| Hotline: 0983.970.780

Những chuyện khó tin

Thứ Tư 14/04/2010 , 11:04 (GMT+7)

Đi tìm câu trả lời cho nguồn gốc những kiến trúc nguy nga tại Hắc Y tôi lại gặp vô vàn chuyện kỳ bí, giống như đi vào hang núi, càng đi càng thấy thăm thẳm, mịt mùng...

Chợ Bến Lăn, dưới chân núi Vua Áo Đen nơi phát hiện nhiều di vật khảo cổ

Xung quanh khu di tích lịch sử - khảo cổ Hắc Y, các nhà khoa học còn phát hiện một chuỗi đình chùa, miếu mạo mà người xưa đã xây dựng trên đất Lục Yên (Yên Bái). Những kiến trúc nguy nga của một thời vàng son đã bị vùi lấp trên 700 năm, nhiều câu hỏi đặt ra: Ai đã xây dựng nên những công trình kiến trúc văn hoá tôn giáo đó và con cháu họ bây giờ ở đâu? Đi tìm câu trả lời tôi lại gặp vô vàn chuyện kỳ bí, giống như đi vào hang núi, càng đi càng thấy thăm thẳm, mịt mùng… 

>> Kỳ bí chuyện hai thanh kiếm cổ
>> Vùng đất truyền thuyết và kỳ bí

Trưởng phòng Văn hoá Lục Yên Lê Hồng Thạch cho biết: Hệ thống đình chùa quanh khu vực khảo cổ Hắc Y dày đặc, nằm trên bán kính khoảng 10 km dọc bờ sông Chảy, tất cả đều trở thành phế tích sau 7 thế kỷ bị thời gian tàn phá. Về chùa có: Chùa Hắc Y - Đại Cại, chùa São, chùa Núi Úc, chùa Dõng, chùa Thượng Miện, chùa Vàng…; về đình có: Đình Bến Lăn, đình Làng Sâng, đình làng Mủng, đình Mai Sơn, đình Lâm Thượng, đình Nà Ngàm… Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã đánh giá khu vực khảo cổ Hắc Y là: “Một trung tâm văn hoá phật giáo tại vùng núi rừng biên viễn”.

Khi tiến hành khai quật khu khảo cổ Hắc Y các nhà khoa học đã tìm thấy một bản minh văn khắc dưới chân tháp đất nung ghi: “Đại thủ thuộc Thượng Lâm Trường là Hoàng Lộc Thiện, sinh năm Mậu Ngọ. Chưa từng làm công đức, đến năm 45 tuổi ngày 20 tháng 8 năm Nhâm Dần bấy giờ đến xứ Bộ Đầu của Quảng Từ Cung, cảm đức từ bi mà nghĩ đến chùa Thượng Miện, bèn ngự đến Nhà phục dịch của tam bảo làm 40 cây tháp cao 6 xích cúng chùa lưu truyền mãi mãi”.

Tôi tìm đến Thượng Lâm Trường quê của Đại thủ Hoàng Lộc Thiện, người đã cúng tiến cho chùa Thượng Miện 40 toà tháp cửu phẩm liên hoa. Thượng Lâm Trường trước kia là một tổng có nhiều xã, tôi vào xã Lâm Thượng, nơi Triệu Văn Chanh tìm thấy thanh kiếm cổ trên núi Lung Chạng. Về ý kiến cho rằng thanh kiếm tìm thấy ở Lâm Thượng là thanh long đao để thờ cúng trong các đình chùa, chứ không phải là kiếm trận. Những người trên 40 tuổi đều xác nhận, tại thôn Định trước đây có một ngôi đình bằng gỗ dựng giữa cánh đồng bản Chỏi, hiện nền đình vẫn còn.

Ông Hoàng Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Thượng nhà ở thôn Định cho biết: Ngôi đình này không biết các cụ dựng từ bao giờ, chúng tôi được cha ông truyền lại, đình Lâm Thượng thờ vua Lê Lợi. Cách đây hơn chục năm người giữ sắc phong của nhà vua cho ngôi đình Lâm Thượng là thầy cúng, khi ông mất gia đình mang những sách cúng và sắc phong ra đốt để trả cho người ở cõi âm. Chính mắt tôi được nhìn bản sắc phong đó, thầy xin âm dương 7 lần nhưng không được, mãi sau mới được. Chắc người dương cố tình thì người cõi âm đành phải chiều ý thôi… 

Ông Hoàng Kim Sảo và những lá cờ đình Lâm Thượng do ông nội ông để lại

Theo ông Thành, xã Lâm Thượng hiện có hai dòng họ Hoàng: Hoàng Văn và Hoàng Khắc. Dòng họ Hoàng Văn là dân bản xứ, còn dòng Hoàng Khắc là người từ nơi khác đến. Các cụ truyền lại dòng họ Hoàng Khắc là do con cháu Nguyễn Trãi sau khi bị tru di tam tộc đã chạy lên miền núi lẩn trổn, lấy họ người bản xứ làm họ của mình, nhưng đệm là Khắc, sau này một số người đệm là Kim. Chúng tôi tìm đến nhà ông Hoàng Kim Sảo 63 tuổi là cháu nội của vị thầy cúng đã qua đời, gia đình ông hiện còn giữ 5 lá cờ đình Lâm Thượng, còn sắc phong và những sách cúng thì đã đốt sau đám tang của ông nội. Ông Sảo còn nhớ câu cúng mở đầu của ông nội: Lê gia 3 vị vua…Tôi không biết câu cúng đó nghĩa như thế nào, nhưng đoán rằng đình Lâm Thượng thờ 3 vị vua triều Lê. Theo các cụ truyền lại, đình Lâm thượng 3 lần được nhà vua phong sắc, nhưng không rõ của vua Tự Đức, Thành Thái hay Khải Định…

Ông Hoàng Văn Thành kể: Năm tôi mười năm, mười sáu tuổi được cử ra coi kho của HTX để lấy công điểm, hồi ấy HTX lấy đình làm kho chứa thóc, đêm trăng sáng tôi và những người coi kho cứ thấy hai con ngựa trắng và ngựa đỏ chạy vòng quanh đình suốt đêm. Sáng ra tôi hỏi nhà bên cạnh: Bác đêm qua thả ngựa hay sao mà để ngựa chạy suốt đêm thế? Ông ấy trả lời: Không, ngựa nhà tao vẫn nhốt trong chuồng kia… Năm rồi, ngành điện dựng trạm hạ thế ở góc nền đất ngôi đình cũ, bốn năm thanh niên đào đất để dựng cột điện, chỉ đào được một lúc thì tất cả mọi người đều oải ra không thể nào đào được nữa, họ mới vào nhà dân nghỉ, kể lại chuyện này, chủ nhà mới bảo: Các chú động vào đất đình rồi, muốn làm được các chú phải làm lễ, các Ngài mới cho làm. Mấy người thợ điện sợ quá, phải làm lễ mới dựng được trạm hạ thế ở đó…Ông Thành lắc đầu: Tôi chưa nhìn thấy trong đình có thờ kiếm, thanh kiếm cổ anh Chanh tìm thấy tôi nhìn thấy lần đầu. Hồi trước ông chú tôi làm việc ở xã có mang mấy cái bình hương to như cái chậu về nhà muối dưa. Dưa không chua mà cứ thối lũa ra, còn bà thím thỉnh thoảng lại cười nói một mình khanh khách. Chú tôi sợ quá phải mang bình hương trả lại cho đình…

Còn chuyện về núi Chuông, sau khi Cty Hùng Đại Dương tiến hành khai thác, liên tiếp những tai hoạ xảy ra. Sau cái chết của ông Đỗ Văn Ngự, người tìm thấy thanh kiếm cổ, tiếp đến là cái chết của anh Phạm Văn Vỹ, sinh năm 1970 vào ngày 21/3/2005, do tai nạn khi khai thác đá. Ông Hoàng Ngọc Chấn, Chủ tịch xã Tân Lĩnh cho biết thêm, giám đốc đầu tiên khai thác mỏ núi Chuông tên là Nguyễn Hoàng Minh cũng đã chết, ông Chấn không rõ ông Minh chết vì bệnh gì.

Người ký giấy phép cho Cty Hùng Đại Dương khai thác mỏ núi Chuông ngày 19/10/2001 với thời hạn 36 tháng; sau đó một năm ông này bị cách chức, do vi phạm nguyên tắc quản lý cán bộ, không chấp hành các qui định của Đảng và Nhà nước trong xây dựng cơ bản ở một số công trình. Còn TGĐ Cty Hùng Đại Dương ông Phạm Mạnh Hùng, ngày 19/2/2009 thì bị Công an Yên Bái khởi tố và bắt tạm giam vì tội “Vi phạm các qui định về khai thác tài nguyên” và “trốn thuế”. Người dân cho rằng các ông này gặp phải những tai hoạ trên là do xâm hại vào núi Chuông. Tuy nhiên, đây là những lời đồn đại không có căn cứ. Cuối năm 2009, một nhà ngoại cảm làm ở Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người đã nói với một số lãnh đạo tỉnh Yên Bái: Không nên tiếp tục cho khai thác núi Chuông, vì đây là nơi tiếp nhận nguyên khí của trời đất và vũ trụ…

Điều nhà ngoại cảm đó nói cần được khoa học chứng minh. Nhưng xung quanh núi Chuông và trên mảnh đất truyền thuyết Vua Áo Đen tôi gặp vô vàn những câu chuyện kỳ bí khó giải thích nổi, nên đành chép ra đây để bạn đọc cùng suy ngẫm, phán xét. (Hết)

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm