| Hotline: 0983.970.780

Nhân 74 năm Ngày Truyền thống ngành Thủy lợi: Đôi điều suy nghĩ về an toàn hồ đập

Thứ Năm 15/08/2019 , 09:29 (GMT+7)

Điểm lại thành tựu chung của ngành Thủy lợi, không thể không nhắc đến các hồ chứa nước với vai trò vô cùng quan trọng.

Toàn cảnh hồ Núi Cốc, tỉnh Thái Nguyên.

Nước là một vật thể bình thường trong suy nghĩ của nhiều người. Nhưng nó là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá. Bởi nước là sự sống của mọi sinh vật, là yếu tố không thể thay thế được trong các hoạt động của nhân loại. Nhưng nước cũng gây ra bao điều bất lợi. Thủy lợi là lĩnh vực khoa học và công nghệ chuyên nghiên cứu sử dụng mặt lợi của nước và phòng, chống, tránh, giảm nhẹ tác hại do nước gây ra.

Nhận rõ vai trò của thủy lợi trong sự phát triển của kinh tế - xã hội, trong đời sống con người, ngày 28/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thành lập Chính phủ lâm thời của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong đó có ngành Thủy lợi nằm trong Bộ Giao thông Công chính.

Ngành Thủy lợi, có giai đoạn là một bộ riêng với tên gọi Bộ Thủy lợi (4/1958-1960; 1964-10/1995), có giai đoạn là một ngành thuộc Bộ Giao thông Công chính (8/1945-9/1055), Bộ Thủy lợi và Kiến trúc (9/1955-4/1958), Bộ Thủy lợi và Điện lực (1960-1964), Bộ Nông nghiệp và Phát triên Nông thôn (từ 10/1995 đến nay).

Suốt 74 năm qua, dù đứng riêng một Bộ, hay là một ngành của Bộ đa ngành, những con người làm thủy lợi đã cùng toàn dân làm nên những thành tựu to lớn. Đó là hàng nghìn hệ thống công trình thủy lợi, gần 7.000 hồ đập, 10.000 trạm bơm điện lớn, 5.500 cống tưới tiêu, 234.000 ki lô mét kênh mương, gần 43.000 ki lô mét đê các loại trong đó có hơn 5.300 ki lô mét đê song và gần 3.000 ki lô mét đê biển.

Tất cả đã tạo nên hiệu quả to lớn trong sản xuất nông nghiệp và đời sống: chủ động tưới cho 7,3 triệu ha đất lúa, 1,5 triệu ha rau màu và cây công nghiệp; tiêu cho 1,72 triệu ha đất nông nghiệp; cấp 6 tỷ mét khối nước phục vụ cho sinh hoạt mỗi năm; cảnh báo thiên tai; ứng phó lũ, bão; hạn chế thảm họa thiên nhiên đối với môi trường sống; đã góp phần đảm bảo an ninh lương thực và đưa Việt Nam thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới.

Ghi nhận những đóng góp to lớn của ngành Thủy lợi và động viên hàng vạn người trực tiếp đã, đang cống hiến cho sự nghiệp thủy lợi, ngày 21/8/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 1135/QĐ-TTg lấy ngày 28/8 là Ngày Truyền thống của Ngành Thủy lợi Việt Nam.

Điểm lại thành tựu chung của ngành Thủy lợi, không thể không nhắc đến các hồ chứa nước với vai trò vô cùng quan trọng. Trước năm 1945 Việt Nam có rất ít hồ chứa nước. Trong giai đoạn 1945-1975, Việt Nam đã xây dựng hàng trăm hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện lớn nhỏ các loại (hồ lớn nhất có dung tích hàng trăm triệu mét khối nước).

Sau khi giải phóng miền Nam, đất nước thống nhất, cùng với sự phát triển chung của mọi ngành, mọi lĩnh vực, ngành Thủy lợi được đầu tư xây dựng hàng nghìn hồ đập, trong đó nhiều hồ có dung tích hàng tỷ mét khối nước. Đến nay trên khắp đất nước ta, đã có gần 7.000 hồ chứa các loại, trong đó có gần 6.700 hồ thủy lợi, chủ yếu tập trung ở miền Trung, Tây Nguyên, Tây Bắc, Đông Nam bộ và miền núi phía Bắc.

Hồ Lòng Sông, tỉnh Bình Thuận.

Hệ thống hồ chứa nước của Việt Nam thực sự phát huy tác dụng và đóng góp quan trọng cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là cấp nước cho nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt, môi trường; phát điện; cắt lũ, chậm lũ; cải tạo môi trường sinh thái; giao thông thủy; du lịch; nuôi trồng thủy sản….

Nhìn lại công cuộc xây dựng và khai thác hồ đập, thấy còn nhiều vấn đề liên quan đến phát huy hiệu quả của hồ đập cùng với an toàn vùng hạ du. Một là, hồ đập đa phần được xây dựng đã lâu và bị xuống cấp. Hai là, đập thấp, đập vật liệu địa phương chiếm tỷ lệ lớn, thi công thủ công nên dễ bị sự cố. Ba là, quản lý hồ đập mới chú trọng khai thác sử dụng, ít quan tâm đến nghiên cứu trên công trình thực tế. Bốn là, biến đổi khí hậu, tạo ra những hình thái thời tiết cực đoan, làm nguy cơ mất an toàn đập càng cao. Năm là, sự phát triển kinh tế- xã hội đòi hỏi an toàn đập ở mức độ cao hơn và phải gắn với giảm thiểu thiệt hại do ngập lụt ở vùng hạ du.

Rõ ràng năm vấn đề trên đã cho thấy gần 1.200 đập của chúng ta đang có nhiều vấn đề, hơn 300 hồ đập đang bị hư hỏng, đặc biệt, trong đó 120 đập hồ hư hỏng nghiêm trọng. Số còn lại đều tồn tại những nguy cơ bất ổn định. Hiện nay chương trình WB8 đang thực hiện đầu tư nâng cấp cho 450 hồ trên toàn quốc. Thực tế đòi hỏi phải có các giải pháp đồng bộ, căn cơ và phải quyết liệt thực hiện cho bằng được. Đó là, nâng cao nhận thức và tăng cường sự hiểu biết về hồ đập; tiếp tục hoàn thiện hệ thống và cụ thể hóa các văn bản pháp lý; tập trung đầu tư (không dàn trải); nâng cao chất lượng công tác tư vấn thiết kế và công nghệ xây dựng hồ đập; đổi mới cơ bản công tác quản lý hồ đập.

Cuộc sống không thể không có nước. Nước song hành cùng con người, thì hồ đập là một phần không thể thiếu. Nhận rõ những bất cập của hồ đập để Nhà nước và nhân dân luôn giữ cho hồ đập an toàn và thực thi hiệu quả nhiệm vụ mà nó đảm nhận. Đó thực sự là một suy nghĩ không của riêng ai. Đó cũng là một cách thể hiện yêu nghề, gắn bó với ngành, nhân 74 năm Ngày Truyền thống của ngành Thủy lợi Việt Nam.    

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống và cụ thể hóa các văn bản pháp lý về hồ đập

Hồ đập hiện chịu sự điều chỉnh của Luật Tài nguyên nước (2012), Luật Phòng chống thiên tai (2013), Luật Thủy lợi (2017), các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định số 67 (2018) quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi, Nghị định 114 (2018) về quản lý an toàn đập; các Thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Các văn bản pháp lý cần được cụ thể bằng các văn bản hướng dẫn, theo hướng cập nhật tiến bộ KH-CN, sát với những thay đổi của thực tế; Thống nhất về một mối quản lý chỉnh thể nhưng cụ thể rõ ràng; Xem xét lập dự án văn bản pháp luật phù hợp để có cơ sở pháp lý đủ mạnh, quản lý nhà nước, quản lý ngành, quản lý kỹ thuật công tác an toàn hồ đập và đảm bảo lợi ích đa mục tiêu của hồ chứa nước trong cả hệ thống.

(Trường Đại học Thủy lợi)

Xem thêm
Giá heo nhích kích thích người nuôi tái đàn

Sau thời gian dài duy trì ở mức thấp, từ đầu năm 2024 đến nay, giá heo ở Bình Định không ngừng tăng, hiện ở mức 51.000đ/kg, người chăn nuôi hồ hởi tái đàn…

Tỷ lệ tiêm chỉ đạt 52%, Quảng Nam bùng phát dịch lở mồm long móng

Tỷ lệ tiêm phòng thấp, ý thức người dân chưa cao, tập quán chăn thả rông trâu bò là những nguyên nhân dễ gây bùng phát dịch lở mồm long móng ở Quảng Nam.

Điều tra sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu

Dự án V-SCOPE đã nghiên cứu, phát hiện 3 loài sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu ở Tây Nguyên cũng như việc tưới nước quá mức trên cây cà phê.