Hội nghị nhằm đánh giá kết quả thực hiện các quy chế phối hợp đã được ký kết giữa các tỉnh, đồng thời ký kết các quy chế phối hợp mới phù hợp với tình hình thực tế, làm cơ sở triển khai thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng, xử lý vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp tại khu vực giáp ranh.
Theo báo cáo, tỉnh Gia Lai nằm ở Bắc Tây Nguyên, giáp ranh với 5 tỉnh Bình Định, Đăk Lăk, Phú Yên, Kon Tum, Quảng Ngãi. Trong đó, vùng giáp ranh của Gia Lai với các tỉnh có chiều dài 418 km. Xác định tầm quan trọng của việc quản lý, bảo vệ rừng, các ngành chức năng vùng rừng giáp ranh đã thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng. Tích cực vận động người dân tham gia bảo vệ rừng, không xâm canh, phá rừng, khai thác lâm sản trái phép.
Từ khi ký các quy chế phối hợp đến nay, lực lượng chức năng đã tổ chức được 861 đợt tuyên truyền với hơn 31.000 lượt người tham gia, 119 hộ dân ký cam kết bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng tại các xã giáp ranh với các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Đăk Lăk.
Lực lượng chức năng cũng đã tổ chức hơn 1.800 đợt tuần tra, truy quét, phát hiện, xử lý tại khu vực giáp ranh. Qua đó, phát hiện 565 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, trong đó 37 vụ hình sự, 528 vụ hành chính, diện tích rừng bị phá hơn 45ha, lâm sản tịch thu 613m3 gỗ các loại, phạt tiền hơn 2 tỷ đồng.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phối hợp quản lý còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế như khu vực rừng giáp ranh chế chủ yếu là vùng núi cao, địa hình bị chia cắt nhiều bởi hệ thống các sông, suối, có độ dốc lớn. Trong khi đó, khu vực giáp ranh có diện tích rừng lớn, chủ yếu là tự nhiên, các đối tượng xâm hại rừng hoạt động ngày càng tinh vi, liều lĩnh, manh động để thực hiện hành vi vi phạm, gây khó khăn cho các lực lượng quản lý, bảo vệ rừng.
Mặt khác, công tác phối hợp trao đổi thông tin giữa các lực lượng chức năng để nắm bắt tình hình và tổ chức phối hợp ngăn chặn có lúc chưa kịp thời, thường xuyên. Chưa kể, do lực lượng kiểm lâm và bảo vệ rừng của các chủ rừng mỏng, chưa tương xứng với diện tích rừng quản lý nên công tác quản lý, bảo vệ rừng còn gặp nhiều khó khăn…
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả trong công tác phối hợp quản lý, bảo vệ rừng, ông Dương Mah Tiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho rằng, các địa phương cần chủ động hơn nữa trong việc nắm bắt thông tin, tổ chức kiểm tra, kiểm soát lâm sản tại các địa bàn trọng điểm, các vùng giáp ranh có nguy cơ bị xâm hại cao để phát hiện, ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm. Mặt khác, tăng cường công tác phối hợp giữa chính quyền địa phương, lực lượng kiểm lâm của các tỉnh giáp ranh để kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn kịp thời hiện tượng xâm canh, xâm cư, có biện pháp giải quyết, xử lý đúng quy định pháp luật các trường hợp vi phạm.