Nhà văn Võ Quảng là một tác giả cả đời viết cho thiếu nhi. Ông là Giám đốc đầu tiên của Nhà xuất bản Kim Đồng, nên đơn vị này có kế hoạch tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Võ Quảng rất tỉ mỉ. Ban đầu lễ kỷ niệm dự kiến tổ chức đúng ngày sinh 1/3 của ông, nhưng phải hoãn vì Covid-19.
Dự kiến tiếp theo tổ chức lễ kỷ niệm vào dịp Cách mạng Tháng 8, vì ông đã tham gia sự kiện lịch sử trọng đại này và đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố Đà Nẵng ngay khi chính quyền về tay nhân dân. Đáng tiếc, lễ kỷ niệm cũng không thể thực hiện một lần nữa vì Covid-19, mà quê nhà của ông trở thành tâm dịch.
Nhà văn Võ Quảng sinh ra ở xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. 15 tuổi, ông ra Huế học Trường Quốc học và tham gia tổ chức Thanh niên Phản đế. 21 tuổi, ông bị Pháp bắt giam ở nhiều nhà tù, rồi mang về quản thúc tại Hội An. Năm 1944, Võ Quảng trốn thoát khỏi sự kìm kẹp và có mặt trong hàng ngũ những người kháng chiến. Sau năm 1954, Võ Quảng tập kết ra bắt và bắt đầu cầm bút.
Được giao nhiệm vụ xây dựng Nhà xuất bản Kim Đồng từ khi thành lập vào năm 1957, nhà văn Võ Quảng quyết định hướng tâm tư của mình vào sự nghiệp phục vụ thiếu nhi. Tập thơ đầu tay “Gà mái hoa” của ông đến hôm nay vẫn còn có nhiều bài nằm trong sách giáo khoa.
Ví dụ, đoạn thơ sau đây thì hầu như trẻ em Việt Nam nào cũng từng đọc qua: “Cốc cốc cốc/ Ai gọi đó/ Tôi là thỏ/ Nếu là thỏ? Cho xem tai…/ Cốc cốc cốc/ Ai gọi đó/ Tôi là gió/ Xin mời vào/ Kiễng chân cao/ Trèo qua cửa/ Cùng soạn sửa/ Đi thả diều/ Rồi đùa reo/ Trong ngàn lá”.
Nhà văn Tô Hoài (1920 - 2014) với tư cách một đồng nghiệp đồng niên, đã nhận xét về dòng thơ thiếu nhi mà nhà văn Võ Quảng đã mang đến cho trẻ em Việt Nam: “Tôi nghe người yêu thơ xưa nay nói rằng, thơ thật là thơ thì cứ tự nhiên đến và ở với ta như thế. Tình thơ vào hồn người. Một cảm tưởng ấy, tôi đọc thơ Võ Quảng...
Tôi không còn tuổi nhỏ đọc thơ anh. Nhưng trong tôi nguyên vẹn cái háo hức của trẻ thơ. Tôi không phải ngỡ mình là em bé để vào thơ anh mà tôi được tỏa hết sức vào thơ – câu thơ, chữ thơ, ý thơ cho mọi người!”
Ngoài thành tựu thơ viết cho thiếu nhi, nhà văn Võ Quảng còn nhiều tác phẩm văn xuôi viết cho lứa tuổi nhỏ mà nổi tiếng nhất là hai truyện dài “Quê nội” và “Tảng sáng”. Hai truyện dài ấy, Võ Quảng đã viết về chính mảnh đất xứ Quảng mà ông đã trải qua thuở ấu thơ.
Võ Quảng đã đưa vào “Quê nội” và “Tảng sáng” tất cả niềm thương nỗi nhớ nơi chôn nhau cắt rốn, nên mỗi trang văn đều khiến độc giả xúc động về từng kỷ niệm, từng mặt người, từng bóng cây, từng đám ruộng…
Nhà văn Alice Kahn khi dịch “Quê nội” và “Tảng sáng” sang tiếng Pháp, đã có lời giới thiệu rất trân trọng: “Các độc giả phương Tây có lẽ sẽ ngạc nhiên giữa bao nhiêu khía cạnh dân tộc của người Việt Nam. Chẳng những sự say mê xem hát tuồng của dân làng và vai trò quan trọng của sân khấu trong đời sống của họ, mà cảnh chạy trốn chiến tranh hay chạy trốn đói nghèo kéo dài suốt lịch sử đất nước Việt Nam qua bao thế kỷ, cũng tạo nguồn cảm hứng cho bao nhiêu bài hát dân gian”.
Nếu người khác đưa tác phẩm của Võ Quảng ra thế giới, thì Võ Quảng lại đưa những tác phẩm lừng lẫy thế giới vào Việt Nam phục vụ trẻ em. Chính ông đã đem hai nhân vật hiệp sĩ Don Quixote đánh nhau với cối xay gió và hiệp sĩ Robin Hood chúa tể rừng xanh về nước ta làm bạn với trẻ thơ, qua bản dịch công phu của mình.
Năm 2007, nhà văn Võ Quảng được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, và cũng qua đời ở tuổi 87.
Lúc sinh thời, nhà văn Võ Quảng luôn quan niệm: “Sáng tác cho các em không thể quên vấn đề minh họa. Vẽ đối với các em không phải chỉ là vấn đề trình bày mà nó thuộc về nội dung, tư tưởng của tác phẩm. Nó quan trọng ngang với viết. Kinh nghiệm ở các nước, vẽ cũng như viết cho các em cần phải đi vào chuyên nghiệp”.
Vì vậy, Nhà xuất bản Kim Đồng đã thực hiện theo tiêu chí ấy, khi in lại 5 tác phẩm đáp ứng đầy đủ tính thẩm mỹ để kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà văn Võ Quảng.
Không có lễ kỷ niệm long trọng vì Covid-19, nhưng 5 tác phẩm của nhà văn Võ Quảng phát hành cũng là món quà cho thiếu nhi hôm nay, gồm hai truyện dài “Quê nội” và “Tảng sáng” in chung thành một bộ, tập thơ “Ai dậy sớm”, tuyển tập “Truyện đồng thoại Võ Quảng”, tuyển tập “Những truyện hay viết cho thiếu nhi” và “Võ Quảng – Một đời thơ văn”.