| Hotline: 0983.970.780

Nỗi khổ mang tên sổ hộ khẩu

Thứ Tư 09/01/2019 , 09:56 (GMT+7)

Mặc dù Luật cư trú ban hành từ năm 2006 đã quy định nghiêm cấm lạm dụng quy định về hộ khẩu để hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, nhưng trong thực tế hàng chục thủ tục hành chính vẫn đang “ăn theo” hộ khẩu, gây khó khăn và trở ngại cho cuộc sống của người dân nhập cư.

Rào ngăn cách

Trao đổi với chúng tôi, nhiều lao động nhập cư tại Hà Nội tâm sự rằng cuốn sổ hộ khẩu thực sự là nỗi ám ảnh, là rào cản ngăn cách họ với những dịch vụ xã hội cơ bản.

Ảnh minh họa

Chị Hoàng Phương, quê Ba Vì, lên Hà Nội sống và làm việc, cũng ngao ngán khi nhắc đến cuốn sổ hộ khẩu. Chị Phương và chồng có con nhỏ năm nay 6 tuổi. Những chuyện nhiêu khê bắt đầu khi vợ chồng chị không có hộ khẩu, khó xin học cho con.

“Các trường ở Hà Nội hầu như đều xét các gia đình có hộ khẩu trước rồi mới đến dân nhập cư như chúng tôi. Mặt khác, mỗi khi cần công chứng hay làm giấy tờ lại phải lộn ngược về quê. Nhà cách đây 60, 70 km, không thể đi trong ngày làm việc mà phải đợi cuối tuần”, chị Phương nói. Tuy nhiên, cuối tuần lại cũng khó bởi thường các cơ quan hành chính lại nghỉ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong các lĩnh vực quản lý của UBND cấp xã, huyện và cơ quan công an, có 39 thủ tục hành chính cần người dân xuất trình sổ hộ khẩu. Nếu không có cuốn sổ này, từ mua bán nhà cửa, vay vốn, v.v, đều khó thực hiện trôi chảy.

Ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho biết: "Tôi thấy lâu nay cách quản lý công dân của chúng ta còn rườm rà, lỉnh kỉnh, mà cũng phiền hà quá".

Nhưng khó khăn liên quan tới hộ khẩu không chỉ có chị Phương, thậm chí công chức nhà nước, công nhân có hợp đồng lao động tại các nhà máy, doanh nghiệp, cũng chịu thiệt thòi bởi cuốn sổ này.

“Nhiều người ở quê ra thành phố sống, làm việc, họ muốn cho con theo học ở gần, nhưng không có sổ hộ khẩu nên rất phiền toái”, ông Mão nói.

Theo báo cáo nghiên cứu “Hệ thống đăng ký Hộ khẩu ở Việt Nam” thì 70% người dân lắc đầu ngao ngán cho rằng quy định về hộ khẩu tồn tại rất nhiều lỗ hổng, hạn chế quyền lợi, làm tăng tiêu cực, tham nhũng.

Nhiều người bức xúc về những chi phí “trên trời” để “bôi trơn” khi đi đăng ký hộ khẩu, trong đó có 2,2% người tạm trú thừa nhận từng phải lót tay khi đăng ký hộ khẩu.
 

Chờ Bộ Công an

Theo lộ trình đến năm 2020, Bộ Công an xây dựng xong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phương thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu sẽ được chuyển sang hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân. Đây được cho là bước tiến mới trong lộ trình xây dựng chính phủ điện tử.

Với hàng nghìn hộ dân chưa có sổ hộ khẩu và những gia đình đã có sổ hộ khẩu, thì việc thay đổi này đã tháo gỡ nút thắt quan trọng để người dân được yên tâm sinh sống và làm việc.

Chính phủ đã thông qua Nghị quyết 112 của Bộ Công an về việc bỏ các thủ tục về sổ hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân trong quản lý dân cư để thống nhất việc quản lý bằng mã số định danh cá nhân.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tập hợp tất cả thông tin của công dân, trong đó có thể hiện 15 thông tin cơ bản của con người. Và người dân chỉ phải khai báo một lần.

Trao đổi với báo chí về việc này, Thượng tá Trần Hồng Phú, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an, cho biết: "Khi công dân có bất kỳ biến động nào của 15 thông tin cơ bản này thì trước hết thông qua công tác đăng ký quản lý cư trú và cấp quản lý căn cước công dân sẽ phải cập nhật. Cán bộ công an sẽ phải sử dụng phần mềm đăng ký này để điều chỉnh các biến động và sẽ cập nhật tự động sau đó kết hợp với các bộ ngành có liên quan để cập nhật thông tin có liên quan đảm bảo dữ liệu được thu thập đầy đủ chính xác”.

Tiến sĩ Tạ Thị Minh Lý, nguyên Cục trưởng Cục Trợ giúp Pháp lý, Bộ Tư pháp, nhận xét: "Trong giai đoạn bùng nổ dân số, bùng nổ cơ hội việc làm, người ta thường di chuyển để làm việc và sổ hộ khẩu đang bộc lộ những điều phức tạp cho người dân".

Mã số định danh cá nhân là dãy số tự nhiên gồm 12 số, có cấu trúc gồm 6 số là mã thế kỷ sinh, mã giới tính, mã năm sinh của công dân, mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh và 6 số là khoảng số ngẫu nhiên.

Ông Nguyễn Chiến, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, cho rằng quản lý bằng sổ hộ khẩu bằng giấy đến thời điểm hiện nay không còn giá trị nữa và khi không còn giá trị nữa thì việc bỏ đi thay thế cách quản lý hiện đại hơn là tất yếu

Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý dân cư sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, tăng cường công khai, minh bạch thông tin, giảm phiền hà, tiết kiệm chi phí, cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Tính toán sơ bộ, việc bỏ sổ hộ khẩu giấy sẽ giúp giảm chi phí khi thực hiện thủ tục hành chính cho người dân khoảng 1.600 tỉ đồng/năm.

 

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hậu Giang hưởng lợi lớn từ thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé

Hậu Giang Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé phục vụ hơn 384.120ha sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL, trong đó Hậu Giang là địa phương hưởng lợi lớn thứ hai với diện tích 48.500ha.

Thái Bình phục hồi 'làng muối tâm linh’

Hạt muối sạch phơi cát Tam Đồng sẽ được phục hồi gắn với du lịch tâm linh, với di tích Đền Bà chúa Muối nức danh cả nước và sẽ là 'hạt muối di sản'.