Hải Giang, làng chài thuộc xã Nhơn Hải (TP. Quy Nhơn, Bình Định) còn rất nhiều dấu tích được cho là từ thuở người Chăm còn sinh sống để lại. Trải qua thời gian, những dấu tích giống như những “bùa yểm” của người Chăm đặt trên vùng đất này nhằm giữ đất, giữ làng.
Tượng Phật Lồi bí hiểm
Ai lần đầu đặt chân đến Hải Giang, điểm đến đầu tiên ắt sẽ là ngôi chùa Linh Sơn, nơi đang thờ một pho tượng cổ được chế tác bằng đá, người dân Hải Giang gọi đây là tượng Phật Lồi (còn được gọi là ngài Chúa Trấn).
Tượng Phật Lồi
Không rõ nét, nhưng bức tượng này rất thanh thoát với dáng dấp một vị tu sĩ đang ngồi thiền, mình trần, chỉ đeo mảnh vải vắt chéo qua vai trái, tay trái đặt lên đùi, tay phải cầm tràng hạt.
Pho tượng này cao 0,82 m, ngang 0,46 m. Lưng của pho tượng Phật Lồi không phải là lưng của một hình nhân bình thường mà được tạc thành tấm bia hình ngũ giác có chiều cao 60 cm, rộng 45 cm. Bí hiểm hơn, trên lưng có 12 dòng chữ Chăm cổ, mãi đến nay, dẫu các nhà nghiên cứu đã rất nỗ lực nhưng vẫn chưa giải nghĩa được.
Sau lưng tượng Phật Lồi có 12 dòng chữ Chăm cổ
Lão ngư Trương Long (82 tuổi) ở thôn Hải Giang, là người được giao trách nhiệm trông coi chùa Linh Sơn, cho biết: “Tượng Phật Lồi lộ ra từ lòng đất khi một người dân địa phương cày ruộng cấy lúa. Sau đó, dân làng cùng nhau lập đền để thờ. Trải qua dâu bể, nhiều lần tượng Phật Lồi được di chuyển lên cao dần.
Vị trí đặt tượng bây giờ cách địa điểm phát hiện pho tượng khoảng 300 m. Chùa Linh Sơn được xây dựng để thờ tượng, đến nay đã hơn 200 năm. Ngôi chùa này ngày càng được mở rộng dần, người thập phương hiến tặng thêm nhiều tượng Phật, Bồ tát để thờ chung với pho tượng Phật Lồi”.
Trước đó, thi sĩ Quách Tấn đã có ghi chép trong “Nước non Bình Định” câu chuyện về sự xuất hiện của tượng Phật Lồi. Quách Tấn viết: “Dưới chân Hòn Mai có một bàu nước ngọt khá rộng và một ngôi chùa cổ.
Chùa thờ một tượng Phật bằng đá xanh cao lớn bằng hình người. Phía sau lưng tượng có một hàng chữ bùa (yểm). Tượng này được người địa phương tìm thấy ở dưới mé bàu. Truyền rằng, xưa kia tượng ở tận ngoài Cù Lao Xanh (nay là xã đảo Nhơn Châu, TP. Quy Nhơn), một hôm tự nhiên biến mất.
Người dân tìm mãi không thấy, sau nghe người ở Hải Giang được tượng Phật bèn tới nhìn thấy quả là tượng Phật của mình mới đòi lại. Nhưng hàng trăm người xúm khiêng mà giở lên không nổi, đành phải cúng lại”.
Trong câu chuyện của lão ngư Trương Long còn có chi tiết: Năm 1999, bỗng dưng vùng đất Hải Giang xuất hiện một số người lạ mặt với hành tung bí ẩn. Những người này móc nối với một số người dân địa phương lén lút săn tìm đồ cổ, đồ đồng đen…
Biết chùa Linh Sơn có pho tượng cổ, một đêm, chúng táo tợn phá khóa gian thờ chính điện với ý định trộm tượng Phật Lồi. Nhưng khi trộm, bọn chúng chỉ khiêng tượng đi được vài mét thì bức tượng bỗng dưng trĩu nặng hơn khối lượng thật, chúng không thể nào khiêng tượng đi được nữa.
Táo tợn hơn, chúng dùng búa đập đứt đầu tượng Phật Lồi. Nhưng khi nhận ra tượng làm bằng đá xanh chứ không phải đồng đen, bèn bỏ đi. Sáng hôm sau, thấy tượng Phật Lồi nằm lăn lóc bên hông chùa, người dân địa phương khiêng trở lại chính điện, dùng xi măng gắn lại đầu Phật vào thân tượng.
“Tượng Phật Lồi ở Hải Giang là tượng thần Siva do người Chăm tạc nên từ thế kỷ 11-13. Viện Viễn Đông bác cổ ở Pháp sang cũng đã lấy mẫu chữ đằng sau pho tượng Phật Lồi về nghiên cứu nhưng vẫn chưa có kết quả”, TS. Đinh Bá Hòa, GĐ Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Bình Định, cho biết. |
Tượng Phật Lồi tại Hải Giang không chỉ nằm trong “tầm ngắm” của bọn trộm, đến cả lính ngoại xâm cũng lăm le cướp pho tượng này khỏi làng chài Hải Giang.
Năm 1945, khi quân Nhật chuẩn bị rút về nước, viên sĩ quan chỉ huy quân Nhật đóng tại Quy Nhơn khi ấy dẫn đầu một toán lính sang chùa Linh Sơn để khiêng pho tượng đi. Nhưng bọn chúng có cố đến mấy, dẫu huy động hết lực lượng cũng không khiêng được pho tượng đi khỏi chùa, sau đó đành từ bỏ ý định.
“Do tượng Phật Lồi hiển linh, muốn ở lại với dân làng Hải Giang nên không ai có thể di dời đi nơi khác được. Qủa báo nhãn tiền. Những đối tượng trong làng bị người dân nghi vấn có tham gia vụ trộm tượng, thời gian sau đó đều lần lượt bị chết bất đắc kỳ tử, những cái chết rất thê thảm”, lão ngư Trương Long cho biết.
Dấu tích Chăm cổ khắp làng
Đứng ở Hải Giang, nhìn về phía Bắc ngôi làng, chúng tôi nhìn thấy một khối đá lớn nhô ra biển gần hang Bà Dăng. Trên khối đá ấy có “đeo” một tảng đá lớn trông như một tấm bia, được người dân địa phương gọi là hòn đá Chữ.
Tảng đá có khắc chữ Chăm cổ tại hang bà Giăng
Hòn đá Chữ được tạo hóa ngăn đôi thành hai phần riêng biệt. Phần bên này được khắc 3 hàng chữ Chăm, phần bên cũng được khắc 4 hàng chữ Chăm khác. Những dòng chữ này đã bị mờ, theo giải thích của dân làng Hải Giang, do bị đục xóa hoặc bị xi măng trám lên chữ.
Có người cho rằng, những dòng chữ trên vách núi chỉ dẫn đến kho báu trong hang Bà Dăng, nên đã có người lén lút vào trong hang đào bới.
Theo lão ngư Trương Long, tương truyền từ các bậc tiên tổ, những dòng chữ trên vách núi và trên lưng tượng Phật Lồi có quan hệ với nhau, đều là bùa yểm. Pho tượng được phát hiện phía Nam của làng, còn các dòng chữ ở phía Bắc làng nên có thể là người Chăm dùng nó để trấn yểm, bảo vệ làng Hải Giang.
Những dấu tích trên đã khẳng định làng chài Hải Giang bây giờ vốn từ xa xưa là vùng đất lưu trú của người Chăm.
Gần mép biển và trên ngọn núi quanh làng Hải Giang hiện còn lưu dấu tích của một tường thành cổ, tường thành này cũng được cho là do người Chăm xây dựng, ước tính đã 1.000 năm tuổi. Mỗi khi thủy triều nước biển rút xuống, thì dãy thành nhô cao sừng sững trước bãi biển Hải Giang trông rất hùng vĩ.
Tại các khu vực: Gò Thịnh, Gò Luôn, Ụ Đầm Bé, Gò Giếng Hời… mỗi khi người dân trong làng đào đất lên canh tác bắt gặp rất nhiều gạch Chăm, hũ sành... Những khu vực này mùa mưa thì úng nước tạo ra sình lầy, mùa nắng thì khô cằn không thể canh tác được, do lớp đất canh tác rất mỏng nằm trên lớp gạch của người Chăm cổ.
Rạng Cầu - tên thường gọi của người dân thôn Hải Giang nói về dãy thành cổ của người Chăm cổ
Nằm dưới chùa Phật Lồi, ngay chân núi, còn có 2 ngôi mộ cổ, theo người dân Hải Giang 2 ngôi mộ này có niên đại khoảng hơn 100 tuổi. Trên 2 ngôi mộ có bia ghi bằng chữ Hán, do dân vạn chài mang từ nơi khác đến Hải Giang mai táng, năm nào cũng có người thân đến thăm nom.
Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, 2 ngôi mộ này không còn ai đến hương khói.
“Hai ngôi mộ này đã chiếm mất long mạch của Hải Giang nên người dân trong làng làm ăn không phất lên được. Hiện 2 ngôi mộ này đã bị đục phá. Có thể do ai đó muốn lấy lại long mạch cho làng Hải Giang, hoặc cũng có thể là bọn trộm đồ cổ gây ra”, lão ngư Trương Long nhận định.