| Hotline: 0983.970.780

Biên giới phía Bắc - Ký ức xưa & Chuyện hôm nay

Nhà báo, liệt sỹ được đặt tên đường

Thứ Ba 14/02/2023 , 07:54 (GMT+7)

Ngày 21/6/2014, tỉnh Lào Cai tổ chức lễ cắm biển đặt tên con đường mang tên nhà văn, nhà báo, liệt sỹ hy sinh trong chiến tranh Biên giới 1979: Liệt sỹ Bùi Nguyên Khiết.

Bà Bùi Thị Mỵ, người em út của nhà văn, nhà báo, liệt sỹ Bùi Nguyên Khiết vừa trở về từ Hoà Bình. Gia đình bà vừa có một buổi gặp mặt đầm ấm, đông đủ người thân để làm giỗ và mời anh linh liệt sỹ Bùi Nguyên Khiết về tham dự.

Bà Mỵ sinh năm 1950, nhiều năm công tác tại Bệnh viện Bạch Mai với chuyên ngành dược sỹ.

Ở tuổi 73, nữ dược sỹ vẫn nhanh nhẹn, khoẻ khoắn và minh mẫn ít ai ngờ.

32-33-2-308

Liệt sỹ Bùi Nguyên Khiết (bên phải) hy sinh vào sáng 17/2/1979 tại điểm cao Lao Páo Chải, xã Tả Ngải Chồ, huyện Mường Khương. Ảnh: Tư liệu.

Khi nhắc tới người anh, bà Mỵ ngân ngấn nước mắt vì xúc động.

Chụp đến kiểu phim cuối cùng trước lúc hy sinh

Sinh năm 1943 tại làng Xích Thổ, huyện Nho Quan, Ninh Bình, Bùi Nguyên Khiết là thế hệ đầu của trường Trung cấp Sư phạm Hoà Bình (nay là trường Cao đẳng Sư phạm Hoà Bình). Tốt nghiệp, anh lên Lào Cai cắm bản, gắn bó với núi rừng Tây Bắc, “thầy giáo Khiết” bám bản, gieo con chữ cho học sinh vùng núi đằng đẵng hơn chục năm trời…

“Ngày đó khó khăn, thiếu thốn đủ bề, phụ huynh của các học trò dân tộc dạy anh tôi cách thích nghi cuộc sống, ấy là vừa dạy học, sống bằng trợ cấp theo chế độ, thi thoảng vào rừng đi săn thú… "Kỹ năng” bất đắc dĩ ấy đã giúp anh có mặt tại điểm cao 1378 Tả Ngải Chồ, cùng đồng đội cầm súng chiến đấu khi cuộc chiến tranh Biên giới nổ ra”, bà Mỵ kể chuyện.

Từ năm 1962 đến năm 1976, Bùi Nguyên Khiết vừa là “thầy giáo bản”, vừa tham gia sáng tác văn học, nghệ thuật. Anh được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, sau đó chuyển sang hoạt động báo chí tại toà soạn Báo Hoàng Liên Sơn (cũ), nay là Báo Lào Cai vì có năng khiếu viết văn, làm báo. Đầu năm 1979, biên giới Tây Bắc căng thẳng, Bùi Nguyên Khiết lên điểm nóng Lao Páo Chải (xã Tả Ngải Chồ, huyện Mường Khương), là phóng viên chiến trường ghi chép về cuộc chiến.

Empty

Con đường mang tên Liệt sỹ Bùi Nguyên Khiết. Ảnh: GĐCC.

“Trước khi cuộc chiến nổ ra vào rạng sáng 17/2, đơn vị trực chốt cao điểm 1378 nói với anh Khiết, ngày mai sẽ có nổ súng, anh rút về tuyến dưới để đảm bảo an toàn. Nhưng anh quả quyết, anh lên đây là để chiến đấu cùng đồng đội, không thể để đồng đội ở lại nguy hiểm, rút về tuyến sau chỉ để an toàn cho cá nhân mình.

Và, anh đã cầm súng. Khẩu K63 hết đạn, anh làm nhiệm vụ tiếp đạn cối 60 ly cho đồng đội mình là chiến sỹ Nguyễn Bá Mạnh chiến đấu chống trả quân xâm lược.

10h30 sáng 17/2, ngày đầu tiên khi cuộc chiến tranh biên giới nổ ra, nhà báo - chiến sỹ Bùi Nguyên Khiết hy sinh. Khi đó, anh vẫn đeo chiếc máy ảnh trên vai, trên tay là khẩu súng. Khi đó, anh tròn 36 tuổi…”, bà Mỵ bồi hồi.

Tròn 2 tháng sau, ngày 17/4/1979, Báo Hoàng Liên Sơn mời gia đình bà Mỵ lên dự lễ truy điệu liệt sỹ Bùi Nguyên Khiết.

Empty

Bà Bùi Thị Mỵ xúc động khi nói về người anh trai của mình. Ảnh: Kiên Trung.

“Lễ truy điệu anh diễn ra trên một quả đồi thuộc tỉnh Hoàng Liên Sơn. Rất đông đồng đội, đồng nghiệp của anh Khiết có mặt. Khi đó, quân Trung Quốc đánh sập tuyến đường sắt, phá huỷ nhiều cây cầu, đường giao thông… Có những đồng nghiệp, đồng chí của anh Khiết phải lội suối băng rừng hàng chục km để tới lễ truy điệu. Chiếc máy ảnh anh Khiết đang đeo trên vai đã chụp tới kiểu phim cuối cùng. Trong túi tác nghiệp của anh, bản thảo bài báo “Mặt trời trên chốt” đã hoàn thành, chờ chuyển về để lên khuôn”, bà Bùi Thị Mỵ xúc động, tự hào.

Những kỷ niệm trong lòng bạn văn

Trong tâm thức của các đông đội, đồng nghiệp, Bùi Nguyên Khiết là một phóng viên chiến trường, một nhà báo đặc biệt. Không chỉ chiến đấu chống kẻ thù trên mặt trận tư tưởng văn hóa…, điều đặc biệt khác, anh còn trực tiếp cầm súng chiến đấu đến viên đạn cuối cùng.

Cùng thế hệ với Bùi Nguyên Khiết là những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng đất Hoàng Liên như Ma Văn Kháng, Pờ Sảo Mìn, Mã A Lềnh… đều dành nhiều sự kính trọng, yêu thương… về đồng đội cũ. Đã có rất nhiều bài viết về cuộc đời, sự nghiệp văn chương của Bùi Nguyên Khiết… Những tác phẩm của Bùi Nguyên Khiết sau này được bạn bè tập hợp đầy đủ trong tác phẩm có tên “Mưa tuyết”.

chien_tranh_bien_gioi_hoang_lien_son

Bảo vệ biên giới tại mặt trận Hoàng Liên Sơn. Ảnh tư liệu.

Trong những ngày sục sôi của cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, khi bọn phản động gây rối ở biên giới Hoàng Liên Sơn, dùng người Hoa làm con bài chính trị vu cáo Việt Nam “bài xích khủng bố, tước đoạt tài sản người Hoa” gây ra sự kiện “nạn kiều”, anh đã dùng ngòi bút, đấu tranh vạch trần âm mưu, thủ đoạn xảo quyệt, thâm độc và lừa bịp của chúng.

Anh viết nhiều bài trên báo chí địa phương và Trung ương vạch trần âm mưu thủ đoạn lấn đất của quân phản động ở Kho Tàu (bến mũi thuyền huyện Bát Xát), ở Nậm Chảy (huyện Mường Khương)…

Bài bút ký cuối cùng Bùi Nguyên Khiết viết 20 ngày trước khi hy sinh có đoạn: “Đêm xuân này tôi ngủ lại Mường Khương mà thấy lòng ấm áp một sức xuân. Hãy giao cho tôi một khẩu súng. Tôi quyết bảo vệ mảnh đất này. Có chết, tôi cũng chết ở đây!”.

Trong một bức thư gửi nhà văn Ma Văn Kháng vào năm 1964 khi anh Nguyễn Văn Trỗi hy sinh, Bùi Nguyên Khiết đã viết: “Tôi cùng tuổi với Nguyễn Văn Trỗi. Anh Trỗi 24 tuổi đã chói sáng một tấm gương anh hùng còn tôi chưa làm được gì ra hồn cho đất nước, tự thấy hổ thẹn quá!”.

z4106064571165_66552a74f1fc7454caf66cf4f2ba1619

Bà Bùi Thị My - em gái Liệt sỹ Bùi Nguyên Khiết. Ảnh: Kiên Trung.

Thế nhưng, những gì anh làm trong 36 năm cuộc đời, Bùi Nguyên Khiết đã có thể ngẩng cao đầu kiêu hãnh.

Nhà văn Ma Văn Kháng dành tặng những dòng viết về Bùi Nguyên Khiết: “Sống thật với cuộc sống, mê đắm từ mỗi góc nhỏ, cảnh vật gắn bó với mỗi biến cố và các giai thoại dân gian của đời sống, Khiết là vậy. Và đó là một phẩm chất quan trọng của nhà văn. Hết mình với cuộc sống dấn thân, ở nghề thầy, Khiết là một giáo viên dạy giỏi. Ở nghề văn, anh là một nhà văn có tài. Vì vừa hiểu biết, vừa tiềm ẩn sức khám phá cái đẹp trong một khuynh hướng thẩm mỹ lớn, anh đã có cả loạt truyện ngắn mà mới chỉ đọc tên truyện có thể nhận ra vẻ đẹp lấp lánh, sâu xa của nó”.

Ngày 21/6/2014, UBND thành phố Lào Cai đã lấy tên anh để gắn biển cho một con đường tại khu trung tâm đô thị mới Lào Cai - Cam Đường (phường Bình Minh, thành phố Lào Cai) - liệt sĩ, nhà báo, nhà văn Bùi Nguyên Khiết. Con phố là gạch nối từ phố Nguyễn Hữu An tới phố 22 tháng 12. Một Quỹ học bổng mang tên Bùi Nguyên Khiết cũng được thành lập để hỗ trợ, động viên các cháu học sinh của xã Tả Ngải Chồ (huyện Mường Khương) - mảnh đất nơi Bùi Nguyên Khiết hy sinh.

Cũng năm 2014, nhạc sỹ Triệu Lam Châu đã viết bài hát “Bùi Nguyên Khiết phố” phổ từ thơ Lê Nhuệ Giang. “...Rừng biên cương tím ngát hoa mua/ Vẫn đang thở phập phồng bài văn, trang báo/ Vẫn tươi rói nét môi cười lồng lộng/ Vẫn tài hoa chân chất một con người...”.

Nhà thơ Pờ Sảo Mìn - tác giả của bài thơ “Cây hai nghìn lá” viết về người bạn liệt sỹ: “…Có một người giáo viên giản dị/ Đạp nhanh chiếc xe Thống Nhất/ Càng ghi-đông bên dài bên ngắn/ Mặc tấm áo bông xanh sờn cũ/ Lên lớp giảng mỗi sáng lạnh căm/ Đáng yêu và duyên dáng xiết bao/ Một khẩu súng đi săn không bắn bao giờ/ Với kẻ thù thì khác/ Những loạt đạn AK khạc ra lửa đỏ/ Thắp một vầng sáng/ Nơi biên cương Tổ quốc”.

“Khi tôi lên dự lễ truy điệu anh Khiết, hoa đào, hoa mận vẫn nở trắng đất Mường Khương. Tôi cũng có lần mơ về anh, trong chiếc áo bông trấn thủ màu xanh chàm, nụ cười tươi rói, chiếc túi tác nghiệp lỉnh kỉnh, và chiếc máy ảnh, cây súng vẫn trĩu trên vai” - bà Bùi Thị Mỵ tự hào khi nhắc tới người anh yêu quý.

Xem thêm
Hội Hữu nghị Việt Nam - Mông Cổ kỷ niệm 70 năm quan hệ ngoại giao

TP.HCM Ngày 15/11, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP.HCM, Hội Hữu nghị Việt Nam - Mông Cổ tổ chức gặp mặt kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước.

Ngành NN-PTNT khu vực ĐBSCL đạt và vượt nhiều chỉ tiêu

ĐBSCL Ngày 14/11, tại cảng Du thuyền TP Mỹ Tho diễn ra hội nghị tổng kết thi đua các khối Sở NN-PTNT vùng ĐBSCL lần thứ VIII năm 2024.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Sôi nổi hoạt động kỷ niệm 65 năm thành lập Trường Đại học Thủy lợi

Tối 15/11, nhà trường tổng kết, trao giải cuộc thi sáng tác văn học, nghệ thuật và tổ chức chương trình ca nhạc chào mừng 65 năm thành lập và ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.