| Hotline: 0983.970.780

Những giấc mơ trên đá

Thứ Tư 11/08/2010 , 08:15 (GMT+7)

Nghề chẻ đá vô cùng nguy hiểm. Vậy mà không ít trẻ em ở khu vực Hòn Sóc (xã Thổ Sơn, Hòn Đất, Kiên Giang) vẫn ngày ngày cặm cụi trên những bãi đá làm với mong ước có đủ tiền đóng học phí cho năm học mới.

Ngừng búa bếp tắt

Dọc theo con đường độc đạo từ thị trấn Hòn Đất vào trung tâm xã Thổ Sơn có hàng trăm bãi chẻ đá cung cấp vật liệu xây dựng cho khắp các tỉnh, thành ở ĐBSCL. Khu vực quanh mỏ đá Hòn Sóc mấy chục năm qua đã trở thành "miền đất hứa" của hàng trăm hộ dân không đất sản xuất, thất nghiệp khắp nơi đổ về. Nghề chẻ đá ăn theo sản phẩm nên ngày nào tiếng búa, tiếng đục ngưng chát chúa là ngày đó bếp cơm của họ cũng thôi không đỏ lửa. Và tất nhiên, việc học hành của những đứa trẻ con các gia đình thợ chẻ đá cũng gập ghềnh theo những phiến đá.

Trong mớ âm thanh hỗn độn, khô khốc đầy chát chúa vang ra từ tiếng đục, tiếng búa, cha con anh Nguyễn Văn Trọng cặm cụi chẻ những khối đá nặng hàng tấn ra thành nhưng cây trụ (cột) đá dùng trong xây dựng. Với 45 tuổi đời nhưng anh Trọng đã có gần 30 năm lăn lộn trên các bãi đá. Năm 1998, khi các mỏ đá ở Thoại Sơn (An Giang) bị đóng cửa, anh Trọng dẫn vợ và hai con nhỏ sang Hòn Sóc tiếp tục đời thợ đá. Giữa cái nắng như đổ lửa, người nhễ nhại mồ hôi nhưng anh Trọng vẫn không ngơi tay đập từng nhát búa lên đầu cây đục sắt đang dần chui sâu vào tảng đá cao to gấp mấy thân hình còm cõi của anh. Theo anh Trọng, mỗi ngày trung bình hai cha con anh chẻ được khoảng 20 mét trụ đá, với tiền công khoán là 5.000 đồng/m.

Mới 14 tuổi nhưng em Nguyễn Hữu Đại (con anh Trọng) đã phải nghỉ học để theo phụ giúp cha làm nghề chẻ đá. Con đường học vấn của em đã phải sớm khép lại khi chưa qua hết lớp 6 do gia đình quá khó khăn. “Con cũng muốn đi học nhưng gia đình con nghèo quá. Ba làm vất vả cả ngày cũng chỉ lo đủ cái ăn. Nhiều khi xe đạp bị hư không có tiền để sửa, con phải đi bộ mấy cây số để đến trường. Thương ba nên con ra đây phụ giúp, mong kiếm được nhiều tiền hơn”, Đại bộc bạch. Vậy nếu có người giúp đỡ, con có đi học nữa không? Đại không trả lời câu hỏi của tôi mà chỉ khẽ gật đầu rồi đưa tay quệt ngang mắt như cố giấu đi dòng nước mắt đang chực chảy ra.

Thấy tôi đến gần, Đại ngăn lại: “Chú đừng đến gần đây, mảnh đá sắc lắm, văng trúng là rách da, chảy máu đó”. Như để minh chứng, em giơ hai bàn tay chỉ cho tôi thấy những vết sẹo chi chít đã chai sần do đá văng trúng. Như để tiếp lời con, anh Trọng cho biết thêm: “Nghề này coi vậy mà nguy hiểm lắm, ai chưa đổ máu thì chưa phải là thợ đá. Sứt da, mất thịt mang sẹo là con may mắn, chứ không ít người bị đá đè gãy chân, gãy tay phải nghỉ việc là chuyện thường”.

Chẻ đá nuôi ước mơ

Cách đó không xa, hai cha con anh Danh Khanh cũng đang hì hục chẻ đá. Thấy tôi giơ máy lên chụp hình, bé Danh Sơn (con anh Khanh) thẹn thùng bỏ búa đi vào trong chòi lẩn trốn. Anh Khanh cho biết, Sơn năm nay mới 13 tuổi nhưng đã theo anh làm nghể chẻ đá 2 năm nay. Nhà nghèo, nó đi làm thêm để kiếm tiền đi học. Tính nó nhút nhát nên không bao giờ dám tiếp xúc với người lạ. Phải gặng hỏi mãi Sơn mới thỏ thẻ mấy câu lí nhí trong miệng: “Con làm để kiến tiền mua sách vở. Năm nay con vào lớp 6 rồi nên tốn nhiều tiền lắm. Sợ ba mẹ không có tiền bắt phải nghỉ học nên hè nào con cũng ra đây phụ giúp cha”.

Làm cùng bãi đá với cha con anh Khanh còn có ông Lê Văn Bình (58 tuổi) đang hì hục với những phiến đá khô khốc. Con cái đã đi làm ăn xa, ông ra đây đập đá với tiền công mỗi ngày khoảng 20.000 đồng. Hơn 30 năm trong nghề thợ đá, cái duy nhất mà ông Bình “tích lũy” được là căn bệnh viêm phổi nặng do hít phải nhiều bụi đá.

Ông Nghiêm Trung Hậu, Phó Chủ tịch HĐND xã Thổ Sơn cho biết, hiện toàn xã có 20 doanh nghiệp, hộ tư nhân làm nghề khai thác, chẻ đá… Do 4/6 ấp của xã nằm trong khu vực khu Di tích lịch sử văn hóa Ba Hòn (Hòn Me, Hòn Quéo, Hòn Đất – nơi yên nghỉ của nữ Anh hùng liệt sỹ Phan Thị Ràng, còn gọi là Chị Sứ) nên chủ yếu nghề khai thác đá tập trung tại ấp Hòn Sóc. Toàn xã có khoảng trên 1.200 người làm nghề thợ đá, trong đó 90% là người ở nơi khác đến. Chính vì vậy mà điều kiện ăn, ở cũng rất tạm bợ.

Thợ làm đá thủ công (chẻ, đập đá) thường lao động trong tình trạng không đảm bảo an toàn, không thực hiện tốt bảo hộ lao động, an toàn vệ sinh lao động nên tai nạn luôn rình rập. Môi trường làm việc thì ô nhiễm nghiêm trọng bởi tiếng ồn và bụi bặm. Chính vì vậy, mà có đến 70-80% thợ đá đều mắc bệnh nghề nghiệp, phổ biến nhất là bệnh viêm phổi. Đời sống khó khăn nên chẳng mấy người thợ đá lo cho con cái được học hành tử tế, phần lớn chỉ hết tiểu học là bỏ dở chừng.

Chia tay với những người thợ mà lòng tôi nặng trĩu. Năm học mới đã bắt đầu nhưng nhiều trẻ em ở mỏ đá Hòn Sóc vẫn phải cặm cụi đục đẽo những phiến đá để kiếm thêm chút tiền thực hiện ước mơ đến trường. Và có cả những ước mơ đã tắt ngấm ngay trên những bãi đá vô tình.

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Bưu điện Việt Nam sẵn sàng 18.000 tỷ đồng chi trả lương hưu tháng 5

Bưu điện Việt Nam chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng phục vụ chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) tháng 5/2024 cho hơn 3,3 triệu người sau kỳ nghỉ lễ 30/4.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm