Động thái trên diễn ra nhằm đề đạt nguyên vọng yêu cầu chính quyền Tổng thống Jair Bolsonaro có biện pháp khẩn cấp ngăn chặn nạn phá rừng Amazon.
Theo Reuters, nhóm các nhà đầu tư này cũng sẵn sàng họp trực tiếp với Tổng thống Bolsonaro. Nhóm do quỹ bảo hiểm và hưu trí Storebrand Asset của Nauy dẫn đầu.
Họ đã gửi thư đến được 7 đại sứ quán Brazil ở nước ngoài, yêu cầu được làm việc để trình bày lo ngại chung trước tình trạng Brazil đang kéo giảm nỗ lực cũng như biện pháp bảo vệ rừng nói riêng, môi trường nói chung.
“Tình trạng phá rừng tăng nhanh trong những năm gần đây, kèm theo các báo cáo khoa học về việc nhiều chính sách, cơ quan có liên quan đến môi trường bị vô hiệu hóa khiến cho tâm lý hoang mang lan rộng trong cộng đồng cũng như trở ngại đến việc có thể hỗ trợ tài chính, đầu tư vào các lĩnh vực có liên quan tại Brazil”, một bản sao bức thư được gửi đến Reuters viết.
Năm 2019, tốc độ rừng Amazon bị phá ở Brazil tăng mạnh nhất trong 11 năm số liệu được cập nhật liên tục. Đó cũng là năm đầu tiên trong nhiệm kỳ 5 năm của ông Bolsonaro. Theo ghi nhận của Viện Nghiên cứu không gian quốc gia Brazil (INPE), riêng trong năm tháng đầu năm 2020, tỷ lệ rừng Amazon bị phá tăng 34%.
Các cơ quan và cá nhân hoạt động bảo vệ môi trường chỉ trích đích danh ông Bolsonaro đã có những chính sách kích thích tình trạng phá rừng. Ông một mặt ca ngợi Brazil là hình mẫu quốc tế về bảo vệ rừng, mặt khác khuyến khích mở rộng ngành khai khoáng và khai hoang sản xuất nông nghiệp nhằm thẳng vào khu vực Amazon.
Giám đốc điều hành quỹ Storebrand Asset, ông Jan Erik Saugestad nói rằng họ đang đổi chiến thuật. Trước kia, các nỗ lực nhằm thẳng vào các công ty Brazil có hoạt động tại khu vực Amazon, nay họ chuyển sang muốn làm việc trực tiếp với chính phủ để hy vọng có được chính sách từ thượng tầng.
Trong số 29 công ty đứng đơn, có 25 công ty đến từ châu Âu, ngoài ra có 2 công ty Nhật Bản, 1 công ty Mỹ và 1 công ty Brazil. Họ không cùng đưa ra cảnh báo nếu không nhận được hợp tác, tuy nhiên, ít nhất 7 công ty châu Âu nói rằng các nguồn quỹ đầu tư của họ sẽ được điều chỉnh khỏi thị trường Brazil nếu môi tường tiếp tục bị tàn phá.
INPE ghi nhận năm 2019 có 10.129 km2 rừng Amazon bị tàn phá, mức cao nhất trong 11 năm có số liệu liên tiếp, tăng 85% so với năm trước đó. Diện tích này bằng đúng diện tích Lebanon. Do quá lớn, tình trạng này đã gióng hồi chuông báo động, đặt ra thách thức khủng khiếp cho nỗ lực ngăn chặn tác động xấu của biến đổi khí hậu toàn cầu.