| Hotline: 0983.970.780

Những phần việc nông thôn mới cuối năm của Hà Nội

Thứ Bảy 06/11/2021 , 15:36 (GMT+7)

Chưa bao giờ dịch Covid lại kéo dài và ảnh hưởng trầm trọng đến kinh tế xã hội như đợt 4 này. Tuy thế, chương trình nông thôn mới của Hà Nội vẫn tiếp diễn

Tính đến nay, toàn thành phố có 12/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Còn 6 huyện chưa đạt, trong đó Phú Xuyên đã hoàn thiện hồ sơ công nhận trình Hội đồng thẩm định Trung ương xem xét; các huyện Chương Mỹ, Mê Linh, Ứng Hòa phấn đấu đạt chuẩn vào cuối năm 2021; các huyện Ba Vì, Mỹ Đức phấn đấu đạt chuẩn vào năm 2022.

Trong quý III năm 2021, tổng kinh phí Hà Nội huy động thực hiện Chương trình xây dựng NTM đạt gần 15,5 nghìn tỷ đồng trong đó, ngân sách thành phố là 8,453 nghìn tỷ đồng (chiếm 54,5%); ngân sách huyện là 6,020 nghìn tỷ đồng (chiếm 38,9%); ngân sách xã là 445 tỷ đồng (2,9%); vốn huy động ngoài ngân sách Nhà nước là 574 tỷ đồng (chiếm 3,7%).

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, từ đầu năm 2021 đến nay, Thành ủy - UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT cùng các ban, ngành, huyện, thị xã chủ động, linh hoạt trong tổ chức thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU. Cùng với đó ở các cấp cơ sở cũng đã ban hành chương trình hành động để triển khai Chương trình này, phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên phụ trách theo địa bàn, tiêu chí, chỉ đạo trực tuyến để đẩy gấp tiến độ xây dựng NTM, bù đắp cho thời gian cả thành phố phải giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Sản phẩm lụa từ tơ sen của Hà Nội. Ảnh: NNVN.

Sản phẩm lụa từ tơ sen của Hà Nội. Ảnh: NNVN.

Cuối tháng 9 tổ công tác đã tiến hành khảo sát, đánh giá kết quả xây dựng NTM của huyện Chương Mỹ. Địa phương này có 9/9 tiêu chí đạt theo bộ tiêu chí huyện NTM với thu nhập bình quân đạt gần 60 triệu đồng/người/năm, cơ sở hạ tầng ngày càng đồng bộ, khang trang. Sau khi được tổ công tác góp ý, Văn phòng Điều phối xây dựng NTM Hà Nội đã hướng dẫn, phối hợp với huyện Chương Mỹ để hoàn thiện hồ sơ, trình đề nghị công nhận trong thời gian tới.

Trung tuần tháng 10, đoàn thẩm định NTM đã tiến hành kiểm tra hồ sơ và kiểm tra thực địa tại 2 huyện Ứng Hòa và huyện Mê Linh. Cả hai đều được đánh giá là đủ điều kiện để hoàn thiện hồ sơ trình xét, công nhận đạt chuẩn NTM năm 2021. Ứng Hòa vốn là huyện vùng xa, nghèo của Hà Nội nhưng từ năm 2010 đến năm 2021 đã huy động được gần 5.380 tỷ đồng cho chương trình xây dựng NTM, có 28/28 xã trên địa bàn đã đạt chuẩn, 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới đã đạ chuẩn.

Đây là địa phương không để xảy ra tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM, song song với kiến thiết hạ tầng là nâng cao dần thu nhập cho người dân, bình quân đầu người năm 2021 ước đạt 54,6 triệu đồng/năm, tăng tới 42,3 triệu đồng so với năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo hiện nay còn khoảng 0,08% và không có trường hợp hộ nghèo nào thuộc diện chính sách và người có công với cách mạng. 

Nông nghiệp công nghệ cao phù hợp với những đô thị lớn như Hà Nội. Ảnh: NNVN.

Nông nghiệp công nghệ cao phù hợp với những đô thị lớn như Hà Nội. Ảnh: NNVN.

Các địa phương càng về đích NTM sau thì càng nhiều khó khăn bởi những nơi có tiềm lực về kinh tế xã hội, có nhiều thuận lợi đã về đích, chỉ sót lại những nơi kém thuận lợi hơn. Tuy thời gian từ nay đến cuối năm còn không nhiều nhưng việc thẩm định, đánh giá huyện NTM của Hà Nội vẫn theo tinh thần chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, tránh nể nang, bảo đảm các tiêu chí đạt theo yêu cầu của Trung Ương và phải là xứng đáng mới được công nhận.

Để đạt được mục tiêu đó, Hà Nội sẽ tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư, quản lý tốt nguồn lực, tránh để xảy ra tình trạng nợ đọng cơ bản. Phấn đấu đưa 4 huyện Chương Mỹ, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mê Linh  về đích NTM trong năm nay một cách bền vững. Các huyện còn lại tiếp tục tập trung hoàn thành các tiêu chí chưa đạt, nhất là về nước sạch, vệ sinh môi trường. Và chung cho cả thành phố là phải tiếp tục quan tâm phát triển kinh tế tập thể, trang trại, chỉnh đốn hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp, tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ sản xuất cho các làng nghề, cụm nghề nhất là trong bối cảnh đứt gãy chuỗi sản xuất cung cầu của dịch Covid-19.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Tinh hoa làng nghề và đặc sản 30 tỉnh thành hội tụ TP.HCM

500 sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản vùng miền của hơn 200 doanh nghiệp đến từ 30 tỉnh, thành phố giới thiệu, quảng bá tại TP.HCM.