Nhà máy tăng công suất ép
Ngày 22/11, Nhà máy đường An Khê (Gia Lai) - đơn vị trực thuộc Công ty Cổ phần đường Quảng Ngãi tổ chức hội nghị triển khai niên vụ ép 2023 - 2024 và phát động, ký cam kết chấp hành pháp luật về an ninh trật tự, bảo đảm an toàn giao thông đối với Nhà máy và người kinh doanh vận tải mía nguyên liệu trong niên vụ ép 2023 - 2024.
Tham dự hội nghị có Trung tá Ksor H’Bơ Khắp, Phó Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai; cảnh sát giao thông và lãnh đạo, ngành chức năng 4 huyện, thị xã Đông Gia Lai cùng hơn 100 người kinh doanh, vận tải mía nguyên liệu trên địa bàn.
Theo ông Nguyễn Hoàng Phước, Phó Giám đốc Nhà máy đường An Khê, trong 3 năm gần đây, diện tích vùng nguyên liệu mía của Nhà máy trên địa bàn 4 địa phương Đông Gia Lai gồm thị xã An Khê và các huyện Đăk Pơ, Kông Chro, Kbang đã phục hồi mạnh mẽ, từ 17.500ha vào năm 2020 đến nay đã tăng đến gần 30.000ha; giá mía được Nhà máy bảo hiểm tăng từ 950.000đ/tấn lên 1,1 triệu đồng/tấn. Trong niên vụ ép 2022 - 2023, Nhà máy đã ép được 1,7 triệu tấn mía nguyên liệu. Kế hoạch trong niên vụ ép này, Nhà máy sẽ ép trên 2 triệu tấn mía. Niên vụ ép 2023 - 2024 được bắt đầu từ ngày 28/11/2023, đến ngày 30/4/2024 sẽ kết thúc.
Thời gian qua, Nhà máy đường An Khê đã đầu tư thêm nhiều hạng mục bổ sung thiết bị để niên vụ ép mới tăng công suất ép lên 18.000 tấn mía nguyên liệu/ngày. Với công suất ép này, Nhà máy cam kết sẽ thu mua hết mía nguyên liệu.
Trong niên vụ ép 2023 - 2024, Nhà máy đường An Khê sẽ thu mua mía nguyên liệu với giá bảo hiểm 1,1 triệu đồng/tấn tại ruộng (10 chữ đường); hỗ trợ đầu vụ 20.000đ/tấn mía thuần, giá cước vận chuyển bình quân 160.000đ/tấn về đến Nhà máy.
Theo ông Nguyễn Hoàng Phước, để đảm bảo an toàn giao thông đối với xe vận chuyển mía, Nhà máy đường An Khê không chấp nhận xe hết đời, xe mang biển số nước ngoài, xe chưa đăng kiểm vận chuyển mía về Nhà máy. Trong niên vụ ép mới, Nhà máy sẽ sử dụng phần mềm để in phiếu thu hoạch mía theo ngày, sử dụng phần mềm Car An Khê để chụp ảnh định vị bến bãi theo phiếu thu hoạch, sử dụng Sugar AKS để quét mã vạch lấy số thứ tự cân.
Ông Mã Văn Tình, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Kbang đề nghị: “Ngay từ đầu vụ, Nhà máy cần chạy hết công suất 18.000 tấn mía nguyên liệu/ngày để giảm dồn ép vào cuối vụ. Vùng nguyên liệu mía ở huyện Kbang mỗi ngày có thể thu hoạch khoảng 4.000 tấn mía/ngày với khoảng 150 - 200 xe, Nhà máy cần tính toán để thu hoạch rải đều”.
Ông Nguyễn Hoàng Phước khẳng định: “Nhà máy đã đề ra kế hoạch thu hoạch hợp lý trên toàn vùng. Tùy từng tiểu vùng, giống mía, thời gian trồng, Nhà máy sẽ phân bổ kế hoạch thu hoạch hợp lý xuyên suốt trong thời gian sản xuất kéo dài 120 - 130 ngày của niên vụ ép. Nhà máy sẽ ép với công suất cao nhất, vấn đề là bà con phải giải quyết công lao động thu hoạch mía trong thời cao điểm”.
Ngành chức năng đồng hành
Trung tá Nguyễn Thành Huy, Trưởng Công an thị xã An Khê cho rằng, địa bàn thị xã An Khê là nơi tập trung các xe vận chuyển mía nguyên liệu về Nhà máy đường An Khê nên thời gian qua, Công an thị xã An Khê đã phối hợp rất tốt với Nhà máy về công tác an toàn giao thông trong việc vận chuyển mía.
“Trong năm 2022, tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thị xã An Khê luôn được đảm bảo, trong đó có phương tiện vận chuyển mía. Tình trạng xe quá khổ, quá tải được chúng tôi xử lý triệt để. Niên vụ ép 2023 - 2024 này, Nhà máy đường An Khê sẽ tăng công suất ép lên 18.000 tấn mía/ngày, đồng nghĩa phương tiện vận chuyển mía cũng sẽ tăng.
Do đó, trong niên vụ ép này, chúng tôi mong Nhà máy, chính quyền địa phương các cấp, doanh nghiệp vận tải cùng phối hợp để vấn đề an toàn giao thông trong vận chuyển mía về Nhà máy được đảm bảo. Chúng tôi đề nghị Nhà máy sắp xếp thứ tự xe vận chuyển mía ra vào Nhà máy, ưu tiên các loại phương tiện theo quy định, sắp xếp bãi đỗ xe…”, Trung tá Nguyễn Thành Huy chia sẻ.
Thượng tá Lương Thị Thu Quỳnh, Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh Gia Lai đánh giá cao việc niên vụ ép năm nay Nhà máy đường An Khê đã phối hợp với Công an tỉnh Gia Lai và công an các huyện, thị xã trong vùng nguyên liệu Đông Gia Lai trong việc đề ra các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông đối với Nhà máy và người kinh doanh vận tải mía nguyên liệu.
“Trước khi Nhà máy đường An Khê bước vào niên vụ ép 2023 - 2024, công an các huyện, thị xã trong vùng nguyên liệu của Nhà máy đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các địa phương triển khai các giải pháp an toàn giao thông; lên danh sách, xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyên truyền, vận động các chủ phương tiện vận chuyển mía về Nhà máy chấp hành pháp luật về an toàn giao thông. Nhất là các quy định về nồng độ cồn, ma túy, tài xế không có giấy phép lái xe, xe quá khổ, quá tải…”, Thượng tá Lương Thị Thu Quỳnh chia sẻ.
Tại hội nghị, lãnh đạo Nhà máy đường An Khê đại diện cho những doanh nghiệp vận tải chuyên chở mía và công an các huyện, thị xã trong vùng Đông Gia Lai đã ký cam kết chấp hành pháp luật về an ninh trật tự, bảo đảm an toàn giao thông đối với Nhà máy và người kinh doanh vận tải mía nguyên liệu trong niên vụ ép 2023 - 2024.
“Phương tiện chở quá tải, quá khổ không phải chỉ người lái xe ấy bị xử lý, mà cả cán bộ, chiến sĩ được giao nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát tuyến đường đó, vào thời điểm đó, kể cả lãnh đạo đơn vị cũng phải chịu trách nhiệm đồng thời. Ngoài ra, theo Chỉ thị số 10 của Thủ tướng Chính phủ, cấp ủy chính quyền địa phương và các sở, ban, ngành cũng phải có trách nhiệm tham gia, liên đới trách nhiệm”, Trung tá Ksor H’Bơ Khắp, Phó Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai nhấn mạnh.