| Hotline: 0983.970.780

Những trăn trở nơi đại ngàn xanh thẳm: [Bài 5] Nhọc nhằn ngăn lửa trên đỉnh Kỳ Sơn

Thứ Sáu 28/06/2024 , 06:00 (GMT+7)

Chữa cháy rừng trên đỉnh Na Ngoi (Kỳ Sơn) heo hút gió ngàn nơi có độ cao hơn 2.000 mét so với mực nước biển thực sự cam go, nhìn đâu cũng thấy bất trắc.

Công tác chữa cháy rừng trên địa bàn Nghệ An gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Việt Khánh.

Công tác chữa cháy rừng trên địa bàn Nghệ An gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Việt Khánh.

Cháy âm ỉ trong lòng đất, ròng rã ứng phó 3 ngày liền

Nghệ An nhiều rừng nhất cả nước nhưng nền nhiệt cao hầm hập, kết hợp thời tiết gió lào đặc trưng khiến nguy cơ cháy rừng luôn bị đặt trong tình trạng báo động, đặc biệt trong khoảng tháng 4 đến tháng 9 hàng năm. Với huyện vùng cao Kỳ Sơn càng phải để tâm hơn thế bởi từ tháng 10 đến tận tháng 2 năm sau vùng này vẫn khô rông rốc, nắng nóng xây xẩm cả mặt mày. 

“Kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng cùng các phương án tác chiến đều được chuẩn bị kỹ lưỡng. Tính đến tháng 5/2024, cộng dồn các văn bản chỉ đạo từ tỉnh xuống cơ sở đã hơn 30 cái, riêng tháng cao điểm huyện Kỳ Sơn ban hành đến 8 văn bản, đưa ra để thấy nhiệm vụ này được quan tâm đến mức nào. Dù đã nêu cao cảnh giác nhưng diễn biến chung rất khó đoán, vừa qua trên địa bàn ghi nhận 3 vụ cháy, trong đó sự việc ở xã biên giới Na Ngoi ngốn nhiều thời gian, công sức hơn cả”, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Kỳ Sơn, ông Hoàng Văn Huynh trải lòng.    

Vụ cháy rừng tại xã Na Ngoi, nơi có độ cao tương đương đỉnh Puxailaleng khiến toàn huyện Kỳ Sơn mất ăn mất ngủ. Ảnh: Khôi An.

Vụ cháy rừng tại xã Na Ngoi, nơi có độ cao tương đương đỉnh Puxailaleng khiến toàn huyện Kỳ Sơn mất ăn mất ngủ. Ảnh: Khôi An.

Thời điểm xảy cháy diễn ra vào đúng giữa trưa ngày 30/4 khi nắng nóng lập đỉnh, địa điểm thuộc lô 2 khoảnh 2 tiểu khu 489, hiện trạng là rừng nguyên sinh. Trữ lượng rừng vùng này lớn với những thân cây bán kính rộng, chừng 5 – 6 người ôm không xuể, nếu chậm trễ trong công tác ứng phó hiểm họa để lại hết sức khôn lường.

30 năm trong ngành kiểm lâm, bản thân đã kinh qua hàng chục vụ chữa cháy nhưng Hạt trưởng Hoàng Văn Huynh phải thừa nhận hiếm thấy vụ cháy nào lạ lùng đến thế. Vị trí nằm ngất ngưỡng trên cao, cách mực nước biển đến 2.200m, ngang tương đương đỉnh Puxailaileng. Nơi đây tứ bề chằng chịt dây leo bụi rậm, thực bì chất đống vượt quá đầu người, có những điểm cao hơn 2 mét, đường đi lối lại bao bọc phần nhiều bởi núi đá. Đáng nói khi lực lượng chức năng tiếp cận gần như không phát hiện dấu hiệu bất thường, chỉ khi vạch hết chướng ngại che chắn mới thấy lửa le lói sâu tít trong lòng đất:

“Đây là hiện tượng cháy ngầm, cháy sâu trong rễ, rất hiếm gặp. Cháy dạng này chỉ có 2 cách khống chế, một là dùng nước, hai là dùng máy múc. Phương án sau không khả thi vì hiện trường cheo leo, cách trở, thiết bị lại cồng kềnh không tài nào di chuyển nổi. Kéo nước từ chân núi ngược lên ngàn cũng quá sức gian nan do cung đường quá dài, may thay khi khảo sát trong bán kính cho phép thì phát hiện có khe nước khá lớn cách đó chừng 1 cây số.

