| Hotline: 0983.970.780

Phòng, chống dịch bệnh gia súc thời điểm chuyển mùa

Thứ Bảy 15/06/2024 , 07:35 (GMT+7)

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Thuận đã có khuyến cáo, hướng dẫn người chăn nuôi phòng, chống dịch bệnh cho gia súc thời điểm chuyển mùa.

Nguồn thức ăn chăn nuôi vào mùa khô đang là nỗi lo của người dân Ninh Thuận. Ảnh: PC.

Nguồn thức ăn chăn nuôi vào mùa khô đang là nỗi lo của người dân Ninh Thuận. Ảnh: PC.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Thuận, trong các tháng vừa qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra nắng nóng gay gắt, khô hạn. Các hộ chăn nuôi đã chủ động trồng cỏ, thu gom phế phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch vụ đông xuân để dự trữ, bảo quản làm thức ăn do, vậy đàn gia súc trong tỉnh vẫn đảm bảo nguồn thức ăn, không xảy ra dịch bệnh.

Ông Phan Đình Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Thuận cho biết, trong tháng 5 và đầu tháng 6, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện các cơn mưa tập trung làm giảm nhiệt sau thời gian nắng hạn.

Theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia, trong thời gian tới thời tiết trên địa bàn tỉnh nắng nóng đan xen những trận mưa dông. Chính thời tiết này khiến cho đàn gia súc dễ mắc bệnh. 

“Sau các trận mưa, một số diện tích đất tự nhiên cỏ non bắt đầu mọc và phát triển, đàn gia súc như trâu, bò, dê, cừu sử dụng nhiều cỏ non, uống nước đọng lại sau những cơn mưa. Đây là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ gia súc dễ mắc bệnh tụ huyết trùng và các bệnh về đường tiêu hóa như tiêu chảy, chướng hơi dạ cỏ, giun sán, viêm ruột hoại tử…”, ông Phan Đình Thịnh cho hay.

Do đó, để chủ động bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi, tạo điều kiện cho chăn nuôi của tỉnh phát triển, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Thuận đã có văn bản gửi UBND các huyện, thành phố trên toàn tỉnh hướng dẫn công tác bảo vệ đàn gia súc trong giai đoạn chuyển mùa

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Thuận đã có khuyến cáo, hướng dẫn người chăn nuôi phòng, chống dịch bệnh cho gia súc thời điểm chuyển mùa. Ảnh: PC.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Thuận đã có khuyến cáo, hướng dẫn người chăn nuôi phòng, chống dịch bệnh cho gia súc thời điểm chuyển mùa. Ảnh: PC.

Theo đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Thuận đề nghị UBND các huyện, thành phố thường xuyên cập nhật bản tin dự báo thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương và địa phương. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi gia súc áp dụng các biện pháp phòng, chống nắng, nóng, dịch bệnh hay xảy ra vào mùa hè cho từng đối tượng vật nuôi có hiệu quả. 

Đối với người chăn nuôi, cần đảm bảo chuồng nuôi cao ráo, sạch sẽ, thoáng mát, thích hợp với từng đối tượng vật nuôi. Phủ lá dừa, lá chuối, lá cọ, rơm, trồng cây dây leo… lên mái chuồng để chống nóng trực tiếp. Những ngày nắng, nóng phun nước lên mái chuồng, phun sương trong chuồng nuôi và bố trí đủ quạt điện để quạt mát, tránh làm tăng độ ẩm trong chuồng nuôi. 

Song song đó, chuẩn bị đầy đủ phên, lưới chống nóng, bạt để chủ động che chắn chống nắng và chống mưa tạt gió lùa vào chuồng nuôi. Khơi thông rãnh thoát nước thải và xử lý chất thải theo đúng quy định. Trong chăn nuôi lợn và trâu bò cần thu gom, chuyển phân, chất thải ra khỏi chuồng hàng ngày và đưa vào nơi ủ riêng. 

Đối với các trang trại chăn nuôi công nghiệp, quy mô lớn chủ động nguồn cung cấp điện, nước để đảm bảo phục vụ sản xuất. Trồng cây xung quanh khu vực chuồng nuôi tạo bóng mát. 

Khu vực nuôi nhốt đàn bò của ông Lưu Hương ở thôn Hậu Sanh xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước rộng hơn 200m2, rất thông thoáng, có bóng cây che mát. Ảnh: PC.

Khu vực nuôi nhốt đàn bò của ông Lưu Hương ở thôn Hậu Sanh xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước rộng hơn 200m2, rất thông thoáng, có bóng cây che mát. Ảnh: PC.

Bên cạnh đó, do những đợt nắng nóng kéo dài nên thức ăn, nước uống người chăn nuôi cần chú ý chia khẩu phần cho ăn nhiều bữa, cho ăn vào lúc sáng sớm, chiều mát và buổi tối, hạn chế cho ăn vào buổi trưa. Những ngày nắng nóng, tăng cường bổ sung khẩu phần thức ăn xanh cho gia súc. 

