| Hotline: 0983.970.780

Nỗ lực khổ luyện sau màn diễu hành “trăm người như một” tại Triều Tiên

Thứ Bảy 08/09/2018 , 16:06 (GMT+7)

Để có thể thực hiện những màn diễu hành nhịp nhàng và khí thế trong các lễ duyệt binh, nhiều binh sĩ Triều Tiên được lựa chọn với tiêu chí khắt khe đã phải dành nhiều tháng tập luyện với cường độ cao.


Lễ duyệt binh hoành tráng tại Triều Tiên năm 2010
 

Các nữ binh sĩ Triều Tiên diễu hành tại Quảng trường Kim Nhật Thành (Ảnh: Reuters)
 
Hai mươi năm sau khi rời khỏi Triều Tiên, Sim Ju-il đôi khi vẫn nhớ lại những khoảnh khắc ông được diễu hành trước mặt cố lãnh đạo Kim Nhật Thành khi còn là một thanh niên trẻ. Đứng một mình trên đường phố Seoul, Hàn Quốc, ông Sim lấy ô làm súng, đặt tay vào vị trí, giơ chân lên cao và làm động tác như diễu hành khi hồi tưởng những cảm xúc hào hùng một thời.

“Tôi rất tự hào về bản thân mình vì không nhiều người được tham gia vào các lễ diễu hành, và tôi vẫn giữ nguyên niềm tự hào đó cho tới bây giờ. Tôi nghĩ duyệt binh ở Triều Tiên là đẹp nhất trên thế giới”, ông Sim, 67 tuổi, chia sẻ.

Từng tham gia các lễ duyệt binh vào các năm 1972 và 1985, ông Sim nói rằng tim ông đập thình thịch khi diễu hành qua vị trí của cố lãnh đạo Kim Nhật Thành. Theo lời kể của ông Sim, một binh sĩ nữ đã ngất xỉu do đau ruột thừa sau khi kết thúc phần diễu hành của mình và cô đã được các tướng lĩnh ca ngợi vì chấp nhận nén đau thương trong quá trình tập luyện.

Một người đào tẩu Triều Tiên khác cũng từng tham gia vào các lễ duyệt binh tại Triều Tiên là Kim Jungah. Bà Kim cũng từng tự hào khi được chọn vào đội diễu hành. Bây giờ, bà Kim thỉnh thoảng vẫn biểu diễn lại những kỹ năng diễu hành trước mặt những người Hàn Quốc khi họ tò mò về quá trình khổ luyện mà bà từng trải qua trước khi tham gia lễ duyệt binh vào năm 1997 tại Triều Tiên.

Cảnh tượng ngoạn mục

Các binh sĩ Triều Tiên giơ cao chân và bồng súng khi diễu hành (Ảnh: AFP)
 
Hình ảnh hàng nghìn binh sĩ cùng diễu hành có thể xem là cảnh tượng ngoạn mục tại Triều Tiên. Từng hàng binh sĩ trẻ, trong đó có những người mang theo súng gắn lưỡi lê, đá cao chân về phía trước với nhịp điệu hoàn hảo khi diễu hành qua quảng trường Kim Nhật Thành ở thủ đô Bình Nhưỡng. Những phần kim loại gắn trên giày của các binh sĩ rung lên cùng nhịp, trong khi các binh sĩ trông giống như đang nhảy bật hơn là diễu hành.

Khi tiến qua khu vực lễ đài, nơi nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang đứng mỉm cười và vẫy tay về phía họ, các binh sĩ ngay lập tức nghiêng đầu 45 độ theo lệnh “Đánh mắt sang phải” của chỉ huy. Các cuộc diễu hành gần đây cho thấy các binh sĩ Triều Tiên hiện nay dường như đá cao chân hơn so với các thế hệ trước kia.

Kiểu diễu hành chân không gập đầu gối từng được nhiều nước sử dụng trước đây, tuy nhiên hiện nay Triều Tiên là một trong số ít những nước vẫn diễu hành theo cách này một cách bài bản. Các chuyên gia cho rằng đây là cách để nhà lãnh đạo Kim Jong-un thể hiện với cộng đồng quốc tế về lực lượng quân đội hùng mạnh, kỷ luật và tận tụy của Triều Tiên.

Phần lớn những người tham gia diễu hành tại Triều Tiên được chọn từ các học viện quân sự hoặc các đơn vị quân đội ưu tú. Họ được chọn vì một số yếu tố như lòng trung thành với chính quyền Triều Tiên, lý lịch gia đình và cả chiều cao.

Quy mô hoành tráng của một lễ duyệt binh ở Triều Tiên (Ảnh: KCNA)
 
Khi được chọn tham gia diễu hành vào năm 1972, ông Sim Ju-il là một sinh viên của Đại học Chính trị Kim Nhật Thành - một học viện quân sự danh tiếng tại Triều Tiên. Ngôi trường này chỉ lựa chọn những ai có chiều cao từ 1m65 tới 1m74. Trong khi đó, bà Kim Jungah cho biết học viện nơi bà theo học chỉ chọn các nữ sinh cao từ 1m60 tới 1m64.

“Khi bạn tham gia diễu hành, tức là bạn đang đại diện cho ông Kim Jong-un, vì thế việc kiểm tra lý lịch kỹ lưỡng là yêu cầu bắt buộc trước khi bạn bước vào đội diễu hành. Được tham gia diễu hành cũng tương tự như việc bạn được lãnh đạo tối cao ban tặng hào quang của ông ấy, do vậy việc này sẽ tốt cho tương lai của bạn”, nhà phân tích Seo Yu-Seok tại Viện nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul nhận định.

Theo chuyên gia Seo, các binh sĩ Triều Tiên bắt đầu diễu hành trong giai đoạn từ cuối thập niên 1950 và đầu thập niên 1960 khi cố lãnh đạo Kim Nhật Thành muốn củng cố quyền lực của mình. Sau khi ông Kim Nhật Thành qua đời vào năm 1994, con trai ông là cố lãnh đạo Kim Jong-il đã tổ chức nhiều lễ duyệt binh hơn theo chính sách “quân đội là số một” do ông đề ra cho tới khi qua đời vào năm 2011. Sau khi lên nắm quyền từ năm 2012 đến nay, đương kim lãnh đạo Kim Jong-un đã tổ chức 6 lễ duyệt binh lớn.

Quá trình tập luyện

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un vẫy tay từ trên khán đài tại lễ duyệt binh ở Bình Nhưỡng (Ảnh: AFP)
 
Việc tập luyện diễu hành thường được tiến hành tại các học viện quân sự hoặc các căn cứ quân sự của Triều Tiên trước khi lễ duyệt binh chính thức diễn ra ở Bình Nhưỡng. Sân bay Mirim, sân bay quân sự ở ngoại ô Bình Nhưỡng, là nơi diễn ra các hoạt động huấn luyện diễu hành. Ông Sim từng tham gia đợt huấn luyện kéo dài 6 tháng, trong khi bà Kim cho biết những người tham gia diễu hành năm 1997 phải tập luyện trong suốt một năm. Một cựu binh sĩ Triều Tiên khác nói rằng ông từng mất 2 tháng tập luyện trước lễ duyệt binh vào năm 1998.

Những người đào tẩu Triều Tiên tiết lộ rằng họ từng phải tập luyện từ 6-10 giờ/ngày và 6 ngày/tuần. Nhiều người đã bị ngất hoặc bị thương trong quá trình tập luyện và bị thay thế bằng người khác.

Bà Kim cho biết những người hướng dẫn sẵn sàng phạt nếu họ không hài lòng với việc tập luyện của cá nhân nào đó. Vài tuần sau khi dừng quá trình huấn luyện do gặp các vấn đề về sức khỏe, bà Kim nói rằng bệnh đau dây thần kinh hông khiến bà bị liệt phần dưới thắt lưng trong suốt nhiều tuần. Bác sĩ sau đó nói với bà Kim rằng vết thương của bà có thể do hoạt động diễu hành gây ra. Theo bà Kim, một số người khác tham gia luyện tập diễu hành cũng bị lệch xương sống hoặc đi tiểu ra máu.

Ông Sim nói rằng quá trình luyện tập của ông cũng rất khổ cực, song ông không bị thương, trong khi một binh sĩ khác tiết lộ ông từng bị đau lưng suốt 1 tháng rưỡi sau lễ duyệt binh năm 1998.

Sau các lễ duyệt binh, những người tham gia thường được trao huân chương kỷ niệm và hộp quà với đồ ăn, nước uống và được thưởng những kỳ nghỉ đặc biệt. Họ cũng được phép giữ lại bộ quân phục mà họ mặc trong lúc duyệt binh.

Bà Kim cho biết bà được nhận hàm thiếu úy, được kết nạp đảng và thăng tiến nhanh hơn so các đồng đội. Bà tin rằng một phần điều kiện thuận lợi mà bà có được là do tham gia đợt huấn luyện duyệt binh. Trước khi rời khỏi Triều Tiên vào năm 1998, ông Sim cũng từng giữ hàm trung tá tại bộ tư lệnh quốc phòng Triều Tiên.

“Sau lễ duyệt binh, tôi cảm thấy có một chút trống rỗng. Tôi nghĩ trong đầu rằng, “mình đã tập luyện suốt ngần ấy tháng chỉ để thể hiện trong hơn một phút như vậy””, ông Sim nhớ lại.

 

(dantri.com.vn)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Mỹ không còn hệ thống phòng không Patriot để gửi cho Ukraine

Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan cho biết Washington không còn hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine, nhưng sẽ gây áp lực buộc EU và NATO chia sẻ cho Kiev.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm