Những tổ ong khổng lồ trên vách núi
Để duy trì nghề truyền thống in váy thổ cẩm bằng sáp ong có từ hàng trăm năm nay, các thế hệ người dân ở xóm Vài Khao, xã Quang Thành (Nguyên Bình, Cao Bằng) đã bảo vệ đàn ong rừng (ong khoái) khoảng 60 - 80 tổ/năm tại khu rừng của xóm.
Mùa xuân hằng năm, từng đàn ong khoái về làm tổ trên các vách núi đá. Khi vào mùa thu lại bay đi, những con ong khoái để lại vỏ sáp. Cứ khoảng giữa tháng 6 đến đầu tháng 7 âm lịch, chọn được ngày lành tháng tốt, người Dao Tiền ở xóm Vài Khao lại tổ chức đi thu hoạch tổ ong khoái.
Người dân trong xóm được phân chia thành 3 tổ, mỗi tổ đảm nhiệm công việc khác nhau, tổ lấy củi, tổ nấu cơm và tổ vất vả nhất là đi chọc lấy sáp ong khoái. Trước khi lấy ong, thầy mo sẽ xem được ngày lành tháng tốt mới đi lấy sáp ong khoái. Ngày đi lấy tổ, cả xóm tập trung từ sáng sớm tại nhà văn hóa, mỗi gia đình góp 1 con gà, 2 bát gạo, 1 bát măng chua, tiền vàng mã cùng với 3 que hương để thầy mo mang đi làm lễ cúng.
Đến vòm hang, thầy mo bày đồ cúng rồi bắt đầu làm lễ, báo cho thần sông, thần núi về sự kiện sẽ diễn ra, cầu các vị thần phù hộ cho cả đoàn đi lấy sáp ong khoái gặp may mắn. Khi thủ tục cúng lần 1 đã xong, cả đoàn mới được leo lên chọc lấy sáp ong.
Ông Lý Phú Sang, một thầy mo lâu năm của xóm Vài Khao, xã Quang Thành cho biết: Hằng năm, cứ vào mùa xuân đàn ong khoái lại về làm tổ trên các vách đá. Người dân xóm Vài Khao có tục cấm phá tổ ong lấy mật. Mọi người trong xóm bảo nhau trông coi để không cho những người nơi khác, thợ rừng đến lấy mật, vì nếu bị lấy mật thì lập tức đàn ong sẽ bỏ đi, năm sau không quay lại làm tổ nữa.
Thầy mo Lý Phú Sang cho biết thêm: “Đây là cái lễ có từ đời xưa các cụ đã làm thì mới lấy được cái sáp ong này lấy về in váy. Lễ này mang ý nghĩ là mùa thu ong khoái đã đi, mình cúng cầu mọi điều tốt đẹp, để mọi người cùng nhau bảo vệ khu rừng này, để sang năm ong khoái lại về mang mọi may mắn cho người dân ở đây”.
Tục thờ ong khoái hiếm có ở Cao Bằng
Muốn lấy được sáp ong, người dân phải đi chặt những cây mai, cây vầu dài nhất, dùng dây buộc chắc chắn nối theo những cây mọc gần vòm hang tạo thành 1 cái thang dài để có thể leo trèo lên đến gần nhất, dùng cây chọc lấy tổ ong khoái.
Để đến được nơi ong khoái làm tổ, cả đoàn phải băng rừng, vượt suối cả tiếng đồng hồ. Từ mặt đất nhìn lên vòm hang cao khoảng hơn 20m so với mặt đất, ong khoái bay đi để lại mấy chục tổ sáp ong, treo lủng lẳng như những cái yếm bò, có tổ hình elip, to nhỏ kích cỡ khác nhau. Có tổ to đường kính rộng hơn 1m.
Phải nói ong khoái làm tổ rất cao, để chọc lấy được 1 tổ không phải đơn giản, đòi hỏi phải có sức khỏe mới có thể leo trèo được. Những cây sào trúc dài được buộc nối nhau, cùng với dây kéo đỡ, từng thao tác chọc phải chính xác thì tổ ong khoái mới rơi xuống.
Để chọc lấy được một tổ ong không phải đơn giản. Do đó, những người đàn ông còn trẻ, khỏe mạnh, dẻo dai mới được tin tưởng cho leo lên lấy tổ. Với độ cao hơn 20m, chỉ cần một chút sơ sẩy có thể ảnh hưởng đến tính mạng.
Những cây sào trúc dài được buộc nối nhau, cùng với dây kéo đỡ, từng thao tác chọc phải chính xác thì tổ ong khoái mới rơi xuống. Khi đó, các chị em phụ nữ ở dưới hang nhặt và mang sáp ong về nhà đem nấu lấy sáp.
Khi tổ ong khoái đã được chọc xuống hết, thầy mo làm lễ cuối cùng báo với các vị thần, mọi người đã chọc lấy được tổ ong khoái, cầu cho các vị thần phù hộ sang năm ong khoái lại về làm tổ nhiều hơn.
Chị Bàn Thị Liên, xóm Vài Khao chia sẻ: Từ nhỏ đã thường xuyên đi theo bố mẹ nhặt sáp ong khoái. Dù đường đi đến chỗ tổ ong khoái khá xa, đường đi vất vả nhưng ai được tham gia đoàn đi lấy sáp ong đều rất vui vẻ khi thành quả mang về là nhiều tổ sáp ong lớn. Mong rằng sang mùa xuân sẽ có nhiều đàn ong về làm tổ hơn.
Sau khi mang các tổ ong về, người dân sẽ bẻ nhỏ sáp ong ra rồi cho vào chảo gang to nấu với nước. Qua nhiều công đoạn để cô sáp ong thành khối nguyên chất, tinh khiết. Khối sáp ong thành phẩm cuối cùng phải mịn, có màu vàng óng, cô đặc, có thể bảo quản nhiều năm để dùng dần mà không bị hư hỏng. Sáp ong này sẽ được dùng để in lên hoa văn áo, váy của người phụ nữ Dao Tiền.
Giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống
Người Dao Tiền nơi đây có phương pháp thêu và in hoa văn bằng sáp ong rất độc đáo. Tất cả phụ nữ đều thành thạo kỹ thuật in họa tiết hình học, cỏ cây, hoa lá, chim, thú bằng sáp ong trên vải để làm ra những bộ trang phục cầu kỳ của người phụ nữ Dao Tiền.
Chính nét văn hóa đặc sắc cùng hoạt động của người dân trong gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống đã giúp Hoài Khao trở thành điểm hẹn của rất nhiều du khách, là điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình du lịch cộng đồng theo hướng hiệu quả, bền vững.
Đến Hoài Khao vào những mùa khác nhau, du khách đều có những trải nghiệm khó quên với mảnh đất giàu bản sắc. Mùa hè, du khách được cảm nhận không khí trong lành của miền sơn cước, phóng tầm mắt cùng cánh đồng lúa xanh mướt. Mùa thu, Hoài Khao khoác lên mình diện mạo rực rỡ với thung lũng lúa vàng nặng trĩu bông.
Làng Vài Khao ở độ cao gần 1.000m so với mực nước biển, 100% hộ là dân tộc Dao Tiền có nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc, trong đó có nghề in hoa văn trên vải bằng sáp ong rồi nhuộm chàm (văn hóa Batik) là một trong những di sản văn hóa của người dân nơi đây.
Vài Khao nằm trong quy hoạch Vườn Quốc gia Phja Oắc - Phja Đén nên được xác định là xóm du lịch văn hóa cộng đồng ở Cao Bằng. Đầu năm 2018, đường ô tô đã mở thông đến xóm, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân phát triển sản xuất, giao lưu hàng hóa cũng như thu hút du khách thập phương đến tham quan, khám phá thiên nhiên và cuộc sống người dân bản địa.
Để bảo vệ đàn ong rừng Vài Khao “có một không hai” gắn liền với nghệ thuật in hoa văn truyền thống rất đặc sắc này, thiết nghĩ, xóm cần có quy ước chặt chẽ, trong đó phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp trong việc gìn giữ, bảo vệ văn hóa, môi trường sinh thái, quy định xử phạt nghiêm khắc các hành vi phá hoại đàn ong, hủy hoại môi trường sinh thái.
Chính quyền các cấp và cơ quan chức năng quan tâm tới công tác bảo vệ, khai thác hợp lý các giá trị văn hóa của xóm Vài Khao phục vụ phát triển du lịch địa phương.