| Hotline: 0983.970.780

Những sai phạm nghiêm trọng nào khiến ông Lê Tấn Hùng bị bắt?

Thứ Bảy 06/07/2019 , 16:25 (GMT+7)

Hàng loạt sai phạm nghiêm trọng tại SAGRI xảy ra từ 2004, kéo dài đến cuối năm 2017 về quản lý đất đai: bán đất, cho thuê đất dự án với giá thấp hơn giá thị trường nhiều lần; sai nghiêm trọng về nguyên tắc kế toán…

Ký khống hợp đồng, chi khống hơn 13,3 tỷ đồng

Theo kết luận thanh tra, từ ngày 3/10 - 1/11/2016, ông Lê Tấn Hùng, khi đó là Tổng giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI), đã ký 10 hợp đồng với Công ty CP Du lịch Thanh niên xung phong và Công ty dịch vụ lữ hành Hòa Bình Quốc tế cho cán bộ SAGRI đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài với tổng giá trị gần 13,347 tỉ đồng.

Tuy nhiên, qua xác minh với các tổ chức, cá nhân có tên trong danh sách đi nước ngoài do Tổng giám đốc SAGRI ký, không có người nào tham gia chuyến đi.

Kết quả xác minh tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (Công an TP.HCM), phát hiện 40/70 người lao động có tên trong danh sách đi nước ngoài không tham gia các chuyến đi nước ngoài do SAGRI tổ chức, 30/70 người không có thông tin trên hệ thống của Phòng Quản lý xuất nhập cảnh.

 
Kết luận Thanh tra của TTTP chỉ ra hàng loạt sai phạm của SAGRI.
 

Theo giải trình của SAGRI, do bận kỷ niệm 20 năm ngày thành lập đơn vị nên nhiều người không thể tham gia chuyến đi và dời kế hoạch sang năm 2017. Đến năm 2017, do khó khăn nên đơn vị ngừng tổ chức và 2 đơn vị lữ hành cũng hoàn trả phần lớn kinh phí.

Tuy nhiên, Thanh tra TP kết luận việc SAGRI không thực hiện các chuyến đi học tập nước ngoài nhưng vẫn thanh toán toàn bộ chi phí hơn 13,3 tỉ đồng là vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc kế toán được quy định tại khoản 4 điều 6 Luật Kế toán năm 2003.

Đồng thời, Thanh tra TP khẳng định, SAGRI có dấu hiệu câu kết với 2 công ty du lịch lập hồ sơ chứng từ để hợp thức hóa vụ việc, hạch toán và quyết toán không đúng quy định pháp luật.

Cụ thể, Công ty CP Du lịch Thanh niên xung phong có hành vi lập khống hóa đơn đối với 6 hợp đồng, số tiền gần 5 tỉ đồng với SAGRI; Công ty dịch vụ lữ hành Hòa Bình Quốc Tế có hành vi lập khống hóa đơn 4 hợp đồng, số tiền hơn 8,3 tỉ đồng với SAGRI.

Vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc kế toán theo quy định pháp luật. Trách nhiệm thuộc về Tổng giám đốc Lê Tấn Hùng và Kế toán trưởng SAGRI Nguyễn Thị Thúy.

 
SAGRI câu kết với 2 doanh nghiệp lữ hành, ký khống hợp đồng, chi hơn 13,3 tỷ đồng.
 

Nhiều sai phạm tài chính

Theo nội dung kết luận thanh tra của Thanh tra TP.HCM, SAGRI là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, trực thuộc UBND TP.HCM, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con, vốn điều lệ hơn 1.690 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu tính đến ngày 31/12/2016 hơn 2.000 tỉ đồng.

Tính đến 31/12/2016, SAGRI đầu tư trực tiếp 100% vốn vào 3 công ty con (Công ty bò sữa, Công ty cây trồng, Công ty xuất nhập khẩu nông lâm hải sản với hơn 642 tỉ đồng); đầu tư vốn tỷ lệ trên 50% vào 4 công ty con (hơn 50 tỉ đồng), và đầu tư vốn tỷ lệ dưới 50% vào 21 đơn vị là các công ty liên doanh, công ty TNHH và công ty cổ phần khác hơn 322 tỉ đồng.

Với tổng vốn đầu tư đã chi ra hơn 1.070 tỉ đồng nhưng lợi nhuận SAGRI thu về năm 2015 chỉ hơn 53 tỉ đồng (đạt 4,97% tổng vốn đầu tư), năm 2016 chỉ hơn 33 tỉ đồng (đạt 3,15% tổng vốn đầu tư).

Hoạt động đầu tư của SAGRI không hiệu quả, một số khoản đầu tư tài chính dài hạn thua lỗ kéo dài, phải ngưng hoạt động dẫn đến vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp này bị tổn thất (18/28 đơn vị không lãi).

 
Bảng kê khống chi phí đi nước ngoài.
 

Kiểm tra hồ sơ mua sắm tài sản cố định (12/30 gói mua sắm) tại SAGRI, Thanh tra TP cũng phát hiện nhiều sai phạm về tài chính, chưa tuân thủ trình tự thủ tục quy định tại Luật Đấu thầu 2013, Nghị định số 63/2014 của Chính phủ và quy định pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

Những thiếu sót này thuộc trách nhiệm của bộ phận tham mưu, đề xuất mua sắm, kế toán trưởng và Giám đốc Trung tâm giống thủy sản và cây trồng; kế toán trưởng, Tổng giám đốc SAGRI thời kỳ liên quan.

Việc nâng cấp, đầu tư sửa chữa, cải tạo 4 dự án gồm: thảm nhựa đường từ đường Lê Đức Thọ vào cổng trung tâm giết mổ gia cầm An Nhơn; nhà màng trồng dưa lưới tại trung tâm giống thủy sản và cây trồng; sửa chữa nhỏ tại trung tâm giết mổ gia cầm An Nhơn; sửa chữa nhà văn phòng, nạo vét kênh nội đồng tại trung tâm giống thủy sản và cây trồng, SAGRI cũng không làm thủ tục công khai kết quả lựa chọn nhà thầu theo quy định.

“Qua mặt” UBND TP HCM trong quản lý, sử dụng đất

Hàng loạt dự án liên quan đến hàng trăm ha đất công do SAGRI thực hiện, quản lý và sử dụng có sai sót như: Khu sản xuất nông nghiệp Phạm Văn Cội; dự án trồng chuối xuất khẩu tại xã Phạm Văn Cội; khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại xã Phú Mỹ Hưng (đều tại huyện Củ Chi, TP.HCM)…

Ông Lê Tấn Hùng vừa bị bắt.

Ngoài ra, SAGRI còn chuyển nhượng đất dự án trái luật với giá rẻ hơn giá thực nhiều lần. Đó là dự án phát triển nhà ở tại phường Phước Long B, quận 9, được chuyển nhượng với giá hơn 10,5 triệu đồng/m2, thấp hơn giá mà đơn vị được chuyển nhượng huy động vốn từ khách hàng thời điểm năm 2013 (gần 14 triệu đồng/m2) và thấp hơn giá chuyển nhượng của dự án liền kề (hơn 29 triệu đồng/m2); vụ chuyển nhượng hơn 3,6ha đất tại xã Cửa Cạn, huyện Phú Quốc (Kiên Giang) của Công ty CP lâm nghiệp Sài Gòn (Forimex - công ty thành viên của SAGRI và SAGRI chiếm hơn 26% vốn góp) cho một cá nhân với giá 280 ngàn đồng/m2, trong khi giá thực theo thị trường thời điểm chuyển nhượng là khoảng 3 triệu đồng/m2).

Dự án Khu sản xuất nông nghiệp 670ha tại xã Phú Mỹ Hưng, Củ Chi được SAGRI ký hợp đồng hợp tác đầu tư với một doanh nghiệp khác khi chưa báo cáo, chưa được chấp thuận của cơ quan chủ quản là UBND TP.HCM.

Trong quản lý, sử dụng đất, mặt bằng, nhà đất công của SAGRI và các đơn vị thành viên, SAGRI đã sử dụng 13/17 mặt bằng, nhà đất cho thuê lại một phần hoặc toàn bộ diện tích là không đúng phương án xử lý tổng thể nhà, đất; không đúng đối tượng, mục đích sử dụng đất theo quyết định giao đất, cho thuê đất của UBND TP.HCM và Thông tư số 39/2011 của Bộ Tài chính.

Tính đến cuối năm 2017, SAGRI đã đầu tư vào 25 doanh nghiệp với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, gồm: 5 công ty con, 11 công ty liên kết và 9 doanh nghiệp khác. Nhưng có 9/25 doanh nghiệp kinh doanh lỗ; 10/25 doanh nghiệp lỗ lũy kế đến thời điểm 31/12/2017 là hơn 380 tỷ đồng. Trong đó có Công ty CP Nhựa Tân Hóa ngưng hoạt động từ năm 2014, Công ty CP Sinh thái văn hóa Vĩnh Lộc chưa đi vào hoạt động...

SAGRI cũng ký 3 hợp đồng vay ngoại tệ và một hợp đồng vay VNĐ để vay bổ sung vốn lưu động nhưng lại đem số tiền vay được đi gửi có kỳ hạn tại ngân hàng khác, không đúng mục đích vay và lỗ hơn 12 tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá.

Xem thêm
Hái trộm nửa tấn cà phê của chủ, hai anh em bị bắt

Gia Lai Được thuê đến vườn hái cà phê, hai anh em Đức và Việt đã lợi dụng lòng tin của chủ vườn, hái trộm gần nửa tấn cà phê đem giấu bán, lấy tiền tiêu xài.

Giảm án cho bị cáo Nguyễn Cao Trí trong vụ án Vạn Thịnh Phát

Tòa phúc thẩm giảm án cho Nguyễn Cao Trí trong vụ Vạn Thịnh Phát, ghi nhận khắc phục hậu quả nhưng hành vi chiếm đoạt tài sản vẫn gây thiệt hại nghiêm trọng.