| Hotline: 0983.970.780

Những bông hoa của lực lượng gìn giữ hòa bình

Thứ Hai 08/03/2021 , 06:18 (GMT+7)

Trẻ, nhiệt huyết, tài năng, xinh đẹp và khát khao cống hiến là hành trang mà các nữ chiến sĩ mang theo khi tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Bệnh viện Dã chiến Cấp 2 Số 3. 

Bệnh viện Dã chiến Cấp 2 Số 3. 

Trẻ, nhiệt huyết, tài năng, xinh đẹp và khát khao cống hiến là hành trang mà các nữ chiến sĩ của Bệnh viện Dã chiến Cấp 2 Số 3 mang theo, chuẩn bị lên đường tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Hẹn gặp các nữ chiến sĩ “mũ nồi xanh” của Bệnh viện Dã chiến Cấp 2 Số 3 trong những ngày các chị đang hối hả chuẩn bị cho ngày lên đường nhận nhiệm vụ tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan.

Những cô gái ở tuổi đời còn rất trẻ, đầy nhiệt huyết mang trên mình ba màu áo. Màu áo blouse trắng của người thầy thuốc, áo xanh của Bộ đội cụ Hồ và màu áo của lực lượng Gìn giữ hòa bình với một niềm tự hào của không chỉ riêng họ, mà còn là niềm tự hào của đồng đội, của đơn vị, của người thân và của tất cả người dân Việt Nam.

Sắp tới đây, họ sẽ tạm chia tay người thân, bạn bè, đồng nghiệp, quê hương để lên đường làm nhiệm vụ sau những ngày trì hoãn vì dịch Covid-19, đến một đất nước xa xôi cả về không gian và thời gian để thực hiện nhiệm vụ cao cả.

Những nữ chiến sĩ 'mũ nồi xanh' của Bệnh viện Dã chiến Cấp 2 số 3 duyên dáng trong tà áo dài.

Những nữ chiến sĩ "mũ nồi xanh" của Bệnh viện Dã chiến Cấp 2 số 3 duyên dáng trong tà áo dài.

Là một trong những nữ quân nhân trẻ tuổi nhất, và cũng là người miền Tây đầu tiên tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc lần này, Thiếu úy Lê Na (sinh năm 1996, quê Bến Tre, kỹ thuật viên chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Quân y 175) vẫn còn nhớ mãi cảm giác sung sướng, hạnh phúc khi nhận được tin “lọt” vào danh sách tham gia Bệnh viện Dã chiến Cấp 2 Số 3.

Lê Na chia sẻ, khi mới tốt nghiệp Đại học Y Dược TP.HCM, Lê Na xin đầu quân cho Bệnh viện Quân y 175. Khi ấy, nhìn các anh chị mặc quân phục, em thực sự ngưỡng mộ và hy vọng một ngày mình có thể khoác trên mình bộ quân phục ấy. Và rồi, khi có đợt tuyển tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình, Lê Na “đánh liều” nộp đơn. Trải qua các vòng xét tuyển, đánh giá và hơn 1 năm tham gia huấn luyện, Lê Na đã “có tấm vé” là một trong những nữ chiến sĩ “mũ nồi xanh” của lực lượng gìn giữ hòa bình.

Thiếu úy Lê Na và Thiếu úy Ngô Thị Hải Linh vinh dự chụp hình cùng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn, giám đốc Bệnh viện Quân y 175.

Thiếu úy Lê Na và Thiếu úy Ngô Thị Hải Linh vinh dự chụp hình cùng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn, giám đốc Bệnh viện Quân y 175.

Tôi hỏi Lê Na về cảm giác của Na và gia đình thế nào khi chỉ còn thời gian ngắn nữa là lên đường sang Nam Sudan, khuôn mặt rạng rời, nụ cười tươi rói, Lê Na không ngần ngại mà trả lời: “Mọi thứ đã sẵn sàng rồi chị ạ! Dù trong lòng có chút lo lắng về khí hậu, thời tiết và nỗi nhớ nhà, nhưng chúng em đang rất háo hức mong đến ngày ấy. Sau thời gian được huấn luyện, được sử chỉ bảo của các anh chị Bệnh viện Dã chiến Cấp 2 Số 1, bọn em đã tự tin hơn, và gia đình cũng đã yên tâm hơn. Hy vọng, tất cả chúng em sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ mà đơn vị, Đảng, Nhà nước giao phó”.

Với bốn năm công tác tại Bệnh viện Quân y 4 thuộc Quân đoàn 4, Trung úy Nguyễn Thị Loan (28 tuổi, quê Đăk Lăk, y sĩ đông y chuyên ngành vật lý trị liệu) đã khá quen với môi trường, lối sống của quân ngũ. Cộng với việc mỗi lần được xem những thước phim về cuộc sống thiếu thốn, thời tiết khắc nghiệt của người dân châu Phi, đặc biệt là trẻ nhỏ, Loan lại có một cảm xúc kỳ lạ, thôi thúc Loan dấu gia đình đăng ký tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình.

“Nhận được tin mình được là 1 trong 12 thành viên nữ của Bệnh viện Dã chiến Cấp 2 Số 3 tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì mình đã hiện thực hóa được ước mơ ngày nào, lo vì không biết nói với gia đình thế nào để mọi người yên lòng. Thế mà, khi tôi vừa thông báo thì ba mẹ đều ủng hộ và động viên tôi cố gắng cùng đồng đội hoàn thành tốt sứ mệnh “gìn giữ hòa bình” mà quân đội nhân dân Việt Nam giao phó và hoàn thành nghĩa vụ quốc tế cao cả của lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam ở phái bộ Liên hợp quốc (Nam Sudan - Châu Phi).

Tôi đang ở độ tuổi thanh xuân của tuổi trẻ, chưa có trải nghiệm nhiều trong cuộc sống nên đây là nhiệm vụ rất cao cả. Không phải ai cũng được chọn vào lực lượng vào bệnh viện dã chiến. Đây là kỷ niệm không bao giờ quên, là cơ hội để thử thách bản thân giúp mình trưởng thành hơn”, Trung úy Nguyễn Thị Loan tâm sự.

Các nữ chiến sĩ tham gia huấn luyện cấp cứu.

Các nữ chiến sĩ tham gia huấn luyện cấp cứu.

Với Trung úy Nguyễn Thị Huỳnh Như (29 tuổi, ngụ Bình Chánh, TP.HCM, điều dưỡng tại Bệnh viện Quân y 175) thì việc nộp đơn tình nguyện tham gia Bệnh viện Dã chiến Cấp 2 Số 3 là một sự quyết tâm rất lớn của chị và cả sự động viên, đồng cảm từ chồng, bởi Huỳnh Như có cô con gái mới chỉ 2 tuổi. “Đây là một cái duyên và là sự trải nghiệm cho tuổi trẻ, sự nghiệp của mình. Tôi sẽ nắm bắt cơ hội không phải ai cũng có, và sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, để sau này tôi kể cho con gái nghe về “tuổi trẻ của mẹ ở đất nước Nam Phi” xa xôi ấy”, Nguyễn Thị Huỳnh Như nhìn xa xăm.

Là nữ quân nhân duy nhất trong 5 quân nhân được Cục Gìn giữ hòa bình (Hà Nội) cử vào TP.HCM tham gia huấn luyện tại Bệnh viện Dã chiến Số 2 Cấp 3, Trung úy Bạch Thị Huyền Trang (30 tuổi, quê Hà Nội) khăn gói xa hai con nhỏ, xa chồng, xa gia đình từ đầu năm năm 2020. Trong khoảng thời gian một năm huấn luyện, cùng với diễn biến của dịch Covid-19, để bảo toàn lực lượng, Bệnh viện Quân y 175 và Bệnh viện Dã chiến Cấp 2 Số 3 yêu cầu tất cả lực lượng cấm trại (không ra khỏi đơn vị - PV). Thế là, đến nay Trung úy Bạch Thị Huyền Trang vẫn chưa được gặp lại hai con.

“Nhớ các con lắm, nhưng khi tham gia vào quân đội, chúng tôi xác định rõ nhiệm vụ của mình. May mắn tôi được chồng, bố mẹ và đồng nghiệp luôn thấu hiểu, tạo mọi điều kiện cho tôi. Trước khi lên đường sang Nam Sudan, tôi hy vọng sẽ được về thăm hai con”, Trung úy Bạch Thị Huyền Trang chia sẻ.

Các nữ chiến sĩ 'mù nồi xanh' cùng đồng đội.

Các nữ chiến sĩ "mù nồi xanh" cùng đồng đội.

