| Hotline: 0983.970.780

Nhà khoa học Harvard kể chuyện tâm linh sau khi chết đi sống lại

Thứ Ba 07/03/2023 , 16:15 (GMT+7)

Nhà khoa học Eben Alexander giảng dạy y khoa tại Đại học Harvard, kể lại sự trải nghiệm tâm linh 7 ngày rất kỳ lạ qua cuốn sách ‘Minh chứng thiên đường’.

Nhà khoa học Eben Alexander.

Nhà khoa học Eben Alexander.

Nhà khoa học Eben Alexander là một bác sĩ phẫu thuật thần kinh nổi tiếng nước Mỹ và có nhiều năm giảng dạy tại Đại học Harvard lừng lẫy. Đồng thời, nhà khoa học Eben Alexander cũng từng có nhiều tác phẩm y khoa trở thành giáo trình ở nhiều trường đại học.

Năm 2008, một chứng bệnh viêm màng não hiếm gặp khiến nhà khoa học Eben Alexander hôn mê liên tục trong 7 ngày. Điều đặc biệt là phần não về nhận thức, tư duy của ông đã hoàn toàn sập nguồn trong quãng thời gian đó. Vì vậy mà ông đã có một trải nghiệm cận tử vô cùng sâu sắc và mãnh liệt để viết cuốn sách “Minh chứng thiên đường”

“Minh chứng thiên đường” (tựa gốc: “Proof of Heaven”) là một cuốn sách khác biệt về chủ đề tâm linh, bởi những trang viết được thuật lại trải nghiệm thập tử nhất sinh của một người có lập trường khoa học vững chắc và hiểu biết sâu sắc về não bộ.

Với một câu chuyện ly kỳ, sống động; thái độ tự phản biện nghiêm khắc của một nhà khoa học cùng với sự đối chiếu với trải nghiệm cận tử của nhiều người khác, “Minh chứng thiên đường” đưa ra gợi ý thú vị về những gì con người có thể “nhìn thấy” và cảm nhận một khi vượt qua những giới hạn của thân thể và bộ não duy lý.

Giống như nhiều người tỉnh dậy sau khi chết đi sống lại, nhà khoa học Eden Alexander dùng những nét màu siêu thực để miêu tả về các “không gian” khác nhau mà ông đã nhìn thấy, hay “đi qua”. Ông miêu tả: “Tôi như một con chuột chũi hay con giun đất, tuy ở sâu trong lòng đất nhưng bằng cách nào đó vẫn nhìn thấy những cây và rễ ngoằn ngoèo, rối rắm như ma trận ở xung quanh”.

Rồi lần lượt, nhà khoa học Eden Alexander dẫn bạn đọc đi qua những khung cảnh sống động, choáng ngợp tựa như trong những giấc mơ hay các bộ phim giả tưởng. Đó là ánh sáng tinh khiết, là một miền đồng quê xanh mướt, mênh mông hay một thiên đường toàn mây… Có nơi tăm tối, có nơi thì rực rỡ, hệt như những “cõi giới” khác nhau với nhiều tầng và cấp bậc - những vũ trụ đang tồn tại song song với thế giới con người.

Điều lý thú hơn nữa là những cảm giác của nhà khoa học Eben Alexander trong “chuyến tham quan” đó. Ông không nhớ mình là ai, không nhận ra những người thân đã khuất hay nhìn thấy những hồi ức xưa cũ; mà tràn ngập trong ông là “một thứ cảm giác phi thời gian, phi biên giới”, ông thấy mình chỉ đơn thuần là “một điểm ý thức đơn độc giữa một đại dương bên ngoài giới hạn thời gian”.

Những lời kể trong “Minh chứng thiên đường” chứa đầy cảm nhận mặc khải, an trú mà nhà khoa học Eben Alexander có được trong suốt 7 ngày hôn mê. Ông kể lại rằng cảm thấy mình như được “về nhà”, được quay về với bản thể đích thực của mình, được yêu thương vô điều kiện và hoà làm một với toàn thể vũ trụ…

Cuốn sách 'MInh chứng thiên đường' gợi mở nhiều câu chuyện tâm linh.

Cuốn sách "MInh chứng thiên đường" gợi mở nhiều câu chuyện tâm linh.

Bên cạnh trải nghiệm tâm linh huyền bí, sức lôi cuốn của “Minh chứng thiên đường” còn nằm ở lời tự thuật về quá khứ và gia đình của Eden Alexander - vốn được ông kể đan xen trong suốt tác phẩm.

Là một bác sĩ thành đạt, có gia đình luôn yêu thương, đồng hành - nhưng vì một biến cố tuổi thơ, sâu trong lòng ông luôn có cảm giác bị bỏ mặc, bị cho đi, cảm giác là “một người hoàn toàn không được mong muốn”. Nhưng qua những sự kiện không thể nào lý giải từ góc độ khoa học, sau trải nghiệm cận tử, “đứa trẻ bị chối bỏ” trong ông được thuyết phục hoàn toàn rằng nó được chấp nhận và yêu thương vô điều kiện - bởi mọi người thân của mình và bởi chính “sự hiện hữu thiêng liêng”. Ông khẳng định: “Tình yêu và sự chấp nhận vô điều kiện mà tôi đã nếm trải trong hành trình của mình là khám phá quan trọng nhất của tôi cho đến bây giờ và mãi về sau”

Chia sẻ chân thật của nhà khoa học Eden Alexander phần nào hé lộ “điểm chạm” giữa những giả thuyết tâm linh (vốn được xem là xa vời và huyền bí) với những vấn đề gần gũi, thiết thân nơi nội tâm con người. Có một sự hiện hữu vô hình, không xa lạ, một vũ trụ rộng lớn bao la mà chúng ta vốn thuộc về, và mỗi người có thể được chữa lành trọn vẹn khi khám phá ra thế giới đó: “Cũng giống như Dorothy trong truyện Phù thủy xứ Oz luôn có khả năng quay về nhà, chúng ta luôn có khả năng tái lập sự kết nối của mình với cảnh giới tuyệt vời đó”, vị bác sĩ viết, “Chỉ là chúng ta quên rằng mình có khả năng đó thôi, bởi vì bộ não của chúng ta ngăn chặn, như tấm màn ngăn che, tầm nhìn của chúng ta khỏi cái nền vũ trụ rộng lớn hơn kia, giống như ánh sáng mặt trời ngăn chúng ta nhìn thấy những vì sao vào mỗi buổi sáng”...

Yếu tố tinh thần trong “Minh chứng thiên đường” không huyền ảo mơ hồ, mà chúng được kể lại rạch ròi, thông qua lời văn giản dị và các phân tích chặt chẽ. Ở phần phụ lục của tác phẩm, tác giả còn đưa ra nhiều giả thuyết khoa học thần kinh khác nhau để tự phản biện và giải thích cho những trải nghiệm huyền hoặc của mình. Nhờ đó, cuốn sách này có thể làm lay chuyển nhiều cái nhìn hoài nghi vốn vẫn thường hướng về các câu chuyện mang màu sắc tâm linh.

Được ra mắt lần đầu tại Mỹ vào năm 2012, “Minh chứng thiên đường” lọt vào danh sách sách bán chạy của New York Times, Amazon, Los Angeles Times; và tạo nên nhiều làn sóng tranh luận sôi nổi. Trước khi được mua bản quyền ấn hành ở Việt Nam, “Minh chứng thiên đường” đã được xuất bản tại hơn 40 quốc gia trên thế giới.

Xem thêm
Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm