| Hotline: 0983.970.780

Những người không có tết: Hy vọng mong manh

Thứ Ba 02/02/2021 , 19:02 (GMT+7)

Mất việc, nhiều công nhân bỏ về quê, hoặc tìm một vùng khác “dễ thở” hơn nhưng đa số vẫn bám trụ ở TPHCM. Mặc dù công việc bấp bênh, thu nhập không có...

Đợi công ty gọi đi làm lại

Chị Đào Thị Hoa, 46 tuổi, công nhân tại một công ty ở KCX Linh Trung, TP.Thủ Đức, kể: Dịch bệnh bùng phát khiến công ty mất đơn hàng, sản xuất đình trệ, buộc phải cắt giảm lao động từ tháng 4. Chị cùng nhiều công nhân khác bị cho nghỉ việc. Hai tháng lương hỗ trợ mất việc chẳng “thấm tháp” gì. Bởi chỉ sau đó 3 tháng không tìm được việc, số tiền trợ cấp này đã đội nón ra đi.

Chị Đào Thị Hoa mong công ty sẽ gọi chị và các đồng nghiệp quay lại làm việc khi phục hồi sản xuất. Ảnh: Phúc Lập.

Chị Đào Thị Hoa mong công ty sẽ gọi chị và các đồng nghiệp quay lại làm việc khi phục hồi sản xuất. Ảnh: Phúc Lập.

“Trước khi cho nghỉ, công ty nói sẽ ưu tiên gọi chúng tôi khi phục hồi sản xuất. Nhưng tôi nghe nói, đó chỉ là lời hứa, công ty không gọi lại chúng tôi nữa đâu, vì thứ nhất chúng tôi đã lớn tuổi, thứ 2, nếu gọi lại những người làm lâu năm như tôi, họ trả lương theo mức cũ hay như một công nhân mới? Trả theo công nhân mới thì thiệt cho chúng tôi, còn theo mức cũ thì thiệt cho họ. Nên tôi nghĩ, khả năng công ty cũ gọi đi làm lại là rất thấp”, chị Hoa rầu rĩ nói.

Hơn 20 năm làm công nhân ở TP.HCM, đến nay 2 mẹ con chị Hoa vẫn ở trong căn phòng trọ hơn chục m2. “Lúc còn đi làm, ngoài giờ đi làm ở công ty, tôi về lại lên mạng bán hàng online cho chị em làm chung, cũng kiếm thêm đồng ra đồng vào. Nhưng dịch nó vừa làm tôi mất việc, mà bán hàng cũng chẳng còn ai mua, vì đa số đều nghỉ việc, khó khăn như mình, tiền đâu mà mua”, chị Hoa nói.

Tôi hỏi: “Chị có dự định gì cho những ngày sắp tới?”. Chị trầm ngâm: “Tôi cũng chưa biết tính sao, giờ đầu óc rối bời. Về quê chẳng biết làm gì. Con gái tôi đang học ở đây, về quê chắc chắn sẽ ảnh hưởng chuyện học hành của cháu. Mặc dù không có cha bên cạnh (chị Hoa là mẹ đơn thân), nhưng cháu vẫn rất ngoan, học cũng khá, tôi muốn ở đây để cháu có điều kiện học cho xong. Mà công việc bấp bênh thế này, hy vọng vào công ty cũ thì mong manh…”.

Chị Hoàng Thị Thái (bìa trái), đang tập bán cá đợi công ty gọi đi làm trở lại. Ảnh: Phúc Lập.

Chị Hoàng Thị Thái (bìa trái), đang tập bán cá đợi công ty gọi đi làm trở lại. Ảnh: Phúc Lập.

Chị Hoàng Thị Thái, 40 tuổi, quê Nam Định, công nhân Công ty Yesum Vina ở KCX Linh Trung II, TP.Thủ Đức, TP.HCM, mất việc vì dịch Covid-19, buồn bã nói: “Tôi là một trong số hàng trăm công nhân trong công y mất việc vì dịch từ hồi tháng tư. Suốt 4-5 tháng trời tôi tìm việc khắp nơi mà không được. Căm giận nhất là nhiều kẻ táng tận lương lâm, lừa nhiều công nhân giới thiệu việc làm, nhận tiền rồi trốn. Đúng là “chó cắn áo rách”. Dù số tiền không nhiều, nhưng với chúng tôi 1 ngàn đồng cũng quý. Đã buồn, lo vì mất việc rồi, họ lại làm chúng tôi tổn thương thêm 1 lần nữa”.

“Chị có ý định về quê hay tìm một địa phương khác lập nghiệp không?”, tôi hỏi. Chị đáp: “Tôi cũng nghĩ đến chuyện đó, nhưng thứ nhất là ở quê 1 mảnh đất cắm dùi không có, tiền cũng không, về quê xoay xở thế nào đây? Thứ 2 là 2 đứa con đang học ở đây, giờ đưa tụi nhỏ về quê không dễ. Tôi chỉ hy vọng qua Tết công ty sẽ gọi đi làm trở lại”.  

Chị Thái cho biết, nhờ một người đồng hương làm nghề bán cá ngoài chợ lề đường, chị đánh tiếng nhờ anh giúp đỡ và được anh đồng ý. Sau vài ngày ra ngồi tập bán, hiện chị đã dần quen với công việc mới. “Chỉ là tạm thôi, mình ngồi sát bên bán cùng loại hàng như vậy, anh ấy sẽ giảm thu nhập, cũng nể lắm. Mặc dù anh ấy rất vui vẻ.

 Đại diện công đoàn TP HCM thăm gia đình công nhân khó khăn. Ảnh: Ngọc Tánh.

 Đại diện công đoàn TP HCM thăm gia đình công nhân khó khăn. Ảnh: Ngọc Tánh.

Nhằm góp phần động viên công nhân, người lao động không có điều kiện về quê dịp Tết nguyên đán, TP.HCM đã có hàng loạt chương trình hỗ trợ như: trao tặng cho người lao động hơn 35.000 vé xe, 1.500 vé tàu và 500 vé máy bay. Ngoài ra, còn có các chương trình khác như đưa bữa cơm trưa đến nhà trọ cho công nhân; vận động các chủ nhà trọ giảm giá hoặc miễn tiền thuê trọ vào thời điểm người lao động không có việc làm; tổ chức các phiên chợ nghĩa tình tại các doanh nghiệp đông công nhân lao động, tặng 10.000 vé vào cổng Hội hoa xuân TP.HCM, 1.000 tập vé xe buýt cho người lao động khó khăn…

Bám trụ 

Đến một quán ăn thuộc loại lớn trên đường Trường Sa (ven kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè), quận Bình Thạnh, tôi tình cờ biết anh nhân viên mới xin vào làm phục vụ tên Sơn, 48 tuổi, từng là một công nhân chạy lò hơi trong một công ty may ở quận Gò Vấp. Hồi tháng 5, công ty bắt đầu hoạt động cầm chừng do thiếu đơn hàng. Anh Sơn là một trong số hơn 100 người trong công ty phải giãn việc, tuần làm 3 ngày, mỗi ngày được 300 ngàn. Nhưng 2 tháng sau, công ty cho nghỉ luôn vì không có việc. Anh Sơn cùng một người em đồng nghiệp tên Tuấn rủ nhau đi kiếm việc làm.

Sau nhiều ngay lang thang, hỏi nhiều chỗ làm, cuối cùng, cả 2 anh em Sơn, Tuấn cùng xin vào làm phục vụ tại quán ăn này. “Làm ở đây chán lắm, lương tháng chưa được 3 triệu, bao ăn ở. Tụi tôi đợi công ty cũ gọi đi làm trở lại”, anh Sơn cho biết.

Anh Sơn (phải), mong có việc làm ổn định để thực hiện lời hứa với con gái. Ảnh: Phúc Lập.

Anh Sơn (phải), mong có việc làm ổn định để thực hiện lời hứa với con gái. Ảnh: Phúc Lập.

Anh Sơn kể, anh có vợ và 2 con ở ngoài quê Hà Tây, do ở quê đất chật người đông, làm ăn khó khăn nên cách đây 5 năm, anh một mình vào Sài Gòn tìm việc làm. Nhờ người que giới thiệu, anh được nhận vào làm tại một công ty may khá lớn. Do có chút tay nghề, anh được bố trí công việc tại lò hơi áp suất. Sau một năm làm quen việc, anh xin tăng ca liên tục, ai cần nghỉ phép, anh sẵn sàng làm thay. Nhờ vậy, anh thu nhập khá hơn nhiều đồng nghiệp, bình quân mỗi tháng trên dưới chục triệu. Anh tiết kiệm mỗi tháng gửi về cho vợ 1 nửa. Cuối năm, công ty thưởng cũng kha khá, có năm anh gửi về gần 2 chục triệu dịp cuối năm.

“Năm 2019, con gái gọi điện thoại, khoe con đậu đại học sư phạm rồi, tôi mừng hơn trúng số, nên quyết định Tết về sau 4 năm xa nhà. Về nhà tôi nói cháu là vào chuyến này bố sẽ để dành tiền mua cho con cái xe đi học. Tôi nghĩ để dành đến cuối năm chắc đủ mua cho cháu cái xe chừng 30 triệu. Vậy mà vừa quay vào đi làm thì dịch bùng phát. Làm được mấy tháng thì nghỉ. Để dành được vài triệu thì nghỉ làm, tiêu sạch rồi, chẳng còn đồng nào. Đúng là không có cái gì tính trước được”, anh Sơn cảm thán.

“Có phải vì lời hứa với con gái mà anh chưa về quê?”, tôi hỏi. “Đúng thế. Bây giờ về quê với 2 bàn tay trắng, buồn lắm. Con gái tôi chắc cháu hiểu, nhưng tôi vẫn áy náy trong lòng. Ngoài ra, tôi cố trụ lại vì về quê chẳng có gì làm, phần nữa là thấy tình hình dịch ổn ổn, nhiều công ty bắt đầu hoạt động trở lại, tôi hy vọng công ty sẽ gọi đi làm sớm…”, anh Sơn đáp.

Còn Tuấn, năm nay 31 tuổi, quê Gia Lai, khi tôi hỏi lý do ở lại TP, anh cho biết: “Em ở lại vì em trai em anh ạ. Ba mẹ em mất lâu rồi, chỉ còn 2 anh em. Em đi làm nuôi nó ăn học từ năm bắt đầu vào cấp 3 đến giờ. Hiện nó đang học năm thứ 2 Đại học Công nghiệp TP. Từ ngày nó xuống TP học đại học, em cũng theo xuống luôn. Giờ em về hay ở là tùy lịch học của nó”.

Cùng làm chung trong một công ty của Hàn Quốc tại khu Chế xuất Tân Thuận, Q.7, sau khi công ty cắt giảm lao động, hàng trăm công nhân tản đi khắp nơi tìm việc, hoặc về quê, thì chị Đặng Thu Thảo, 45 tuổi, vẫn không có ý định đi đâu, dù công việc bấp bênh, tiền phòng mỗi tháng triệu rưỡi.

Mặc dù công việc bấp bênh, thu nhập không ổn định, nhưng vi tương lai 2 con gái, chị Thảo vẫn quyết tâm ở lại TP, lo cho con ăn học đến nơi đến chốn. Ảnh: Phúc Lập.

Mặc dù công việc bấp bênh, thu nhập không ổn định, nhưng vi tương lai 2 con gái, chị Thảo vẫn quyết tâm ở lại TP, lo cho con ăn học đến nơi đến chốn. Ảnh: Phúc Lập.

Cũng giống anh Sơn, Tuấn, chị Thảo có lý do để khó đi khỏi thành phố. “Quê tôi ở tận Thạch An, Cao Bằng. Cũng vì khó khăn mà tôi lưu lạc vào đây, đến nay hơn 20 năm rồi. Khi vào đây tôi mới lấy chồng, có 2 con gái. Mấy năm trước, chồng tôi chẳng nói lời nào, bỏ đi biệt tăm, để lại cho tôi 2 đứa con gái. Khi đó, mặc dù rất khó khăn, nhưng tôi vẫn quyết nuôi 2 con ăn học bằng được. Đến giờ, con gái lớn đã học năm thứ 3 đại học, cháu nhỏ cũng năm cuối cấp 3. Điều kiện như vậy, tôi có thể đi đâu được? Rồi xáo trộn chuyện học hành của con sao đành”, chị Thảo nói.

Chị Thảo cho biết, chị vừa xin được một chân giao hàng thức ăn nhanh với mức lương 100 ngàn đồng/ngày. “Lương ít nhưng có còn hơn không. Tôi cố gắng kiếm thêm việc khác làm buổi tối, như may gia công chẳng hạn. Mình cố gắng hết mức, rồi khó khăn cũng sẽ qua thôi”, chị Thảo tự an ủi.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.