Trung úy Ngô Thị Hải Linh (27 tuổi, khoa tim mạch Bệnh viện Quân y 175) là một trong những cô gái hoạt bát, líu lo suốt ngày để các chị em “lực lượng gìn giữ hòa bình” quên đi mọi mệt mỏi, căng thẳng trong những lúc phải tham gia huấn luyện nghiêm ngặt. Hải Linh kể, khi nhìn các anh chị tham gia Bệnh viện Dã chiến Cấp 2 Số 1 làm nhiệm vụ tại Nam Sudan, đã truyền cảm hướng, tinh thần nhiệt huyết để Linh quyết tâm để là một trong những bông hồng của Bệnh viện Dã Chiến Cấp 2 Số 3.

“Thân gái dặm trường” đến một đất nước xa lạ, khác biệt về văn hóa, môi trường làm việc, chưa kể nơi ấy tiếng súng nhiều hơn cơm gạo, bất ổn, đói nghèo, những khó khăn ấy đều đang chờ đợi chúng tôi. Nhưng với các nữ quân nhân Việt Nam không yếu đuối, vẫn mạnh mẽ, kiên cường và sẵn sàng tạm giác hạnh phúc cá nhân, vững vàng đảm đương sứ mệnh đặc biệt của những chiến sĩ mũ nồi xanh ở một địa bàn mà ngay cả với nam giới cũng không phải dễ dàng gì.

Lần này chúng tôi mang theo rất nhiều thứ để quảng bá văn hóa đất nước con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Bây giờ, tôi chỉ mong đến ngày được lên đường nhận nhiệm vụ”, Hải Linh nói.

Vợ chồng Trung úy Tống Vân Anh.

Vợ chồng Trung úy Tống Vân Anh.

Có thể nói, hạnh phúc hơn của người lính xa nhà là khi có chồng bên cạnh, đó là Trung úy Tống Vân Anh (29 tuổi, quê Nam Định). Lần tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình này, cả hai vợ chồng Trung úy Tống Vân Anh đều được lựa chọn. “Chúng tôi vẫn chưa có con nên muốn dành toàn bộ thời gian, công sức cho nhiệm vụ sắp tới tại Nam Sudan. Đây sẽ là trải nghiệm mà hai vợ chồng tôi cùng nhau vượt qua, để sau này kể lại cho con nghe”, Vân Anh chia sẻ.

Mỗi nữ quân nhân khi tham gia vào lực lượng giữ gìn hòa bình chính là hành trình vượt qua chính mình. Họ phải tham gia các lớp huấn luyện để đạt tiêu chuẩn về ngoại ngữ, về các kĩ năng đàm phán, kỹ năng sinh tồn, ứng phó với chiến tranh, diễn tập thực tế trên bộ trang thiết bị, diễn tập thực địa phù hợp với đặc điểm môi trường phái bộ, diễn tập cấp cứu đường không, cấp cứu chấn thương hàng loạt, xử lý bệnh dịch truyền nhiễm lan rộng… theo đúng quy trình chuẩn của Liên hợp quốc và hơn hết là thực hiện nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe cho lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan.

Họ tạm gác lại vai trò của người mẹ, người vợ, mang theo tinh thần người lính, trái tim nhân hậu, yêu thương của người phụ nữ Việt Nam lên đường nhận sứ mệnh cao quý của người thầy thuốc quân y, của lực lượng gìn giữ hòa bình.

“Chúng tôi rất tự hào khi ngày càng có nhiều bạn trẻ tình nguyện ra đi để đem hòa bình cho nước bạn, giúp nâng cao vị thế đất nước, tiếng nói Việt Nam trên trường quốc tế. Công việc của chúng tôi không chỉ cứu người mà còn làm công tác đối ngoại, đem những truyền thống đặc sắc của Việt Nam giới thiệu đến các nước. Bây giờ, các quân nhân đều rất phấn chấn, sẵn sàng lên đường nhận nhiệm vụ để chứng tỏ quân đội nhân dân Việt Nam của mình có đủ khả năng để thể hiện vai trò, trách nhiệm đối với Liên hiệp quốc”, Thiếu tá Trịnh Mỹ Hòa, Giám đốc Bệnh viện Dã chiến Cấp 2 Số 3 nói.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Khánh thành nhà máy chiếu xạ hiện đại tại tỉnh Hậu Giang

Ngày 24/11, Công ty Cổ phần Hạnh Nguyên Logistics (đặt tại Cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A, huyện Châu Thành) chính thức khánh thành nhà máy chiếu xạ công suất 1.000 tấn/ngày đêm.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Mưa lớn, nhiều nơi ở Quảng Ngãi bị ngập sâu, chia cắt

Mưa lớn, nước từ thượng nguồn đổ về khiến nước các con sông ở tỉnh Quảng Ngãi dâng cao, gây ngập lụt một số khu dân cư và chia cắt giao thông.