| Hotline: 0983.970.780

Những người không có tết: Sống 'chui' trên đất khách

Thứ Tư 03/02/2021 , 07:34 (GMT+7)

Hàng năm sẽ có khoảng 1000 lao động huyện Can Lộc làm việc tại Thái Lan, Lào, Trung Quốc về quê ăn tết nhưng đến nay mới chỉ gần 100 người về nước.

Tết đầu tiên xa xứ

Ông Lý cho biết, năm nay là năm đầu tiên các con của ông ăn tết xa nhà. Ảnh: Thanh Nga.

Ông Lý cho biết, năm nay là năm đầu tiên các con của ông ăn tết xa nhà. Ảnh: Thanh Nga.

Sáng cuối năm Canh Tý, trên các ngả đường lớn nhỏ dẫn vào xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) rợp sắc đỏ cờ hoa vừa để chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc, vừa trang trí chuẩn bị đón tết cổ truyền dân tộc. Điểm khác lạ năm nay chính là không khí ảm đạm, thiếu tiếng cười giòn giã, vắng tiếng nhạc xập xình trong các khu dân cư, nhà dân.  

“Tầm này năm ngoái, cả làng, cả xã đèn nháy treo kín đường, kính ngõ; loa đài hát ra rả cả ngày lẫn đêm, không khí đón xuân rạo rực. Nhưng năm nay, hầu như nhà nào cũng sợ đến tết vì buồn, vì thiếu vắng con cái”, ông Nguyễn Văn Lý (59 tuổi) vừa chuẩn bị bữa cơm trưa cho 2 người cháu vừa chia sẻ với chúng tôi.

5 năm nay, vợ chồng ông Lý ở nhà cày cấy 3 sào ruộng và chăm sóc một cháu nội, một cháu ngoại. 3 người con của ông (2 trai, 1 gái) cùng dâu, rể đều đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) ở Thái Lan và Nhật Bản. Tháng 4 năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở Thái Lan nên con trai Nguyễn Văn D., con dâu Trần Thị L.; con gái Nguyễn Thị T. và con rể Lê Văn H. bắt xe khách về nước. Đến tháng 7/2020, khi dịch bệnh tạm ổn, các con của ông làm hộ chiếu du lịch tiếp tục sang Thái Lan kiếm kế sinh nhai.

Quay lại xứ sở Chùa Vàng làm việc được khoảng 3 tháng thì dịch Covid-19 tái bùng phát, các nhà hàng, quán bar hầu hết đóng cửa phòng chống dịch, các con của ông lâm vào cảnh thất nghiệp. Oái oăm hơn, hộ chiếu của anh D., chị L. và anh H., chị T. là hộ chiếu du lịch, hàng tháng hết hạn phải đến cơ quan chức năng của Thái Lan để chấm dấu,  nhưng khoảng 3 tháng nay, do dịch bệnh nên việc chấm dấu không thể thực hiện, đồng nghĩa hộ chiếu của 4 người con ông Lý trở thành hộ chiếu “chết”.

“Các năm trước tầm cuối tháng 11 âm lịch các con tôi về nước đón tết với gia đình nhưng năm nay vì không có tiền lại vướng dịch Covid-19 nên không đứa nào về cả. Bây giờ chúng ở bên cũng phải đón tết “chui”, không dám xuất đầu lộ diện sợ bị bắt cách ly, đuổi về nước”, ông Lý buồn bã.

Căn nhà khang trang của anh D. năm nay không đón tết. Ảnh: Thanh Nga.

Căn nhà khang trang của anh D. năm nay không đón tết. Ảnh: Thanh Nga.

Đưa mắt hướng về ngôi nhà 2 tầng khang trang của vợ chồng anh D., ông Lý bảo, năm 2015 vợ chồng con trai ông sang Thái Lan làm nhân viên phục vụ nhà hàng. Đi được 2 năm con ông về vay mượn thêm bạn bè xây căn nhà gần 1,5 tỷ, rồi lại tiếp tục sang Thái làm ăn, gửi con trai ở nhà cho ông bà nội trông nom. Những năm trước kinh tế khá giả, không khí đón tết của gia đình các con ông rất sung túc. Năm nay, con không về nên vợ chồng ông Lý và các cháu cũng chỉ gói 5 -10 chiếc bánh chưng cúng gia tiên, mua ít bánh kẹo, vài cân thịt lợn, thịt bò… cũng coi như xong tết.

Theo ông Lý, đây là năm đầu tiên tất cả các con của ông đón tết xa xứ, bản thân ông và cháu chắt ở nhà buồn một thì các con ở xa buồn mười. “Cứ nghĩ đến thời khắc giao thừa ở nhà chỉ có ông bà và cháu, còn bên kia biên giới bố mẹ chúng trốn trong bốn bức tường đón tết qua… điện thoại, đến tôi cũng thấy rưng rưng, xót xa”, người đàn ông xấp xỉ lục tuần thở dài.

Duy trì sinh hoạt khó khăn

Ghi nhận của chúng tôi cho thấy, không khí đón tết năm nay tại các làng XKLĐ nói riêng, toàn tỉnh Hà Tĩnh nói chung đều chùng xuống rất nhiều. Nguyên nhân là do tác động tiêu cực của dịch Covid-19.

Dù trang trí rực rỡ cờ, hoa nhưng năm nay người dân xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc đón tết nhẹ nhàng, khiêm tốn hơn các năm trước rất nhiều. Ảnh: Thanh Nga.

Dù trang trí rực rỡ cờ, hoa nhưng năm nay người dân xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc đón tết nhẹ nhàng, khiêm tốn hơn các năm trước rất nhiều. Ảnh: Thanh Nga.

Với gần 8.000 lao động đang làm việc tại các nước như: Thái Lan, Lào, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc… năm nay, số lao động dự kiến về đón tết toàn huyện Can Lộc khoảng hơn 1.000 người, song đến nay mới có gần 100 người đã và sắp kết thúc thời gian cách ly để kịp về đón tết.  

Ông Trần Sỹ Lương, Chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc chia sẻ, địa phương ông có 90% lao động đi xuất khẩu nằm ở thị trường Thái Lan, với gần 1.500 người. Các năm trước, số lao động này về quê đón tết lên đến 70 – 90% nhưng năm nay hiện mới có 13 người về.

“Chi phí đi lại dịp tết của lao động Thái Lan rất thấp, chỉ khoảng 3 – 4 triệu đồng/người nhưng do ảnh hưởng dịch, 2 nước kiểm soát chặt nên người lao động không có nhu cầu về”, ông Lương thông tin, đồng thời khẳng định, không khí đón tết ở địa phương tuy có chùng xuống nhưng những phong tục đón tết truyền thống, mua sắm cơ bản người dân vẫn đáp ứng được.

Có chăng khó khăn là những lao động đang bám trụ tại nước ngoài, họ phải đối mặt với thiếu việc làm, giảm lương, chi phí sinh hoạt hàng ngày người lao động phải tằn tiện, chắt bóp từ tiền tiết kiệm của mấy tháng trước dịch đang ổn định. Thậm chí, một số gia đình đã phải gửi tiền sinh hoạt phí sang cho người thân duy trì cuộc sống, cầm cự vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Tết Tân Sửu sắp gõ cửa nhưng nông dân Hà Tĩnh vẫn cần mẫn lo việc đồng áng. Ảnh: Thanh Nga.

Tết Tân Sửu sắp gõ cửa nhưng nông dân Hà Tĩnh vẫn cần mẫn lo việc đồng áng. Ảnh: Thanh Nga.

Tháng 11/2019 chị N.T. P., xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh xuất ngoại sang Hàn Quốc theo diện du học sinh. Ngôi trường chị theo học nằm giữa tâm dịch Covid-19 thuộc thành phố Deagu. Sau một thời gian chính quyền sở tại phong tỏa toàn thành phố, không thể quay lại trường học, chị P. trốn ra ngoài đi làm. Tuy nhiên, tác động của dịch bệnh khiến các nhà hàng đóng cửa, chị P. cũng thất nghiệp theo.

“Chúng tôi cho P. sang Hàn Quốc với mong muốn cháu vừa học lấy kiến thức vừa đi làm tích góp lưng vốn sau này về lập nghiệp ở quê nhà nhưng dịch bệnh khiến mọi thứ đảo lộn hết. Bây giờ chi phí sinh hoạt hàng ngày P. phải dựa vào người anh trai cũng đang làm việc tại Hàn Quốc hỗ trợ”, người thân chị P. nói.  

Tình cảnh bết bát cũng bao trùm lên cả “thủ phủ” XKLĐ xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân. Theo ông Hoàng Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Cương Gián, năm 2020 số lao động của xã đi XKLĐ ở các nước là 2.700 người, trong đó riêng XKLĐ ở Hàn Quốc chiếm khoảng 80%.

Tác động của dịch Covid-19 khiến rất nhiều lao động gác lại mong muốn hồi hương đoàn tụ, vui tết bên gia đình. Ảnh: Thanh Nga.

Tác động của dịch Covid-19 khiến rất nhiều lao động gác lại mong muốn hồi hương đoàn tụ, vui tết bên gia đình. Ảnh: Thanh Nga.

“Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công việc bấp bênh, thất nghiệp nên thu nhập của con em đi XKLĐ ở các nước nói chung, Hàn Quốc nói riêng bị giảm từ 20 - 30% so với năm trước. Nhiều con em muốn về nước nhưng giá vé quá cao, từ 30 đến 40 triệu đồng/người, cộng với việc về phải cách ly phòng dịch nữa nên nhiều người đành gác lại mong muốn hồi hương đoàn tụ, vui tết bên gia đình”, ông Hà nói.

Chủ tịch xã Cương Gián cho biết thêm, những trường hợp đi lâu năm dù ảnh hưởng dịch nhưng vẫn còn cầm cự được, nhiều trường hợp mới bay sang, chưa có việc làm ổn định hoặc du học sinh, vừa học vừa làm đang phải chịu cảnh “về không nỡ, ở không xong”, không ít gia đình phải gửi tiền sang trợ cấp sinh hoạt phí, khó khăn chồng chất nợ nần.

Xem thêm
Kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Trương Hòa Bình; khiển trách bà Trương Thị Mai

Ông Nguyễn Xuân Phúc, bà Trương Thị Mai, ông Trương Hòa Bình đã có những vi phạm, khuyết điểm bị Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật.

Mời gọi doanh nghiệp ngành lúa gạo Việt Nam đầu tư tại Cuba

Cần Thơ Cuba mong muốn học hỏi kinh nghiệm cũng như mời gọi doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong ngành lúa gạo Việt Nam tham gia đầu tư, thúc đẩy sản xuất lương thực tại Cuba.

Khát khao khôi phục vùng cam sành Tân Lĩnh

YÊN BÁI Tân Lĩnh nức tiếng một thời với những mùa cam sành sai trĩu bội thu, giờ chỉ là hoài niệm, người dân nơi đây khao khát khôi phục vùng cam đặc sản này.