“Người chăn nuôi cần cung cấp đủ nước sạch, mát có bổ sung chất điện giải và các loại vitamin, đặc biệt là Vitamin C, ADE cho gia súc, gia cầm uống để tăng sức đề kháng và giải nhiệt. Hạn chế để gia súc uống nước tù đọng lâu ngày, nhằm giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh phát sinh, gây thiệt hại kinh tế trong chăn nuôi”, ông Phan Đình Thịnh khuyến cáo.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Thuận cũng khuyến cáo người chăn nuôi nên chăn thả gia súc vào những lúc trời mát. Trong đó, buổi sáng từ 6-9 giờ sáng, buổi chiều chăn thả muộn từ 16-18 giờ chiều. Những ngày nắng nóng, thời điểm nhiệt độ thường cao nhất là từ 12 giờ đến 16 giờ trong ngày, không chăn thả và cho trâu, bò nghỉ làm việc, nhốt tại chuồng hoặc tại các khu vực có bóng mát, cây xanh. 

Tăng cường vệ sinh, tẩy uế chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi, định kỳ phun thuốc sát trùng, tiêu độc để chống ve, mòng, ruồi, muỗi, bọ mạt... là những tác nhân truyền và gây bệnh trong mùa hè. 

Phân bò được người dân dọn vào 1 góc riêng biệt để ủ làm phân bón cho cây trồng. Ảnh: PC.

Phân bò được người dân dọn vào 1 góc riêng biệt để ủ làm phân bón cho cây trồng. Ảnh: PC.

Ngoài ra, người chăn nuôi cần theo dõi, giám sát chặt chẽ tình trạng của đàn vật nuôi, phát hiện gia súc ốm, bị bệnh để cách ly chăm sóc, điều trị, xử lý kịp thời. Đặc biệt là với các bệnh đường tiêu hoá (nhất là bệnh chướng hơi dạ cỏ, tiêu chảy, viêm ruột hoại tử), hô hấp và các bệnh truyền nhiễm, tẩy xổ giun sán cho gia súc. Tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin để phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm…

Ghi nhận tại hộ ông Lê Văn Tâm, thôn Mỹ Nhơn, xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc hiện đang nuôi 15 con bò. Ông Tâm cho biết, thời điểm bây giờ thức ăn nuôi bò rất khó khăn, không đủ cỏ cho bò ăn.

“Để bảo vệ đàn vật nuôi trước dịch bệnh, nhất là trong thời điểm giao mùa, tôi luôn tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin theo định kỳ, đồng thời vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, tạo sự thông thoáng”, ông Tâm chia sẻ.

Người dân chủ động tích trữ rơm khô để đảm bảo thức ăn cho đàn gia súc những tháng mùa khô. Ảnh: PC.

Người dân chủ động tích trữ rơm khô để đảm bảo thức ăn cho đàn gia súc những tháng mùa khô. Ảnh: PC.

Còn ông Lưu Hương, thôn Hậu Sanh, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước đang nuôi 18 con bò, thời gian qua do thời tiết nắng nóng kéo dài nên cỏ ngoài tự nhiên rất hạn chế, do đó ông đành nuôi nhốt và tích trữ rơm để cho bò ăn. Bên cạnh đó, ông bổ sung thêm thức ăn tinh để đảm bảo dinh dưỡng cho bò.

“Khu vực nuôi nhốt đàn bò của tôi rộng hơn 200m2, rất thông thoáng, có bóng cây che mát. Hàng ngày tôi vệ sinh sạch sẽ khu vực nuôi, phân bò được tôi dọn vào 1 góc riêng biệt để ủ làm phân bón cho cây trồng. Bên cạnh đó tôi tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin như lở mồm long móng, viêm da nổi cục… theo khuyến cáo của cơ quan thú y địa phương”, ông Hương cho hay.

Theo ông, Lưu Trạng, cán bộ Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Ninh Phước, thời điểm nắng hạn, đàn gia súc dễ xảy ra bệnh lở mồm long móng, tiêu chảy ở bê nghé, bò tơ. Từ thực tế đó, các hộ chăn nuôi đã chủ động tiêm phòng vacxin và cho ăn thức ăn tinh để tăng sức đề kháng cho bò, từ đó hạn chế dịch bệnh phát sinh.

“Trên địa bàn huyện đã triển khai đồng loạt tiêm phòng các loại vacxin cho gia súc, gia cầm. Đa số các hộ hưởng ứng rất nghiêm túc, do đó trên địa bàn chưa phát sinh dịch bệnh”, ông Trạng cho hay.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y Ninh Thuận yêu cầu UBND các huyện, thành phố tổng hợp số lượng loại vật nuôi bị thiệt hại, những khó khăn, vướng mắc trong công tác khắc phục hậu quả nắng hạn và trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn báo cáo bằng văn bản về Chi cục Chăn nuôi và Thú y để tổng hợp, tham mưu Sở NN-PTNT báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo hỗ trợ khắc phục hậu quả theo quy định.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.