| Hotline: 0983.970.780

DIỆN MẠO MỚI Ở VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ KHU VỰC ĐBSCL

Nhiều nguồn vốn hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế ở Hậu Giang

Thứ Sáu 05/08/2022 , 18:47 (GMT+7)

Hỗ trợ nhau cùng phát triển, linh hoạt sản xuất theo chuyển biến của thị trường là những dấu ấn khởi sắc trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Hậu Giang.

Nói ít làm nhiều

Thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang là địa phương có số hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 1/3 dân số của thị trấn, chủ yếu là dân tộc Khmer. Đa số bà con nơi đây làm nghề tiểu thương, một số ít sinh sống ở các ấp nông thôn phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp.

Chúng tôi có dịp ghé thăm cơ sở sản xuất đồ gỗ nội thất của ông Thạch Chương, một hộ dân tộc Khmer ở ấp Tân Phú, thị trấn Cái Tắc. Đây được xem là cơ sở lớn nhất nhì trong vùng. Và cũng là nơi tạo việc làm với thu nhập ổn định cho nhiều lao động, đặc biệt là lao động người DTTS ở thị trấn.

Chân dung hộ dân tộc Khmer Thạch Chương, chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ nội thất quy mô lớn ở thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Kim Anh.

Chân dung hộ dân tộc Khmer Thạch Chương, chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ nội thất quy mô lớn ở thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Kim Anh.

Đang mải mê bào tấm ván gỗ, thấy chúng tôi, anh Võ Ngọc Huy, thợ mộc chính của xưởng nghỉ tay trò chuyện. Qua lời kể của anh Huy, anh cũng là hộ dân tộc Khmer, trước đây phải đi bôn ba “tùm lum” để làm việc, trang trải cuộc sống. Giờ đây, gần nhà có cơ sở đồ gỗ nội thất này, anh được làm việc đúng chuyên môn, mức lương 8 – 9 triệu đồng/tháng cũng giúp anh sống thoải mái hơn.

“Bây giờ mình trụ ở đây luôn rồi”, anh Huy cười hiền hòa, khẳng định chọn cơ sở này là nơi gắn bó lâu dài.

Toàn tỉnh Hậu Giang có hơn 8.500 hộ đồng bào DTTS, chiếm tỷ lệ hơn 3,2% dân số toàn tỉnh. Trong đó, dân tộc Khmer chiếm trên 2,5%; số ít còn lại là các dân tộc khác sống tập trung ở 32 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Là chủ cơ ngơi hơn chục tỷ đồng, thế nhưng ông Thạch Chương, lại khá giản dị, trò chuyện với chúng tôi lại càng khiêm tốn, “kiệm lời” hơn. Ông cho hay, cơ sở đồ gỗ nội thất hoạt động đã hơn 10 năm, với khoảng 18 lao động, trong đó khoảng 40% số lao động là người đồng bào DTTS. Thời gian đầu, ông kinh doanh mặt hàng điện máy, cũng nhập một số mặt hàng nội thất để kinh doanh. Với lợi thế gần khu công nghiệp và để giảm bớt giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh, ông quyết định đầu tư máy móc, xây dựng xưởng gỗ vừa gia công vừa kinh doanh. Quy mô cơ sở từ đây cũng ngày càng phát triển.

Ông Chương bộc bạch, so với 5 năm trước, đời sống đồng bào dân tộc ở thị trấn Cái Tắc đã nâng cao lên rất nhiều, mở xưởng gỗ bà con cũng lại tiếp giúp công việc. Với người lao động làm việc trong khu công nghiệp khi mua hàng tại cơ sở cũng được ông Chương tạo điều kiện bán trả góp, không tính lãi suất.

Đi cùng chúng tôi, còn có anh Lý Anh Khoa, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cái Tắc. Qua thông tin của anh Khoa, chúng tôi mới biết được ông Chương là một trong những mạnh thường quân thường xuyên hỗ trợ cho các hoạt động xã hội của thị trấn.

Cơ sở đồ gỗ giải quyết việc làm cho nhiều lao động dân tộc Khmer ở địa phương. Ảnh: Kim Anh.

Cơ sở đồ gỗ giải quyết việc làm cho nhiều lao động dân tộc Khmer ở địa phương. Ảnh: Kim Anh.

Linh hoạt phát triển mô hình kinh tế giá trị cao

Nói về chặng đường phát triển của đồng bào DTTS ở thị trấn Cái Tắc, anh Khoa phấn khởi thông tin, trong giai đoạn 2009 – 2012, thị trấn Cái Tắc được thụ hưởng chương trình 135 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, các xã đặc biệt khó khăn, miền núi và vùng sâu, vùng xa. Trong đó đồng bào dân tộc được hưởng rất nhiều hỗ trợ để vay vốn phát triển kinh tế, xây dựng nhà ở. Từ đó đời sống ngày càng ổn định và phát triển.

Vào vùng nông thôn ở ấp Long An A, thị trấn Cái Tắc, chúng tôi bị cuốn vào câu chuyện của bà Đoàn Thị Xuân Đào, Trưởng ban công tác mặt trận ấp và cũng là hộ dân tộc Khmer. Bà Đào thông tin, toàn ấp Long An A có 55 hộ đồng bào dân tộc Khmer, nhưng tỷ lệ hộ nghèo lại chiếm con số rất nhỏ.

Gắn bó với bà con nơi đây, bà Đào bộc bạch, từ năm 2015 trở lại đây, bà con trong ấp bắt đầu thực hiện chuyển đổi mô hình kinh tế từ đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như: chanh không hạt, sầu riêng, mít. Từ đó, bà con phát triển kinh tế đạt kết quả tốt hơn.

Bà con dân tộc Khmer ở thị trấn Cái Tắc thực hiện chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng mít thái, sầu riêng, chanh không hạt. Ảnh: Kim Anh.

Bà con dân tộc Khmer ở thị trấn Cái Tắc thực hiện chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng mít thái, sầu riêng, chanh không hạt. Ảnh: Kim Anh.

Điển hình như gia đình ông Danh Bé ở ấp Long An A, từ 5 công (1.000 mét vuông) đất lúa kém hiệu quả, ông cải tạo toàn bộ diện tích đất để trồng vườn, với các loại cây đang có giá trị cao như sầu riêng. Rồi có thời điểm giá mít thái ổn định, mỗi tháng gia đình ông thu về từ 30 – 40 triệu đồng. Hiện nay vườn sầu riêng cũng đang trong giai đoạn phát triển tốt, hứa hẹn mang lại thu nhập vững chắc cho gia đình trong thời gian tới.

Bà Đào cũng tự hào, khi hiện nay bộ mặt nông thôn của ấp được nâng lên rõ rệt. Thông qua các buổi tuyên truyền chính sách pháp luật, bà con dân tộc Khmer nhận thức rõ tầm quan trọng của việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, hiểu biết sâu rộng hơn.

Nhiều nguồn vốn hỗ trợ đồng bào thiểu số 

Những năm qua, tỉnh Hậu Giang đã thực hiện lồng ghép có hiệu quả các chính sách dân tộc với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, gắn với tăng cường quốc phòng - an ninh, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc… Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS đạt nhiều kết quả quan trọng.

Tuyên truyền phổ biến pháp luật trong đồng bào dân tộc Khmer. Ảnh: Kim Anh.

Tuyên truyền phổ biến pháp luật trong đồng bào dân tộc Khmer. Ảnh: Kim Anh.

Ông Ký Hiếu Thanh, Phó trưởng ban dân tộc tỉnh Hậu Giang đánh giá, khoảng 5 năm trở lại đây, vùng đồng bào DTTS của tỉnh có nhiều thay đổi. Bộ mặt nông thôn khởi sắc. Hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh cho bà con tiếp tục được đầu tư. Góp phần rút ngắn sự chênh lệch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Rõ nét nhất là tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc của tỉnh đã giảm đáng kể từ còn số 32,15% vào cuối năm 2016, đến cuối năm 2021 chỉ còn 16,01%.

Các lễ hội dân gian truyền thống của đồng bào DTTS được bảo tồn và phát huy. Trên địa bàn tỉnh có 15 chùa Khmer, 04 chùa dân tộc Hoa là các địa điểm tôn giáo, tín ngưỡng được chính quyền địa phương tôn trọng tạo điều kiện duy trì hoạt động tín ngưỡng theo từng dân tộc Khmer, Hoa.

Trong giai đoạn 2016 – 2020, với nguồn vốn phân bổ từ Trung ương trên 66 tỷ đồng, tỉnh Hậu Giang đã thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào DTTS. Đơn cử như xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu như cầu, đường giao thông nông thôn, trường học, nhà văn hóa tại những khu vực có đông đồng bào DTTS sinh sống. Qua đây, giúp bà con có điều kiện đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận tiên hơn. Hơn nữa, tỉnh cũng đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng các mô hình giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc với kinh phí trên 62 tỷ đồng. Đồng thời hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo vùng khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn trên 3,3 tỷ đồng…

Thông qua các chương trình trên, Ban Dân tộc tỉnh Hậu Giang có điều kiện tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho hàng nghìn lượt cán bộ người DTTS. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện các chính sách về giáo dục, dạy nghề, nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực vùng dân tộc. Thiết thực nhất là hoạt động tổ chức cho đồng bào DTTS đi học tập kinh nghiệm các mô hình giảm nghèo bền vững ở một số địa phương vùng ĐBSCL và Đông Nam Bộ.

Mỗi dân tộc trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đều có những bản sắc văn hóa, phong tục tập quán riêng, có những mô hình cách làm hay riêng biệt để phát triển kinh tế. Và bà con cùng chung sống gắn kết hài hòa trên mảnh đất nghĩa tình, góp phần xây dựng nên sự đa dạng, phong phú cho văn hóa của tỉnh nhà, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế của tỉnh.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Mắm Lê Gia đạt OCOP 5 sao: Thành công là hành trình, không phải điểm đến

Sản phẩm nước mắm Lê Gia - Cốt đặc biệt 40N của Công ty TNHH Thực phẩm & TMDV Lê Gia vừa được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao.