| Hotline: 0983.970.780

Nỗi khốn khổ làng làm cái nghề 'bán sức khỏe để ăn dần'

Thứ Hai 26/11/2018 , 15:09 (GMT+7)

Được bao bọc bởi sông Yên - nối với biển qua lạch Ghép, hàng chục năm trước, Hải Châu (Tĩnh Gia, Thanh Hóa) được xem là “thủ phủ” muối. Thế nhưng, khi người dân đã bỏ bẵng những ruộng muối, vùng đất này lại bị nhiễm mặn nặng nề khiến cuộc sống hết sức khó khăn.

Bỏ cái nghề “bán sức khỏe để ăn dần”

Hầu hết người dân Hải Châu nay không còn mặn mà với nghề muối, nhất là khi nhiều nhà máy công nghiệp mọc lên ở những vùng phụ cận. Cánh đồng muối rộng bao la chạy quanh đê bao ngăn mặn nằm ở làng Yên Châu mặc cho cỏ mọc um tùm. Dưới những giếng dùng để lọc nước làm muối, rêu xanh phủ kín. Lũ cá vặt ngoi lên, lặn xuống nháo nhác trên con kênh tù túng dẫn nước từ biển vào ruộng muối. Dòng nước ở đây dường như đã lâu lắm rồi không được thay đổi, rác, chai lọ nổi đầy trên mặt kênh. Trên những ruộng muối được tráng xi măng, phân trâu bò la liệt. Lũ bò thong thả đi về phía làng tránh nắng…

12-02-06_nhung_gieng_loc_nuoc_lm_muoi_reu_phu_kin
Những giếng lọc làm muối rêu phủ kín

Trời nắng nóng như đổ lửa nhưng họa hoằn mới thấy một vài người uể oải đẩy xe ra cánh đồng muối. Họ đa phần là người già, những người không được lựa chọn để trở thành công nhân các nhà máy khu công nghiệp trên địa bàn.

Trước đây, Yên Châu, Bắc Châu là con chim đầu đàn trong sản xuất muối của Thanh Hóa với 300/300 hộ dân đều làm nghề. Thời điểm những năm 90 của thế kỷ trước, toàn xã Hải Châu có trên 100ha ruộng muối, sản lượng muối ước chừng 14.000 tấn muối/năm. Nhiều hộ còn xây cả nhà đựng muối trong vườn. Những ngôi nhà đựng muối của hợp tác xã lúc nào cũng đầy ăm ắp. Thời điểm đó, muối nhiều đến mức, xe chở muối chen chúc ra vào cánh đồng. Trên con đường đất dẫn vào làng, nước muối đọng thành từng vũng khiến xe máy, xe đạp không có đường để đi. Phương tiện giao thông ở vùng đất này cũng bị bị rỉ rét, hao mòn nhanh chóng.

Thế mà nay, những chiếc xe đẩy muối dường như đã từ lâu không được đụng đến, chúng bị vất vào xó nhà. Những ngôi nhà đựng muối của HTX chỉ còn trơ lại những bức tường cũ kỹ, phần mái đã bị mưa nắng, thời gian phá hủy, xập xệ; cửa đóng  quanh năm để ngăn lũ trâu bò vào tránh nắng thải phân; hàng rào cây xanh chằng chịt những loài cây gai dại mọc phủ kín.

12-02-06_ruong_muoi_bi_bo_bng_nhieu_nm
Ruộng muối bị bỏ không nhiều năm nay

Theo ông Trần Văn Thất ở thôn Yên Châu, người dân trong xã bỏ nghề muối từ 4 - 5 năm nay và điều đó cũng chẳng có gì là lạ: “Nghề làm muối, nó chẳng khác nào nghề bán sức khỏe để ăn dần. Khi trời nắng nóng nhất, con bò, con lợn còn chui vào gốc cây tránh nắng thì diêm dân lại phơi nắng trên đồng. Mười tuổi tôi đã thành thạo các công đoạn làm muối. Ngày làm muối, đêm về lại giong thuyền ra lộng đánh cá. Cật lực mưu sinh nhưng cuộc sống vẫn chật vật. Một sào muối, 4 - 5 lao động cùng làm, mỗi năm cùng lắm cũng chỉ đem về 14 - 16 triệu đồng. Chừng ấy chỉ bằng 3 - 4 tháng lương đi làm công nhân của 1 lao động ở khu kinh tế Nghi Sơn. Có hơn 70% hộ dân trong thôn đã bỏ nghề làm muối từ 4 - 5 năm nay rồi…”.

Ông Đặng Duy Tân, Chủ tịch UBND xã Hải Châu cho biết thêm, thời kỳ cao điểm nhất, toàn xã có 6 thôn với 1.500 hộ là muối. Thế nhưng, bây giờ cả xã chỉ còn khoảng trên dưới vài ba trăm hộ theo nghề này, đa phần lao động đã đi làm ăn xa hoặc đến khu kinh tế Nghi Sơn làm công nhân. Diện tích muối cũng chỉ còn khoảng gần 30ha; số còn lại hiện đang bỏ hoang sắp tới sẽ được Nhà nước thu hồi giao cho UBND xã quản lý.

12-02-06_nhung_nh_dung_muoi_cu_dong_thit_thit
Những nhà chứa muối cửa đóng then cài

“Đất đai để hoang nhiều năm nay nhưng do chưa đầy đủ thủ tục bàn giao nên xã chưa thể quản lý, sử dụng. Sau khi nhận bàn giao, UBND xã Hải Châu sẽ tạo mọi điều kiện doanh nghiệp hoặc những người dân có khả năng thuê lại, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương”, ông Tân cho hay.
 

Khốn khổ

Nghề muối đã xuất hiện ở Hải Châu từ rất lâu đời. Dù không thể thoát nghèo nhưng nghề muối đã giúp nhiều thế hệ người dân Hải Châu có cái ăn, cái mặc. Thế nhưng, cũng có lẽ nó tồn tại quá lâu, ruộng muối lại sát vùng cư dân sinh sống, địa hình thấp trũng khiến nước mặn thẩm thấu sâu vào lòng đất gây ra hiện tượng nhiễm mặn nặng nề cho vùng đất này.

12-02-06_be_loc_nuoc_thuong_xuyen_phi_suc_ru_do_nhiem_mn
Bể lọc nước thường xuyên phải súc rửa do nhiễm mặn

Theo thống kê của UBND xã Hải Châu, toàn xã hiện có 5 - 7ha đất lúa bị nhiễm mặn. Nhưng điều đáng lo nhất là, diện tích không ghi nhận bị nhiễm mặn cũng chỉ đạt năng suất vụ xuân khoảng 5 tấn/ha. Nhiều ruộng muối đã được múc ao, be bờ nhưng có lẽ do đất vẫn thuộc quản lý của HTX sản xuất muối nên trên thực tế người dân chưa thể chuyển sang nuôi trồng thủy sản. Không có công ăn việc làm, đa phần lao động chính của Hải Châu tìm đến các khu công nghiệp trên địa bàn hoặc tha phương cầu thực kiếm kế sinh nhai.

Người dân Hải Châu cho biết, hiện tượng nhiễm mặn trở nên nặng nề kể từ sau trận lũ năm 1982. Trận lũ lịch sử khiến nước biển tràn vào, gần như gây ngập hẳn vùng đất Hải Châu. Kể từ đó, gần 500 hộ dân với khoảng 3.000 nhân khẩu, tức chiếm 1/3 dân số toàn xã rơi vào cảnh khốn khó vì nguồn nước bị nhiễm mặn. Không chỉ khó khăn về nước sinh hoạt, những luống rau trồng trong vườn cũng héo hắt, không thể mọc nổi do đất đai và nguồn nước tưới bị nhiễm mặn.

12-02-06_ru_co_trong_vuon_nh_dn_khong_moc_duoc_do_nhiem_mn
Rau cỏ trong vườn nhà dân không mọc được do nhiễm mặn

Nhiều hộ dân tại thôn Yên Châu, Bắc Châu sau khi lấp những giếng khơi không thể sử dụng đã bỏ hàng chục triệu đồng để khoan giếng sâu đến trên 100m nhưng rồi cũng phải lấp. Ở đây, dường như càng khoan xuống sâu, nước càng bị nhiễm phèn và mặn. Họa hoằm lắm mới có vài giếng khơi đào cách mặt đất chừng 3 - 4m gặp được mạch nước ngọt. Nhưng đào giếng khơi quá nông, nguồn nước lại bẩn, dễ bị ô nhiễm nên dùng mà vẫn nơm nớp lo sợ. Nói là nước ngọt nhưng thực ra vẫn có vị mặn nên sau khi lọc thủ công qua bể, người dân chỉ dùng để tắm giặt là chủ yếu. Vì nếu không lọc, nước vừa bẩn vừa nhiễm phèn, mặn không thể sử dụng.

Cũng như hàng trăm hộ dân ở đây, nhà ông Trần Cao Thái sau nhiều lần đào, khoan giếng bất thành đã phải xây dựng bể nước mưa. Những lúc hết nước mưa để nấu ăn, ông bà lại phải đi vài km lên thôn trên xin nước về sử dụng.

“Ở đây, 80 - 90% đều chung tình trạng này. Nước mưa quý như vàng, phải dùng dè sẻn. Nước giếng khơi lọc thủ công qua bể phải thay cát, thay hệ thống lọc thường xuyên vì quá bẩn. Từ trước đến nay chịu khổ cũng quen rồi nhưng thời gian gần đây nghe thông tin có dự án nước sạch về làng người dân rất phấn khởi. Thế nhưng chờ đợi mãi đến nay vẫn chưa thấy triển khai nên nhân dân thất vọng lắm”, ông Thái cho biết.

12-02-06_nguoi_dn_chu_yeu_dung_nuoc_mu
Người dân chủ yếu sử dụng nước mưa

Ông Đặng Duy Tân, Chủ tịch UBND xã Hải Châu cũng xác nhận, năm 2012 có 1 dự án về khảo sát để đầu tư xây dựng hệ thống nước sạch cho người dân sử dụng. Nghe tin người dân đã chen chúc đăng ký lắp đặt, sử dụng nước sạch lên đến trên 80% số hộ nhưng đến nay vẫn chưa động tĩnh gì. Năm nay cũng đã có một vài đoàn về khảo sát nhưng, hi vọng Nhà nước sớm triển khai dự án nước sạch trên địa bàn để nhân dân đỡ khổ.

Năm 2015, Hải Châu là một trong những xã đầu tiên của huyện Tĩnh Gia về đích NTM. Đường làng, ngõ xóm, cơ sở hạ tầng đã thay da, đổi thịt; thu nhập bình quân đầu người tăng đáng kể. Nhưng những thay đổi trên cũng chưa đủ để làm người dân ở đây nguôi niềm mong mỏi có được nguồn nước sạch để sinh hoạt, phục vụ cuộc sống.

 

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm