| Hotline: 0983.970.780

BIỂN CẠN CÁ TÔM

Lỗ, nhưng không thể để tàu nằm bờ

Thứ Tư 20/07/2022 , 08:44 (GMT+7)

QUẢNG NGÃI 'Xăng dầu giá cao, nhưng ngư dân vẫn ra khơi chứ không thể cột tàu tại bến vì đâu chỉ riêng mình mà cả bạn chài cũng cần tiền để nuôi sống gia đình...'.

Cư dân nhiều làng chài ven biển thở dài ngao ngán nhìn tàu cá chen chúc nằm bờ khi giá xăng dầu quá đắt đỏ. Dẫu vậy, những ngư dân Phổ Quang (Thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi) cùng tàu cá vẫn phải rẽ sóng ra khơi. 

Chuyến này lại lỗ nữa rồi...

Chiều phai nắng. Biển xanh mơ màng. Thuyền trưởng Ngô Thanh Phong (chủ tàu cá QNg-98888TS) ra hiệu bạn chài buông lưới vào lòng biển xanh. Chừng 2 giờ đồng hồ, giàn lưới rê dài hàng nghìn mét lửng lờ trong biển mặn. Tiếng máy nổ giòn, con tàu vỏ gỗ với công suất 846 mã lực rẽ sóng tiến về hướng đông khi hoàng hôn nhuộm sẫm cả biển trời.

Tàu thuyền neo đậu tại bến cá Mỹ Á. Ảnh: Thanh Kỳ.

Tàu thuyền neo đậu tại bến cá Mỹ Á. Ảnh: Thanh Kỳ.

Bài liên quan

Bạn chài cặm cụi nấu cơm trong chiều muộn. Tàu buông neo dập dềnh trên sóng nước. Mọi người quây quần trên sàn ăn cơm khi dần trôi vào đêm. Giàn đèn điện hai bên mui bật sáng rực rỡ soi tỏ sóng vỗ vào tàu tung bọt nước trắng xóa. Bạn chài ngồi quanh boong buông câu kiếm thêm để trang trải cuộc sống gia đình. Những cú giật nhẹ kích thích tính háu ăn của lũ cá, mực. Chúng lao tới đớp mồi và mắc câu trước khi bị kéo lên khỏi mặt nước.

Đêm trên biển Hoàng Sa lộng gió. Xa xa, ánh đèn điện trên tàu cá của ngư dân đất Việt sáng lung linh sưởi ấm lòng trong đêm lạnh. Họ tất bật mưu sinh như bao đời cha ông thuở trước. Nhiều chấm vàng li ti xuất hiện trên màn hình máy tầm ngư sau những giờ khắc khoải đợi chờ. Anh Phong ra hiệu cho bạn chài chuẩn bị buông lưới. Đèn điện phụt tắt. Chiếc tàu rú ga lao về phía trước như tuấn mã tung vó trên thảo nguyên bao la.

Bạn chài thoăn thoắt buông lưới vẽ thành vòng tròn trên biển. Hai đầu giàn lưới vây rút giáp vào nhau trước những ánh mắt chứa đầy hi vọng. Máy kéo đặt trên boong thu lưới hẹp dần với sự trợ giúp bởi những đôi tay săn chắc sau bao ngày nhọc nhằn nơi biển khơi. Mẻ lưới thu được khoảng 1 tấn cá nục gai với giá bán khá thấp. Họ nhìn nhau lặng lẽ thở dài. Giàn lưới rê cũng chẳng thu được là bao khiến niềm hi vọng tan theo bọt nước.

Thuyền viên trên tàu cá anh Phong ướp lạnh hải sản trên biển. Ảnh: NVCC.

Thuyền viên trên tàu cá anh Phong ướp lạnh hải sản trên biển. Ảnh: NVCC.

Sau 3 đêm buông - kéo lưới, anh Phong cùng bạn chài thu được khoảng 3 tấn nục gai và ít cá, mực. Anh quay mũi tàu và mở hết tốc lực hướng về bờ. "Xăng dầu cao quá mà không có cá nên tạm về nghỉ, qua rằm tháng này tụi em đi tiếp. Chuyến này tốn hơn 1.000 lít dầu mà thu được bấy nhiêu, bán chỉ hơn 30 triệu đồng, lỗ là chắc", anh tâm sự.

Vừa bán xong hải sản tại cảng cá Thọ Quang (Đà Nẵng), ngư dân Nguyễn Dương cùng bạn chài vội mua nhiên liệu và thực phẩm quay ra khơi tiếp tục mưu sinh. Mọi người hết sức phấn khởi khi thu được khoản lãi hơn 110 triệu đồng sau 5 ngày đêm cơ sực trên sóng nước. Anh chăm chú nhìn về phía trước điều khiển tàu cá QNg-94841TS với công suất 450 mã lực hướng về phía mặt trời trong nắng mai.

Thuyền viên ngủ mê man trên sàn tàu sau những đêm thức trắng. "Nghề biển mệt lắm. Ban đêm ráng sức làm nên ngày ngủ bù cho lại sức. Xăng dầu giá cao nên phải làm cật lực hơn trước chứ không sợ lỗ vốn. Trúng nhiều cá ngon là phải chạy nhanh vào bờ để bán được giá cao...", anh tâm sự.

Chung sức vươn khơi

Bài liên quan

Hơn 10 năm trước, anh Ngô Thanh Phong đóng mới tàu cá hơn 1,1 tỷ đồng sau bao ngày mơ ước. Anh cho bạn chài mượn tiền hùn vốn mua giàn lưới rê trên 900 triệu đồng cùng nhau ra khơi. Tàu cập bến, họ bán hải sản rồi trừ chi phí và chi 30% lãi cho chủ tàu vào việc khấu hao, sữa chữa tàu, 70% còn lại chia đều theo tỷ lệ vốn góp.

Bởi có phần hùn nên bạn chài gắn bó, cùng chia ngọt sẻ bùi, nương tựa nhau trong những lúc đau ốm trên biển. Rồi, một bạn chài góp vốn khá lớn vào tàu và được anh Phong giao quyền điều khiển vượt sóng vươn khơi. Sau đó, anh cùng em trai chung vốn đóng mới tàu cá vỏ gỗ trị giá gần 4 tỷ đồng.

Cá cờ kiếm đánh bắt bằng lưới rê trên vùng biển Hoàng Sa. Ảnh: Thanh Kỳ.

Cá cờ kiếm đánh bắt bằng lưới rê trên vùng biển Hoàng Sa. Ảnh: Thanh Kỳ.

Bài liên quan

Thay vì kêu gọi góp vốn như trước, anh lắp đặt giàn đèn và sắm 2 giàn lưới hành nghề vây rút và lưới rê trên 1 tỷ đồng. Dẫu vậy, mỗi bạn chài vẫn được xem như có phần hùn mua lưới vì anh Phong vẫn chia lãi như trước.

"Bây giờ nhà nước hỗ trợ kinh phí mua nhiên liệu nên anh em không cần góp vốn nhưng vẫn nhận lãi như trước. Vừa rồi, có người bạn đi chung hơn 3 năm phải nghỉ việc, tôi biếu anh ấy 4 triệu đồng...", anh cho biết. "Năm ngoái dịch giã làm ăn thất bát nhưng anh em vẫn gắn bó với nhau tiếp tục ra biển", thuyền viên Trần Ngọc Hoành góp chuyện. 

Nhiều người ở làng chài Hải Tân gọi đùa gia đình anh Dương là hợp tác xã khai thác hải sản khi chung vốn 4 tàu cá công suất lớn. Mỗi tàu đều có nhiều phần vốn góp của con cháu và anh em. Hiện anh và người cháu cùng 10 thuyền viên đêm ngày miệt mài trên biển rộng với con tàu 450 mã lực mua từ 3 năm trước.

"Chiếc này có phần hùn của 3 anh em tôi và đứa cháu con chị gái, bạn chài góp vốn mua lưới nên ai cũng có phần ít nhiều. Cả 3 chiếc kia cũng vậy. Lỡ mình đau ốm thì cũng có người cầm lái ra biển đánh bắt chứ không cột tàu nằm bờ, dù giá xăng dầu ở mức cao. Bởi vì đâu chỉ riêng mình mà bạn chài cũng cần kiếm tiền để nuôi sống gia đình. Biển Việt Nam thì tụi tui cứ đánh bắt, từ Hoàng Sa, Trường Sa và những nơi khác. Bão tố trên biển còn vượt qua, giờ bão giá chẳng lẽ không vượt qua được để mưu sinh với nghề... ", anh tâm sự.

Dìu nhau qua hoạn nạn 

2 giờ sáng ngày 5/7/2022, thuyền viên trên tàu cá QNg-94713 và chủ tàu là anh Nguyễn Đức Thạnh nghe tiếng kêu la thảm thiết. Họ ngoái nhìn và chứng kiến cảnh tượng hết sức đau thương. Khi xay đá lạnh để ướp hải sản, ngư dân Lê Quốc Việt bị máy dập nát cánh tay phải. Mọi người xúm quanh băng bó vết thương nhưng nạn nhân mất quá nhiều máu nên bất tỉnh.

Những loài cá giá trị cao như thế này ngày càng hiếm trong mỗi chuyến biển của ngư dân. Ảnh: Thanh Kỳ.

Những loài cá giá trị cao như thế này ngày càng hiếm trong mỗi chuyến biển của ngư dân. Ảnh: Thanh Kỳ.

Lúc này, tàu cá anh Thạnh cách Đà Nẵng khoảng 60 hải lý về hướng đông bắc. Nhận tin qua Icom khi cách nhau chừng 20 hải lý, anh Phong vội gọi điện cầu cứu Trung tâm Tìm kiếm - Cứu nạn hàng hải Khu vực 2. Ngay sau đó, Trung tâm điều động tàu SAR 274 đưa ê kíp cấp cứu Bệnh viện 199 (Bộ Công an) đi cứu nạn. Khi cách bờ chừng 30 hải lý, các y, bác sĩ tiếp cận tàu cá của anh Thạnh và tiến hành sơ cứu rồi đưa nạn nhân sang tàu SAR 274 chuyển vào đất liền. Anh Việt được chuyển đến bệnh viện vào trưa cùng ngày và đã qua cơn nguy kịch.

Trước đó, sáng ngày 23/3/2022, thuyền viên tàu cá anh Phong là Ngô Viết Lộc bị trượt chân ngã từ trên mui xuống sàn. Vết thương chảy máu khá nhiều khiến anh khó thở và bất tỉnh. Nhận được tin báo, Trung tâm Tìm kiếm - Cứu nạn hàng hải Khu vực 2 hướng dẫn hải trình ngắn nhất vào đất liền. Đồng thời, kết nối thông tin đến Trung tâm Cấp cứu Thành phố Đà Nẵng để hướng dẫn cầm máu cho nạn nhân. Đến hơn 23 giờ cùng ngày, anh Lộc được các bác sỹ cùng nhân viên cứu hộ cấp cứu tại chỗ rồi chuyển sang tàu SAR 412 đưa vào bờ chuyển đến bệnh viện Đà Nẵng điều trị.

Sau thời gian điều trị, anh xuất viện về nhà nhưng chưa thể đi lại. Đại diện tổ đoàn kết đánh bắt trên biển và Nghiệp đoàn nghề cá Phổ Quang cùng nhiều ngư dân đến thăm hỏi, trao quà khiến anh vợi bớt nỗi đau. "Lúc đó, anh em và bà con đến thăm khiến em cảm động lắm. Em cảm ơn anh em bạn chài, y bác sĩ và nhân viên cứu hộ giúp đỡ trong lúc hiểm nguy...", anh Lộc bộc bạch.

Khó khăn, nhưng ngư dân vẫn luôn đoàn kết, quyết tâm bám biển. Ảnh: Thanh Kỳ.

Khó khăn, nhưng ngư dân vẫn luôn đoàn kết, quyết tâm bám biển. Ảnh: Thanh Kỳ.

Phổ Quang có 23 tổ đoàn kết sản xuất trên biển với 147 tàu cá tham gia. Nhiều tổ xây dựng quỹ tương trợ giúp ngư dân vượt qua khó khăn, thăm hỏi và trao quà cho thuyền viên bị nạn khi tham gia đánh bắt trên biển. "Tổ em có 12 tàu. Hàng tháng, mỗi tàu góp 200 nghìn đồng, đến nay được hơn 100 triệu gửi ngân hàng. Số tiền này để dành cho chủ tàu khó khăn mượn vốn mua ngư cụ hay thăm hỏi anh em lúc ốm đau", anh Phong thổ lộ.

"Bà con ở đây tốt bụng lắm. Ngư dân bị tai nạn, lâm vào cảnh ngặt nghèo là tụi tui đứng ra quyên góp, họ đều vui lòng ủng hộ", lão ngư Võ Xuân Cẩm, Ủy viên Ban Thường vụ Nghiệp đoàn nghề cá phường Phổ Quang cho biết thêm.

Biển cạn cá tôm, xăng dầu giá cao khiến những chuyến ra khơi nặng trĩu âu lo, cuộc sống vô cùng chật vật, nhưng ngư dân Phổ Quang vẫn bám biển mưu sinh như bao đời cha ông thuở trước...

Phổ Quang có trên 150 tàu cá tham gia đánh bắt trên các vùng biển xa được hỗ trợ kinh phí theo Quyết định số 48 của Chính phủ. 6 tháng đầu năm có 146 lượt tàu được hỗ trợ với số tiền gần 22 tỷ đồng. "Bà con phấn khởi lắm. Nhưng ngư dân phản ánh việc nhắn tin báo về bờ xác nhận chứng cứ làm cơ sở hoàn thành hồ sơ đề nghị hỗ trợ gặp khó khăn vì thường bị nghẽn mạng. Chúng tôi đề nghị cấp thẩm quyền loại bỏ quy định cần phải nhắn tin báo, chỉ sử dụng kết quả theo dõi trên hệ thống giám sát hành trình tàu cá để thuận lợi cho bà con tham gia đánh bắt trên biển", ông Huỳnh Xuân Bình, Phó Chủ tịch UBND phường Phổ Quang kiến nghị.

Xem thêm
Nghệ An: Tôm chết hàng loạt, nghi do bệnh mới

Tôm chết nhiều trên diện tích khoảng 25ha, trong đó phần đa xuống giống chưa được bao lâu. Đây là hồi chuông báo động đối với nghề hoàng kim một thời ở Nghệ An.

Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm