Từ một tuần nay, ông Hà Xuân Lãm, trưởng thôn Chợ Rủn, xã Đông Khê, huyện Đông Sơn (Thanh Hóa) cầm một tập giấy, lần lượt đi đến từng gia đình để các hộ ký cam kết kết vận động người thân ở nước ngoài không nhập cảnh trái phép. Công việc được giao thì ông phải làm, chứ cứ mỗi lần nhắc đến việc người thân không thể về nước ăn tết, lòng ông Lãm buồn não nề. Gia đình ông cũng có 2 người con rể đi làm việc nhiều năm ở nước ngoài nhưng mới chỉ một người trở về nước ăn tết cùng gia đình.
“Tôi cũng từng đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc 6 năm nên rất hiểu nỗi lòng của những người tha phương cầu thực. Thời đó, tôi cũng được nghỉ phép đôi ba lần để về nước nhưng ở thôn hiện nay, có những người đã đi 4-5 năm vẫn chưa một lần về nước ăn tết. Bây giờ nhiều lao động muốn về cũng khó lắm, nhiều nước không cho phép xuất cảnh nữa rồi. Đành là buồn nhưng vì chống dịch covid-19, các gia đình phải vận động người thân không được nhập cảnh trái phép.” – ông Lãm nhắn nhủ.
Đông Khê là xã có số lao động đi làm việc ở nước ngoài nhiều nhất huyện Đông Sơn. Hiện toàn xã có 623 người (chiếm trên 14% người trong độ tuổi lao động) đang làm việc tại các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan... Bình quân, mỗi năm các lao động này gửi về cho gia đình số tiền gần 150 tỷ đồng. Có những gia đình, bố mẹ vay tiền lãi suất cao để con cái đi xuất khẩu lao động, mong được đổi đời. Nay nhà cửa khang trang, cuộc sống đã khấm khá; xóm làng đã thay da, đổi thịt và trở thành vùng quê đáng sống nhưng để có dịp gia đình sum vầy bên mâm cỗ ngày tết là điều rất khó khăn.
Trong căn nhà 3 tầng ngay đầu thôn Chợ Rủn vừa mới xây, vợ chồng ông Hà Xuân Phòng - Hàn Thị Ái vẫn không giấu được nỗi buồn ngày cuối năm. Cả 4 người con của ông bà đều lần lượt đi xuất khẩu lao động, họ gửi tiền về trả hết nợ nần, xây cất ngôi nhà khang trang nhưng cũng từ đó, chưa bao giờ anh em có dịp gặp nhau, đầm ấm, sum vầy đông đủ trong ba ngày tết. Ba người cháu cả nội lẫn ngoại của ông bà cũng đi theo bố mẹ chúng khiến căn nhà rộng thênh thang càng thêm vắng vẻ, quạnh hiu.
Dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu lao động
Phong trào xuất khẩu lao động tại Đông Sơn bắt đầu rầm rộ từ năm 2016. Đến nay, toàn huyện có trên 3 nghìn lao động đang làm việc tại các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan..., mỗi năm gửi về các gia đình số tiền trên 700 tỷ đồng. Đây là nguồn thu nhập rất lớn, góp phần thay đổi hẳn diện mạo, đời sống người dân Đông Sơn những năm qua. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm 2020 có rất nhiều lao động muốn ra nước ngoài làm ăn nhưng hiện vẫn chưa thể xuất cảnh.
Nhưng có lẽ, điều khiến ông bà xót xa nhất là người con gái đầu đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc năm 2016 đến nay vẫn chưa một lần về nước ăn tết. Cách đây chừng 4 tháng, người con rể cả của ông bà đột tử nhưng đúng vào thời điểm dịch covid-19 bùng phát nên không có chuyến bay về nước. Người con gái gọi điện về khóc lên khóc xuống nhưng đành bất lực. Đến lúc mua được vé máy bay, làm thủ tục để về nước chịu tang chồng thì lại đến đợt dịch mới bùng phát. Đứa cháu ngoại đang học hết lớp 10 buồn rười rượi, chỉ mong mẹ nó về để vơi bớt nỗi buồn nhưng tết nay mẹ nó sẽ không về.
Nắng lên hanh hao, hoa đào đã nở trước ngõ từ hai ba hôm nay; không khí tết đã len lỏi qua từng gốc cây, ngọn cỏ; nhiều gia đình đã sắm sanh chuẩn bị một cái tết sung túc. Cảnh làng quê thay da, đổi thịt, nhìn một vài gia đình đã sum họp đầy đủ càng khiến càng khiến vợ chồng ông Phòng bà Ái không nguôi nỗi nhớ con. Hai vợ chồng già chỉ mong hết dịch covid-19 để có một dịp con, cháu đoàn tụ đông đủ.
“Có thời điểm nhà tôi nợ trên 1,5 tỷ đồng tiền vay cho con đi xuất khẩu lao động. Nay đã trả hết nợ nần, đã cất được nhà cao, cửa rộng nhưng để có dịp sum vầy thật khó” – giọng bà Ái buồn buồn.
Nói về câu chuyện tết sum vầy, ông Phòng cũng buồn buồn tủi tủi. Nhà có 4 người con, 7-8 sào ruộng khoán, lúc con còn nhỏ, đến chiều 30 cuối năm, bà Ái mới lọ mọ ra chợ quê để mua hàng ế về ăn tết. Ông phòng đi bán hàng rong, thường cũng đến chiều 30 mới nghỉ, vay thêm tiền đưa vợ mua cho đứa cái áo, đứa cái quần chứ không đủ bộ. Về đến nhà, nhìn mấy đứa trẻ vui sướng nhận quà, ông bà cũng được an ủi phần nào.
“Cái mặc đã thế, cái ăn hồi chúng còn nhỏ cũng thiếu thốn lắm. Nhà gói gần chục cân bánh, đứa nào đứa nấy nhìn thòm thèm, có được ăn uống thoải mái như bây giờ đâu. Ba bữa tết ăn dành ăn dụm còn đâu để ăn hết rằm tháng giêng. Hễ đi làm đồng về, rán lát bánh tét chấm nước mắm, chấm mật mía ăn ngon lành...” – ông Phòng nhìn về phía cây đào vừa nở hoa vừa nói.
Năm nay, bà Ái dự định sắm sanh một cái tết đầy đủ để bõ công những ngày xưa khổ sở, xa cách. Nhưng rồi bà chùn lại nghĩ, chúng không về được thì chỉ cần cành đào bán dọc đường, vài cân bánh chưng, bánh tét, vài cân thịt... thế là đủ tết.
“Ông bà nhà tôi vẫn sẽ gói bánh, tự nấu; sẽ gói cho mỗi đứa cháu một cái bánh tét nhỏ như ngày xưa chúng tôi vẫn làm để cho bọn trẻ cầm trên tay đi khoe với lũ bạn. Cứ mỗi dịp tết đến xuân về, nghĩ đến con, đến cháu mà mình không cầm lòng nổi” – bà Ái ứa nước mắt.
Con đường vào xã Đông Ninh (huyện Đông Sơn) đã được trang trí cờ, hoa để đón tết Nguyên đán Tân Sửu. Khắp các tuyến đường, các mặt hàng phục vụ ngày tết không thiếu thứ gì. Tiếng nhạc Xuân vang lên đâu đó những ngày cuối năm như thúc dục mọi người nhanh nhanh bước chân về nhà sum vầy, đoàn tụ. Thế nhưng, cảnh sắc vui tươi bao nhiêu lại càng khiến lòng những người ở nhà chờ đợi buồn tủi bấy nhiêu.
Ông Mai Văn Chuyền, thôn Thành Huy phát hiện mình bị ung thư thực quản cách đây 4 tháng. Cuộc sống của ông như ngọn đèn leo lét trước gió nhưng 5 người con (3 con trai, 2 con dâu) hiện đang ở nước ngoài cũng không thể về chăm bố sóc bố những ngày cuối đời. Tết nay, dự định, cả năm người con của ông sẽ về nước ăn tết nhưng vẫn không thể về.
Chị Lê Thị Nhàn, con dâu ông Chuyền cho biết, vợ chồng chị cưới nhau được 2 năm thì chồng theo các anh chị trong nhà đi xuất khẩu lao động. Cũng như những người anh chị khác trong gia đình, dự định tết này anh Quế (chồng chị) sẽ về nước nhưng nay thì lực bất tòng tâm.
“Chồng tôi đi đã được 2 năm, nợ nần trả gần hết và đã mua đất, dựng được ngôi nhà khang trang, dự định tết này sẽ cắt phép về nước thăm gia đình và chăm sóc bố. Nhưng cách đây vài tuần, chồng tôi báo bị hủy chuyến bay do dịch nên không về đúng hẹn. Đã hai cái tết xa gia đình, chồng tôi rất buồn nhưng không có cách nào khác. Nghĩ đến việc chồng đón tết xa quê, xa gia đình lòng tôi xót xa vô cùng” – chị Nhàn chia sẻ.
Nhiều lao động muốn về nước ăn tết
“Đông Sơn là một trong 3 huyện dẫn đầu của Thanh Hóa về xuất khẩu lao động, chủ yếu là các nước có thu nhập cao như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan... Hiện có rất nhiều lao động tại Hàn Quốc không thể về quê ăn tết do dịch Covis-19. Chúng tôi cũng đã giao cho các địa phương động viên, tuyên truyền các lao động không được nhập cảnh trái phép về Việt Nam theo đúng tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa” – ông Phạm Đình Điện, Trưởng phòng Lao động thương binh & Xã hội huyện Đông Sơn.