| Hotline: 0983.970.780

Nơi đầu nguồn cách mạng: Đón khách bốn phương trời...

Thứ Tư 28/01/2015 , 06:15 (GMT+7)

Pác Bó tiếng Tày là nơi đầu nguồn, điểm khởi đầu của dòng suối Giàng - suối trời. 


Di tích lịch sử - Hang Pác Bó

Cách đây đúng 74 năm, ngày 28/1/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã bí mật về Pác Bó với hai bàn tay trắng để rồi 4 năm sau xây dựng một dải sơn hà, cởi ách nô lệ suốt gần một thế kỷ cho toàn dân tộc Việt Nam.

Đường về Pác Bó (xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) rộng thênh thang. Hơn 50 cây số từ TP. Cao Bằng lên, chúng tôi đi taxi chỉ chưa đầy một giờ đồng hồ.

Sử xưa ghi chép lại, Cao Bằng - vùng đất biên ải với nhiều vị trí xung yếu bao đời, đây là thế đất “Quan hà bách nhị do thiên thiết” (chỗ xung yếu do trời đặt ra, hai người có thể chống được trăm người). Thiên thời, địa lợi hiểm yếu là vậy, thêm vào đó lòng dân tuyệt đối tin tưởng vào cách mạng.

Chúng tôi vào thắp hương tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh nằm trên dãy Linh Sơn, thuộc khu di tích Pác Bó, khánh thành năm 2011. Bên cạnh đó Bảo tàng Pác Bó đang xây dựng nhà trưng bày.

Trước đây, khi mở cửa nhà bảo tàng Pác Bó (cũ), ông Dương Đại Long, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng, đã viết trong sổ lưu niệm bốn câu thơ: “Bác còn sống, sống mãi/ Sống trong lòng mọi người/ Bảo tàng nay mở cửa/ Đón khách bốn phương trời”.

Quả đúng là ngày nay Pác Bó đón khách từ khắp bốn phương trời về với nơi đầu nguồn cách mạng. Chị Hoàng Kim Tuyến, Chánh Văn phòng Sở VH-TT&DL tỉnh Cao Bằng, cho biết, năm 2014 đã có trên 3.000 đoàn khách về với Pác Bó.

Khi chúng tôi lên, đã quá trưa, trời nắng hanh khá gắt nhưng chị Dương Thị Loan, thuyết minh của Bảo tàng Pác Bó, vẫn sẵn lòng dẫn lên với cột mốc 108, nơi Bác Hồ về nước sau 30 năm bôn ba hải ngoại, theo đề nghị của chúng tôi.

Đường lên đến cột mốc ngày nay đã được lát đá bằng để thay cho những vách đá dựng cheo leo thuở nào. Theo sử liệu, cột mốc 108 được dựng theo Hiệp ước Pháp - Thanh cuối thế kỉ 19. Đây là một trong 314 cột mốc dùng để phân định biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc tại thời điểm ấy.

Cột mốc 108 là một phiến đá hình chữ nhật cao khoảng 1m, bề ngang chừng 8 tấc. Ngày nay, thời gian đã bào mòn các mặt đá trở nên nhẵn nhụi. Do hai bên đã thống nhất giữ cột mốc 108 làm cột mốc lịch sử, vì vậy đã nhất trí cắm cột mốc 675 cách cột mốc 108 cũ vài mét.

14-49-30_img_4077
Cột mốc 108 nơi Bác Hồ về nước 28/1/1941

Những ngày giáp Tết năm Tân Tỵ (1941), hoa rọi khuyết nở đầy hai bên đường, xòe những cánh tím phô nhụy vàng ướt đẫm sương mai... Từ Nậm Quang, đồng chí Lê Quảng Ba đi trước dẫn đường, Bác đi sau rồi đến các đồng chí Phùng Chí Kiên, Hoàng Văn Lộc, Thế An và Đặng Văn Cáp lần lượt vượt cột mốc 108 về nước.

Tài sản của Bác sau bao nhiêu năm đi khắp năm châu bốn biển giờ đây vẫn chỉ có chiếc vali con, dài chưa quá ba gang tay, trong đựng một túi tài liệu quan trọng và một chiếc máy chữ của các đồng chí trong nước gửi cho Bác trước đây.

Gia tài nhỏ bé ấy không thể sánh được với tài sản Bác mang về cho cuộc cách mạng của cả dân tộc: một ngọn lửa hướng dẫn và soi sáng con đường đấu tranh giải phóng dân tộc.

Chỉ một thời gian ngắn sau đó, bên lán Khuổi Nặm, Bác chủ trì Hội nghị Trung ương VIII (19/5/1941) thành lập Mặt trận Việt Minh, ra Nghị quyết đưa nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, đoàn kết với tất cả các tầng lớp, tạm gác khẩu hiệu đấu tranh giai cấp, làm nên Cách mạng tháng Tám 1945.

Dĩ công vi thượng

Từ cột mốc 108, chúng tôi lại ngược trở về với đầu nguồn Pác Bó để vào thăm hang Cốc Bó. Dường như thoảng đâu đây những bóng hoa Bjoóc phón trắng rải hương thơm dọc theo những con đường. Chẳng mấy chốc trước mắt chúng tôi là dòng nước suối chảy từ Pác Bó xanh trong như mắt thỏ.

“Dĩ công vi thượng là cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích chung lên trên hết, tất cả vì nước vì dân, đặt lợi ích của dân, của nước, của Ðảng lên trên hết, đem lòng chí công vô tư mà đối xử với người, với việc, không mảy may có chút chủ nghĩa cá nhân. Dĩ công vi thượng là một trong những nội dung cơ bản của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Bản thân Người là một tấm gương mẫu mực về Dĩ công vi thượng” (Tham luận của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Hội thảo kỷ niệm 115 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, bài đã đăng trên Báo Nhân Dân 17/5/2005).

Hang Cốc Bó (tiếng Nùng có nghĩa là “đầu nguồn nước”) rộng khoảng 80m2, cửa hang chỉ một người đi vừa. Đây là nơi Bác và các đồng chí cán bộ cách mạng ở từ ngày 8/2/1941 đến trung tuần tháng 3/1941.

Hơn 70 năm trước đây, rất ẩm ướt và lạnh lẽo do nước từ vách đá rỉ ra. Chỗ Bác nằm phía bên phải của hang, được làm bằng các tấm ván gỗ cây nghiến ghép lại do gia đình ông Lý Quốc Súng mang đến.

Trên tấm phản gỗ này, theo lời đồng chí Lê Quảng Ba kể lại, Bác xếp chỗ cho các đồng chí cán bộ. Lê Quảng Ba ngày ấy là chàng thanh niên 26 tuổi nằm ngoài cùng. Đồng chí Phùng Chí Kiên, nhiều tuổi, từng bị tra tấn, sức khỏe yếu nên nằm ở giữa để được ấm áp.

Cây ổi Bác trồng năm xưa để lấy lá uống thay nước chè nay đã được trồng mới. Ba khóm trúc Bác trồng khi trở lại Pác Bó ngày 20/2/1961 nay cũng đã được nhân rộng  thêm. Trúc là cây trường thọ, tượng trưng cho người anh hùng, quân tử bền lòng trước gian nan.

Tôi có nói vui với chị Dương Thị Loan hướng dẫn viên của Bảo tàng Pác Bó rằng kỷ vật xưa nay đều là những phiên bản phục chế. Nhưng dẫu cho có những đổi thay nhưng lòng dân Pác Bó với Bác Hồ vẫn không thay đổi.

Ngày ấy, từ ngã ba Đôn Chương vào Pác Bó chỉ có đường đi bộ. Bác cưỡi ngựa một đoạn đường. Biết tin Bác về, dân bản ào ra đón Bác cùng đồng chí Tố Hữu, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, đồng chí Nguyễn Khai, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng và nhiều đồng chí khác cùng đi.

-“Sin hỏ lai lố Bác á” (Vất vả quá, Bác ơi), câu hỏi vang lên trong những giọt nước mắt xúc động.

Bác rưng rưng nước mắt hỏi: - “Tôi về thăm nhà, sao bà con lại ra đón?”. Nghe vậy, các cụ, các mẹ cảm động cũng khóc òa.

Những câu chuyện về Bác Hồ, về các bậc tiền bối cách mạng cứ được truyền khẩu từ đời này sang đời khác, cứ lớp nọ đến lớp kia, nhiều chuyện được nghe đi nghe lại không biết bao nhiêu lần mà vẫn không chán.

Những cuốn hồi ký của các đồng chí Lê Quảng Ba, Dương Đại Lâm, những câu chuyện của những người con quê hương đã thành một pho sách về Bác Hồ mà lần nào kể lại cũng say sưa - cả người kể lẫn người nghe.

Đầu năm về Pác Bó, nơi đầu nguồn cách mạng, để được ôn lại con đường Bác Hồ và những vị tiền bối cách mạng đã đi qua, tôi lại nhớ đến lời kể của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Một buổi tối mùa đông lạnh lẽo, trong hang Pác Bó, ở lại nghỉ một đêm với Bác. Nằm bên Bác trên một chiếc giường lát bằng cành cây, tôi lắng nghe tiếng Người nói nhỏ nhẹ đều đều, giọng xứ Nghệ ấm áp. Bác và tôi trò chuyện đến quá nửa đêm, bàn về vấn đề chuẩn bị phát động võ trang khởi nghĩa. Bỗng nhiên Bác dừng lại nói một câu: “Chú Văn ạ, làm cách mạng là phải dĩ công vi thượng”!

Trong cuộc trò chuyện với ông Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chia sẻ: “…Tôi đã cống hiến một cách tự nguyện, đã thanh thản trong mọi thử thách, thế là tôi sống vui, sống lâu… Như vậy, tôi đã làm theo lời dạy và noi theo tấm gương của Bác Hồ là “Dĩ công vi thượng”. Tôi nhận nhiệm vụ và tôi hoàn thành nhiệm vụ. Ngay cả việc phụ trách công tác sinh đẻ có kế hoạch… cũng là nhiệm vụ…”.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm