| Hotline: 0983.970.780

Những nghệ sĩ cầm... cuốc

Thứ Hai 21/06/2010 , 07:15 (GMT+7)

Vào mùa cày cấy hoặc vụ gặt, bất kể ai đặt chân lên vùng cao đều sững sờ trước cảnh đẹp mê hồn của những thửa ruộng như mây vờn trên các triền núi, những bậc thang vàng ngút tận trời xanh. Sáng tạo nên những “tác phẩm” nghệ thuật đó là những nghệ sĩ chân đất, quanh năm họ chỉ biết cầm cày, cầm cuốc…

Những nghệ sĩ vô danh trên những thửa ruộng bậc thàng kỳ vĩ

Vào mùa cày cấy hoặc vụ gặt, bất kể ai đặt chân lên vùng cao đều sững sờ trước cảnh đẹp mê hồn của những thửa ruộng như mây vờn trên các triền núi, những bậc thang vàng ngút tận trời xanh. Sáng tạo nên những “tác phẩm” nghệ thuật đó là những nghệ sĩ chân đất, quanh năm họ chỉ biết cầm cày, cầm cuốc…

Vùng cao bây giờ đang là mùa cày cấy, nước lóng lánh trên các thửa ruộng bậc thang chẳng khác chi những tấm gương trời. Huyện Mù Cang Chải cách TP.Yên Bái chừng 180km, ruộng bậc thang nơi này được xếp vào hàng đẹp nhất khu vực miền núi phía Bắc, một kỳ quan thiên nhiên kỳ vĩ do con người tạo ra. Chính vì vậy, năm 2007, Bộ văn hoá -Thể thao & Du lịch đã cấp Bằng xếp hạng di tích quốc gia cho danh thắng ruộng bậc thang ở ba xã: La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Zế Xu Phình, với diện tích trên 500 ha.

Những người sáng tạo nên những “tác phẩm” nghệ thuật đó đều là những nghệ sĩ chân đất vô danh. Họ chưa bao giờ nghĩ mình là nghệ sĩ, cụ Hờ A Phử người bản Trống Tông, xã Chế Cu Nha năm nay đã ngót chín mươi tuổi, răng rụng gần hết cười móm mém bảo tôi: Không còn đất để làm nương thì phải làm ruộng thôi… Rồi cụ kể: Ông cha mình kể lại, người Mông phiêu dạt về đây đến đời mình là đời thứ sáu. Trước kia người Mông chỉ biết làm nương, rừng phá mãi rồi cũng hết, không còn đất để làm nương nữa, thế là phải làm ruộng thôi. Mới đầu làm ruộng không quen, nhưng không làm ruộng thì lấy gì mà ăn? Chỗ nào có nước thì mở ruộng, mảnh ruộng bé bằng cái chiếu mà làm được ruộng cũng phải làm…

Bản Trống Tông của cụ Phử nằm ở lưng chừng núi, trước đây là rừng cây to, Trống Tông nghĩa là nơi rừng cây có nhiều gỗ, những cây to bốn năm người ôm mới kín gốc, khi làm nương rừng cây bị chặt hạ, nhiều cây pơ mu đổ xuống gần ba chục sải tay, cháy gần hết cả mùa đông mới tàn. Đấy là nghe các cụ ngày xưa kể lại, tới đời cụ thì rừng chẳng còn bao nhiêu, chỉ thấy toàn gốc. Mùa đông cả bản vác rìu ra bổ gốc cây lấy củi mang về đun và sưởi. Đến giờ gốc cũng chẳng còn, rừng cây cổ thụ đã bị xoá sạch, nó chỉ còn lại trong ký ức một số người già.

Cụ Phử tập toẹ cày nương từ năm mười ba tuổi, mười bốn tuổi thì theo bố vác cuốc đi đắp bờ làm ruộng. Tôi hỏi cụ có thước thuỷ bình, hay những công cụ đo đạc của những cán bộ thuỷ lợi không mà sao các cụ tài thế, làm được những thửa ruộng chót vót tận đỉnh núi? Cụ Phử lắc đầu, dường như tên những loại thước tôi kể ra, cụ mới chỉ nghe lần đầu, nên cũng chẳng hiểu. Cụ cười khoé mắt nhăn nhoeo: Đất chỗ nào cũng làm được ruộng, đất bằng thì làm ruộng to, đất dốc thì làm ruộng nhỏ, chỗ nào có nước là làm được ruộng, dẫn được nước tới đâu thì ruộng được mở ra tới đấy, cứ bám vào lưng núi mà làm…Cụ Phử không biết ruộng nhà mình có bao nhiêu ha, nhưng mỗi năm gieo khoảng ba tạ thóc giống, thu 15-17 tấn lúa. Nhà cụ có 4 khu ruộng chính, các khu ruộng đều có lều nương, bây giờ cụ già rồi giao cho các con cày cấy, thỉnh thoảng cụ mới tới kiểm tra.

Ruộng bậc thang Mù Cang Chải được xếp hạng di sản danh thắng quốc gia

Trưởng phòng NN-PTNT Mù Cang Chải Nguyễn Thành Nho dẫn tôi lên khu ruộng bậc thang đẹp nhất Mù Cang Chải, nằm ở xã La Pán Tẩn. Đang mùa cày bừa, nước sóng sánh như một chiếc mâm bạc, còn vào vụ gặt ruộng chẳng khác chi chiếc mâm vàng, ngồn ngộn lúa chín. Để lấy được nước vào khu ruộng mâm xôi này họ phải chẻ những cây bương to bằng bắp đùi dẫn nước từ trên cao xuống dài mấy chục mét. Những nghệ sĩ chân đất tạc nên những tác phẩm nghệ thuật này đang phát bờ, họ là ba phụ nữ, một người địu con nhỏ, tất cả người đều không nói được tiếng phổ thông, đồng nghĩa với việc cả ba đều không biết chữ, hỏi họ chỉ lắc đầu “tri pâu è” (không biết đâu). Tôi hỏi nhà ở đâu, thì họ chỉ lên sườn núi mờ mịt khói sương.

Bờ ruộng ở đây đều cao quá đầu người, vì thế phải hai lượt phát. Lượt đầu do một người đàn ông khoẻ mạnh dùng chiếc xẻng cán dài hơn một sải tay lưỡi mỏng xỉa phần bờ cao nhất, phần bờ giáp mặt ruộng do những người phụ nữ dùng cuốc làm. Khu ruộng này của năm, sáu hộ, trong đó ruộng của gia đình Giàng Nhà Sử. Sử bảo tôi: Cháu học xong lớp 12 rồi, đang chờ thi đại học chú ạ, hôm nay cháu giúp mẹ đi làm cỏ bờ, khu ruộng này mỗi vụ nhà cháu thu được gần 30 bao thóc, được ít thôi. Bố cháu bảo, lúa bây giờ không tốt như ngày xưa nữa…

Lý Vàng Sua nhà ở tít trên bản Trống Páo Sang xã La Pán Tẩn, tổng diện tích ruộng nhà Sua có trên sáu ngàn mét vuông, tất cả đã cày bừa lần một rồi, khoảng chục ngày nữa thì cày lại để bừa cấy. Nhà Sua có một ít ruộng phía dưới đường, nên hôm nay anh xuống bắt nước vào ruộng chuẩn bị bừa cấy. Sua bảo tôi: Ruộng của nhà mình à? Bố mẹ cho một ít, còn mình khai hoang thêm, mỗi năm một ít, đủ cấy được sáu mươi cân giống. Năm nay được Nhà nước cho bốn cân lúa lai, không đủ đâu, mình cấy giống lúa của người Mông thôi. Năm nay hạn quá, chờ mãi mà trời không mưa, suối cũng chả có nước để dẫn vào ruộng, mình đang đợi bạn trên Púng Luông xuống đưa về nhà uống rượu đây…

Trong lúc chờ bạn, Sua kể ruộng nhà Sua ở tận trên sườn núi cao kia, dưới đường tiện nước thì các cụ khai phá từ lâu rồi, người trẻ như Sua muốn có ruộng thì phải đi xa, lên cao thấy chỗ nào có nước thì mở ruộng, mạch nước nào to bằng cổ tay thì tốt quá, có thể làm được ba bốn đám ruộng. Càng lên cao càng hiếm nước, tìm được mạch nước bằng ngón tay cái thì cũng mở được ruộng rồi. Sua bảo: Có đủ nước để cày cấy là tốt lắm, trời mưa cũng cho nhiều nước đấy, tất cả ruộng ở Mù Cang Chải này nước ở suối chảy ra không đủ đâu, phải nhờ trời mưa đấy. Năm nào trời mưa sớm thì được cấy sớm, năm nào trời mưa muộn thì phải đợi thôi…

Ông Nguyễn Thành Nho cho hay: Mù Cang Chải hiện có 2.400 ha ruộng nước, ruộng hai vụ cũng chỉ cấy được trên 750 ha, còn lại là ruộng một vụ, phần lớn đều trông đợi vào nước trời…Thực tế ở vùng cao là thế, nếu trời không mưa thì suối cũng chẳng có nước để dẫn vào các công trình thuỷ lợi. Bởi thế ở vùng cao, mùa mưa là mùa bận rộn nhất trong năm, sau đến vụ gặt. Quỹ đất để mở ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải chẳng còn bao nhiêu, hầu như chỗ nào làm ruộng được thì bà con đã làm, dù mảnh ruộng đó bề rộng chỉ đủ một đường bừa còn chiều dài thì ôm cả sườn núi, hay những chỗ lổn nhổn đá. “Hết nạc thì vạc đến xương”, dự kiến từ 2010 đến 2015 Mù Cang Chải khai hoang thêm 200 ha ruộng mới, số ruộng này chủ yếu dựa vào nước trời.

Nếu năm nào hạn thì số ruộng hạn đó trồng ngô, đậu tương, lạc… chẳng còn cách nào khác người dân nơi đây phải bám đất để sống. Từ năm 2008 Mù Cang Chải thí điểm làm một ngàn mét vuộng ruộng cạn ở khu vực xã Hồ Bốn, hiện bà con chỉ trồng hoa màu để tạo mùn. Mùa mưa đã có nước, nhưng bà con đợi vài ba vụ nữa, khi lớp mùn trên mặt ruộng dày thêm thì cấy lúa. Phần lớn ruộng ở vùng cao có được như bây giờ đều phải trải qua những giai đoạn tạo mùn ấy, muốn nhanh cũng chẳng được.

Ruộng bậc thang ở vùng cao là kiệt tác vĩ đại của người dân miền núi, được tạo dựng từ đời này qua đời khác. Lý A Nhà đang vác cày xuống ruộng, anh dứt khoát không cho tôi chụp ảnh: Mày có cho tao tiền không? Nếu chụp ảnh tao thì phải trả tiền đấy…Tôi quá bất ngờ, chàng nghệ sĩ chân đất này đã biết khai thác tiềm năng từ chính công việc của mình…

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm