Xin được mở đầu với câu chuyện về ý chí của chàng trai Trần Văn Khánh (xã Xuân Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình). Một ngày đẹp trời, Khánh đã quyết tâm “đi làm nông dân”. Anh bảo: “Bạn bè cùng trang lứa ai cũng rời quê đến các thành phố lớn lập nghiệp. Tôi thì lại từ thành phố trở về và chọn cánh đồng, cây lúa khởi nghiệp. Có nơi đâu bằng nơi mình sinh ra và lớn lên đâu”. Khánh đã thuê lại gần 25ha vùng ruộng cằn để khởi nghiệp với nghề nông.
Những cánh đồng “không dân chân” đầu tiên…
Những bỡ ngỡ ban đầu của chàng nông dân trẻ Trần Văn Khánh cũng dần trở nên nhẹ nhàng. Đi trên con đê ra vùng ruộng, gió thổi lồng lộng như tiếp sức cho anh trước những khó khăn mà anh chưa từng biết, chưa thể lường trước.
Anh tìm đến học hỏi các bác cao niên về be bờ, về “ứng xử” với cây lúa qua từng thời kỳ. Điều gì cũng mới mẻ nhưng đầy cuốn hút, say mê. Ban đầu, Khánh thuê máy về đào mương nhỏ, be bờ thêm những con đê nhỏ sát thửa ruộng để bơm giữ nước và tiêu úng khi cần. Được Công ty Sông Gianh hỗ trợ ứng dụng công nghệ vào sản xuất lúa theo hướng hữu cơ làm Khánh thấy được tiếp thêm động lực.
Huyện Lệ Thủy là vựa lúa của tỉnh Quảng Bình, và Khánh là người đầu tiên trong huyện mạnh dạn xây dựng mô hình canh tác sử dụng thiết bị bay trong gieo sạ, bón phân. Ông Nguyễn Hữu Hán, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy nhìn nhận: “Mô hình tiên phong này sẽ là cơ sở cho các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn học hỏi và ứng dụng để từng bước nâng cao trình độ thâm canh trên đồng ruộng và mang lại hiệu quả cao”.
Bà con nông dân vùng Xuân Thủy vẫn nhớ hình ảnh ngồ ngộ của anh nông dân “đời mới”, bận quần jeans bạc phếch, chân đi giày thể thao lội trên cánh đồng đã khô nước vào vụ gặt. “Ngay vụ đông xuân đầu tiên tôi đã có lãi trên 30 triệu đồng mỗi ha. Đó là liều thuốc tiếp sức cho tôi thực hiện những cách làm mới, đưa khoa học công nghệ vào đồng ruộng” - Khánh bộc bạch.
Vụ hè thu 2024, Công ty Sông Gianh liên kết với bà con thôn Tiên Sơn (xã Quảng Tiên, thị xã Ba Đồn) triển khai mô hình cánh đồng "không dấu chân” trên diện tích khoảng 5ha.
Ông Hoàng Thanh Long, Trưởng thôn Tiên Sơn bảo: “Bà con thích mê. Lần đầu nhìn cái “máy bay” nó cứ ù ù gieo sạ, vậy mà chỉ hơn tháng sau, mầm lúa lên xanh đều hơn cả nông dân đầy kinh nghiệm đi sạ bộ. Rồi máy bay cũng thay người đi rải phân. Ban đầu bà con ai cũng lo lắng lắm. Cái thằng cha nó cứ bay ù ù trên đầu không biết rải phân có đều không, hay lại chỗ thành cục, chỗ chẳng có tẹo nào thì hỏng. Nhưng khi thấy lúa đẻ nhánh, lên thì con gái, ngậm sữa xanh đều như trứng vịt thì ai cũng cười tươi. Vụ hè thu này lúa được lắm. Năng suất hè thu mà trên cả 70 tạ mỗi ha là điều chưa từng thấy bao giờ”.
Riêng nông dân Hoàng Trung thì khoái ra mặt. Nhà ông có gần mẫu ruộng làm mô hình với giống lúa Hương Bình, vào vụ gặt nhìn hạt lúa sáng vàng là biết được mùa đến cỡ nào.
Ông Trung hồ hởi: “Cả đời làm ruộng đên giờ mới hiểu cánh đồng 'không dấu chân' là thế nào. Tôi là chủ ruộng mà khi gặt lúa đi theo máy gặt mới xuống ruộng đó, chớ ngày thường xuống làm chi. Cày bừa cũng có máy, gieo sạ, bón phân, bơm thuốc cũng máy và cuối cùng thu hoạch cũng bằng máy gặt. Trồng lúa mà không cần bước xuống ruộng, chỉ việc đứng trên bờ ngắm thôi mà vẫn lãi được tròm trèm 30 triệu đồng mỗi ha thì chỉ có nông dân bây giờ thôi”.
Nông dân là tỷ phú không còn lạ
Chúng tôi về Hợp tác xã Xuân Bồ (xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy). Ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Hợp tác xã cho hay: “Chúng tôi là đơn vị tốp đầu của huyện triển khai sớm và thành công trong việc làm hai vụ lúa trong năm”.
Ông Dũng giải thích thêm: Lệ Thủy vào vụ hè thu trước đây thường chỉ có 1.400ha gieo cấy, diện tích mà bà con giữ gốc lúa để làm vụ tái sinh lên tới trên 8.100ha. Những năm gần đây, Lệ Thủy vận động nông dân và có các chính sách hỗ trợ vụ hè thu để nâng dần diện tích gieo cấy nhưng vẫn ì ạch vì diện tích tăng không đáng kể. “Riêng Hợp tác xã chúng tôi đã nhiều năm thực hiện hai vụ với gần như toàn bộ diện tích 120ha của xã viên” - ông Dũng nói thêm.
Vì “kỳ tích” làm hai vụ lúa/năm nên tại Xuân Thủy có nhiều nông dân mạnh dạn đấu thầu ruộng trong, ruộng ngoài để sản xuất. Điển hình là nông dân Nguyễn Văn Diện với diện tích khoảng 15ha. Nhiều năm liền năng suất lúa đạt cao nên ông Diện có nhiều kinh nghiệm "ứng xử” với đồng ruộng. Riêng năm nay, lúa được mùa, được giá cả hai vụ nên tính nhẹ cũng lãi mỗi ha được chừng 70 triệu đồng. “Tính ra thì có tiền tỷ trong lòng bàn tay đấy” - ông Diện không giấu diếm.
Xã Hoa Thủy (huyện Lệ Thủy) vốn có lợi thế gần phá Hạc Hải mênh mông nên bà con có cơ hội mở rộng diện tích khai hoang phục hóa. Bởi vậy, nhiều nông dân ở đây có trong tay đến vài chục ha ruộng.
Ông Võ Xuân Hòa, Chủ tịch UBND xã Hoa Thủy cho hay, toàn xã có gần 1.000ha ruộng lúa hai vụ. “Những năm gần đây, nhiều nông dân tích tụ ruộng, nhiều hộ có 19 đến 20ha ruộng. Đơn cử như hộ ông Nguyễn Công Phát ở thôn Xuân Bắc 2 có 20ha, ông Nguyễn Văn Hưng ở thôn Xuân Bắc 1 có 14ha… Với giống lúa mới, năng suất, chất lượng cao nên thu nhập tiền tỷ mỗi năm của nông dân cũng không còn là chuyện lạ” - ông Hòa nói thêm.
Một bức tranh sáng cho nông nghiệp chính là việc đưa các giống lúa mới năng suất, chất lượng cao về thay thế dần những bộ giống đã lâu. Ngoài những bộ giống được cơ cấu vào các vụ thì tại nhiều địa phương đang triển khai nhiều mô hình các giống triển vọng và được nông dân đánh giá cao.
Ông Nguyễn Văn Ngọ, Giám đốc Hợp tác xã tổng hợp Hồng Thủy (huyện Lệ Thủy) cho hay, trên vùng ruộng sâu hơn 250ha, HTX sử dụng giống lúa VNR20 để sản xuất. Dù cuối vụ đông xuân 2024 có mưa lớn gây đổ rạp gần 2.000ha lúa của huyện nhưng vùng đồng sâu sử dụng giống này không bị đổ rạp, không bị ảnh hưởng gì. “Khi chín, VNR20 có bông to, nhiều hạt, tỷ lệ hạt chắc cao, năng suất cao và ổn định qua các năm, trung bình từ 75 - 80 tạ/ha” - ông Ngọ nói thêm.
Theo ông Trần Đình Hiệp, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Bình, yếu tố để tạo nên những vụ lúa thắng lợi cho nông dân Quảng Bình là đưa khoa học công nghệ, cơ giới hóa vào sản xuất, đồng thời dần sử dụng những bộ giống chất lượng cao vào đồng ruộng.
Ông Trần Đình Hiệp, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Bình cho hay: “Quảng Bình đã đưa nhiều bộ giống lúa chất lượng cao vào cơ cấu vào giống chủ lực như PC6, Hà Phát 3, SV181… Một số giống có triển vọng cũng được đưa vào sản xuất như LTH31, QC03, Hương Bình, ADI28, HG12... Ngành NN-PTNT Quảng Bình cũng đã khuyến cáo các địa phương trên cánh đồng chỉ bố trí 1 - 2 giống, mỗi địa phương sử dụng 2 - 3 giống để thuận tiện thâm canh và thu hoạch”.