Đốt nương làm rẫy là một trong những nguyên nhân tăng cao nguy cơ cháy rừng tại huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Việt Khánh. 

Đốt nương làm rẫy là một trong những nguyên nhân tăng cao nguy cơ cháy rừng tại huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Việt Khánh. 

Chúng tôi khẩn trương họp bàn, thống nhất mua liền 5 đường dây ống, mỗi cuộn dài đến 200m, kéo đến đâu dùng gậy nhọn chọc cố định xuống đó, cứ thế dẫn nước xuống để dập lửa. Vụ cháy lần này phải huy động hàng trăm con người, các cơ quan chuyên ngành và nhân dân cùng nhập cuộc với tinh thần, trách nhiệm cao, phải lao tâm khổ tứ rõng rã xuyên 3 ngày đêm. Ấy là may mắn tìm được nguồn nước phù hợp, bằng không có khi cả tháng chưa xử lý xong”, ông Huynh nhận định.

Diễn biến thực tế gian nan quá đỗi, đám cháy âm ỉ trong lòng đất, lửa cháy ngầm và đẩy sức nóng lên trên, gặp gió thổi mạnh sẽ phả ra xung quanh khiến không khí trở nên ngột ngạt, gây bức bí cho toàn đoàn. Gắng gượng nhiều giờ liền trong điều kiện hà khắc khiến nhiều người chuếnh choáng, anh Cụt V. M. đang tham gia chữa cháy bất chợt xẩy chân trượt ngã, lăn lông lốc từ trên cao xuống dưới, tưởng như lao thẳng xuống vực may thay bám được cành cây vươn ra, thành thử chỉ bị xây xát phần mềm. Ngay như Hạt trưởng Hoàng Xuân Huynh, dù là dân chuyên, kỹ năng đầy mình cũng xây xẩm cả mặt mày, đến mức nhiều ngày sau vẫn chưa tìm lại được trạng thái vốn có.

Vụ cháy nằm trong lâm phần của Ban quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn, với tư cách chủ rừng khỏi nói đơn vị này lắng lo ra sao. Ngặt nỗi đường đi quá trắc trở, hiện trường lại xa khu dân cư nên việc huy động lực lượng gặp muôn vàn khốn khó, đến khi có mặt đầy đủ các thành phần (biên phòng, kiểm lâm, phòng hộ, chính quyền, nhân dân) thì trời đã tối sầm lại, việc ứng phó lúc này cơ bản bỏ ngỏ sang một bên:

“Để đến được điểm xảy ra cháy không dễ dàng gì, nếu đi trực tiếp qua các bản Kẻo Bắc và Buộc Mú phải non nửa ngày trời, khả thi nhất là di chuyển bằng xe máy theo đường tuần tra biên giới, gần đến đỉnh thì ngoặt xuống rồi cuốc bộ vào trong, chung quy cũng mất 3 – 4 tiếng đồng hồ. Địa phận Na Ngoi nằm cao tít với nhiều vực sâu thăm thẳm, nếu chữa cháy vào ban đêm sẽ rất nguy hiểm vì đèn pin không đủ độ sáng cần thiết, thành thử một giây bất cẩn có thể mất mạng như chơi”, Phó Ban Chu Văn Hùng chia sẻ kinh nghiệm thực tế.

Diễn biến cháy rừng trên địa bàn huyện Kỳ Sơn muôn hình vạn trạng, nhiều vụ xuất phát từ thói quen đốt nương làm rẫy của đồng bào, thậm chí cháy lan từ địa phần của nước bạn Lào sang cũng không ít, chung quy chẳng biết đường nào mà lần. Riêng vụ việc tại Na Ngoi rất khó đoán, từ tình tiết thu thập tại hiện trường không loại trừ khả năng do các đối tượng chuyên săn bắn, hoặc buôn hàng lậu gây nên. Khu vực này 100% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống, nhằm đẩy nhanh quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã nhiều lần họp dân khuyến khích tố giác tội phạm những chưa có kết quả. 

Chính sách “hẻo” khó ngăn lửa giữ rừng

Trao đổi cùng PV, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm, ông Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh tỉnh Nghệ An có nguy cơ xảy ra cháy rừng rất lớn. Vùng trọng điểm gồm 15.476 ha rừng trồng thông nhựa, 720 ha rừng hỗn giao bạch đàn, hơn 42.900 ha rừng tre nứa và trên 173.000 ha rừng hỗn giao. Diện tích phải quán xuyến rộng mênh mông nhưng nhân lực, vật lực lẫn kinh phí chữa cháy chỉ mới đáp ứng được một phần nhỏ. Đây là cái khó cho tỉnh, cho các huyện có rừng và cơ quan chuyên môn.

Khó lòng đảm đương nhiệm vụ chuyên môn trong bối cảnh thiếu hụt nhân lực, vật lực. Ảnh: Việt Khánh.

Khó lòng đảm đương nhiệm vụ chuyên môn trong bối cảnh thiếu hụt nhân lực, vật lực. Ảnh: Việt Khánh.

“Diện tích rừng của Nghệ An trải dài nhưng hệ thống biển báo chưa được lắp đặt đầy đủ. Kinh phí thu dọn, xử lý thực bì và làm đường băng cản lửa chỉ đảm bảo được 30 – 50%. Các xã chưa được bố trí nguồn ngân sách để mua sắm thiết bị (cưa xăng, máy thổi gió…) phục vụ công tác chuyên môn, lực lượng được điều động đa phần sử dụng dụng cụ tự có như dao phát, cành cây”, ông Nguyễn Anh Tuấn thông tin thêm.

Theo quy định, đơn vị nào đứng ra huy động lực lượng chữa cháy phải trực tiếp thanh toán tiền công với chế độ tối thiểu 200.000 đồng/ ngày, tuy nhiên do thiếu hụt kinh phí nên không làm được. Trong cảnh giật gấu vá vai, các huyện chỉ xoay sở được nhu cầu ăn, uống tại hiện trường, còn đâu “cậy nhờ” cả vào ý thức, trách nhiệm chung.

Bí bách, nhọc nhằn ra sao cứ nhìn vào vụ cháy vào đúng ngày lễ 30/4/2024 tại địa bàn xã Thanh Khai, huyện Thanh Chương, sau đó lan sang khu vực xã Nam Thái và thị trấn Nam Đàn, huyện Nam Đàn sẽ rõ.

Hỗ trợ kinh phí và cung cấp trang, thiết bị cho bộ phận trực tiếp tham gia chữa cháy là nhu cầu cấp thiết. Ảnh: Khôi An. 

Hỗ trợ kinh phí và cung cấp trang, thiết bị cho bộ phận trực tiếp tham gia chữa cháy là nhu cầu cấp thiết. Ảnh: Khôi An. 

Nhận thấy tính chất nghiêm trọng của sự việc, lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã gấp rút chỉ đạo các đơn vị liên quan nhập cuộc, thể hiện qua việc điều động gần 1.000 người cùng tham gia chữa cháy. Dù rất khẩn trương nhưng đặt trong bối cảnh thời tiết không ủng hộ, mất nhiều thời gian mới khắc phục được, hệ quả trên 18 ha rừng bị cháy rụi, thiệt hại vô cùng lớn. Bước đầu xác định hành động bất cẩn của người dân trong việc xử lý thực bì mà nên. Sự tắc trách của một vài cá thể đơn lẻ khiến cả tỉnh khốn đốn, thật đáng quan ngại.

“Cẩn tắc vô áy náy”, xuất phát từ nhu cầu hết sức cấp thiết, vừa qua UBND tỉnh Nghệ An đã làm Văn bản trình Thủ tướng Chính phủ xin bổ sung kinh phí hỗ trợ cấp bách cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng và bảo vệ rừng đầu nguồn.

Xem thêm
Gìn giữ những thành lũy tre xanh mát

Bình Dương Khu bảo tồn tre lớn nhất Việt Nam - làng tre Phú An - là nơi bảo tồn nguồn gen tre lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đang gìn giữ những thành lũy xanh mát...

HANE trao tặng 1,5 triệu cây xanh cho quân và dân huyện đảo Trường Sa

HANE vừa tổ chức lễ trao tặng Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân và dân huyện đảo Trường Sa 1,5 triệu cây xanh, góp phần 'Xanh hóa Trường Sa' giai đoạn 2024 - 2030.

Chính sách đồng quản lý phát huy hiệu quả trong phòng chống cháy rừng

Hậu Giang Thực hiện chính sách đồng quản lý giúp Hậu Giang hạn chế, kiểm soát được tình trạng người dân ra vào rừng trái phép, nâng cao hiệu quả phòng chống cháy rừng.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất