Năm 1976, bà cùng kết hôn với người đàn ông cùng thôn là ông Lương Văn Đồng (SN 1952) và sinh được người con trai duy nhất Lương Văn Thanh (SN 1977). Thế nhưng, khi anh Thanh được khoảng 2 tuổi thì thường xuyên có những biểu hiện bất thường như thường xuyên co giật, sùi bọt mép và cười khanh khách một mình. Thương con, không cam chịu nỗi đau này, vợ chồng bà Mỳ cố gắng chạy chữa bằng được cho con dù tốn kém tiền bạc. Vậy nên ông bà bán gần hết vật dụng trong nhà rồi thóc lúa đưa con đi chạy chữa khắp nơi nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu của bác sĩ.
Bà Mỳ đang chăm sóc cho con dâu |
Vào cuối năm 2003, vợ chồng bà Mỳ nhờ mọi người mai mối cho anh Thanh nên duyên vợ chồng với chị Nguyễn Thị Lý (SN 1968) ở huyện bên. Thế nhưng lại một lần nữa, ông trời như trêu ngươi lòng người khi không lâu sau đó, vào giữa năm 2004, trong một cơn đau tim dữ dội rồi ngất xỉu, chị Lý được gia đình đưa lên bệnh huyện thăm khám. Rồi bà Mỳ chết lặng một lần nữa khi các bác sỹ kết luận con dâu bị mắc chứng bệnh tim độ 3. Bất hạnh cứ thế đổ dồn lên đôi vai gầy héo úa của bà khi chồng bà là ông Lương Văn Đồng (SN 1952) mới mất cách đây tròn 4 năm vì căn bệnh ung thư gan sau nhiều năm trời đau yếu.
Bà Mỳ kể: “Nó (anh Thanh) chả nhận thức được đâu, nó ăn khỏe lắm, thậm chí còn không biết thế nào là no, cứ có đồ ăn là ăn lấy ăn để không có điểm dừng”. Đột nhiên dạo gần đây bà nhận thấy có dấu hiệu bất thường ở sức khoẻ con trai, bà nhiều lần cắn răng chịu đựng dành dụm chút tiền cho con đi khám, kết quả là người con trai của bà còn bị mắc bệnh tiểu đường.
Khi được hỏi về tương lai, tại sao anh chị không sinh con cái để vui cửa vui nhà thì chị Lý ánh mắt buồn nấc nghẹn. Nhìn những đứa trẻ gần nhà lớn khôn được cắp sách đến trường, chị Lý lại tủi thân cho phận của mình. Đã nhiều lần khao khát, mong mỏi thiên chức làm mẹ trong chị trỗi dậy, chị bàn với mẹ chồng quyết định sinh con nhưng rồi bà Mỳ và mọi người lại khuyên không nên vì căn bệnh tim độ 3 của chị đã bước vào giai đoạn nguy hiểm nếu sinh con có mệnh hệ gì thì mẹ con bà Mỳ sống không nổi. Và cho đến nay đều đặn định kỳ 1 tháng/1 lần, chị Lý phải lên Bệnh viện Tim Hà Nội thăm khám lấy thuốc. Cách đây hơn 1 tháng các bác sỹ khuyên chị căn bệnh tim độ 3 của chị đã bước vào giai đoạn nguy hiểm phải phẫu thuật ngay. Nhưng với số tiền phẫu thuật lên tới 130 triệu đồng, gia đình chị Lý lấy đâu ra?
Hiện tại anh Thanh nhận được 540.000 đồng/tháng dành cho người khuyết tật, nhưng số tiền ít ỏi đó cũng không đủ thuốc men cho anh và chị Lý mỗi khi trái gió trở trời và căn bệnh viêm họng mãn tính của bà Mỳ. Để có được bữa cơm, bữa cháo cho 2 con, bà Mỳ phải nai lưng ra làm mọi việc. Ngoài 2 sào ruộng khoán cằn cỗi, bà Mỳ phải tận dụng mảnh vườn nhỏ sau nhà để trồng rau, trồng chuối trang trải cuộc sống hàng ngày. Thế nhưng thu nhập bấp bênh khiến gia đình bà Mỳ càng rơi vào cảnh túng bấn.
Chị Lý dù đau ốm vẫn cố gắng cùng với bà Mỳ kiếm thêm thu nhập lo cho chồng |
Ông Nguyễn Văn Thuận, Trưởng thôn Hoàng Xá, cho hay: “Gia cảnh nhà bà Mỳ là hộ đặc biệt trong xóm cũng như ở xã Khánh Hà. Nhiều hôm dưới cái nắng 36-37 độ C nhưng bà Mỳ vẫn phải đi gánh phân thuê lấy tiền trang trải chi phí thuốc thang và sinh hoạt cho cả nhà. Khổ nỗi địa phương chúng tôi kinh tế còn gặp nhiều khó khăn nên cũng chỉ động viên tinh thần là chủ yếu. Qua đây đại diện cho chính quyền và nhân dân trong thôn mong các nhà hảo tâm, các Mạnh Thường Quân quan tâm giúp gia đình bà Mỳ có thêm chi phí để thuốc men chữa trị cho 3 người con tật nguyền qua cơn bĩ cực”.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về bà Nguyễn Thị Mỳ ở thôn Hoàng Xá, xã Khánh Hà, huyện Thường Tín, TP.Hà Nội; hoặc Tuần san Kiến thức gia đình (số 14 Ngô Quyền, Hà Nội, ĐT: 024.38256492 - 0983.970780), chúng tôi sẽ chuyển giúp quý vị.