Giảm bớt căng thẳng
Từ sáng ngày 1/8, TP Cần Thơ cùng các tỉnh ĐBSCL tiếp tục thực hiện tiếp Chỉ thị 16 giãn cách xã hội thêm 2 tuần. Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ báo tin sơ bộ: Trong 2 tuần vừa qua, trong những ngày đầu do bị động khâu thu hoạch và vận chuyển nông sản nên các nhà vườn, HTX sản xuất và tiêu thụ nông sản bị động, gặp khó khăn.
Tuy nhiên chỉ vài ngày sau đó, nhờ có Tổ công tác đặc biệt phía Nam của Bộ NN-PTNT (Tổ 970) phối hợp cùng địa phương tích cực vào cuộc tìm đầu mối kết nối tiêu thụ nông sản, giúp tháo gỡ bớt phần nào khó khăn cho nông dân.
Trong đó, tiêu thụ nhãn đang vào mùa chín rộ căng thẳng nhất ở một số HTX trồng nhãn ở huyện Cờ Đỏ đã được Công ty VINA T&T và một số siêu thị đến thu mua. Bên cạnh đó, Sở NN-PTNT Cần Thơ liên hệ với các lực lượng vũ trang quân đội để cung cấp mặt hàng rau, củ, quả… của các HTX, nông dân. Mặt khác một số chợ bình ổn giá cũng góp phần tiêu thụ hàng nông sản.
Để chuẩn bị cho đợt giãn cách xã hội trong những ngày sắp tới, lãnh đạo TP Cần Thơ chỉ đạo các ngành chức năng, đảm bảo cung cấp đầy đủ phục vụ cho người dân các mặt hàng thiết yếu, thông qua việc duy trì và nâng cao chất lượng phục vụ của hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện ích, điểm bán hàng bình ổn giá, khu vực thực hiện mô hình đưa chợ ra phố... Hiện nay sức mua tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích tăng khoảng 5% - 10% so với 2-3 ngày trước.
Theo Sở NN-PTNT Cần Thơ, Thành phố hiện vẫn còn một số loại trái cây đang tìm đầu mối tiêu thụ. Bên cạnh nhãn, ở huyện Phong Điền còn loại trái cây đặc thù là dâu Hạ Châu đang vào mùa thu hoạch, dự kiến 4.000 - 5000 tấn đang kêu gọi thương lái về tiêu thụ.
Hàng loạt trái cây vẫn chờ tiêu thụ
Trong khi đó, tại Sóc Trăng trong 2 tuần qua, riêng các loại cây ăn trái thu hoạch trên 2.500 tấn, trong đó đã tiêu thụ được hơn 1.600 tấn và hiện còn tồn gần 900 tấn cần tiêu thụ, gồm: Nhãn hơn 460 tấn, đu đủ 210 tấn, chanh 95 tấn, lê-ki-ma 80 tấn, ổi 34 tấn... Hầu hết các loại trái cây còn tồn đã đến kỳ thu hoạch.
Hiện nay, một số nhà vườn đã đưa nhãn ra một số điểm bán lẻ tại khu trung tâm TP Cần Thơ. Tại một điểm bán của nhà vười tại số 139 Trần Hưng Đạo, phường An Phú, quận Ninh Kiều (ngã tư Mậu Thân) bán nhãn Ido vừa thu hoạch bọc 5 kg giá 15.000 đ/kg.
Cách 2 tuần trước, ông Lê Văn Suốt, Giám đốc HTX trồng nhãn xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ) cho biết chỉ vài ngày sau đó khi “luồng xanh” vận chuyển được khơi thông, tìm được nhân công hái nhãn, ông Suốt cho biết đến nay HTX đã tiêu thụ hơn 100 tấn với giá 7.500 đ/kg. Khoảng 45 ha nhãn Ido đã tiêu thụ nên nhẹ gánh được phần nào.
Tuy nhiên HTX Thới Hưng hiện còn 45 ha trồng giống thanh nhãn đang cần tìm mối tiêu thụ với khoảng 300 tấn. Giá bán thanh nhãn hiện còn 35.000 đ/kg, giảm 40.000 đ/kg so mùa nhãn năm trước.
Đến thời điểm này, Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng cho biết nhãn là trái cây còn tồn đọng nhiều nhất. Nhãn xuồng thu hoạch tập trung trong tháng 8, ước sản lượng thu hoạch khoảng 1.600 tấn. Thanh nhãn thu hoạch tập trung trong tháng 8 và 9, ước sản lượng khoảng 1.750 tấn, bắt đầu thu hoạch ở Cù Lao Dung. Nhãn Idor thu hoạch trong tháng 10 và 11, ước sản lượng 3.800 tấn. Nhãn da bò thu hoạch từ 7/2021 đến tháng 3/2022 sản lượng khoảng 13.000 tấn.
Từ tháng 8 đến cuối năm, tại Sóc Trăng còn có một số loại nông sản khác thu hoạch rải đều cần tiêu thụ như: Bưởi trên 14.100 tấn, chanh 17.900 tấn, cam quýt 12.800 tấn, mít 9.700 tấn, chuối 48.500 tấn...
Sở NN-PTNT Sóc Trăng thông báo đường dây nóng tiếp nhận, hỗ trợ xử lý thông tin về sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng trên Website: sonnptnt.soctrang.gov.vn
Tại Sóc Trăng, đầu mối cung ứng nông sản trên cây ăn trái: Công ty TNHH Lam Lâm số 409, đường Lê Hồng Phong, phường 3, TP Sóc Trăng, điện thoại liên hệ: Trần Thị Linh 0942 303 939.