| Hotline: 0983.970.780

Ninh Bình có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới

Thứ Sáu 17/02/2023 , 10:46 (GMT+7)

Đến hết năm 2022, Ninh Bình có 119/119 xã đạt chuẩn NTM (100%). Trong đó, 30 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, 14 xã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Theo Sở NN-PTNT Ninh Bình, trong năm 2022, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) tiếp tục được tỉnh Ninh Bình quan tâm, chỉ đạo xây dựng theo hướng thực chất, tiên tiến, được cộng đồng doanh nghiệp và người dân đồng tình hưởng ứng. Các chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; mỗi xã một sản phẩm (OCOP); giảm nghèo; bố trí dân cư tiếp tục được quan tâm đầu tư, phát triển.

Diện mạo nông thôn ở Ninh Bình 'thay da đổi thịt' từng ngày. Ảnh: TL.

Diện mạo nông thôn ở Ninh Bình "thay da đổi thịt" từng ngày. Ảnh: TL.

Cụ thể, năm 2022, thành phố Ninh Bình và huyện Nho Quan đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ NTM/đạt chuẩn NTM. Huyện Kim Sơn có 9/9 tiêu chí đã đạt chuẩn; huyện đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các tiêu chí và thủ tục, hồ sơ để trình thẩm tra kết quả thực hiện các tiêu chí huyện NTM.

Đối với các xã đăng ký đạt chuẩn năm 2022, 2 xã đăng ký đạt chuẩn NTM là xã Kim Tân và Kim Mỹ (Kim Sơn) đã được công nhận đạt chuẩn NTM.

Đối với các xã đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, 13/13 xã đủ điều kiện hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; 3/3 xã đủ điều kiện hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (đang chờ Hội đồng thẩm định của tỉnh họp xét công nhận).  

Bên cạnh đó, năm 2022, tỉnh Ninh Bình có thêm 45 thôn, xóm được công nhận đạt chuẩn thôn kiểu mẫu và khu dân cư NTM kiểu mẫu.

Như vậy, đến hết năm 2022, tỉnh Ninh Bình đã có 119/119 xã đạt chuẩn NTM (đạt tỷ lệ 100%). Trong đó, có 30 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, 14 xã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 283 thôn được công nhận khu dân cư NTM kiểu mẫu; 8/8 huyện, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó, có 7 huyện, thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, huyện Kim Sơn đang hoàn thiện thủ tục, hồ sơ thẩm tra xét công nhận đạt chuẩn huyện NTM.

Về tổ chức đánh giá, phân hạng các sản phẩm OCOP, năm 2022, Ninh Bình có thêm 47 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP (vượt 13 sản phẩm so với kế hoạch đề ra). Trong đó, có 29 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao và 18 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao. Lũy kế đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 101 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó có 68 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 33 sản phẩm đạt hạng 3 sao.

Về chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, tỉnh đã tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường năm 2022; hoàn thiện báo cáo đánh giá bộ chỉ số nước sạch nông thôn năm 2021; xây dựng dự thảo đề án “tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng NTM tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2022-2025”.

Đến hết năm 2022, toàn tỉnh Ninh Bình có 101 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Ảnh: TL.

Đến hết năm 2022, toàn tỉnh Ninh Bình có 101 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Ảnh: TL.

Bên cạnh đó, Ninh Bình cũng hoàn thành các đợt lấy mẫu, xét nghiệm chất lượng nước tại các trạm cấp nước sinh hoạt nông thôn (SHNT) tập trung. Đồng thời, chấn chỉnh những trạm chưa đáp ứng quy chuẩn QCVN 01-1:2018/BYT; duy trì hoạt động phòng thử nghiệm chuẩn ISO/IEC 17025:2017.

Ngoài ra, quản lý tốt 3 công trình cấp nước SHNT được giao; triển khai ký kết hợp đồng dịch vụ cung cấp nước sạch đối với các hộ sử dụng nước tại trạm cấp nước SHNT xã Yên Thắng, Quang Sơn; khắc phục nhanh sự cố, phân vùng để cấp nước đầy đủ cho nhân dân toàn xã.

Nhờ đó, đến hết năm 2022, có 96,5% số dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó, có 64% số dân nông thôn được sử dụng nước từ các công trình cấp nước tập trung.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

OCOP Nghệ An cần những mảng màu như Tứ Phương

Muốn phát triển thương hiệu OCOP vững bền đòi hỏi lượng và chất phải song đôi, xuyên suốt hành trình đã qua, Tứ Phương luôn xem đây là yêu cầu bắt buộc.