Tài sản dành dụm cả đời tan biến trong 1 chuyến biển
Khi chúng tôi đến nhà, ngư dân Nguyễn Rõ (64 tuổi) ở khu phố Lâm Trúc 1, phường Hoài Thanh (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) đang sửa soạn chiếc sõng được đóng bằng tôn, chuẩn bị đêm đến vác ra đầm thả lưới bắt những con cá nước ngọt mang ra chợ bán kiếm kế mưu sinh hàng ngày.
Nhìn cảnh này, không ai có thể ngờ trước đây ông Rõ từng là 1 trong những ngư dân “nổi đình nổi đám” trong nghề đánh bắt thủy sản xa bờ của vùng quê biển Hoài Thanh.
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, năm 1984 ông Rõ ra quân. Về quê, ông lập gia đình rồi nối nghiệp ông cha theo nghề đi biển. Do gia đình chưa có tàu, nên ông Rõ theo tàu cá của ngư dân địa phương làm nghề đi bạn. Khi ấy, ngư trường còn dồi dào nguồn lợi, nên chuyến biển nào tàu cá ông Rõ đi bạn cũng khẳm be. Những thuyền viên như ông Rõ cũng được chia tiền đi bạn khá nhiều.
Sau 10 năm theo nghề đi bạn, ông Rõ dành dụm được ít vốn liếng. Sẵn máu nghề, lại thấy biển cả no cá, ông Rõ muốn gầy dựng sự nghiệp và mơ ước được làm chủ 1 chiếc tàu cá. Năm 1995, vay mượn thêm tiền của bà con họ hàng, cộng với vốn liếng dành dụm được bấy lâu nay, ông Rõ đóng mới chiếc tàu cá BĐ 1127 TS có công suất hơn 200CV với kinh phí gần 700 triệu đồng.
Sau khi được làm chủ chiếc tàu cá, ông Rõ càng chí thú làm ăn. Đều đặn mỗi con trăng tàu của ông Rõ đi 1 chuyến biển, chuyến nào cũng bội thu. Chẳng bao lâu sau ông hoàn trả được khoản nợ vay mượn của bà con. Chuyện làm ăn của ông Rõ thuận buồm xuôi gió, thu nhập từ những chuyến biển khiến “hầu bao” của ông ngày càng đầy thêm khoản tiền tích lũy.
Nước lên thì thuyền lên. Năm 2001, khi ấy 2 con trai đầu lòng đã đến tuổi trưởng thành, thế là ông Rõ vay mượn thêm của bà con để đóng thêm chiếc tàu thứ 2 mang số hiệu BĐ 1929 TS. Chiếc tàu này to hơn, có công suất lớn hơn nên “nuốt” vốn nhiều hơn, đến 1,2 tỷ đồng.
“Thấy chuyến biển nào cũng no cá, tôi mê quá nên quyết định đóng chiếc tàu thứ 2 với chi phí đến 1,2 tỷ đồng. Chiếc tàu này được đóng tại Mỹ Tho (Tiền Giang). Sau khi chiếc tàu thứ 2 hoàn tất cả ngư lưới cụ, ngoài vốn liếng dành dụm được, tôi phải vay thêm ngân hàng 180 triệu đồng và vay bà con bên ngoài 500 triệu đồng. Khoản tiền vay ấy đối với gia đình tôi là không nhỏ, nhưng trước việc làm ăn suôn sẻ, tôi tự tin là chẳng bao lâu sau sẽ hoàn trả hết. Ấy nhưng người tính không bằng trời tính, chỉ 1 lần xui rủi, cả 2 chiếc tàu của tôi bị lực lượng chấp pháp Indonesia bắt cùng lúc vì lỗi đánh bắt xâm phạm vùng biển. Vậy là bao nhiêu công sức, mồ hôi nước mắt của tôi và 2 đứa con trai sau hàng chục năm qua bỗng chốc tan theo bọt biển”, ông Rõ ngậm ngùi nhớ lại.
Không còn cơ hội để gầy lại sự nghiệp
Nhớ lại ngày cả 2 chiếc tàu cá của mình bị bắt, đôi mắt của ngư dân Nguyễn Rõ ngân ngấn lệ. Gương mặt vốn đã u buồn của ông càng thêm vẻ sầu não. Trong vẻ mặt đau khổ của ông Rõ, tôi thấy có pha lẫn sự tiếc nuối về vi phạm của mình.
Chuyến biển ấy, 2 tàu cá cùng làm nghề lưới vây của ông Rõ xuất bến cùng lúc tại Cửa Đại ở Mỹ Tho (Tiền Giang). Ông Rõ làm thuyền trưởng 1 chiếc, con trai ông là Nguyễn Ràng làm thuyền trưởng 1 chiếc. Sau hơn 20 ngày đánh bắt, cả 2 tàu cá của ông Rõ đều đã khẳm be, 2 cha con dự định bủa mẻ lưới cuối rồi cùng quay về bờ.
Một ngày tháng 4/2007, 2 tàu cá của ông Rõ đang đánh bắt cách nhau khoảng 20 hải lý thì bất ngờ tàu chấp pháp của Indonesia xuất hiện trên vùng biển. Ấy là cái ngày định mệnh của cha con ông Rõ.
Khi còn cách tàu ông Rõ khoảng 20m, tàu chấp pháp của Indonesia dừng lại, ra hiệu bảo thuyền viên trên tàu ông Rõ dồn hết về mũi tàu, rồi đưa tất cả sang tàu Indonesia. Chiếc tàu do con trai ông Rõ làm thuyền trưởng cũng lâm cảnh tương tự. Sau khi đưa tất cả thuyền viên trên 2 tàu cá sang tàu của mình, tàu chấp pháp của Indonesia liền chạy về bờ kéo theo 2 tàu cá vừa bị bắt.
“Hồi ấy tàu chưa được trang bị máy móc hiện đại nên tôi không biết đang hoạt động trên vùng biển nào, nên bị bắt vì lỗi đánh bắt xâm phạm vùng biển Indonesia. Sau đó, 2 tàu cá của tôi bị ngành chức năng Indonesia bán đấu giá cho ngư dân của họ, còn 3 cha con tôi bị họ giam giữ”, ông Rõ ngậm ngùi kể.
Khi ra tòa, dù có Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia can thiệp, nhưng ông Rõ và con trai lớn là Nguyễn Ràng vẫn bị lãnh án mỗi người 52 tháng tù. Sau khi được giảm án, 2 cha con ông Rõ còn bị giam mỗi người 48 tháng tù. Riêng con trai thứ của ông Rõ là Nguyễn Thái Trọng chỉ ở tù 1 năm rồi được thả về.
“Trước khi thả Trọng, ngành chức năng động viên nó ở tù thay cho tôi vì thấy tôi già yếu, nhưng tôi không đồng ý. Lúc ấy tôi nghĩ mình về nhà sẽ không làm được gì, bởi phương tiện, tài sản đã mất hết, lại rầu rĩ buồn bã thì không còn sức đâu mà lao động. Trọng còn trẻ, về đi bạn cho tàu khác còn kiếm được tiền nuôi mẹ và 2 đứa em còn nhỏ”, ông Rõ nói.
Im lặng một lát như để dằn cơn xúc động, ông Rõ kể tiếp, trong thời gian bị giam cầm trong nhà tù ở Indonesia ăn uống tuy có kham khổ, nhưng cha con ông không phải lao động, suốt ngày chỉ ăn, ngủ và tập thể dục. Đầu óc chỉ quanh quẩn chuyện tài sản của mình dành dụm suốt mấy chục năm, giờ bỗng chốc tan biến đã khiến ông Rõ tiều tụy hẳn. Đã có nhiều lúc ông nghĩ quẩn.
“Trong thời gian ở tù, ngành chức năng Indonesia thường xuyên tuyên truyền cho các ngư dân đừng đánh bắt xâm phạm vùng biển nước ngoài, bởi làm như vậy là phạm pháp. Họ còn bảo chúng tôi sau khi mãn hạn tù, về nước nên nhắc nhờ anh em bạn bè có tàu đánh bắt xa bờ đừng vi phạm như chúng tôi”, ông Rõ nói.
Sau khi mãn hạn tù, về nhà, ông Rõ phải đối mặt với khoản nợ ngân hàng là 180 triệu đồng; tính cả lãi ông Rõ phải trả 250 triệu đồng và khoản nợ bên ngoài 500 triệu đồng nữa. Trong tình cảnh trắng tay, ông Rõ chỉ còn biết động viên 2 con trai siêng năng theo nghề đi bạn, vừa kiếm tiền lo cuộc sống cho gia đình, vừa dành dụm trả dần khoản nợ cho ngân hàng.
Những năm gần đây, con trai út của ông Rõ kiếm được việc, làm nghề dệt lưới trong Sài Gòn, nên đã góp phần với 2 anh trong việc trả nợ cho gia đình. Đến nay ông Rõ đã trả hết nợ ngân hàng, chỉ còn khoản nợ bên ngoài. Nhưng khoản nợ 500 triệu này như ngọn núi đè nặng cuộc đời ông mỗi ngày.
“Chuyện nợ nần giờ tôi chỉ còn biết trông nhờ vào con cái, chứ vợ chồng tôi thì đành thúc thủ. Trước đây vợ tôi hàng ngày đi vá lưới cũng kiếm được mỗi ngày 100 - 150 ngàn đồng, năm ngoái bị tai nạn gãy tay, giờ phải nằm nhà. Tôi thì hàng đêm vác sõng ra đầm nước ngọt nằm cách nhà 1km thả lưới kiếm mớ các diếc, cá lóc, sáng vợ mang ra chợ bán kiếm tiền mua gạo. Tối đi sáng về, ngày nào nhiều nhất tôi cũng chỉ kiếm được 50 - 70 ngàn đồng, chỉ đủ 2 vợ chồng cơm nước qua ngày. Tôi không ngờ cuộc đời mình có ngày phải lâm phải cảnh khốn khổ tận cùng như hôm nay. Bây giờ mỗi khi nhìn thấy cảnh tàu cá của ngư dân bạn hoạt động, lòng tôi đau như thắt vì nhớ nghề”, ông Nguyễn Rõ nói như khóc.