị rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.