Nhà tranh nhưng chi tiền tỷ
Công trình Nhà truyền thống bon Đăk R’moan (xã Đăk R’moan, TP Gia Nghĩa, tỉnh Đăk Nông) có tổng mức đầu tư hơn 3,4 tỷ đồng do Công ty TNHH MTV Trí Nguyên (Gia Nghĩa) thi công từ đầu năm 2017. Công trình có những hạng mục cơ bản như nhà truyền thống bằng gỗ (rộng 232m2), sân bê tông, nhà vệ sinh, đài nước, khuôn viên cây xanh...
Đến tháng 1/2018, công trình xây dựng được hoàn thành. Một năm sau công trình được bàn giao cho UBND xã Đăk R’moan quản lý và sử dụng. Công trình là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, giải trí truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương. Đặc biệt đây được xem là một trong những điểm tham quan của khách du lịch khi tỉnh Đăk Nông có các sự kiện lớn.
Nhưng hiện tại nhiều hạng mục đã xuống cấp, hư hỏng do sử dụng vật liệu không đảm bảo chất lượng. Theo ghi nhận của phóng viên, mái tranh của căn nhà mục nát nhiều nơi khiến nước mưa đổ thẳng vào các vật dụng bên trong gây hư hỏng. Các nhạc cụ truyền thống được trưng bày tại nhà truyền thống cũng hư hỏng do kém chất lượng.
Ông Điểu Nhiên, người được thuê bảo vệ công trình cho biết, hơn một năm nay, công trình không có người ghé thăm. Theo ông Nhiên một phần là do dịch bệnh, phần vì công trình đã xuống cấp, hư hỏng nhiều nên không ai muốn đến. Đặc biệt, đường vào khu nhà truyền thống cách xa thành phố Gia Nghĩa và nhỏ hẹp.
“Công trình được làm chủ yếu bằng vật liệu tự nhiên. Tuy nhiên thời điểm thi công, phần lớn vật liệu còn non, không đúng chủng loại nên chỉ sau một thời gian sử dụng đã hư hỏng. Nhà truyền thống người M’nông không ai dùng vật liệu như thế này cả”, ông Nhiên nói.
Người này cho biết thêm, khu nhà vệ sinh dù được xây tường xung quanh rất kiên cố, nhưng phía mái nhà chỉ được lợp một lớp cỏ tranh mỏng. Sau một trận gió cuối năm, gần như mái nhà đã bị cuốn đi hết. Đến nay, mái nhà này đã bị hỏng hoàn toàn, đơn vị sử dụng phải dùng tạm bạt để che phần mái nhằm bảo vệ các thiết bị bên trong.
Công trình lãng phí
Từng là niềm tự hào của bon Đăk R’moan nhưng hiện không phát huy được công năng và không đáp ứng được kỳ vọng của người dân địa phương.
Ông Điểm Nham, trưởng bon Đăk R’moan cho biết phần lớn vật liệu được sử dụng để làm nhà truyền thống đều không đúng chủng loại, quy cách so với cách làm của đồng bào M’nông trước đây. Cột gỗ đã nứt, sâu mọt, tạo ra nhiều lỗ lớn. Mái nhà đã hư hỏng toàn bộ, tạo thành những mảng trống lớn. Họ làm ăn kiểu chắp vá nên độ bền của công trình không cao.
Theo người M’nông khi làm nhà thường lấy tranh vào tháng 11 - 12, nhưng tranh sử dụng cho nhà truyền thống lấy sớm hơn nên không đảm bảo chất lượng. Chất lượng không đảm bảo nên hiệu quả hoạt động không có.
“Trước đây khi chưa có hội trường, người dân còn thường xuyên sử dụng nhà truyền thống làm nơi sinh hoạt chung. Nhưng từ khi hội trường bon được sửa chữa thì nhà truyền thống gần như đóng cửa hoàn toàn, ngay cả sân bóng chuyền bên ngoài căn nhà cũng không được sử dụng tới. Công trình đầu tư với nguồn vốn lớn nhưng không sử dụng thường xuyên nên rất lãng phí”, ông Điểu Nham nói.
Trước tình trạng nhà truyền thống bon Đăk R’moan xuống cấp, từ năm 2020 tới nay, UBND xã Đăk R’moan liên tục có tờ trình xin cấp kinh phí để sửa chữa. Trong đó, năm 2020, đơn vị quản lý sử dụng đề nghị bổ sung 115 triệu đồng, đến năm 2021 là 820 triệu đồng và ước tính năm 2022 là khoảng một tỷ đồng.
Theo UBND xã Đăk R’moan, qua 3 năm sử dụng, đến nay một số hạng mục của công trình nhà truyền thống và công trình phụ đã xuống cấp nghiêm trọng. Mái tranh đã mục rữa, không đảm bảo sử dụng trong mùa mưa; giếng khoan hư hỏng, nước lúc có lúc không; nhà vệ sinh gần như không thể sử dụng… Đặc biệt, việc hư hỏng dẫn tới những khó khăn nhất định cho công tác quản lý, bảo vệ các nhạc cụ truyền thống đang trưng bày tại căn nhà này.
Theo ông Phạm Trung Đông, Phó chủ tịch UBND xã Đăk R’moan các cơ quan liên quan cũng đã kiểm tra thực tế và đánh giá hiện trạng xuống cấp của công trình. Tuy nhiên theo từng năm, các hạng mục càng đã hư hỏng nghiêm trọng hơn và buộc phải làm mới.
"Dự kiến năm nay thành phố dự kiến bố trí kinh phí để sửa chữa nhà truyền thống này. Để tăng độ bền cho công trình, địa phương đã kiến nghị sử dụng các vật liệu khác thay thế tranh, tre, nứa đồng thời có biện pháp khai thác hiệu quả công trình, nhằm phát huy giá trị như từng được kỳ vọng", ông Đông chia sẻ.