| Hotline: 0983.970.780

Nhiều tỉnh thành được dùng ngân sách địa phương làm hạ tầng trọng điểm

Thứ Ba 18/02/2025 , 06:30 (GMT+7)

Hải Phòng không phải địa phương đầu tiên xin cơ chế đặc thù dùng ngân sách địa phương tham gia đầu tư, nâng cấp các công trình, hạ tầng trọng điểm.

Bắc Giang chi 456 tỷ ngân sách địa phương làm hạ tầng trọng điểm

Tháng 8/2021, liên Bộ Giao thông vận tải; Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính có văn bản tổng hợp, trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt đề xuất dự án mở rộng 4 cầu Xương Giang, Như Nguyệt, Gianh, Quán Hàu và hầm Đèo Ngang trên quốc lộ 1, sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc với tổng mức đầu tư dự kiến 2.223 tỷ đồng.

Trong đó, cầu Xương Giang (tỉnh Bắc Giang) và cầu Như Nguyệt (bắc qua sông Cầu nối Bắc Ninh với Bắc Giang) nằm trên tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang (nâng cấp từ quốc lộ 1 mới). Đây là các cầu được xây dựng từ những năm 1998 - 2003 với quy mô 2 làn xe. Do vốn đầu tư cầu lớn nên chưa được mở rộng trong các dự án mở rộng quốc lộ 1 trước đây.

Cầu Như Nguyệt - cửa ngõ Bắc Giang được khánh thành vào ngày 16/6/2023 bằng nguồn ngân sách địa phương, thay vì trông chờ nguồn vốn Trung ương. Ảnh: Thu Hương.

Cầu Như Nguyệt - cửa ngõ Bắc Giang được khánh thành vào ngày 16/6/2023 bằng nguồn ngân sách địa phương, thay vì trông chờ nguồn vốn Trung ương. Ảnh: Thu Hương.

Đối với tỉnh Bắc Giang, cầu Như Nguyệt có ý nghĩa hết sức quan trọng. Công trình là cửa ngõ của tỉnh Bắc Giang trên tuyến cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn. Dự án có điểm đầu tuyến tại Km131+580, lý trình Quốc lộ 1 thuộc địa phận xã Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Điểm cuối tuyến tại Km132+900, lý trình Quốc lộ 1 thuộc phường Đáp Cầu, TP. Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh). Tổng chiều dài tuyến khoảng 1,24km, trong đó chiều dài cầu Như Nguyệt khoảng 439m.

Trong khi đó, tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn được triển khai thực hiện thông qua 2 dự án đầu tư theo hình thức BOT từ năm 2014. Tuyến đường được đầu tư theo tiêu chuẩn đường ô tô cao tốc, vận tốc thiết kế 100km/h, quy mô bề rộng nền đường 33m, gồm 4 làn xe cơ giới. Trên tuyến hiện còn 2 vị trí cầu Xương Giang và cầu Như Nguyệt đang khai thác với quy mô 2 làn xe. Điều này khiến cửa ngõ Bắc Giang trở thành điểm “nghẽn cổ chai”, rất khó khăn khi các phương tiện lưu thông qua điểm cửa ngõ vào tỉnh Bắc Giang, nhất là khi địa phương đang có quy hoạch mở rộng, xây dựng thêm nhiều khu công nghiệp, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài…

Theo đề xuất của Bộ GT-VT, dự án nâng cấp, mở rộng cầu Như Nguyệt sẽ dùng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc, với dự toán 456 tỷ đồng.

Khi đó, UBND tỉnh Bắc Giang đã có văn bản chủ động trình Thủ tướng Chính phủ xin tự dùng ngân sách địa phương để mở rộng cầu Như Nguyệt; kiến nghị đưa cầu Như Nguyệt ra khỏi danh mục dự án dùng vốn ODA, thay vào đó là cầu Cẩm Lý trên quốc lộ 37 tuyến đường sắt Kép - Hạ Long.

Căn cứ ý kiến các bộ ủng hộ chủ trương với kiến nghị của UBND tỉnh Bắc Giang, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc, giao UBND tỉnh Bắc Giang báo cáo Bộ Giao thông vận tải triển khai các thủ tục nhanh nhất nhằm đảm bảo an toàn giao thông để đầu tư công trình.

Thành phố Hải Phòng vừa có văn bản đề xuất xin được 'góp' gần 11.000 tỷ đồng để tham gia nâng cấp tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: Phương Thanh.

Thành phố Hải Phòng vừa có văn bản đề xuất xin được "góp" gần 11.000 tỷ đồng để tham gia nâng cấp tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: Phương Thanh.

Tiếp đó, tháng 12/2021, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp Bắc Giang gửi tờ trình tới Bộ Giao thông Vận tải đề nghị thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng cầu Như Nguyệt trên Quốc lộ 1.

Ngày 18/10/2021, Thủ tướng Chính phủ chính thức có văn bản số 1390/TTg-CN cho phép tỉnh Bắc Giang được thí điểm thực hiện đầu tư mở rộng cầu Như Nguyệt bằng nguồn vốn ngân sách địa phương.

Gần 18 tháng sau khởi công, ngày 16/6/2023, cầu Như Nguyệt bắc qua sông Cầu giai đoạn 2 chính thức khành thành, trở thành công trình đầu tiên địa phương xin cơ chế đặc thù: dùng ngân sách địa phương thay vì ngân sách Trung ương.

