| Hotline: 0983.970.780

Ninh Thuận tổ chức Hội nghị xúc tiến cung cầu các sản phẩm OCOP

Thứ Ba 08/12/2020 , 19:04 (GMT+7)

Dù mới được triển khai nhưng Chương trình OCOP ở Ninh Thuận đã có 61 sản phẩm đạt chuẩn từ 3 đến 4 sao, 8 sản phẩm có tiềm năng đạt 5 sao.

Ngày 8/12, UBND tỉnh Ninh Thuận phối hợp với Bộ NN-PTNT, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị xúc tiến cung cầu Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh năm 2020.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cùng lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận thăm quan các gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cùng lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận thăm quan các gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP.

Đến dự có ông Lê Minh Hoan, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, ông Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Ninh Thuận; ông Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cùng lãnh đạo các sở, ngành địa phương và hơn 100 doanh nghiệp, chuyên gia, hợp tác xã, đơn vị sản xuất, nhà phân phối trong và ngoài tỉnh.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận nhấn mạnh: Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Đây được coi là một trong những giải pháp, nhiệm vụ triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới.

Trọng tâm chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và hợp tác xã thực hiện. Trong đó, chất lượng đảm bảo, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, phân phối rộng rãi chính là ưu điểm nổi bật mà sản phẩm OCOP đang chinh phục khách hàng trong và ngoài tỉnh.

“Dù mới được triển khai từ cuối năm 2019, nhưng đến nay Chương trình OCOP ở Ninh Thuận đã đạt được những kết quả nhất định. Qua đánh giá, phân hạng có 61 sản phẩm đạt chuẩn từ 3 đến 4 sao và 8 sản phẩm có tiềm năng đạt 5 sao đề nghị Trung ương đánh giá, phân hạng. Các sản phẩm OCOP của Ninh Thuận chủ yếu tập trung vào nhóm sản phẩm như: thực phẩm, đồ uống, thảo dược, may mặc, lưu niệm, du lịch nông thôn…”, ông Nguyễn Long Biên cho biết.

Trao Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2020 cho các chủ thể.

Trao Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2020 cho các chủ thể.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến tham luận của các đơn vị phân phối, chủ thể tham gia Chương trình OCOP cho rằng, các cấp, ngành cần tăng cường chỉ đạo, phối hợp và hỗ trợ tỉnh cũng như các địa phương triển khai, định hướng tốt công tác quy hoạch vùng sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt; xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản có chất lượng cao, đảm bảo đủ nguồn cung đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng thương mại, bố trí kinh phí, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại hiệu quả, đặc biệt là các chương trình liên kết vùng, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm giữa các tỉnh, thành phố trên cả nước. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử; ký kết hợp tác quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại tiêu thụ thị trường trong nước và nước ngoài cho các sản phẩm nông sản, đặc sản của các địa phương...

Các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh và các chủ thể có sản phẩm OCOP ký kết các hợp đồng kinh tế.

Các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh và các chủ thể có sản phẩm OCOP ký kết các hợp đồng kinh tế.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chúc mừng những đơn vị trong tỉnh Ninh Thuận có sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2020; ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà Chương trình OCOP của tỉnh đạt được trong năm 2020.

Để các sản phẩm OCOP có chỗ đứng vững chắc và đến gần hơn với người tiêu dùng, Thứ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị, thời gian tới, tỉnh Ninh Thuận cần có thêm các hình thức phối hợp, trong đó chú trọng đến công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường và kích cầu tiêu dùng các sản phẩm OCOP; hỗ trợ xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá, xây dựng thương hiệu; tạo không gian môi trường thuận lợi kết nối người sản xuất và người phân phối…

Qua các chương trình kết nối, Bộ NN-PTNT cũng sẽ phát huy vai trò là cầu nối để tạo điều kiện liên kết cho các sản phẩm địa phương, đẩy mạnh tiêu thụ, hướng đến xuất khẩu.

Tại hội nghị, lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận đã trao Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2020 cho 69 chủ thể; ký kết chương trình hợp tác, tiêu thụ sản phẩm OCOP giữa các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với các chủ thể có sản phẩm OCOP. Đây cũng là cơ sở để tỉnh Ninh Thuận xây dựng chuỗi liên kết, lưu thông hàng hóa, tạo điều kiện cho các chủ thể tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm của mình, góp phần đưa những sản phẩm OCOP của Ninh Thuận đến tay người tiêu dùng trong cả nước.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.