| Hotline: 0983.970.780

'Nhà kính khổng lồ' biến Trái đất từ bạn thành thù!

Thứ Sáu 10/08/2018 , 10:30 (GMT+7)

Điều này nghe giống như tiêu đề của một bộ phim viễn tưởng nhưng với các nhà khoa học, “Nhà kính Trái đất” là một kịch bản "chết chóc" thực sự.

Kịch bản 2oC

Giới nghiên cứu tin trái đất sẽ sớm chạm ngưỡng dẫn đến nhiệt độ tăng và nước biển dâng lên trong vài thế kỷ tới. Và ngay cả khi các quốc gia thành công trong việc thực hiện mục tiêu cắt giảm CO2, nhân loại vẫn có thể vô tình đi vào “con đường không thể quay đầu” này.

09-17-01_1
Nhiều khu vực trên thế giới sẽ bị tàn phá đáng kể trong kịch bản “Nhà kính Trái đất” (Ảnh: Getty Images)

Một nhóm quốc tế gồm các nhà nghiên cứu khí hậu nói tình trạng ấm lên trong vài thập kỷ tới có thể biến một số thế lực tự nhiên đang bảo vệ loài người thành kẻ địch. Nghiên cứu của họ cho thấy “Nhà kính Trái đất” có thể xảy ra nếu nhiệt độ toàn cầu tăng 2oC.

Mỗi năm, các khu rừng, đại dương và đất đai trên trái đất hấp thụ khoảng 4,5 tỷ tấn CO2, nếu không, lượng khí thải này sẽ đi vào bầu khí quyển. Tuy nhiên, đây cũng là thảm họa tiềm ẩn, khiến vấn đề biến đổi khí hậu tồi tệ hơn bởi trong trường hợp xấu nhất, các “đồng minh thiên nhiên” sẽ thải ra nhiều CO2 hơn mức hấp thụ.

Năm 2015, chính phủ các quốc gia trên thế giới cam kết không để nhiệt độ toàn cầu tăng quá 2oC và nỗ lực để giữ ở mức dưới 1,5oC. Theo nhóm nghiên cứu, kế hoạch cắt giảm CO2 hiện tại có thể chưa đủ nếu phân tích của họ là đúng.

“Những gì chúng tôi đang đề cập đến là khi Trái Đất ấm lên 2oC, con người có thể phải nhường quyền kiểm soát lại cho chính hành tinh này”, giáo sư Johan Rockstrom từ Trung tâm Phục hồi Stockholm nói với BBC. “Giờ chúng ta đang nắm quyền kiểm soát nhưng một khi nhiệt độ tăng quá 2oC, trái đất sẽ chuyển từ bạn sang thù. Chúng ta hoàn toàn phó mặc số phận cho một hệ thống bắt đầu mất sự cân bằng”.

Nhiệt độ toàn cầu đã tăng khoảng 1oC trên kể từ thời tiền công nghiệp và đang tăng khoảng 0,17oC mỗi 10 năm.

Nhóm nghiên cứu xem xét 10 hệ thống tự nhiên mà họ gọi là “quy trình phản hồi”. Lúc này, chúng vẫn giúp con người thoát khỏi những tác động tồi tệ nhất từ CO2 và nhiệt độ tăng, bao gồm các cánh rừng, biển băng Bắc Cực và methane hydrate (băng cháy) trên thềm đại dương.

Điều đáng ngại là khi một trong những hệ thống này thất bại và bắt đầu đẩy một lượng lớn CO2 vào khí quyển, số còn lại có thể sụp đổ theo hiệu ứng dây chuyền.
 

“Nhà kính Trái đất” là gì?

Nói ngắn gọn, đây là điều không tốt. Theo các nghiên cứu, giai đoạn “Nhà kính Trái đất” sẽ có nhiệt độ toàn cầu cao hơn mọi thời điểm trong 1,2 triệu năm qua.

Khí hậu có thể vẫn ổn định với mức nóng lên 4 - 5oC so với thời kỳ tiền công nghiệp. Băng tan dự kiến làm mực nước biển tăng thêm 10 - 60m. Điều này đồng nghĩa với một số vùng ở trái đất không còn thích hợp để con người sinh sống.

Tác động sẽ là “khổng lồ, đôi lúc đột ngột và chắc chắn tàn phá”, các tác giả cho biết. Triển vọng duy nhất là những ảnh hưởng tồi tệ nhất sẽ không kéo dài một hoặc hai thế kỷ. Trái lại, chúng ta không thể làm gì một khi chúng bắt đầu.

Nhóm tác giả cho biết những diễn biến thời tiết cực đoan gần đây trên khắp thế giới chưa thể liên hệ trực tiếp với rủi ro từ việc tăng quá 2oC. Tuy nhiên, một số lại tin rằng đây là bằng chứng cho việc trái đất nhạy cảm với việc ấm lên toàn cầu hơn những nhận định trước đó.

09-17-01_2
Lũ lụt và sạt lở bờ biển là vấn đề lớn khi nhiệt độ toàn cầu tăng (Ảnh: Getty Images)

“Chúng ta nên nghiên cứu các sự kiện cực đoan đó và coi chúng là dấu hiệu để hành động cẩn thận hơn”, Rockstrom nhận định. Theo ông, “chúng ta đã coi thường sức mạnh và độ nhạy cảm của các hệ thống tự nhiên”.

Mọi người nghĩ rằng biến đổi khí hậu chỉ trở thành tình huống khẩn cấp toàn cầu nếu nhiệt độ tăng 3 - 4oC vào cuối thế kỷ này. Tuy nhiên, nhóm tác giả tin chỉ cần vượt ngưỡng 2oC là xuất hiện nguy cơ biến các hệ thống tự nhiên đang giúp kìm hãm nhiệt độ thành những nguồn CO2 khổng lồ, đẩy nhân loại vào “con đường không thể quay đầu”.

Chúng ta có thể tránh kịch bản nhà kính nhưng sẽ cần phải điều chỉnh lại mối quan hệ cơ bản với trái đất, nhóm tác giả cho biết. “Khi hậu cùng các loại biến đổi khác cho thấy loài người đang tác động đến trái đất ở mức độ toàn cầu. Điều này có nghĩa cộng đồng thế giới cũng có thể thay đổi được tình trạng hành tinh trong tương lai”.

“Nghiên cứu đã xác định được một số đòn bẩy phù hợp”, Katherine Richardson, Đại học Copenhagen, đồng tác giả, nói. Chúng ta không chỉ cần dừng dùng nhiên liệu hóa thạch vào giữa thế kỷ này mà cần phải trồng thêm nhiều cây, bảo vệ rừng, phát triển máy móc có thể xử lý CO2 và tìm cách ngăn chặn các tia từ mặt trời.

Những việc này đòi hỏi nhân loại cần thay đổi hoàn toàn hành vi và đòi hỏi có công nghệ. Chúng ta phải cùng trở thành những người quản lý trái đất, Richardson nói.

Một số nhà khoa học cho rằng tài liệu của nhóm tác giả quá cực đoan, số khác lại tin những kết luận đó là có cơ sở.

“Hệ quả từ tác động của con người lên khí hậu, nghiên cứu cho rằng chúng ta đã vượt quá thời điểm để trái đất có thể tự làm nguội”, tiến sĩ Phil Williamson, Đại học East Anglia (Anh), nói. “Những hiệu ứng đó có thể làm trái đất ấm lên 0,5oC vào cuối thế kỷ này - điều chính chúng ta phải chịu trách nhiệm, sau đó vượt qua điểm bùng phát 2oC, biến hành tinh thành một nhà kính”.

Theo Richardson, nếu coi nghiên cứu là một “điềm báo tận thế”, nó có thể mang lại hy vọng rằng “nếu hành động ngay lúc này, thế giới có thể tránh được những hệ quả nặng nề nhất”.

Niềm tin của nhóm tác giả về việc nhân loại bắt tay cùng ứng phó rắc rối tự nhiên này được cho là “không đúng chỗ”.

“Dựa trên lịch sử loài người, đó chỉ là một hy vọng ngây thơ”, theo giáo sư Chris Rapley, Đại học London (Anh). “Khi mà chủ nghĩa dân túy trỗi dậy, sẽ có sự hiệp đồng bác bỏ các thông điệp liên quan và không coi biến đổi khí hậu là một vấn đề, khả năng kết hợp các yếu tố để nhân loại có thể đưa trái đất về tình trạng chấp nhận được chắc chắn gần như không có”.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.