13 tỉnh được cho phép 'cơ chế đặc thù'

Từ mô hình của Bắc Giang, Bộ GT-VT đã tham mưu, phối hợp với các bộ, ngành xin ý kiến Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội cho phép địa phương tham gia cùng ngân sách Trung ương để xây dựng quốc lộ, cao tốc.

Giữa hai kỳ họp (Kỳ họp thứ 5 đến Kỳ họp thứ 6), Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã có Tờ trình và được Quốc hội nghiên cứu, thảo luận, bấm nút thông qua “Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ”. Vào ngày làm việc cuối của kỳ họp, Nghị quyết số 106/2023/QH15 của Quốc hội thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trìh đường bộ được ban hành, có hiệu lực thi hành từ ngày 28/11/2023 và được thực hiện đến hết ngày 30/6/2025.

6 tỉnh, thành phố được sử dụng ngân sách địa phương tham gia 7 dự án quốc lộ, cao tốc trên địa bàn; 13 tỉnh, thành được sử dụng ngân sách địa phương hỗ trợ địa phương khác đầu tư 14 dự án. Ảnh: Anh Tú.

6 tỉnh, thành phố được sử dụng ngân sách địa phương tham gia 7 dự án quốc lộ, cao tốc trên địa bàn; 13 tỉnh, thành được sử dụng ngân sách địa phương hỗ trợ địa phương khác đầu tư 14 dự án. Ảnh: Anh Tú.

Căn cứ theo Nghị quyết số 106, đầu năm 2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký ban hành Quyết định số 216/QĐ-TTg phân cấp và giao cơ quan chủ quản đầu tư các dự án đường bộ theo Nghị quyết số 106/2023/QH15. Theo đó, Chính phủ quyết định phân cấp 6 tỉnh, thành phố được sử dụng ngân sách địa phương và vốn hợp pháp khác đầu tư 7 dự án quốc lộ, cao tốc trên địa bàn.

Bên cạnh đó, 13 tỉnh, thành phố giữ vai trò cơ quan chủ quản 14 dự án giao thông khác, được sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ địa phương khác thực hiện hoạt động đầu tư công đối với các dự án, như: UBND tỉnh Lai Châu làm cơ quan chủ quản dự án hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên kết nối thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai với huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu; UBND tỉnh Bắc Kạn làm cơ quan chủ quản dự án xây dựng tuyến đường thành phố Bắc Kạn - hồ Ba Bể kết nối sang Na Hang, Tuyên Quang; UBND tỉnh Bắc Ninh làm cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng cầu Kênh Vàng và đường dẫn hai đầu cầu, kết nối hai tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương; UBND TP. Đà Nẵng làm cơ quan chủ quản dự án cầu Quảng Đà và đường dẫn đầu cầu...

6 tỉnh được giao làm chủ đầu tư các dự án, gồm: UBND tỉnh Bình Phước làm cơ quan chủ quản hai dự án: Nâng cấp, mở rộng đường Quốc lộ 14 đoạn Đồng Xoài - Chơn Thành và dự án đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Phước; UBND tỉnh Sơn La làm cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, đoạn tuyến thuộc địa bàn tỉnh Sơn La.

UBND tỉnh Ninh Bình làm cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Ninh Bình; UBND tỉnh Hậu Giang làm cơ quan chủ quản dự án nâng cấp mở rộng tuyến nối Cần Thơ - Hậu Giang (Quốc lộ 61C); UBND TP. Cần Thơ làm cơ quan chủ quản dự án phát triển mạng lưới giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu TP. Cần Thơ - Dự án 1 (Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 61C, đoạn qua địa phận TP. Cần Thơ và đường kết nối quận Ô Môn, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ với huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang, đoạn qua địa phận TP. Cần Thơ); UBND tỉnh Khánh Hòa làm cơ quan chủ quản dự án nâng cấp, mở rộng đường Quốc lộ 26B, tỉnh Khánh Hòa.

Các công trình giao thông trọng điểm luôn cần nguồn vốn lớn; thủ tục, trình tự phê duyệt dự án qua nhiều cấp, nhiều thời gian... Sự chủ động của các địa phương đã chia sẻ những khó khăn về ngân sách với Chính phủ; giúp đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành dự án, từ đó sớm đưa các dự án vào sử dụng, trở thành động lực phát triển kinh tế, xã hội.

Xem thêm
Kiện toàn nhân sự Chính phủ, Quốc hội

Ngày 18/2/2025, theo chương trình, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường biểu quyết thông qua Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và làm việc về công tác nhân sự.

Thủ tướng chỉ đạo ứng phó đợt xâm nhập mặn cao điểm ở ĐBSCL và TP. HCM

Thủ tướng yêu cầu triển khai các biện pháp ứng phó xâm nhập mặn phù hợp với thực tế từng khu vực, hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

Từ 1/3, ô tô điện không còn được miễn 100% lệ phí trước bạ

Bắt đầu từ ngày 1/3/2025, ô tô điện chạy pin đăng ký lần đầu tại Việt Nam sẽ không còn được hưởng mức lệ phí trước bạ 0% như trước.

Đầu tư gần 40.000 tỷ đồng mở rộng cao tốc TP. HCM - Mỹ Thuận

ĐBSCL Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 39.800 tỷ đồng, với chiều dài hơn 96km. Thời gian chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án từ năm 2024-2028.

Bình luận mới nhất