| Hotline: 0983.970.780

Nhọc nhằn nghề 'đưa biển lên rừng'

Thứ Ba 28/04/2020 , 08:06 (GMT+7)

Khi mọi người còn cuộn tròn trong chăn, thì những người mang sứ mệnh “đưa biển lên rừng” rời làng để đưa cá đến với những người miền núi cho kịp phiên chợ sáng.

Cảnh mua bán tại cảng Thạch Kim, huyện Lộc Hà.

Cảnh mua bán tại cảng Thạch Kim, huyện Lộc Hà.

Ra đi gà còn chưa gáy

Chưa tới ba giờ sáng, anh Nga đã gọi vợ dậy đi. “Mấy giờ rồi? Tối qua mệt quá, ngủ quên mất”, giọng chị Thuần ngái ngủ hỏi chồng.

“Gần ba gờ sáng rồi, chết. Sao cha nó không gọi sớm”, giọng chị trách móc. Anh Nga bật dậy, chị Thuần cũng dậy theo, mặc dù cơn buồn ngủ chưa dứt.

Anh Nga chạy vội ra sân, vơ bộ quần áo, khoác lên người. Vừa sắp cá lên xe, anh vừa nói: “Mẹ nó lấy 2 bộ áo mưa, hình như trời sắp mưa rồi, cất luôn mấy bộ áo quần cho chúng nó, trời mưa bọn trẻ không có áo quần đi học”. “Tui biết rồi, cha nó sắp hàng nhanh lên trễ giờ rồi kìa”.

Khi hàng vừa sắp xong, “lấy tui cốc nước”- vừa thở, anh Nga vừa nói, “để tui đóng cửa, cha nó đẩy xe ra cổng đi” – giọng chị Thuần nhỏ nhẹ. Tiếng xe ì ạch chuyển bánh lẫn vào màn đêm sương mù lạnh lẽo khi gà chưa gáy.

Đôi vợ chồng họ rời ngôi làng nhỏ, vượt hàng chục cây số, trèo mấy ngọn đồi để đến chợ. Chiếc xe cà tàng của họ mệt nhọc bò trên quãng đường quen thuộc. Những lúc như thế, họ chỉ biết cầu mong xe đi đến nơi về đến chốn an toàn. Mỗi chuyến đi là mỗi nỗi lo.

Chị Hoa tâm sự: “Những hôm không may mắn xe hư dọc đường, xe thì nặng mà đường thì dốc và dài, đường núi về đêm người thưa, quán ít chỉ biết khóc và khóc thôi. Phần vì cơm áo gạo tiền, phần vì đường núi nhiều thứ về đêm, muôn sự rình rập”.

Bán cá trong đêm

Từ thành phố Hà Tĩnh, chúng tôi vượt hơn 100km đến chợ Bộng, xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang, chứng kiến những người làm nghề “đưa biển lên rừng”. Buổi sáng chưa rõ mặt người, chúng tôi đã cảm nhận được cảnh mua bán tấp nập của phiên chợ vùng núi.

Người mua kẻ bán, tiếng xe gắn máy phành phạch pha trộn mùi xăng khét lẹt, tiếng còi inh ỏi, xen lẫn tiếng trò chuyện, trả giá... Bán luôn tay, miệng nói không ngớt, đang bán cá này, người kia lại hỏi mua cá khác, người đằng sau ới, ngưới khác lại kêu cá hôm nay không tươi lắm.

Không kịp ăn sáng, ai cũng tranh thủ bán lúc đông người. Những ai may mắn đắt khách thì rõ mặt người đã bán hết hàng, thảnh thơi, ăn sáng trong niềm vui.

Cá nướng trên bếp than hồng, dần cứng lại và không bi ươn.

Cá nướng trên bếp than hồng, dần cứng lại và không bi ươn.

Hỏi một bác hết hàng sớm, bác vui vẻ: “Nhà tôi, ba đời làm nghề này rồi. Đi sớm về trưa vất vả lắm, mùa này lạnh chú ạ, chạy xe gắn máy cóng hết cả tay. Có hôm lên đến chợ phải đốt lả (lửa) để hơ cho tay “sống” lại.

Vất vả là thế nhưng hôm nào may mắn bán được hàng, có đồng ra đồng vào. Tui còn lo cho 2 đứa đại học nữa nên phải cố, nhiều hôm mệt nỏ muốn đi. Nhưng không bỏ được, nghề của cha ông rồi”- bác ấy, là Đặng Quang Nga quê xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà.

Ngược lại cá ế, mới là nỗi khổ thực sự của họ, vừa mệt, vừa đói, không có tâm trí để ăn sáng nữa. Không cho bản thân mình được nghỉ, họ bắt đầu tính đến phương án sắp cá lên xe, vào từng làng, bản, đi từng ngõ, gõ từng nhà để bán hết mớ cá còn lại.

Giờ họ không tính đến lời lỗ, việc quan trọng lúc này là làm sao bán hết cá, chứ đưa về cũng không ăn hết với lại cá cũng hỏng.

Không may mắn như bác Nga, bác Đặng Quang Châu hôm nay ế cá nói trong mệt nhọc: “Nghề này nó vậy chú ạ, cực lắm, tí nữa bác phải đi “bán làng”, chứ mang về cũng chết, lỗ cũng phải bán được đồng nào hay đồng ấy”. Hỏi ra mới biết ở đây người dân đa phần làm rẫy nên họ tranh thủ đi sớm, mua sớm rồi về còn đi làm.

Lựa chọn mặt hàng

Để có những con cá tươi ngon cho người dân miền núi, họ phải đi lấy cá từ đầu giờ chiều ngày hôm trước, tại các làng biển Thạch Kim, huyện Lộc Hà, ...

Những con cá tươi ngon được lựa chọn một cách khéo léo khi mua lại từ ghe. Sau khi phân loại và đóng gói xong thì đã 7, 8 giờ tối. Chạy vội xe trên quãng đường hơn 10 km để kịp về nhà chế biến cho phiên chợ ngày mai.

Công việc của họ bắt đầu từ việc phân loại cá, sắp xếp thành các mặt hàng như cá nướng, cá mắm và cả cá vụn cho “chó”.

Để làm được cá mắm, đầu tiên họ phải đánh hết vảy cá, rửa sạch sẽ, chọn cái sảo tre thưa thật to, sắp cá thành hàng, cứ một lớp cá là một lớp muối, cá to xuống dưới, cá nhỏ sắp lên trên, cứ như thế cho đến khi đầy. Sau khi ướp muối con cá hôm nay ngày mai đã thành mắm, một mặt hàng người miền núi ai cũng thích.

Làm cá, sau đó đưa vào chế biến là cả một nghệ thuật. 

Làm cá, sau đó đưa vào chế biến là cả một nghệ thuật. 

Khi được hỏi, bác Đặng Quang Lợi cho biết, cá ướp muối kiểu này vừa bảo quản được cá tươi và con cá sẽ ngon hơn. Ngày mai con cá ăn muối nó sẽ săn lại, kho với mật mía vừa thơm vừa ngon. Sáng mai nước cá chảy ra cả cái chậu to. Chính vì vậy, mới có câu tục ngữ: “Cá không ăn muối cá ươn, con cưỡng cha mẹ trăm đường con hư”.

Để đáp ứng nhu cầu đa dạng của mọi người, ngoài làm mắm họ còn chế biến thành cá nướng, có thể nguyên con hoặc cắt khúc, tất cả quá trình chế biến phải cẩn thận từ khâu chọn cá để nướng, đến cắt khúc phải làm tỉ mỉ từng tí, cắt phải khéo tay để có con cá đẹp và ngon.

Những ngày mưa lạnh giá đôi tay luôn tê buốt vì nhúng nước, ngược lại mùa hè nóng nực họ nướng cá như nướng chính cả đôi tay mình trên bếp lửa, từng giọt mồ hôi nhỏ vừa chạm ánh than hồng cũng là lúc chúng bay hơi. Họ cứ làm như thế, hôm nào xong sớm thì 23 giờ đêm, hôm nào xong muộn thì cũng gần đón ngày mới, rồi mới tắm rửa ăn cơm, chợp mắt một tí là sẵn sàng cho phiên chợ ngày mai...

Bác Quế tâm sự: “Cách đây bốn năm về trước, sau vụ xả thải Fomosa cá chết nhiều, người ta ít ăn cá một thời gian dài. Đó là khoảng thời gian khó khăn và bế tắc nhất của làng chúng tôi, nhiều người đã phải phiêu bạt vào miền Nam tìm nghề kiếm sống”. Chỉ vào nhà đóng kín cửa bên cạnh, bác nói đó là nhà bác Doãn bỏ nghề này vào Nam bán vé số cả gia đình rồi.

Giờ đây khi mà xã hội ngày càng phát triển, nhiều mặt hàng mới được chế biến, đóng gói sẵn bày bán phổ biến khắp nơi. Tôi cảm thấy lo lắng cho cái nghề “đưa biển lên rừng” của các bác. Rồi cuộc sống của họ sẽ ra sao, nếu khó khăn chồng tiếp khó khăn và cái nghề truyền thống, nét văn hóa vùng quê này liệu có còn giữ được?

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm