| Hotline: 0983.970.780

Nổi trôi với dân tàu thuyền sông Hồng, được xem là một thế giới khác

Thứ Ba 29/05/2018 , 14:17 (GMT+7)

Không có một con số thống kê chính thức về lượng tàu thuyền làm nghề vận tải trên sông Hồng suốt chiều dài hơn 500km trên lãnh thổ Việt Nam. Nhưng nhiều năm qua, thế giới tàu thuyền trên sông vốn được xem là một thế giới khác. 

PV NNVN có cuộc hành trình cùng với những chuyến tàu của dân tàu thuyền để ghi lại những gì chân thực nhất về đời sống của “thế giới khác” đó.

12-51-01_tuthuyen1
Xóm tàu thuyền trên sông

Những vật lộn mưu sinh, những thời khắc sinh tử, những bi kịch đau lòng... Không ngờ thế giới trên sông vốn tưởng chừng êm đềm lại có nhiều sóng ngầm đến vậy.
 

Rợn người qua “điểm chết”

Tự bao giờ bến thuyền ở nơi sông Đà hợp lưu với sông Thao ở mạn Trung Hà, giáp ranh giữa Hà Nội và Phú Thọ lại trở thành điểm tụ họp của rất đông dân tàu thuyền tứ xứ? Những người già trên sông cũng chỉ nhớ mang máng độ chừng 30 - 40 năm trước, thời đất nước đổi mới, thời đường bộ ngược xuôi các tỉnh miền Bắc còn khó khăn. Đó cũng là thời nghề vận tải sông rất phất. Nhiều nhất là mạn xuôi ở các tỉnh Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Hà Nội... dần dần lên các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Vĩnh Phúc... Những điểm đỗ tàu như ở đây nhan nhản khắp sông Hồng. Thành xóm, thành làng trên sông.

Đất nước đổi mới bao năm, đường bộ phát triển từ đường đất thành cao tốc rồi mà trên dòng sông này, vẫn những xóm tàu thuyền vẫn tạm bợ, vẫn những câu chuyện buồn khôn tả.

Xóm tàu thuyền Trung Hà nhìn biển số hiệu đủ biết toàn dân thập phương. Tàu từ Thanh Hóa ra, từ Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nội lên, trên mạn Tây Bắc về đều tề tựu, nối mạn nhau và chạy dài như một đoàn tàu Bắc Nam ở trên sông. Có thể chỉ một đêm, một vài hôm, hoặc cả tháng trời rồi lại ngược xuôi, tùy thuộc vào mực nước sông Hồng cao hay thấp. Ông lão Lê Quang Chất (75 tuổi), một người làm nghề tàu thuyền 20 năm, xuôi ngược gần như hầu khắp các dòng sông lớn bé ở miền Bắc nói với tôi: Đây là một thế giới biệt lập với trên bờ.

Cái khác mà ông Chất nói, dễ cảm nhận nhất là dân sông nước trọng tình. Bởi có vẻ như họ chưa nhiễm hết thói lưu manh, tha hóa của nhiều người trên cạn. Hay vì những vất vả mưu sinh, những cực nhọc của cái nghề này khiến họ thấu hiểu, đồng cảm với nhau, chia sẻ với nhau hơn? Có thể, nhưng chỉ một phần, bởi hóa ra “thế giới khác” mà ông lão này nói không chỉ có thế. Đó là bi kịch, là chết chóc, là mạng người rất mong manh.

Sau một đêm ở tại Trung Hà, tôi theo tàu ông Chất chạy xuôi. Tàu qua Vĩnh Thịnh, Sơn Tây, Chèm rồi về Thường Tín… Những lúc đường sông thông thoáng, ông Chất nói vui rằng cảnh sông nước này đang giúp ông nhàn nhã “dưỡng già”, nhưng nhìn khuôn mặt khắc khổ, nhìn sự còm cõi, ốm yếu, cực nhọc của tuổi già đang phơi hết ra thế kia thì chả ai tin được.

Một vài tuần trà ông mới kể, quê ông dưới vùng Giao Thủy (Nam Định), thuở trẻ theo người làng xuống sông là vì miếng cơm manh áo, cứ nghĩ, cố làm một thời gian rồi kiếm chút vốn nào đấy ổn định làm ăn, nào ngờ, lang bạt kỳ hồ tận những hai chục năm trời. Vợ cưới cũng trên sông, con cái đẻ trên sông. Nghề vận tải thủy vận vào ông đã đành, con cháu chưa tài gì dứt ra. Cả gia đình 3 thế hệ đều sống trên chiếc tàu đã cũ kỹ, xộc xệch. Ông bà có tận 5 người con, đều xuôi ngược ở các dòng sông nhưng không đứa nào khá giả.

“Làm cái nghề này, dính vào như kiểu bị lời nguyền ấy. Vất vả, khổ cực đã đành, mạng người mong manh như sợi tơ, sống chết đôi khi chỉ từ một cú sẩy chân. Đời sông nước của tôi không biết đã chứng kiến bao nhiêu cái chết, bao nhiêu thảm kịch. Tàu thuyền đâm nhau, tàu thuyền tự lật, người tự rơi xuống sông…”, ông Chất nói sau khi phả hơi thuốc lào trùm cả khoang lái và khẳng định thêm, có nhắm mắt cũng có thể nhớ chỗ này, chỗ kia, tàu nào có người bỏ mạng.

12-51-01_tu_thuyen_2
Tàu thuyền ken cứng trên sông Hồng
Người ta vẫn gọi sông Hồng là sông Mẹ, nhưng với cánh tàu thuyền, dường như rất ít khi họ cảm nhận được sự hiền hòa của dòng sông. “Nước sông Hồng bao giờ cũng đỏ nặng phù sa. Dòng chảy ngầm rất mạnh nên bất cứ thứ gì rơi xuống, trong nháy mắt đều mất hút. Chết mất xác cũng là nỗi khiếp đảm lớn nhất mỗi khi có tai nạn xảy ra”.
Ông Chất thoáng chút rùng mình và kể, ba năm trước, trong một đêm mưa gió, đứa cháu gọi ông bằng cậu đang nằm ngủ trông tàu chả hiểu lý do gì sáng hôm sau thấy tàu bị lật còn nó cũng mất tích luôn. Ròng rã ngày tháng sau đó gia đình huy động hết người, hết của kiếm tìm nhưng tuyệt nhiên không thấy tăm tích.
Hay như mới đây, một chủ tàu người Hưng Yên, đêm hôm đi vệ sinh trên tàu, bị tàu khác tông vào, biết chìm đấy nhưng bạn đồng hành trên tàu không có cách nào cứu được.
“Dạo xảy ra vụ Thẩm mỹ viện Cát Tường ở Thủ đô gây chết người vứt xác xuống sông Hồng, dân tàu thuyền xuôi ngược truyền tin nhau tìm từ cầu Thanh Trì xuống cửa Ba Lạt nhưng không thấy”, ông Chất nói. Về sau, người ta tìm thấy xác nạn nhân ở  bến đò Vân Đức, Gia Lâm, Hà Nội.

Chớm mùa cạn, tàu thuyền trên sông Hồng đã dồn ứ, ngắc nghẹn ở nhiều khúc sông, những nơi mà ông Chất gọi là “điểm chết” của dòng sông này. Đó thường là những khúc cạn bồi đắp hoặc những nơi vấn nạn khai thác cát sỏi tàn phá khiến dòng chảy bị biến đổi.

Có thời điểm phải mất cả ngày trời mới đi qua được. Dân ngoại đạo nhìn vào vẫn thấy tàu chạy trên sông vốn chậm nhưng đòi hỏi thuyền viên phải xử lý tình huống cực nhanh. Bởi chỉ cần sơ sẩy trong tích tắc cũng có thể tông nhau. Thảm khốc không kém tai nạn ô tô trên đường bộ.

Chỗ này là Vĩnh Thịnh, đầu năm nay ông chủ tàu bạn ông Chất bỏ mạng khi 2 tàu hàng đâm nhau, ngày hôm sau mới tìm thấy xác. Chỗ kia là Trung Hà nơi mới hôm qua tàu dồn nhau “gây tai nạn liên hoàn”.

Xuôi thêm một khúc nữa là nơi 2 mẹ con người Nam Định cùng đuối nước khi tàu lật… Có một khúc sông từ Trung Hà về đến Thường Tín nhưng ông Chất đã có thể chỉ cho tôi hàng chục điểm chết như vậy.

Lại còn nghe kể, tai nạn trên sông Hồng nhiều đến nỗi, dưới cửa Ba Lạt quê ông, nơi sông Hồng đổ ra biển, vớt xác thành một nghề.

Ngay cả bản thân ông Chất, những năm xuôi ngược không biết bao lần thoát chết trong những vụ tai nạn trên sông. Chìm thuyền có, tàu tông nhau có, người chi chít sẹo nhưng vẫn còn may là giữ được mạng.
 

Sợ hãi

“Sợ nhất là đám con nít. Chỉ cần chớp mắt cái có thể mất con ngay”. Ông Chất nói rồi chỉ sang mấy thuyền bên cạnh. Hầu như thuyền nào có trẻ con cũng đều phải bịt kín tàu hoặc sắm mấy cuộn dây thừng buộc chân chúng lại.

Thường dân sông nước đẻ khỏe, đẻ nhiều. Lắm người vợ cắt bú cho đứa trước chưa được bao lâu đã thấy người khang khác chuẩn bị đón đứa sau.

Trẻ con thường láo nháo. Nước sông Hồng màu phù sa đỏ quạch. Rơi xuống dòng xoáy cuốn đi rất nhanh. Dù giỏi bơi lặn đến đâu cũng khó mà tìm được.

Cạnh tàu ông Chất là tàu của 2 cặp vợ chồng người Thanh Hóa. Hai gia đình Nguyễn Văn Thành và Lê Tiến Luận có 4 đứa trẻ. Đều mới độ lững chững. Thường thì vợ chồng thay nhau lái tàu, thay nhau trông con.

Gặp lúc nước thuận, tàu phải chạy liên tục, đến giờ nấu cơm vợ Thành phải lấy dây thừng buộc chúng vào chân giường. So với trước đây, đời sống vật chất của dân tàu thuyền bây giờ đã hiện đại hơn nhiều.

Có điện, có phòng ngủ, có bếp ăn, có cả nhà vệ sinh… Đời sống tinh thần cũng khá khẩm hơn nhờ vào ti vi, điện thoại… Duy chỉ có điều, những rủi ro, những bi kịch mà dân sông nước phải đối mặt thì vẫn vậy. Những chuyện đau lòng thỉnh thoảng lại xảy ra, như một điều phải chấp nhận và đã được xác định từ trước.

“Không chủ quan được anh ạ”, Thành vừa nói vừa lấy xấp tờ rơi tìm người thân của một chủ tàu cũng trạc tuổi anh ở Phú Thọ nhờ phát cho những tàu thuyền trên sông. Tờ rơi ghi ngày 3/2/2018, khoảng 11 giờ 40, cháu Dương Khánh Phương (3 tuổi) con anh Dương Đức Hải (SN 1990) và chị Nguyễn Thị Thanh Hương (SN 1991) bị ngã từ tàu của gia đình đoạn bến phà Đức Bác. “Chỉ trong khoảnh khắc thôi, quay trước quay sau đã không thấy con đâu rồi. Gia đình đã huy động mọi phương tiện tìm kiếm nhưng không thể tìm thấy cháu”, Thành tiếp.

12-51-01_tuthuyen_3
Hiểm nguy luôn rình rập

Ngược xuôi tuyến sông Hồng này, mỗi năm những gia đình như Thành, Luận nghỉ về quê 2 lần dịp Tết và dịp Noel. Thời gian còn lại cả gia đình Thành lênh đênh xuôi ngược từ những nhánh sông vùng trung du miền núi này về đoạn cuối sông Hồng mạn Hưng Yên Nam Định…

Thế giới trên sông biệt lập đến nỗi ngay cả những dịch vụ sinh hoạt hàng ngày cũng không cần phải lên bờ. Tại những “ngôi làng” trên sông là những chợ nổi trao đổi hàng hóa. Những thương lái chạy xuồng chở theo đủ thứ hàng hóa, rau quả, vật phẩm, chai nước mắm, chai dầu ăn, bó rau muống… Thứ gì cũng có, nên có những gia đình thuyền viên cả năm chẳng đặt chân lên bờ lần nào.

 

Xem thêm
Việt Nam - bang California tăng cường hợp tác thực hành nông nghiệp bền vững

Ngày 16/5 (giờ địa phương), Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam gặp mặt và làm việc với Bộ Lương thực và Nông nghiệp bang California, Hoa Kỳ (CDFA).

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Vụ lật ghe trên sông Ba: Đã tìm thấy nạn nhân cuối cùng

Cơ quan chức năng đã tìm thấy nạn nhân cuối cùng trong vụ lật ghe trên sông Ba, tỉnh Phú Yên.