| Hotline: 0983.970.780

Những dị nhân mang năng lực siêu anh hùng trong đời thực: Người đàn ông mù ‘nhìn’ thế giới qua âm thanh

Thứ Ba 19/03/2019 , 14:20 (GMT+7)

Daniel Kish nổi tiếng với kỹ năng định vị bằng âm thanh giống như cách loài dơi xác định đường đi trong bóng tối.

nh1145823927
Daniel Kish tự tin đi xe đạp dù đôi mắt không thể nhìn thấy. (Ảnh: Ever Widening Circles)

Chưa đầy một tuổi, căn bệnh ung thư võng mạc đã cướp đi đôi mắt của Daniel Kish. Để cảm nhận môi trường xung quanh, ông tự phát triển một hệ thống định vị bằng âm thanh của riêng mình, áp dụng kỹ thuật tương tự cách của loài dơi khi bay trong bóng tối. Nhờ vậy, Kish được mệnh danh là “người dơi đời thực”, theo CNN.

Khi đi bộ tới những nơi không quen thuộc, Kish, 53 tuổi, công dân Mỹ, thường tặc lưỡi rồi lắng nghe âm thanh bật lại từ những vật thể gần đó để định hình. Kish cho hay ông đã rèn luyện trí não để biến những âm thanh này thành hình ảnh.

“Khi bạn phát ra âm thanh cũng là lúc bạn đánh giá, thẩm vấn môi trường”, ông nói. “Bạn đang hỏi ‘cậu là ai? Cậu là cái gì?’ và môi trường trả lời lại bạn”.

Theo trang tin Oddity Central, mỗi môi trường và bề mặt đều có đặc điểm âm thanh riêng và hành động tặc lưỡi của Kish là nhằm xác định chúng. Sóng âm thanh Kish tạo ra di chuyển với vận tốc hơn 304,8 mét/giây, bật ra khỏi mọi vật thể xung quanh ông và trở về tai ông với tốc độ tương tự, mặc dù âm lượng giảm đi đáng kể, cho Kish biết chính xác vật thể là gì và nằm ở đâu.

“Tôi dùng khả năng định vị bằng tiếng vang từ năm hai tuổi, thậm chí sớm hơn, nhưng lúc bấy giờ tôi thực sự không hiểu quá nhiều về nó”, Kish nói.

Một nhóm các nhà khoa học Tây Ban Nha đã nghiên cứu Kish và tìm ra rằng tiếng tặc lưỡi là kỹ thuật lý tưởng để để thu được tiếng vang hoàn hảo. Theo họ, máy móc cũng không thể làm điều này tốt hơn. Kish giải thích có hai lý do khiến việc định vị bằng tiếng vang hoạt động rất tốt đối với con người.

Lý do đầu tiên bắt nguồn từ vị trí tai con người nằm ở hai bên đầu. Rất hiếm khi chúng ta định vị nhầm hướng khi ai đó gọi tên mình bởi âm thanh chạm tới tai gần hơn nhanh hơn một phần nghìn giây so với tai còn lại, đủ thời gian để não xử lý thông tin.

Lý do thứ hai nằm ở khả năng nghe tuyệt vời của con người. Chúng ta nghe tốt hơn những gì chúng ta thấy. Điều này được chứng minh bằng thực tế rằng chúng ta không thể nhìn thấy tia cực tím hay tia hồng ngoại nhưng lại có thể nghe thấy âm thanh lên tới 10 quãng 8. Chúng ta có thể nghe âm thanh phát đến từ phía sau hay xung quanh mình. Thậm chí ở trong một căn phòng cách âm, con người cũng không bao giờ im lặng. Chúng ta có thể nghe thấy âm thanh từ các cơ quan nội tạng của chính mình.

Kish cho hay ông sử dụng âm thanh dội về từ môi trường để tạo nên trong đầu hình ảnh 3D về thế giới xung quanh. “Tôi không thể phân biệt gỗ với kim loại nhưng tôi có thể phân biệt được những cấu trúc khác nhau”, ông chia sẻ với kênh BBC.

“Chẳng hạn, một hàng rào gỗ thường có cấu trúc dày hơn hàng rào kim loại và khi không gian yên lặng, gỗ có xu hướng phản hồi lại âm thanh ấm hơn, trầm hơn so với kim loại”, Kish cho hay. “Nhưng cảm nhận về hình anh có thể thực sự phong phú đối với một người sử dụng kỹ thuật định vị bằng tiếng vang lâu năm, cho phép anh ta phát hiện các chi tiết tốt hơn, ví dụ như một tòa nhà có hay không được trang trí”.

Kish hồi năm 2000 sáng lập một tổ chức phi lợi nhuận mang tên Tiếp cận Thế giới cho Người mù. Mục tiêu của ông là truyền thụ kỹ thuật “định vị tiếng vang” hay “nhìn” thế giới qua âm thanh tới những người mù trên toàn thế giới.

Daniel Kish trong một cuộc phỏng vấn. (Ảnh: Jay Force)

“Việc dạy kỹ năng định vị tiếng vang không khó. Nó thực sự không khó”, ông nói. “Tôi tin bộ não chúng ta ít nhất đã được lập trình một phần để làm việc này. Tất cả những gì bạn cần là phần cứng để khai sáng. Trí não cần được kích hoạt và chúng tôi tin rằng mình đã tìm ra cách để hiện thực hóa nó”.

Không phải ai cũng tin Kish. Nhiều đồng nghiệp của Kish cho rằng phương pháp định vị bằng tiếng vang, nếu được dạy, cũng chỉ nên là một kỹ năng thứ cấp cho người mù.

Tại một buổi thuyết trình hồi năm 2011, Kish cũng tự nhận mình là “người dơi đời thực” và trình chiếu các video cho thấy những học sinh khiếm thị của ông có thể lái xe đạp địa hình vượt qua chướng ngại vật, chơi bóng rổ, thậm chí trượt ván.

“Phương pháp này không hướng đến việc biến các em học sinh thành siêu nhân hay bất kỳ điều gì giống thế”, Kish chia sẻ. “Nó hướng đến mục tiêu mở ra cơ hội và giúp đỡ các em tự làm chủ cuộc sống mỗi ngày”.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Tướng Israel tiết lộ chi phí đánh chặn 'mưa tên lửa' của Iran

Tướng Israel Reem Aminoach cho rằng Israel hôm 13/4 đã phòng thủ thành công, song chi phí cho việc phòng thủ lớn gấp 10 lần những gì Iran đã bỏ ra.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm