| Hotline: 0983.970.780

Nhiều diện tích lúa bị cháy, táp lá bất thường, dân bản Lầu lại nghi do ô nhiễm

Thứ Tư 20/09/2017 , 09:20 (GMT+7)

Những ngày qua, gần chục hộ dân ở thôn Km15, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai lại mất ăn, mất ngủ vì nhiều diện tích lúa đang trổ bông bỗng dưng bị cháy và táp lá, rễ bị thối đen, có nguy cơ mất trắng. 

Người dân từng ngày trông chờ vào cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.
 

Nghi do ô nhiễm

Mặc dù, các cơ quan chuyên môn chưa kết luận hay đưa ra nguyên nhân của vụ việc, nhưng người dân tại Bản Lầu đều nghi do ảnh hưởng khói, bụi từ Nhà máy luyện kim màu Lào Cai, thuộc Cty CP Tứ Đỉnh.

16-02-03_1
Nhiều diện tích lúa bị cháy và táp lá

Theo người dân, diện tích lúa kể trên được cấy từ cuối tháng 7/2017 vẫn sinh trưởng bình thường. Tới ngày 4/9, khói tại Nhà máy luyện kim màu bốc lên cả ngày và người dân ngửi thấy mùi hôi, khét cùng hiện tượng khó thở, ho liên tục. Tới ngày 6/9 thì phát hiện cây lúa có dấu hiệu vàng, cháy lá, có một số diện tích lúa bị thối rễ không có khả năng phục hồi. Trước những bất thường trên, người dân địa phương đã phản ánh lên UBND xã Bản Lầu.

Chị Hoàng Thị Hương, thôn Km15 cho biết: “Cây lúa nhà chị đang trong thời kỳ trổ bông bỗng có hiện tượng chết, cháy lá. Gia đình tôi có 6 khẩu đều trông chờ vào ít lúa đến vụ thu hoạch, ấy vậy mà bây giờ có nguy cơ mất trắng”.

Chị Hương và các hộ dân mong muốn các cơ quan chức năng xem xét và có kết luận chính thức về việc diện tích cây lúa có thể phục hồi được không, xác định nguyên nhân lúa bị hư hại do đâu. Nếu là do khí thải của Nhà máy luyện kim màu thì doanh nghiệp cần phải đền bù cho các hộ dân.

16-02-03_2
Người dân nghi do ảnh hưởng của ô nhiễm

Trao đổi với NNVN, ông Dương Hồng Trung, Chủ tịch UBND xã Bản Lầu cho biết, sáng ngày 8/9, nhận được phản ánh của người dân thôn Km15, xã đã cử cán bộ khuyến nông, môi trường xuống nắm bắt tình hình thực tế tại khu vực có lúa bị cháy.

Theo số liệu thống kê, khoảng 37kg giống (tương đương diện tích 4.440 m2) của 7 hộ dân bị ảnh hưởng. Cụ thể, diện tích lúa ở vùng có độ cao lưng đồi có dấu hiệu cháy, táp lá vào khoảng 20kg giống (2.400 m2). Diện tích lúa ở vùng chân đồi thì rễ cây lúa đã bị thối đen, không có rễ non mọc, cây lúa không còn khả năng phục hồi vào khoảng 17kg giống (2.040 m2).

Sau khi kiểm tra thực địa, UBND xã Bản Lầu đã báo cáo sự việc cho UBND huyện Mường Khương. Ngày 14/9, huyện cũng đã cử cán bộ tới kiểm tra lấy mẫu về xác định nguyên nhân, cụ thể là do sâu bệnh hay ảnh hưởng của ô nhiễm.
 

Chưa cho phép hoạt động lại

Một diễn biến khác, liên quan tới Nhà máy luyện kim màu nêu trên, ông Vương Trinh Quốc, người phát ngôn tỉnh Lào Cai cho biết, ngày 11/9, Cty CP Tứ Đỉnh có văn bản gửi UBND tỉnh báo cáo tình trạng khó khăn cũng như tiến độ triển khai dự án.

16-02-03_3
Những ruộng lúa này không thể phục hồi, mất trắng

Doanh nghiệp này cho biết hiện đang sử dụng vốn vay của 3 ngân hàng với tổng mức là 1.100 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, cả 3 ngân hàng này đã có văn bản thông báo đến doanh nghiệp dừng giải ngân vốn lưu động.

Từ tháng 3, sau sự kiện nhà máy này gây ô nhiễm phải tạm dừng, đền bù cho người dân Bản Lầu, tới nay đã tròn 6 tháng. “Đến nay, hệ thống xử lý khí bằng sữa vôi đã được nhà thầu lắp đặt cho cty, mỗi ngày ngừng hoạt động, chúng tôi bị thiệt hại 350 triệu đồng. Nếu tiếp tục kéo dài ngừng SX là dồn doanh nghiệp đến bước đường cùng trên bờ vực phá sản…”, doanh nghiệp này “kêu cứu”.

16-02-03_4
Hiện cơ quan chuyên môn đã lấy mẫu xác định nguyên nhân

Trước đó, ngày 16/8, doanh nghiệp đã gửi công văn đề nghị cho phép hoạt động trở lại và được các Sở TN-MT, KH-CN ra văn bản trình tỉnh Lào Cai xem xét. Tuy nhiên, khi trao đổi với NNVN, ông Vương Trinh Quốc khẳng định, quan điểm của tỉnh là chưa có văn bản cho doanh nghiệp này hoạt động trở lại. Đồng thời, về phản ánh của người dân có diện tích lúa bị thiệt hại, tỉnh đã nắm được và chỉ đạo các cơ quan liên quan vào cuộc.

Về kiến nghị làm rõ trách nhiệm từng cá nhân, tập thể huyện Mường Khương trong việc cấp đất chồng chéo cho doanh nghiệp và người dân, ông Quốc cho biết, nguyên nhân là do công tác GPMB không triệt để. Quá trình bàn giao chỉ dựa trên hồ sơ, bản đồ, thiếu các khâu đo đạc, xác nhận của các khu vực giáp ranh. Tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo huyện Mường Khương làm rõ vấn đề này nhưng tới nay… vẫn chưa xong!

16-02-03_5
Hệ thống xử lý khí bằng sữa vôi bên trong nhà máy luyện kim màu Lào Cai

+ Đại diện nhà máy luyện kim màu Lào Cai cho biết, trước những phản ánh của người dân về hiện tượng lúa chết, doanh nghiệp đã có buổi làm việc, ghi nhận sự việc. Các bên thống nhất, sau khi có kết luận của cơ quan chuyên môn sẽ xác định phương án hỗ trợ nếu đúng do ô nhiễm.

+ Ông Vương Trinh Quốc thông tin, trong thời gian qua, tỉnh đã 3 – 4 lần thành lập đoàn đi khảo sát, tìm vị trí để di dời Nhà máy luyện kim màu Lào Cai. Kết quả là chưa tìm được vị trí nào thích hợp để di chuyển.

 

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm