| Hotline: 0983.970.780

Những cánh rừng đã sẵn sàng với quy định của EUDR

Chủ Nhật 21/07/2024 , 08:45 (GMT+7)

Hơn 16.000ha rừng ở Quảng Nam đã tiên phong tham gia vào việc giảm thiểu các nguy cơ dẫn đến chuyển đổi mục đích sử dụng gây mất rừng và suy thoái rừng…

Hình thành chuỗi giá trị keo

Theo ông Abraham Guillen, Giám đốc Hợp phần quản lý rừng bền vững (thuộc Dự án quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học - VFBC) do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, Việt Nam có 14,79 triệu ha rừng có thể cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái, hấp thụ và lưu giữ carbon. Thế nhưng, do nền kinh tế của Việt Nam đang phát triển với tốc độ nhanh, dẫn đến gia tăng khí thải nhà kính và gây suy thoái môi trường.

Hiện nay, mặc dù tỷ lệ che phủ rừng của Việt Nam có tăng, nhưng diện tích rừng tự nhiên và chất lượng rừng có xu hướng giảm. Trước thực tế trên, khi Hợp phần quản lý rừng bền vững của dự án VFBC có mặt tại Việt Nam, đã mang đến cho những cánh rừng tại 7 tỉnh hưởng thụ dự án, trong đó có Quảng Nam, một số cách tiếp cận nhằm làm giảm thiểu các nguy cơ dẫn đến chuyển đổi mục đích sử dụng rừng gây mất rừng hoặc gây suy thoái rừng.

Ông Abraham Guillen: Dự án VFBC giúp nâng cao năng lực quản lý rừng hiệu quả cho cộng đồng; khuyến khích giao đất, giao rừng cho cộng đồng. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Abraham Guillen: Dự án VFBC giúp nâng cao năng lực quản lý rừng hiệu quả cho cộng đồng; khuyến khích giao đất, giao rừng cho cộng đồng. Ảnh: V.Đ.T.

“Mục tiêu cụ thể của dự án là giảm phát thải khí nhà kính do chuyển đổi và suy thoái rừng tự nhiên; tăng khả năng hấp thụ carbon thông qua quản lý hiệu quả rừng sản xuất; cải thiện chất lượng, tính đa dạng và năng suất rừng sản xuất là rừng tự nhiên”, ông Abraham Guillen, Giám đốc Hợp phần Quản lý rừng bền vững, chia sẻ.

Cũng theo ông Abraham Guillen, người trồng rừng trong vùng dự án được chuyển giao các phương pháp nhằm tăng cường năng lực cho cộng đồng trong bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng, giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời tạo nền tảng cho các hoạt động sinh kế bền vững và tăng trưởng kinh tế. Dự án còn thúc đẩy sự tham gia của khối tư nhân và nâng cao năng lực quản lý tài nguyên rừng của cộng đồng và chính quyền các cấp.

Dự án VFBC tập huấn cho nông dân kỹ thuật lâm sinh trong trồng rừng. Ảnh: V.Đ.T.

Dự án VFBC tập huấn cho nông dân kỹ thuật lâm sinh trong trồng rừng. Ảnh: V.Đ.T.

Chính quyền các địa phương hưởng thụ dự án và các chủ rừng còn được nâng cao năng lực quản lý rừng, nhằm cải thiện và nhân rộng mô hình quản lý rừng cộng đồng; cải thiện công tác giám sát, tuần tra rừng, xây dựng và áp dụng các cơ chế hợp tác và chia sẻ lợi ích; khuyến khích giao đất, giao rừng cho cộng đồng.

Hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị keo thông qua cải thiện rừng trồng từ các vườn ươm, giúp các nhóm hộ nông dân và các bên liên quan nhận chứng chỉ rừng; tạo cơ hội cho chủ rừng quy mô nhỏ tiếp cận thị trường thông qua các cuộc đối thoại, hội chợ thương mại...

“Để tác động vào chuỗi keo giá trị, Dự án VFBC đã cải thiện cách quản lý rừng bền vững. Quản lý hiệu quả hơn 141.000ha rừng, góp phần hấp thụ 5,4 triệu tấn khí thải CO2, có 61.356 người dân được hưởng lợi sinh kế từ các khoản hỗ trợ của dự án…”, ông Nguyễn Thanh Trà, chuyên gia lâm sinh của Dự án VFBC Trung ương cho hay.

Dự án VFBC Quảng Nam bàn giao cây giống cho các vườn ươm. Ảnh: V.Đ.T.

Dự án VFBC Quảng Nam bàn giao cây giống cho các vườn ươm. Ảnh: V.Đ.T.

Nâng cao chất lượng cây giống lâm nghiệp

Quảng Nam là tỉnh thuộc vùng Duyên hải miền Trung có tổng diện tích rừng khoảng hơn 680.800ha, chiếm khoảng 60% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Mặc dù có tiềm năng rất lớn về tài nguyên rừng, nhưng Quảng Nam hiện đang đối mặt với nhiều thách thức với tình trạng phá rừng và suy thoái rừng, đây là điều mà quy định của EUDR rất cấm kỵ.

Theo ông Âu Quốc Hiệu, Quản lý Dự án VFBC Quảng Nam, xác định chất lượng và giá trị rừng trồng phụ thuộc không ít vào chất lượng cây giống. Trong khi thực trạng cây giống lâm nghiệp ở Quảng Nam hiện đang rất “loạn”, thị trường nhan nhản cây giống không có nguồn gốc rõ ràng, kém chất lượng, dẫn đến hiệu quả trồng rừng không cao, rừng trồng mất năng suất, chất lượng gỗ không tốt. Do đó, ngành chức năng Quảng Nam can thiệp vào chuỗi giá trị keo bắt đầu từ vườn ươm.

“Cơ sở cung cấp cứ vô tư cung cấp cây giống không rõ nguồn gốc, người trồng rừng ham rẻ nên cứ mua, làm ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng rừng trồng. Từ thực trạng trên, Dự án VFBC Quảng Nam xác định công việc chính là phải tác động vào các chủ vườn ươm giống cây lâm nghiệp trên địa bàn trong việc cải thiện chất lượng cây giống lâm nghiệp”, ông Âu Quốc Hiệu cho hay.

Trong năm 2024, Quảng Nam sẽ mở rộng thêm vườn ươm cây giống lâm nghiệp có chất lượng để góp phần vào chuỗi giá trị keo trên địa bàn. Ảnh: V.Đ.T.

Trong năm 2024, Quảng Nam sẽ mở rộng thêm vườn ươm cây giống lâm nghiệp có chất lượng để góp phần vào chuỗi giá trị keo trên địa bàn. Ảnh: V.Đ.T.

Khi mới triển khai, Dự án VFBC Quảng Nam đã tập trung cải thiện năng lực sản xuất cây giống lâm nghiệp của các vườn ươm. Hiện dự án đã hỗ trợ cho 4 vườn ươm trên địa bàn Quảng Nam với số lượng 80.000 cây giống gốc có chất lượng để các vườn ươm xây dựng vườn cây đầu dòng.

“Đến năm 2025, với 80.000 cây giống gốc sẽ cung ứng ra thị trường khoảng 25 triệu cây giống có chất lượng, tương đương với 12.500ha rừng trồng. Trong năm 2024, Quảng Nam sẽ mở rộng thêm vườn ươm cây giống lâm nghiệp có chất lượng để góp phần vào chuỗi giá trị keo trên địa bàn. Bên cạnh việc cung cấp cây giống gốc cho các vườm ươm, chúng tôi còn hỗ trợ cây giống chất lượng cho các hộ trồng rừng xây dựng các mô hình trình diễn để từng bước nhân rộng. Bên cạnh đó, chúng tôi còn tập huấn cho nông dân kỹ thuật lâm sinh trong trồng rừng”, ông Âu Quốc Hiệu, Quản lý Dự án VFBC Quảng Nam.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Xây dựng vườn ươm cải tiến sản xuất giống cây lâm nghiệp

QUẢNG TRỊ Các vườn ươm cải tiến cung cấp 1,8 triệu cây giống lâm nghiệp chất lượng cao cho trồng rừng bền vững gắn với thực hiện chứng chỉ rừng vùng nguyên liệu.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.