| Hotline: 0983.970.780

Những vùng chè nổi bật ở Tuyên Quang

Thứ Năm 17/12/2020 , 11:06 (GMT+7)

Những năm gần đây, cây chè ở Tuyên Quang đang dần vực dậy. Nhờ vậy đã xuất hiện nhiều vùng chè cho sản phẩm thơm ngon và chinh phục các thị trường.

Đổi mới cơ cấu giống và kỹ thuật chăm sóc, chế biến, không ít sản phẩm trà của Tuyên Quang được thị trường trong nước và thế giới đón nhận. Ảnh: Đào Thanh.

Đổi mới cơ cấu giống và kỹ thuật chăm sóc, chế biến, không ít sản phẩm trà của Tuyên Quang được thị trường trong nước và thế giới đón nhận. Ảnh: Đào Thanh.

Hiện toàn tỉnh Tuyên Quang có 8.588 ha chè, sản lượng trên 71.700 tấn/năm. Cùng với những giống chè truyền thống, tỉnh đã đưa vào trồng nhiều giống chè đặc sản có chất lượng và giá trị kinh tế cao như Kim Tuyên, Ngọc Thúy, Phúc Vân Tiên; phát triển các vùng chè cổ như chè shan tuyết. Đến nay, diện tích chè lai, chè đặc sản chiếm trên 60% tổng diện tích. Nhờ đó, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện những làng chè thơm ngon có tiếng như chè Làng Bát ở xã Tân Thành, huyện Hàm Yên; chè shan tuyết ở xã Hồng Thái, huyện Na Hang; chè Vĩnh Tân ở xã Tân Trào, huyện Sơn Dương; chè Kim Tuyên, Ngọc Thúy của HTX chè Sử Anh ở xã Phú Lâm, huyện Yên Sơn…

Năm 2003, bà con ở Làng Bát, xã Tân Thành, huyện Hàm Yên bắt tay vào trồng chè với diện tích 5,8 ha chè LDP1. Chất đất khá phù hợp cộng bản tính cần cù chịu khó ham học hỏi của người dân nơi đây đã giúp chè Làng Bát nhanh chóng được khẳng định trên thị trường bằng sản phẩm thơm ngon và đảm bảo an toàn thực phẩm. Hiện nay, mô hình chè sạch đã được mở rộng với diện tích gần 20 ha.

Ông Nguyễn Văn Tái, thôn Làng Bát, người đã có 10 năm trồng chè chia sẻ, nhờ áp dụng những cách thức sản xuất sạch, gia đình ông từ việc phải phun liên tục 4 lần thuốc bảo vệ thực vật/tháng, thì giờ giảm chỉ còn 1 lần. Năng suất chè được giữ ổn định, sức khỏe được đảm bảo, mà giá bán chè lại cao hơn so với trước đây 1,5 lần. Nếu như chè ngoài mô hình hiện nay chỉ bán được 70.000 - 90.000 đ/kg thì chè VietGAP Làng Bát lúc nào cũng bán giá 180.000 đ/kg. Hơn 1 ha chè nhà ông, sau khi trừ chi phí, mỗi năm cũng cho lãi hơn 200 triệu đồng. 

Tổng diện tích vùng nguyên liệu chè shan tuyết trên địa bàn xã Hồng Thái là 64 ha trong đó có 29 ha chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi, có 35 ha chè trồng trên 20 năm tuổi. Điều đặc biệt sản phẩm chè shan tuyết nơi đây đều “ba không”. Như cây chè của địa phương được thiên nhiên ưu ái không có sâu bệnh, cây sinh trưởng tốt; không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; không pha chế, ướp hương liệu và không bón phân vô cơ. Sản phẩm đã được Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cấp giấy chứng nhận chè hữu cơ (Organic).

Ông Đặng Ngọc Phố, Phó Giám đốc HTX Sơn Trà, xã Hồng Thái cho biết hiện nay các trà của HTX cung cấp trên thị trường đều có đầy đủ quy định về sản xuất, chế biến, kinh doanh chè theo quy định; đủ điều kiện về tiêu chuẩn, chất lượng để đưa vào các hệ thống siêu thị trên cả nước. Từ năm 2019 đến nay, HTX đã tập trung vào phân khúc chất lượng từng loại chè để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Đến nay, sản phẩm chè Shan tuyết Hồng Thái được khách hàng và các đối tác đánh giá cao về chất lượng cũng như mẫu mã; sản phẩm có giá từ 250 nghìn đồng đến 1,2 triệu đồng/kg.

Từ trồng chè, nhiều hộ dân ở Tuyên Quang có cuộc sống ấm no. Ảnh: Đồng Thưởng.

Từ trồng chè, nhiều hộ dân ở Tuyên Quang có cuộc sống ấm no. Ảnh: Đồng Thưởng.

Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang hiện có 6 làng nghề sản xuất, chế biến chè. Các làng nghề tập trung chủ yếu tại huyện Sơn Dương. Gồm có làng nghề chè thôn Vĩnh Tân, xã Tân Trào; làng nghề chè thôn Đồng Hoan, xã Tú Thịnh; làng nghề chè thôn Liên Phương, xã Phúc Ứng; làng nghề chè thôn YênThượng, xã Trung Yên; làng nghề chè thôn Đồng Đài, xã Hợp Thành; và làng nghề chè thôn Cảy, xã Minh Thanh. Các làng nghề này đang hoạt động khá hiệu quả, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương.

Trong số 6 làng nghề chè thì làng chè Vĩnh Tân, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương là đơn vị duy nhất sản xuất theo chuỗi giá trị. Hiện vùng nguyên liệu của làng chè Vĩnh Tân có diện tích gần 100 ha. Sản phẩm chè nơi đây đoạt cúp đồng “Búp chè Vàng” tại Festival chè Thái Nguyên.

Ông Phạm Văn Đáng, người dân thôn Vĩnh Tân cho biết, từ trồng chè gia đình ông  có cuộc sống ấm no, mỗi năm thu về hơn 100 triệu đồng. Với 1 ha chè của gia đình, vào thời điểm chè rộ mỗi tháng có thể sản xuất được 400 kg chè khô, sau khi xuất bán trừ chi phí gia đình thu lãi khoảng 20 triệu đồng/tháng. Mỗi lứa chè tuỳ từng giống, từng thời tiết mà kéo dài khoảng 25-32 ngày thì được thu hái. Muốn chè được ngon, cần hái ngay khi búp vừa đến lứa, trong vòng từ 1-3 ngày, chè quá lứa chất lượng giảm, mất giá ngay. 

So với các sản phẩm chè nổi tiếng ở Thái Nguyên, Hà Giang hay Lâm Đồng thì thương hiệu chè của Tuyên Quang còn khiêm tốn. Thế nhưng không thể phủ nhận rằng, địa phương này đã có những sản phẩm chè khá tốt và được thị trường đón nhận. Nổi bật nhất là năm 2019, sản phẩm chè shan tuyết của HTX Sơn Trà, xã Hồng Thái vinh dự được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm quà tặng Thủ tướng Malaysia.

Xem thêm
Thị trường Trung Quốc - 'Át chủ bài' xuất khẩu trái cây

Kim ngạch xuất khẩu trái cây Việt Nam sang Trung Quốc ngày càng tăng và ước tính, năm 2024 sẽ đạt gần 5 tỷ USD.

Xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y

Bộ NN-PTNT thông báo xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y thuộc Bộ, như sau:

Phân bón Lâm Thao và VinFast hợp tác vì tương lai xanh Việt Nam

Phân hón Lâm Thao và VinFast cùng hợp tác tổ chức chương trình 'Mãnh liệt tinh thần Việt Nam, phủ xanh Việt Nam' nhằm lan tỏa tinh thần xanh, thúc đẩy phát triển bền vững.

Dự án căn hộ duy nhất ở Tây Nam Linh Đàm đang được săn đón

Không ngạc nhiên khi dự án căn hộ duy nhất đang triển khai tại Tây Nam Linh Đàm, thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội là Hanoi Melody Residences đang được thị trường săn đón...