| Hotline: 0983.970.780

Hội thảo xây dựng bộ tiêu chí nông thôn mới:

Nhiều giải pháp sáng tạo xây dựng nông thôn mới nâng cao

Thứ Ba 25/02/2020 , 09:57 (GMT+7)

Một số tiêu chí không phù hợp với thực tiễn mang tính đặc thù của các vùng, miền nên cần phải xây dựng bộ tiêu chí mới.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Minh Sáng.

Ngày 24/2, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Thứ trưởng Trần Thanh Nam, Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo NTM Trung ương chủ trì Hội thảo xây dựng bộ tiêu chí nông thôn mới (NTM) các cấp ở Vùng Đông Nam bộ…..

Theo Văn phòng điều phối NTM Trung ương, tính đến tháng 1/2020, cả nước có 4.849/8.902 xã (54,47%) đã đạt chuẩn NTM, bình quân đạt 15,66 tiêu chí/xã; không còn xã dưới 5 tiêu chí; còn 1.210 xã (13,59%) dưới 10 tiêu chí; đã có 8 xã được công nhận NTM kiểu mẫu, tại các tỉnh Quảng Ninh, Ninh Bình, Quảng Trị và Đồng Nai.

Đến 1/2020 cả nước có 114 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; đến nay có 30 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành Bộ tiêu chí NTM kiểu mẫu áp dụng trên địa bàn tỉnh. 

Tuy nhiên, qua quá trình triển khai Chương trình MTQG xây dựng NTM trong những năm đầu cho thấy, có một số tiêu chí không phù hợp với thực tiễn mang tính đặc thù của các vùng, miền (như miền núi phía Bắc, ĐBSCL, Tây Nguyên) hoặc về nội dung, chỉ tiêu đạt chuẩn, khó vận dụng trong việc chỉ đạo thực hiện và đánh giá xã đạt chuẩn ở các địa phương.

Do vậy, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định cho sửa đổi một số tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về NTM (trong đó điều chỉnh 5/19 tiêu chí NTM).

Thực tế, sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM, nhiều địa phương còn lúng túng, chưa xác định được nội dung chỉ đạo tiếp theo để các xã, huyện tiếp tục thực hiện xây dựng NTM. Thậm chí một số địa phương còn lơ là, thỏa mãn với những kết quả đạt được.

Tuy nhiên, trên thực tế những kết quả đạt được trong xây dựng NTM ở các địa phương mới chỉ là bước khởi đầu, trong khi việc duy trì và giữ vững, không ngừng nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM lên tầm cao hơn mới là yếu tố quan trọng để hướng đến mục tiêu xây dựng NTM bền vững.

Do vậy, Bộ NN-PTNT đã ban hành nội dung định hướng những tiêu chí nâng cao, UBND cấp tỉnh đưa ra chỉ tiêu cụ thể để địa phương có căn cứ xây dựng kế hoạch thực hiện và đánh giá kết quả thực hiện, xét công nhận, công bố xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng, Chánh văn phòng điều phối NTM Trung ương cho biết: “Việc ban hành tiêu chí xã NTM kiểu mẫu được coi là cột mốc mới, hướng tới mục tiêu chất lượng và bền vững trong xây dựng NTM; đồng thời khẳng định quá trình xây dựng NTM là thường xuyên, liên tục, có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc…”.

Theo ông Tiến, đến nay có 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành Bộ tiêu chí NTM nâng cao áp dụng trên địa bàn tỉnh và chỉ đạo thực hiện.

Theo báo cáo của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT), toàn tỉnh có 8 đơn vị cấp huyện, với 82 đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn; trong đó có 45 xã xây dựng NTM. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM có ý nghĩa rất quan trọng, quyết định tới sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, đặc biệt ở khu vực nông thôn.

Đến nay toàn tỉnh đã có 34 xã đạt chuẩn NTM (đạt 75,5%) và 7 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Phấn đấu đến cuối năm 2020, toàn tỉnh sẽ có 39 xã đạt chẩn NTM và 16 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; đồng thời đến năm 2022 tỉnh BR-VT cơ bản hoàn thành nhiệm vụ NTM.  

Ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT chia sẻ: “Sau gần 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã đem lại một diện mạo mới, sức sống mới cho khu vực nông thôn.

Đặc biệt, trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đã hình thành sự liên kết giữa các hộ dân, từng bước chuyển đổi sang sản xuất hàng hóa, tạo ra chuỗi liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm. Cũng nhờ mô hình NTM, đến nay trên địa bàn tỉnh BR-VT đã có những mô hình gia trại, trang trại, HTX, doanh nghiệp đầu tư mạnh vào nông nghiệp và các mô hình này ngày càng phát triển”. 

Theo ông Quốc, từ kết quả đã đạt được, BV-VR sẽ tiếp tục đưa ra nhiều giải pháp sáng tạo và gắn xây dựng NTM với tái cơ cấu nông nghiệp, chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đồng thời, đưa ra cách làm phù hợp với điều kiện của từng địa phương, nơi nào có điều kiện thì thực hiện xã NTM, nơi nào chưa có điều kiện thì xây dựng thôn, xóm… NTM theo từng tiêu chí cụ thể và xác định nhiệm vụ xây dựng NTM là quá trình liên tục và lâu dài. 

Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, có nhiều tiêu chí còn chưa phù hợp với thực tiễn địa phương cần phải điều chỉnh, cụ thể như tiêu chí về các sản phẩm OCOP quy định phải đạt chuẩn 5 sao thì rất khó để thực hiện; hơn nữa không phải địa phương nào cũng có sản phẩm OCOP.

Hay tiêu chí về thu nhập đối với nông dân còn nhiều bất cập; đối với vùng NTM giao thông phải cứng hóa hết thì cũng rất khó và không nhất thiết phải cứng hóa toàn bộ ở các vùng NTM là không cần thiết… Do vậy, cần phải điều chỉnh phù hợp.

Cũng theo nhận định của hầu hết đại diện Văn phòng điều phối các tỉnh, về tổ chức hệ thống văn phòng điều phối, thực tế tỉnh nào có văn phòng điều phối thì tỉnh đó thực hiện rất hiệu quả. Văn phòng điều phối đặt tại đâu thì do điều kiện thực tế của từng tỉnh, như ở Đồng Nai thì đặt tại Sở NN-PTNT.

Phát biểu chỉ đạo, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết: Kết quả của 19 tiêu chí trong 10 năm qua là công cụ nhưng mang lại hiệu quả lớn và có chuyển biến rõ đi vào chiều sâu, giúp cho lãnh đạo địa phương là cơ sở chỉ đạo. Hiện nay còn khoảng 30 tỉnh đạt dưới 50% số xã chưa đạt chuẩn NTM.

Tỉnh có nhiều xã chưa đạt NTM là các tỉnh ở miền núi phía Bắc. Chủ yếu các tiêu chí chưa đạt về ATVSTP và giao thông…

Trong bộ tiêu chí cần xem lại tiêu chí nào khó khăn thì góp ý thêm cho bộ tiêu chí. Trong 9 tỉnh đã hoàn thành 100% tiêu chí NTM thì tiếp theo sẽ phải làm gì trong tiêu chí nâng cao. Thời gian qua có xu hướng chạy theo thành tích và chạy theo tiêu chí nâng cao.

Gần đây, sau khi đi thực tế, Ban chỉ đạo Trung ương đã chỉ đạo cần phải có bộ tiêu chí nâng cao…

Theo Thứ trưởng Nam, sẽ giao quyền tự chủ ở địa phương trong một số tiêu chí nhằm nâng cao sự giám sát hiệu quả tại địa phương. Văn phòng điều phối có thể đặt tại UBND tỉnh hoặc Sở NN-PTNT nhằm phát huy tốt vai trò tham mưu cho Ban chỉ đạo xây dựng NTM.

“Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, cần tập trung vào các tiêu chí nâng cao. Trên cơ sở 19 tiêu chí thì thực hiện tiêu chí nâng cao sẽ như thế nào theo thực tế ở các địa phương.

Hiện nay giữa quy hoạch đô thị và quy hoạch vùng nông thôn thì có tiêu chí nào áp dụng cho hai đối tượng này.

Chương trình NTM không chỉ kéo dài đến 2025 mà có thể còn kéo dài hơn nữa, như vậy mỗi tỉnh có cần phải có Văn phòng điều phối NTM hay không? Đồng thời, chức năng của Văn phòng điều phối sẽ như thế nào để thực hiện tốt vai trò tham mưu cho Ban chỉ đạo”.

  • Tags:
Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Biến rác thải thành điểm tham quan hấp dẫn

QUẢNG NINH HTX Green Life Hạ Long đã trở thành điểm tham quan, trải nghiệm lối sống xanh của rất nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài khi đến với Quảng Ninh.

5 điểm bán sản phẩm OCOP phục vụ giỏ quà tết tại Kiên Giang

Trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, đến nay đã thành lập được 5 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, với hàng trăm giỏ quà tết được tiêu thụ mỗi ngày.

Bình luận mới nhất