2 lần “ngã về không” vì tham mẻ cá lớn
Ai đã từng lang thang một vòng quanh phường Hoài Hương (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) mới cảm nhận hết sự “sung mãn” của làng chài đã từng rất nghèo khó này. Nhà cửa cao tầng mọc san sát; hàng quán, chợ búa sầm uất; cơ sở dịch vụ thương mại mọc dày, nhiều nhất là các cửa hàng buôn bán ngư lưới cụ để phục vụ cho nghề đánh bắt thủy sản của ngư dân địa phương.
“Hoài Hương khởi sắc là nhờ nghề đánh bắt xa bờ. Nghề biển là nghề cha truyền con nối của người dân ở đây. Ngày xưa, ông cha chúng tôi còn ra biển đánh bắt bằng thuyền nan, cách bờ chỉ vài ba hải lý với các nghề mành cơm, chà giắt, thu nhập chỉ đủ đắp đổi qua ngày. Sau năm 1975, ngư dân Hoài Hương bắt đầu tiếp cận được với nghề lưới vây rút chì và đóng tàu lớn đánh bắt xa bờ, khi ấy nghề biển mới thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương”, ông Cao Văn Tây, Chủ tịch UBND phường Hoài Hương nói như để giải thích cho những cái nhìn đầy vẻ ngưỡng mộ của tôi trước làng chài đầy sức sống.
Một vòng dạo quanh Hoài Hương, tôi có dịp gặp gỡ nhiều ngư dân tỷ phú và được nghe kể những câu chuyện làm ăn của họ. Bên cạnh nhiều câu chuyện đầy hào hứng, cũng có không ít câu chuyện đẫm nước mắt.
Ví như chuyện của ngư dân Trần Tòng ở khu phố Thạnh Xuân. Sau 2 lần bị lực lượng chấp pháp Malaysia bắt giữ 2 tàu cá vì đánh bắt xâm phạm vùng biển, ngư dân Trần Tòng trắng tay, không còn cơ hội quay lại với nghề truyền thống của ông cha. Từ đó, ông Tòng hầu như không còn muốn tiếp xúc với ai, càng không muốn nhắc lại chuyện nghề, nhất là chuyện cả tài sản bỗng dưng vuột khỏi tay khi 2 chiếc tàu cá bị lực lượng chấp pháp Malaysia bắt giữ.
Cũng như hầu hết những chàng trai quê biển, ngư dân Trần Tòng xuất thân từ một gia đình có nhiều đời theo nghề biển. Năm nay mới 51 tuổi, nhưng ngư dân Tòng đã có trên 30 năm mưu sinh trên những con sóng của đại dương. Càng về sau, ngư trường truyền thống ngày càng vắng cá, trong khi lao động nghề biển ngày càng khủng hoảng thiếu. Muốn có bạn đi cho tàu mình, anh Tòng phải thuê lao động từ Vũng Tàu. Để có được sự hợp tác của những lao động này, trước mỗi chuyến biển, anh Tòng phải ứng trước cho họ mỗi người 6 triệu đồng.
Nghề lưới vây thì phải cần nhiều lao động, thế nên tàu của anh luôn có trên 10 lao động đi bạn. Tiền bạn trả trước cho mỗi chuyến biển hơn 60 triệu đồng, cộng với tiền tổn mỗi chuyến biển 120 triệu đồng nữa, vậy nên trước khi tàu mở chuyến biển mới, anh Tòng cần phải chi ra trước khoản tiền gần 200 triệu đồng. Nếu chuyến biển ấy đánh bắt không có cá, đồng nghĩa anh Tòng mất trắng khoản tiền gần 200 triệu. Do vậy, dẫu biết đánh bắt xâm phạm vùng biển nước ngoài là vi phạm pháp luật, thế nhưng anh vẫn cứ làm liều, để hầu mong kiếm được những mẻ cá lớn theo kiểu “được ăn cả ngã về không”. Không may cho Tòng, anh đã bị “ngã về không” đến 2 lần, khiến bao nhiêu tài sản dành dụm được trong suốt hơn 30 năm theo nghề biển bỗng chốc tan biến thành mây khói.
Nỗi đau không thể nguôi ngoai
Theo chị Trần Thị Bích Nga (SN 1978), vợ anh Trần Tòng, chiếc tàu đầu tiên của anh Tòng bị Malaysia bắt vào năm 2014, chiếc tàu này được đóng vào năm 2010 với số tiền hơn 1 tỷ đồng. “Hơn 1 tỷ đồng khi ấy có giá trị rất lớn, nếu tính ra vàng phải hơn 100 cây vàng”, chị Nga nhớ lại.
Sau khi tàu cá của mình bị lực lượng chấp pháp Malaysia bắt giữ, anh Tòng thế chấp sổ đỏ nhà đất cho ngân hàng để vay vốn để tiếp tục đóng mới chiếc tàu vỏ gỗ khác làm ăn gỡ gạc tổn thất cũ. Chiếc tàu này anh đóng to hơn, công suất lớn hơn, nên có chi phí đến gần 2,5 tỷ đồng. Cũng theo lối làm ăn cũ, để “săn” những mẻ cá ngừ sọc dưa lớn, anh Tòng lại chọn vùng biển Malaysia để đánh bắt, bất chấp đó là đánh bắt bất hợp pháp.
“Họa vô đơn chí”, vào năm 2017, lại một lần nữa tàu của anh Tòng bị lực lượng chấp pháp Malaysia phát hiện đang “trộm” cá trên vùng biển của họ, vậy là họ lại bắt giữ. Chỉ trong vòng 3 năm mà anh Tòng bị mất khoản tài sản hơn 3,6 tỷ đồng nên kiệt quệ.
Không còn sức để gượng dậy, anh Tòng đành bỏ nghề từ đó. Bị bắt mất tài sản đã đành, với cương vị là chủ tàu, anh Tòng còn bị ngành chức năng Malaysia giam giữ. Chị Nga, vợ anh Tòng phải lặn lội sang nước bạn để đóng phạt cả mấy trăm triệu đồng chuộc chồng về. Tổn thất chồng chất tổn thất.
Sau khi chiếc tàu thứ 2 bị bắt, anh Tòng hầu như không còn nghĩ gì đến chuyện làm ăn, thậm chí không muốn đi đâu ra khỏi nhà, không muốn tiếp xúc với ai. Khi ấy chị Nga phải càng nỗ lực hơn với gian hàng tạp hóa bán tại nhà ở gần chợ Hoài Hương để nuôi 3 đứa con gái ăn học, vừa dành dụm tiền trả nợ cho ngân hàng.
“Khi ấy, tôi chủ yếu dành dụm để trả lãi hàng tháng cho ngân hàng, vốn gốc trả từ từ. Mặc dù đến nay nợ ngân hàng vẫn còn, nhưng cuộc sống không còn bức bách như thời gian đầu sau khi chiếc tàu thứ 2 bị bắt. Đứa con lớn giờ đã học hết đại học ra đi dạy, đứa kế phụ tôi buôn bán, đứa nhỏ vẫn còn đi học. Nói chung cuộc sống gia đình đã ổn định được 1 năm nay, nên tinh thần anh Tòng cũng đã dần hết bị sốc, giờ hàng ngày anh phụ giúp mẹ con tôi trong việc mua bán”, chị Nga chia sẻ.
Qua tâm sự của chị Nga, tôi biết chị đã trải qua thời gian dài vừa lo làm ăn nuôi con và trả nợ, vừa nỗ lực cân bằng cuộc sống gia đình, nhất là cân bằng tâm lý của chồng mình sau sự cố cả tài sản của gia đình theo 2 con tàu bị bắt tan vào sóng biển trong vòng chỉ 3 năm.
Hệ quả của việc đánh bắt thủy sản bất hợp pháp “nhãn tiền” là vậy, thế nhưng vẫn có nhiều ngư dân ở Hoài Hương không lấy đó làm bài học, vẫn bất chấp khuyến cáo của chính quyền địa phương, chủ tâm đưa tàu của mình đánh bắt trên vùng biển nước ngoài. Và tất nhiên, số phận của họ cũng lặp lại y như trường hợp của ngư dân Trần Tòng.
Theo ngành chức năng phường Hoài Hương, trong năm 2019, địa phương này có thêm 4 tàu cá bị các lực lượng chấp pháp nước ngoài bắt giữ. Trong đó có trường hợp bị Indonesia bắt cùng lúc 2 chiếc có tổng trị giá gần 5 tỷ đồng, đó là đội tàu của ngư dân Lê Văn Đực ở thôn Nhuận An Đông.
“Oái oăm là mới tháng 4/2019, ngư dân Lê Văn Đực đến UBND phường ký cam kết không đánh bắt bất hợp pháp, thế nhưng đến tháng 7/2019 ngư dân này đã bị lực lượng chấp pháp Indonesia bắt cùng lúc 2 tàu cá đang đánh bắt trái phép trên cùng vùng biển. Đã bị bắt cả 2 tàu cá, ngư dân Đực còn bị giam tại Indonesia một thời gian dài và mới được thả về”, một cán bộ phường Hoài Hương cho hay.
“Thời cao điểm, lực lượng tàu cá của ngư dân Hoài Hương tăng lên đến gần 800 chiếc, giờ giảm chỉ còn gần 400 chiếc, nhưng tổng công suất của tàu cá tăng lên, do ngư dân chú trọng đầu tư đóng tàu to, công suất lớn để đảm bảo đánh bắt dài ngày trên biển. Trước đây, mỗi năm ở Hoài Hương có khoảng 7 - 8 trường hợp đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài, thế nhưng từ năm 2020 đến nay, nhờ chính quyền địa phương quyết liệt trong xử lý vi phạm, nhất là nhờ tất cả các tàu cá đánh bắt xa bờ ở địa phương đều đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình nên không còn xảy ra tình trạng đánh bắt xâm phạm vùng biển nước ngoài, đây là tín hiệu đáng mừng”, ông Cao Văn Tây, Chủ tịch UBND phường Hoài Hương cho biết.